Một số kỷ lục 'đầu tiên' ở Hà Nội thời Pháp thuộc

Hình chụp khoảng 1890 từ trên Tháp cột cờ Hà Nội, nhìn về phía nam. Con đường lớn ngay giữa hình là đường Điện Biên Phủ ngày nay
Hình chụp khoảng 1890 từ trên Tháp cột cờ Hà Nội, nhìn về phía nam. Con đường lớn ngay giữa hình là đường Điện Biên Phủ ngày nay
(PLO) - Sau khi chiếm thành Hà Nội, quân Pháp ép triều đình nhà Nguyễn nhượng cho nước Pháp một khu đất ven sông Hồng với dấu mốc thỏa ước 31/8/1875. Không gì có thể báo trước một phố nằm ở ngoại ô toàn đầm lầy như phố Hàng Khảm (nay là Tràng Tiền) có ngày lại trở thành một trung tâm náo nhiệt của Hà Nội. 

Khu phố kiểu Pháp nảy sinh từ con đường đó mà không ở nơi nào khác vì con đường này trực tiếp nối khu Nhượng địa với Thành Hà Nội và với khu phố buôn bán. Diện mạo Hà Nội bắt đầu thay đổi từ đó.

Khách sạn đầu tiên, xe bốn bánh đầu tiên

Mười năm sau đó, những khách đầu tiên của khách sạn duy nhất tại Hà Nội năm 1884 để lại một bức tranh không mấy quyến rũ. Một tài liệu của Pháp viết: “Những ngôi nhà hình móng ngựa vây quanh một chiếc sân trông ra đầm, những vách ngăn bằng tre trát toócxi qua loa, mái rạ. Giữa mái và các vách có một khoảng trống 50cm để thông gió, nhưng các du khách tới Hà Nội vào tháng Hai với nhiệt độ 8 độ C vào ban đêm thấy  ngay rằng người ta nghĩ tới mùa hè quá sớm.

Các cánh cửa được thợ mộc bản xứ làm, những người còn chưa biết kỹ thuật ghép bằng đường soi và không có khả năng ghép khít các tấm. Các cửa sổ không có vít và được lắp cửa sổ con. Nếu muốn phòng ấm áp, bạn phải đóng các cửa sổ con, còn nếu muốn sáng phải mở hết chúng. Thành ra không thể đồng thời làm cho căn phòng vừa sáng vừa ấm áp”.

Khách sạn đầu tiên bằng gạch cho người châu Âu khai trương vào tháng 11/1885 ở phố Hàng Thêu (sau đổi thành phố Jules Ferry, nay là Hàng Trống), cạnh tòa báo Tương lai Bắc kỳ. Khách sạn có tên Đại Khách sạn (Grand Hotel), có “một phòng ăn 50 người, phòng bi da được nhập đầu tiên vào Hà Nội, tất cả được lắp kính và ban đêm sáng choang”.

Cuối cùng, cực kỳ tinh tế, “một phòng liệu pháp nước, ở đó vào ban ngày khách hàng có thể tắm bằng vòi hoa sen bất cứ lúc nào”. Chen giữa phố Hàng Thêu và hồ, chỗ sau này thành phố biến thành vườn hoa, Đại Khách sạn bố trí “một canô duyên dáng cho phép khách quen dạo chơi hoặc luyện tập sức khỏe”.

Ga Hàng Cỏ
Ga Hàng Cỏ

Từ năm 1884, đã có một số nhà nhỏ bằng gạch nhưng phần lớn người Pháp phải bằng lòng với những ngôi nhà lá đơn giản, nhà của người Hoa ở khu buôn bán, hoặc các ngôi chùa cổ. Vì thế, các thông tín viên của tờ Thời báo (Le Temps) và hãng thông tấn Havas (Agence Havas) năm 1884 phải ở trong một ngôi chùa ven hồ, còn Paul Bonnetain, thông tín viên tờ Figaro ở bờ bên kia. Để thăm nhau, các nhà báo qua hồ bằng thuyền.

Trong khu phố mới, con đường đầu tiên được quy hoạch là đường phố Hàng Khảm. Sau đó tới lượt phố Hàng Thêu và Hàng Bài, tức đại lộ Đồng Khánh (nay là Hàng Bài), đồng thời với các phố ở khu buôn bán. Chẳng bao lâu, đường Hàng Khay có thể đi bộ và đi ngựa riêng biệt.

