Nhà yêu nước Phan Bội Châu: 'Hùm sa bẫy' đất khách

Cụ Phan Bội Châu và Kỳ Ngoại hầu Cường Để
Cụ Phan Bội Châu và Kỳ Ngoại hầu Cường Để
(PLO) -Sau khi nước Việt rơi vào tay người Pháp cuối thế kỷ XIX, anh hùng, nghĩa sĩ nối tiếp nhau đứng dậy khởi nghĩa, bạo động, hòng mong lấy sự đoàn kết nhân tâm mà đánh đuổi ngoại bang. Bước sang đầu thế kỷ XX, trong làn gió mới về tư tưởng du nhập vào nước Nam cũ kỹ, cụ Phan Bội Châu trở thành một trong những tấm gương tiêu biểu cho khát vọng cứu nước. Và, dẫu kinh qua bao án tù của kẻ thù, nhà chí sĩ ấy vẫn cứ hiên ngang bước... 

Được đào tạo trong một nền giáo dục Nho học cũ kỹ, ấy nhưng Phan Bội Châu (1867-1940) vẫn vươn mình ra biển lớn, tìm đến những trào lưu tiến bộ của thời đại mà tìm đường cứu dân khỏi kiếp lầm than. Lẽ dĩ nhiên, nhà yêu nước đất Nam Đàn trở thành một trong những trọng phạm của thể chế thống trị bấy giờ.

Cả đời vì nước

Theo ghi chép trong “Việt Nam danh nhân từ điển”, cụ Phan Bội Châu, tục danh là San, tự Hải Thu, hiệu Sào Nam. Là con của cụ Tú Phan Văn Phổ và bà Phan Thị Thuấn. Nơi đất Nghệ, ngay từ thuở đầu xanh, Phan Sào Nam đã được nơi nơi biết tiếng. Không kính phục sao đặng khi năm 19 tuổi, vua Hàm Nghi phải xuất bôn vì kinh thành thất thủ, họ Phan với bầu máu nóng đã dám cùng với bạn học tổ chức một đội nghĩa quân, lấy hiệu cờ “Sĩ tử Cần vương”. 

Hiềm nỗi, lực lượng thì có, mà như lời cụ Phan thì “duy có binh lương khí giới chưa có cách tìm đâu cho ra. Vừa gặp lúc người Pháp đem đại binh tới hạ thành Nghệ An, rồi thừa thắng tiến binh đánh dẹp các phủ huyện. Đội quân của chúng tôi tổ chức, cả lương hướng súng đạn đều không có, thành ra chỉ trong giây lát, như bầy muôn chim vỡ lở tứ tán”, còn riêng họ Phan phải trốn tránh một thời gian, nhưng cái chí chọc trời khuấy nước đã rõ như ban mai buổi sáng rồi.

Sau đận ấy, bởi cha bệnh nặng, nên chàng trai trẻ ở nhà mà phụng dưỡng, lại kiêm cả việc dạy học trò, tính ra đến 9 năm. Nhận thấy, muốn lập thân, thì con đường cử nghiệp là nhanh hơn cả để gây tín nhiệm trong quần chúng, thế là Phan Bội Châu lại miệt mài đèn sách, như Thế Nguyên miêu tả trong “Phan Bội Châu thân thế và sự nghiệp” thì “San dốc chí học hành. Khắp miền Nghệ An, Hà Tĩnh, từ đây được nghe tăm tiếng San học giỏi văn hay. Mỗi kỳ thi hạch trong tỉnh, luôn luôn San giật giải quán quân”. 

Thế rồi, theo “Việt Nam nhân vật chí vựng biên”, khoa thi Hương năm Canh Tý (1900), Phan Bội Châu đậu thủ khoa trường thi Nghệ An. Chứng cứ ấy, còn rõ ràng trong “Quốc triều Hương khoa lục” khi trường Nghệ lấy đỗ 30 người. Tên Phan Bội Châu đứng đầu “Phan Bội Châu, người xã Đan Nhiễm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Đậu 34 tuổi”. Sau đận đăng khoa thi Hương ấy, duyên sách vở đến đó là dứt, họ Phan bắt đầu “cơn gió bụi” cuộc đời, bôn ba cứu nước. 

Trước khi xuất dương vọng ngoại, Phan Bội Châu giao thiệp với anh hùng Đề Thám nơi đất Bắc cùng những hào kiệt Bắc Kỳ khác. Lại tiếp sau đó năm Quý Mão (1903), bước chân họ Phan ruổi vào Trung Kỳ, kết nối với Tiểu La Nguyễn Thành, rồi một cuộc du lãm đất Lục tỉnh Nam Kỳ được tiếp nối. Mối kết giao cách mạng mở rộng, Duy Tân hội được thành lập, là cơ sở để họ Phan quyết ý cho việc xuất dương, cũng là sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy đang đón đợi. 

Cụ Phan Bội Châu khi ở Trung Hoa
Cụ Phan Bội Châu khi ở Trung Hoa

Án tử hình vắng mặt

Năm Ất Tỵ (1905), ở tuổi 38, Phan Bội Châu xuất dương sang Nhật Bản, một liệt cường châu Á dạo ấy. Nơi đất Phù Tang, họ Phan mở rộng mối giao tình tìm đồng minh giúp đỡ cách mạng Việt Nam, nào những người trong chính giới Nhật như Khuyển Dưỡng Nghị, hay cách mạng Trung Hoa như Lương Khải Siêu… 

Dần dà, họ Phan trở thành một trọng phạm của Nam triều cũng như của chính quyền bảo hộ nơi quê nhà. Tính ra, ít nhất ba lần, họ Phan bị án tuyên vắng mặt (khiếm diện). Năm 1908, bởi những hoạt động của Phan Bội Châu nơi đất Nhật ảnh hưởng to lớn đến chính trị nơi quê nhà, giới cầm quyền Nam triều gồm những Tuần phủ, Bố chánh, Án sát Hà Tĩnh đã họp hội đồng, mở phiên tòa hình sự, căn cứ vào Điều 204 của Hoàng Việt luật lệ (luật Gia Long), ngày 27/5/1908, ra án nghị. Theo đó, Phan Bội Châu bị tuyên án tử hình vắng mặt. 

