Người thầy lưu gương sáng cho muôn đời

GS Đào Duy Anh và học trò
GS Đào Duy Anh và học trò
(PLO) -Là trí thức dấn thân, đồng hành cùng lịch sử, văn hóa dân tộc, dẫu nghiệp chính trị sớm tan như bong bóng xà phòng ngay từ thời tuổi trẻ, nhưng cũng là cái đại lợi để nhờ đó, chúng ta có được một học giả Đào Duy Anh với những công trình nghiên cứu để đời, có giá trị cao đối với quốc dân. 

Buổi ban đầu làm báo Tiếng dân, nhưng cùng với đó, Đào Duy Anh lại bước chân vào địa hạt đầy nguy hiểm: chính trị. Dẫu biết rằng sinh mạng có thể bị lụy bất cứ lúc nào trong hoàn cảnh nước nhà mất độc lập, tự do, kẻ thù hành động mọi cách để kìm kẹp quốc gia trong vòng nô lệ, đàn áp bất cứ một tổ chức, đảng phái, hoạt động nào đi ngược với đường lối “khai hóa” mị dân của chúng nhưng họ Đào không thờ ơ với vận nước. 

Tham gia chính trị

Cũng như đa phần trí thức Việt buổi giao thời cũ mới, buổi vận nước còn trong vòng lệ thuộc, họ Đào cũng từng tham gia chính trị khi tuổi còn trẻ. Ấy là năm 1926, theo hồi ký “Nhớ nghĩ chiều hôm”, khi đang tham gia để cho ra đời báo Tiếng dân, thì Đào Duy Anh được kết nạp vào Hưng Nam hội, sau đổi tên là Việt Nam cách mạng đảng, rồi Tân Việt cách mạng đảng. 

Với uy tín của bản thân, đến tháng 7/1928, họ Đào được cử làm Tổng Bí thư của Tân Việt cách mạng đảng. Việt liên hiệp, hợp nhất với Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội (tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam) sau đó không thành, nhưng cũng là tiền đề để vị học giả tương lai tiến bước dần trên con đường chọn lựa tư tưởng, hướng đi cho bản thân. 

Thuở ban đầu được tiếp xúc với các tác phẩm của các nhà triết học Ánh sáng Pháp, rồi sau đó qua việc tiếp xúc với sách báo của Đảng Cộng sản Pháp được đưa về nước qua các thủy thủ Việt trên tàu viễn dương, việc lập Quan hải tùng thư, dịch thuật nhiều tác phẩm về tư tưởng, đã hướng dần học giả họ Đào tới chủ nghĩa Mác. Những nghiên cứu sâu sắc về tư tưởng đã góp phần to lớn để tạo thành nền tảng lý luận khi ông dấn thân vào con đường nghiên cứu đầy gian nan và cũng gặt hái được nhiều quả ngọt. 

Thời gian cuối những năm 20 thế kỷ XX, tình hình chính trị nước Việt cực kỳ sôi động. Đầu tháng 7/1929, Đào Duy Anh bị chính quyền thực dân bắt tại Huế do sự chỉ điểm, phản bội của Tú Đàn và giam cho đến cuối năm 1930, cùng với án treo 3 năm.

Cũng chính từ đây, trong hoàn cảnh bị quản thúc, theo dõi, họ Đào đứng giữa ngã ba đường, và đưa ra quyết định cho quãng đời sau của bản thân khi “tôi nghĩ rằng có thể chọn con đường hoạt động văn hóa mà góp phần phục hồi cái sinh khí của dân tộc đang bị lu mờ dưới chế độ thống trị thực dân”. Và chính nhờ quyết định ấy, nhiều công trình có giá trị đã được ra đời từ sự nghiên cứu công phu của học giả họ Đào.  

Một số tác phẩm của GS. Đào Duy Anh
Một số tác phẩm của GS. Đào Duy Anh

Mang nghiệp vào thân

Với vốn kiến thức sâu dày cùng quá trình tự học không ngừng, lại thêm sự đầu tư, nghiên cứu nghiêm túc, công phu và nhãn quan khoa học sắc bén, học giả Đào Duy Anh đã góp phần khai phá, trồng tỉa mảnh vườn văn hóa, lịch sử dân tộc ngày một tươi đẹp. 

Ngay từ năm 1932, nhận thấy nền giáo dục nước nhà đang bị người Pháp chi phối, trong khi đó rường mối văn hóa đang bị lai căng, du nhập phương Tây, ông biên soạn nên “Hán Việt từ điển”, rồi tiếp đó là “Pháp Việt từ điển” năm 1936 để bạn đọc có tài liệu tra cứu. Đúng như nhận xét của GS. Phan Huy Lê, ở lĩnh vực này “Đào Duy Anh là một nhà từ điển học đặt cơ sở cho nền từ điển học hiện đại Việt Nam”. 