Khi các đường phố có thể cho xe đi lại được, đầu năm 1884 trú sứ Bonnal cho nhập từ Nhật hai chiếc xe “djinn rickshaws”, trong đó một chiếc dành cho tổng đốc. Những chiếc xe đầu tiên kiểu này làm dân chúng kinh ngạc. Paul Bourde thuật lại: “Đám đông không biết phải làm gì khi thấy chiếc xe đi tới. Mọi người bỏ chạy trong khi chỉ cần tránh một bước”.

Sự ngạc nhiên còn lớn hơn khi xuất hiện xe khách công cộng (tramway) vào năm 1885. Với lối văn trữ tình, tờ Tương lai Bắc kỳ số ngày 22/8/1885 thông báo sự kiện trọng đại này như sau: “Sự đa dạng và tiện lợi của các con đường và các phương tiện giao thông luôn luôn cho thấy sự tiến bộ của tiến trình đi lên của một xứ sở hoặc của một dân tộc… 

Nhờ sáng kiến của chỉ huy trưởng, Hà Nội vừa mới được trang bị xe khách thường xuyên giữa khu Nhượng địa và Thành Hà Nội”.

Đó chỉ là một chiếc xe nhỏ do ngựa kéo chạy qua các phố Hàng Khay và phố Hội Truyền giáo (nay là phố Nhà Chung). Phố Hội Truyền giáo hẹp đến nỗi quyết định của cảnh sát ngày 28/7/1885 yêu cầu những người đi ngựa và xe cộ tránh đi cùng giờ với giờ xe khách chạy, một lệnh có trước quy định đường một chiều 40 năm.

Lường trước mọi chuyện, lệnh trên cũng cấm người lái xe khách cho ngựa phi nước đại và buộc phải bóp còi nhiều lần ở các giao lộ đông người qua lại.

Về xe cộ, cho tới năm 1886 ở Hà Nội chỉ có hai chiếc xe bốn bánh: “Một chiếc bằng gỗ kiểu Malabar de Colombo (một kiểu xe Ấn Độ) của Hội Truyền giáo để giám mục Hà Nội Puginier dùng. Một chiếc kiểu Victoria của viên chỉ huy Henri Rivière. Ông ta đã ra trận Cầu Giấy kinh hoàng trên chiếc xe này…  Sau này chiếc Victoria được bán đấu giá cho ông Coutel, nhà thầu khoán đầu tiên ở Hà Nội”.

Các tòa nhà hành chính đầu tiên

Hai giai đoạn quan trọng nhất trong quá trình phát triển khu phố Pháp là sự khai quang khu vực Hồ Gươm và việc xây dựng trên bờ Đông của nó các tòa nhà hành chính đầu tiên chuyển từ khu Nhượng địa ra.

Nhà thờ Lớn
 Nhà thờ Lớn

Junles Boissière nhận xét: “Giống như cô gái An Nam bỏ dần những bộ quần áo xấu xí nhuộm cunau (củ nâu) đẫm mồ hôi lao động, dân di thực chúng ta đã chứng kiến, năm này qua năm khác và gần như tháng này qua tháng khác, Hồ Gươm thoát khỏi vành đai cainha (cái nhà) bẩn thỉu và hiện ra trước mắt chúng ta trong sự tô điểm mới, trẻ trung trong khung cảnh hoa và lá”. 

Năm 1884, hình thành dự án đường quanh hồ và tờ Tương lai Bắc kỳ số ngày  15/4/1885 thông báo bắt đầu san nền để thực hiện dự án. Việc thực hiện dự án đòi hỏi nhiều năm vì phải tiến hành nhiều vụ san lấp lớn và giải tỏa dân cư. Sơ đồ từng phần của con đường này chốt lại ngày 5/5/1888.

Quyết định chuyển các cơ quan hành chính, cho tới lúc này vẫn còn nằm sau các lũy công sự trong khu Nhượng địa, ra trung tâm khu phố Pháp được ký vào ngày Paul Bert tới Bắc kỳ. Cuộc đấu thầu đầu tiên được tiến hành vào ngày 27/4/1886.

Cuộc đấu thầu chỉ được đáp ứng bằng những tiền dự án không đáng kể. Thế là mẫu nhà do ngành công chính nghiên cứu ngay lập tức được Paul Bert chấp nhận và đưa ra đấu thầu vào ngày 26/5/1886. Hai nhà thầu Vezin và Huardel trúng thầu bốn tòa nhà.