Trong “Hồ sơ vụ án Phan Bội Châu”, PGS Chương Thâu cho hay “những bị cáo đang tại đào (như Phan Bội Châu) khi nào bắt được sẽ chịu hình phạt”. Nghĩa là sẽ đối diện với án tử bên mình. Án tuyên như thế, nhưng họ Phan còn ở xứ hoa đào xa xôi. Lúc này, Pháp – Nhật liên kết với nhau, dẫn tới phong trào Đông du tan vỡ, du học sinh và cách nhà cách mạng Việt Nam bị trục xuất. Họ Phan lại phải sang Trung Hoa, rồi sang Xiêm (Thái Lan).

Sau lần xử tử hình vắng mặt tại Hà Tĩnh, chính quyền Nam triều lại thực hiện tiếp phiên tòa tại đất Nghệ An xử “bọn Phan Bội Châu đi biệt xứ mà toan thầm làm sự nghịch”. Ngày 7/10/1910, dưới sự chủ trì của Tổng đốc và Bố chánh, Án sát Nghệ An, căn cứ Điều 224 luật Gia Long đối với tội mưu phản, phiên tòa này xử Phan Bội Châu tội trảm (chém), và tài sản bị kê biên. Trong khi ấy, họ Phan vẫn ung dung hoạt động nơi hải ngoại.

Duy Tân hội tan rã, cụ Phan lập Việt Nam quang phục hội. Để gây tiếng vang, hội cử người về nước ám sát Tuần phủ Thái Bình Nguyễn Duy Hàn ngày 12/4/1913, ném tạc đạn vào khách sạn ở Hà Nội ngày 26/4/1913. Từ mối nguy bởi hoạt động của Việt Nam quang phục hội, chính quyền thực dân mở phiên tòa đặc biệt do Hội đồng Đề hình tiến hành tại Hà Nội, Phan Bội Châu và Kỳ Ngoại hầu Cường Để cùng 7 người khác bị án chung thân. Ấy nhưng, họ Phan vẫn ngoài tầm kiểm soát của nhà cầm quyền. 

Tác phẩm Ngục trung thư
Tác phẩm Ngục trung thư

Lỡ bước đất Quảng Đông

Sự vụ bị bắt nơi đất Quảng Đông, muốn biết tường tận, nên đọc “Ngục trung thư” hoặc “Phan Bội Châu niên biểu” do chính cụ Phan tự thuật, ta sẽ tỏ tường hơn cả. Cứ như lời cụ Phan kể trong “Ngục trung thư”, thì mùa đông năm Quý Sửu (1913), lúc đó, cụ Phan đang ở Dương Thành (tức Quảng Châu, thuộc tỉnh thành Quảng Đông) thì gặp đúng dịp Toàn quyền Pháp A. Sarraut ở Đông Dương sang thăm Quảng Châu.

Nhân cái dịp tốt ấy, người Pháp mới được dịp mong phá quả bom nổ chậm là cụ Phan bấy lâu nay gây bao khó khăn cho công cuộc trị an của họ ở Việt Nam, hiện đang ở đất này, nên đề nghị nhà đương cục nơi đây, bắt và dẫn độ họ Phan về Đông Dương.

Biết nguy hiểm gần kề, cụ Phan cùng các đồng chí tìm đường rút. Hiềm nỗi, trong “Phan Bội Châu niên biểu”, cụ cho biết “nhưng khốn nạn quá, vì anh em xúm nhau còn gần 50 người, nếu tôi ra đi ngay thì đoàn ăn mày mất đoàn trưởng, cách sinh hoạt không biết thế nào xong, chỉ chờ bòn kiếm được ít nhiều tiền để cho anh em lục tục đi trước, hễ anh em đi xong thì tôi cũng bỏ Quảng Đông đi ngay”. Bởi canh cánh cho đồng chí, mà sinh mệnh cụ Phan mới lâm nguy là vì vậy.

Ngày 24/12 năm Quý Sửu (1913), Phan Bội Châu cùng người đồng chí, cụ Mai Lão Bạng bị bắt vào nhà ngục Quảng Đông. Thế là sau bao lần thoát lưới giăng của kẻ thù, giờ đây, nhà yêu nước như hùm sa bẫy. 

Vẫn theo lời kể của cụ Phan, nguyên do trực tiếp cho cơ sự phải ngồi ngục của cụ, ấy là bởi có tên Quan Nhân Phủ, người Quảng Đông, làm mật thám cho Pháp, được Pháp cho số tiền lớn, hắn liền tìm cớ hại cụ Phan, nói vu cho Phan Bội Châu định kết hợp với đảng Trần Quýnh Minh, rồi đem tin vịt ấy báo với Tổng đốc Long Tế Quang.

Long Tế Quang vốn đã muốn dẫn độ họ Phan cho Pháp, liền vin cớ ấy, bắt luôn nhà yêu nước Việt Nam. Vậy là cụ Phan trở thành trọng phạm, làm bạn với xà lim nơi đất khách, phận mỏng như chỉ mành treo chuông...

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.