Kể từ năm 1938 về sau, học giả họ Đào lại chuyển hướng nghiên cứu sang địa hạt văn hóa, văn học với nhiều công trình để đời và có ảnh hưởng lớn trong học giới như Việt Nam văn hóa sử cương (1938); Khổng giáo phê bình tiểu luận (1938),; Trung Hoa sử cương (1942); Khảo luận về Kim Vân Kiều (1943)…

Nhưng sức làm việc, khả năng nghiên cứu của họ Đào nào đã dừng ở những địa hạt ấy. Mối quan tâm của ông nhiều nhất, chính là lĩnh vực sử học, bởi ông suy nghĩ “phải chuyên tâm nghiên cứu lịch sử vì chỉ có hiểu biết đầy đủ lịch sử dân tộc thì mới có thể chắt lọc ra đâu là những yếu tố truyền thống, đâu là những yếu tố ngoại lai”.

Những tác phẩm sử học của ông được xuất bản, đến nay vẫn được tái bản liên tục, chứng tỏ sức sống vững bền nơi giá trị học thuật của những công trình ấy, tỉ như: Lịch sử Việt Nam (1956); Cổ sử Việt Nam (1956); Lịch sử cổ đại Việt Nam (1957); Vấn đề hình thành của dân tộc Việt Nam (1957); Lịch sử Việt Nam tư nguồn gốc đến thế kỷ XIX (1958)… 

Đối với bất cứ ai làm công tác nghiên cứu khoa học, không từ khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội, chỉ cần công trình của mình để lại một dấu ấn nào đó, có giá trị mới nào đó, đã là một niềm vinh hạnh, tự hào của bản thân. Nhưng với riêng bản thân giáo sư họ Đào, hầu hết những công trình của ông, đều được học giới và bạn đọc đón nhận, cũng như ngưỡng mộ bởi những giá trị mới được ông tìm tòi, phát hiện. Đó là niềm vinh hạnh không dễ ai cũng có được. Mà đâu chỉ có thế…

Tượng cố học giả Đào Duy Anh
Tượng cố học giả Đào Duy Anh

Trên bục giảng và…

Không chỉ làm công tác nghiên cứu, học giả Đào Duy Anh còn là người thầy của nhiều thế hệ học trò thành danh về sau. Sau khi Cách mạng tháng 8/1945 thành công, ông được mời về giảng dạy môn lịch sử tại Đại học Văn khoa Hà Nội. Đến năm 1946, là thành viên của Ban vận động Đại hội văn hóa toàn quốc, rồi Trưởng Ban Sử - Địa thuộc Vụ Văn học Nghệ thuật của Bộ Giáo dục năm 1950. 

Tiếp đó, năm 1952, ông tham gia giảng dạy tại trường Dự bị Đại học đóng ở Thanh Hóa. Hòa bình lập lại 1954, ông về Hà Nội giảng dạy tại Đại học Sư phạm và Đại học Văn khoa Hà Nội. Ông chính là người đã tham gia đào tạo những khóa sinh viên đầu tiên của Khoa Lịch sử trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhiều người trong số họ về sau là những sử gia có tiếng tăm vào cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI như GS. Phan Huy Lê, GS. Trần Quốc Vượng, GS. Đinh Xuân Lâm…

Khi viết về thầy mình trong bài “Đào Duy Anh, hành trình gian truân của một nhà sử học”, giáo sư họ Phan đã bày tỏ sự thán phục của mình trong một hoài niệm dạo được thầy Đào Duy Anh giảng bài nơi trường Dự bị Đại học ở Thọ Xuân, Thanh Hóa: “Tại sân đình, thầy Đào ngồi trên ghế cao, không cần đèn, chậm rãi giảng bài bằng trí nhớ của mình. Sinh viên nhìn lên không thấy mặt thầy mà chỉ nghe giọng thầy qua lời giảng đều đều nhưng khúc chiết, sâu sắc”. 

Chọn cho mình một hướng đi riêng để lập thân, lập nghiệp, ấy nhưng quãng đời của học giả họ Đào cũng có lúc gặp sóng to gió lớn bởi thời cuộc khi vụ Nhân văn – Giai phẩm làm ông bị liên lụy, phải chuyển về công tác ở Bộ Giáo dục năm 1958, rồi sang Viện Sử học năm 1960.

Nhưng, trăng đã sáng dẫu mây che cũng vẫn sáng, với những đóng góp lớn lao cho văn hóa nước nhà, năm 2000, GS Đào Duy Anh được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh cho những công trình nghiên cứu của ông. Dù đã là người thiên cổ, nhưng danh tiếng và những đóng góp không mệt mỏi của học giả họ Đào, vẫn còn đó và mãi mãi được lịch sử ghi nhận...

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.