Dự án ban đầu dự kiến các tòa nhà không có lầu và tầng trệt cao 2,5m so với nền đất. Theo đề nghị của kỹ sư Getten, giám đốc công chính, Paul Bert quyết định thay đổi 2,5m thành 4,5m và vẫn là nhà trệt có hiên, lò sưởi và cửa kính. Thiết kế này làm tăng diện tích sử dụng lên gấp đôi và làm tốn thêm 22.000 franc chưa kể phí san lấp một khối lượng ước khoảng 20.000m3. Khi đó đất tự nhiên ven hồ “bị xẻ và ngập nước”.

Một tòa nhà trên phố Hàng Trống
Một tòa nhà trên phố Hàng Trống

Các tòa nhà được hoàn thành vào cuối năm 1887 và năm sau khu đầm lầy ngăn cách các ngôi nhà được san lấp để xây dựng công viên Paul Bert. Trong bốn ngôi nhà, hai ngôi hiện nay vẫn còn tuy có thay đổi chút ít là tòa Thị chính và Kho bạc. Hai tòa nhà kia, nhà Bưu điện và tòa thống sứ Bắc kỳ được xây dựng lại trên một diện tích rộng hơn.

Đồng thời với việc trở thành trung tâm hành chính và thương mại, khu phố mới còn phát triển về phía Bắc bằng cách san lấp một số đầm hẹp giữa Hồ Gươm và sông Hồng để xây dựng nhà cho công chức thuê, về phía Nam bằng cách xây dựng đại lộ Gambetta (nay là Trần Hưng Đạo).

Sau này vào lúc sáng sớm người ta thấy đường này to rộng nhưng năm 1888 nó bị người ta chế nhạo “đại lộ trứ danh này chẳng phục vụ ai, chẳng đi tới đâu, ít người qua lại đến nỗi biến thành rú và những cainha (cái nhà) dọc hai bên phố từng chỗ bị dân chúng bỏ hoang và rơi vào đổ nát”.

Một biện pháp khác được đề ra bằng nghị định của công sứ Hà Nội ngày 26/12/1886: trong thời hạn một năm các nhà lá nằm trên phố Paul Bert, phố Triển lãm (Exposition), phố Hàng Thêu phải phá hủy và thay bằng nhà gạch lợp ngói. Vài ngày sau, ngày 15/1/1887, một khoản tín dụng được chấp thuận cho phó công sứ Hà Nội để lát vỉa hè phố Paul Bert với mép bằng gạch.

Chợ Đồng Xuân
Chợ Đồng Xuân

Ngày 9/7 cùng năm, người ta tiến hành treo ở phố Paul Bert hai tấm biển báo khám xà cừ do một viên quan tỉnh tặng để kỷ niệm cố tổng trú sứ. Ngày 14/1/1888, tờ Tương lai Bắc kỳ thông báo: “Trong vài ngày nữa, tất cả những nhà lá ở phố Paul Bert và phố Hàng Thêu sẽ hoàn toàn biến mất; ngoài ra chúng ta sẽ được chứng kiến sự biến đổi của khu phố này: Khắp nơi là nhà gạch sang trọng, các cửa hàng đẹp sẽ mọc trên những khu đất ngày xưa là những điểm dân cư luộm thuộm, hay ổ của hỏa hoạn và dịch bệnh”.

Những cuộc đua thuyền đầu tiên

Muốn biết cuộc sống ở Hà Nội lúc đó như thế nào phải đọc hồi ký của một người sống vào thời đó, ông Piglowski: “Cuộc sống không đắt đỏ lắm ... Tình thân ái ngự trị trong các mối quan hệ giữa các thành viên của cộng đồng người Pháp trong thành phố. Không có điệu bộ, không có kiêu căng ... Đó là một thời đẹp đẽ”.

Mọi sự cầu kỳ về quần áo bị loại bỏ thẳng tay. Ngay phụ nữ, tuy còn hiếm, cũng tự nhiên tới hiệu cà phê trong bộ áo choàng đi ngủ còn nam giới trong bộ lòa xòa”. Ông Piglowski kể lại chuyện không may của một tùy viên trẻ tuổi làm việc trong văn phòng của Paul Doumer. Anh này tới hiệu cà phê Beira với sơ mi hồ hột và ca vát lụa đã được đón tiếp bằng những tiếng la ó đến mức phải quay về thay quần áo và trở lại trong bộ đồ ngủ.

Không nhiều nhưng các trò tiêu khiến hoàn toàn không thiếu. Không chỉ các buổi dạ hội chính thức trong khu Nhượng địa và những cuộc đua ngựa trong Thành Hà Nội. Thử nghiệm đầu tiên về sân khấu được thực hiện vào năm 1885 trong một lán gỗ nằm giữa hồ và xưởng phát diện. Biên tập viên tờ Tương lai Bắc kỳ viết: “Buổi trình diễn đầu tiên diễn ra vào ngày thứ hai 16/3/1885, tôi phải nhấn  mạnh ngày này vì tư nay trở đi nó thuộc về lịch sử sân khấu Hà Nội... 

Mọi người tập trung trong khoảng 100m2 của căn phòng, tường bằng liếp, mái rạ, sàn bằng đất nện nhưng trang trí lịch sự theo kiểu châu Á. Các diễn viên của chúng ta càng xứng đáng vì họ hoàn toàn thiếu những dụng cụ cần thiết nhưng nhiều khi không tránh khỏi quên lời thoại và nội dung hoàn toàn ngược với trang trí”.

Một khách sạn cuối thế kỷ 19
Một khách sạn cuối thế kỷ 19

Nhóm kịch có hai diễn viên chuyên nghiệp là vợ chồng ông Deschamps, họ được một số diễn viên nghiệp dư có nhiệt tình phụ trợ. Nhóm này được đánh giá “mang lại sự cách tân sân khấu khi xây dựng một nhà hát kiểu Pháp ở Bắc kỳ...”. Tuy nhiên, điều này không ngăn được sự tuyên bố thất bại của nhà hát Deschamps vào ngày 21/3/1886, gần đúng một năm sau buổi diễn dầu tiên.

Các cuộc đi dạo cực kỳ hạn chế vì các toán cướp đi lại trong các khu liền ngay với thành phố nhưng đã được thay thế bằng bơi thuyền, một việc có thể thực hiện tốt ở Hồ Gươm cũng như Hồ Tây. Năm 1883, cao ủy Harmand khai trương việc đua thuyền trên Hồ Gươm bằng một chiếc thuyền độc mộc mười người chèo có chỗ ngồi thoải mái che bằng mái nhẹ.

Các nhà báo Paris trọ trên bờ Hồ Gươm mỗi người có một chiếc thuyền, ngoài ra còn có hai chiếc canô dành cho khách của Đại Khách sạn ở phố Hàng Thêu như nói ở trên. Mỗi năm vào ngày 14/7, người ta tổ chức thi thuyền độc mộc và thuyền thúng cho dân bản xứ, mỗi đội có màu áo riêng. Điểm xuất phát là đảo Ngọc Sơn. Mỗi thuyền, ngoài các tay chèo và người bẻ lái còn có một người đánh trống.

Là thủ đô của Đông Dương trong tương lai, ngay từ buổi ban đầu Hà Nội đã mở ra sự tôn thờ các giá trị tinh thần: Nếu Viện Hàn lâm Bắc kỳ chưa đáp ứng được những gì Paul Bert mong đợi thì Ủy ban Nghiên cứu Nông Công Thương đã có những phiên họp vào năm 1886 và 1887. 

Một trong những dấu mốc khác là nhà in; và một trong những cửa hàng đặc biệt tại phố Hàng Khảm là hiệu sách. Đó là những dấu hiệu văn hóa. Từ năm 1886, Gillet mở một phòng đọc sách với giá hai đồng một tháng hoặc hai mươi xu mỗi cuốn. Năm 1888, nhà Schneider cho thuê một phần sách trong hiệu sách của mình với cùng biểu giá.

Một đường phố ở Hà Nội trước khi bị phá đi xây phố Tây
Một đường phố ở Hà Nội trước khi bị phá đi xây phố Tây

Để thành phố có thể phát triển thoáng hơn, cần phải có một quy chế tự trị về hành chính và lãnh thổ. Hai yêu cầu này sau đó đã được thực hiện vào năm 1888 bởi nghị định 19/7 của toàn quyền thành lập hội đồng thị chính và đạo dụ ngày 3/10 mở rộng khu nhượng địa ra toàn Hà Nội. Một người Pháp thời đó nhận xét: “Thành phố cổ An Nam từ đó trở đi là một thành phố hoàn toàn Pháp, nhanh chóng cuốn vào nhịp điệu cuộc sống hiện đại”. 

Theo một thỏa ước năm 1874: “Chính phủ An Nam cam kết về nguyên tắc cấp một miếng đất thích hợp gần sông để xây dựng trên đó khu nhà cho trú sứ Pháp và tùy tùng. Mảnh đất này sẽ phải sát vị trí mà chính phủ An Nam sẽ bố trí cho các thương nhân Pháp sử dụng sau hiệp định. Việc lựa chọn địa điểm và tất cả những gì liên quan tới địa điểm này sẽ diễn ra sau giữa thống đốc Nam kỳ và sứ thần An Nam”.

Các nội dung trên được khẳng định bằng các điều 12 và 13 của hiệp ước 15/3/1874. Hiệp ước này cũng thừa nhận những người có quốc tịch Pháp và nước ngoài có quyền mở hiệu ở Hà Nội, Hải Phòng, Quy Nhơn.

Ban đầu, kích thước khu Nhượng địa tại Hà Nội để làm chỗ ở cho lãnh sự và các nhân viên được ấn định là năm mẫu, tức là khoảng 2,5ha. Mặc dù vị trí miếng đất không được xác định rõ ràng trong hiệp ước nhưng người Pháp đã nhắm vào “khu đất một chiều bị kẹp giữa sông và các lũy một chiều bị kẹp giữa các phố Hang-Cau và Thach-Thi”, tức là một chiều bị kẹp giữa bến Clémenceau (nay là đường Trần Nhật Duật) và đại lộ đô đốc Courbet (nay là Lý Thái Tổ) một chiều bị kẹp giữa phố Fellonneau (nay là Hàm Tử Quan) và phố Pháp quốc (rue de France, nay là đoạn trên phố Tràng Tiền từ Nhà Hát lớn tới phố Trần Quang Khải).

Sau nhiều lần mặc cả, tổng diện tích của khu Nhượng địa lên tới 185.085m2. Toàn bộ phần phía Tây là một cái đầm, trên đó sau này người ta đã xây dựng trường đại học và nhà hát (Nhà Hát lớn hiện nay). 

Nước dâng năm 1884 làm sạt lở bờ khu Nhượng địa trên một chiều dài 3km rộng 60m. Kỹ sư Pavillier được gọi ngay từ Nam kỳ ra để nghiên cứu cách khắc phục. Hệ thống phòng chống lũ của ông bảo vệ khu Nhượng địa, trực tiếp “nhờ ốp đá trên một móng đá vững chắc chạy dài 400m” và, gián tiếp bằng cách đẩy dòng chảy từ bờ phải sang bờ trái “nhờ một con đê dọc sông có thể ngập lúc nước cao nhất và được xây dựng ở phía thượng lưu thành phố trên mặt các giải cát, theo như quan thuế cho biết, có thể để con đê bám vào được”.

Đá bỏ móng được lấy từ công trường đá Kẻ Sở, cách Hà Nội 89km về phía Nam. Các công trình bắt đầu từ năm 1885. Hơn 8.000m3 đá được  vận chuyển trước tháng Sáu mặc dù có những khó khăn và chậm trễ do phải dùng thuyền. Con đê ở phía thượng lưu được hoàn thành trước mùa lũ năm1885 và dòng chảy, thay vì xối vào khu Nhượng địa ở bờ phải, từ nay trở đi đổ vào bờ trái. Dần dần, một dải cát được hình thành

Việc xây dựng phố trong khu Nhượng địa bắt đầu vào thời Paul Bert. Được bổ nhiệm làm Tổng Trú sứ Trung – Bắc kỳ tháng 1/1886, Paul Bert tới Hà Nội vào tháng Tư. Ngày 13/7/1886, có quyết định mở một khoản tín dụng quan trọng để mở rộng và nối dài hai đầu đại lộ Bắc – Nam, sau này là phố Thống chế Galliéni (nay là phố Phạm Ngũ Lão), và mở một con đường mới theo hướng Đông – Tây chạy từ đê tới phố Laubarède (nay là Đặng Thái Thân). 

Bị kiết lỵ, Paul Bert chết ngày 11/11. Paulin Vial, người kế nhiệm Paul Bert, hoàn thành các công trình đường xá trong khu Nhượng địa bằng cách lát vỉa hè giữa hai hàng cây của đại lộ Bắc – Nam và mở một con đường nối đường Đông – Tây với khu phố Paul Bert.

Công tác mở rộng và chỉnh trang tòa thống sứ được thực hiện vào năm 1887. Vài tháng sau khi hoàn thành, tòa tổng trú sứ trở thành dinh toàn quyền. 

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.