Lắng nghe gốm sứ “kể chuyện”

Các sản phẩm gốm, bao nung tìm thấy trong đợt khai quật di chỉ khảo cổ Chu Đậu gần đây.
Các sản phẩm gốm, bao nung tìm thấy trong đợt khai quật di chỉ khảo cổ Chu Đậu gần đây.
(PLO) - Trong ngành kỹ nghệ Việt Nam, gốm ra đời sớm nhất, trước cả chế tác đồ đá. Cũng vì thế, đối với nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật, đồ gốm chính là minh chứng cho một chuỗi phát triển của dòng chảy mỹ thuật.
Giải oan cho gốm Chu Đậu
Gốm cổ trong dòng chảy phát triển, quá trình tìm kiếm và cả những câu chuyện thật giả  có một sức hút lạ kỳ với người yêu gốm. Là một trong những chuyên gia đầu ngành về gốm và cổ vật, TS Nguyễn Đình Chiến, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã chia sẻ những quan điểm về gốm trong dòng chảy đương đại thông qua những chuyến thực địa của ông trong nhiều năm lăn lộn, trải nghề.
Ở mỗi thời kỳ, những hoa văn, chất liệu và tạo hình chính là đặc điểm để gốm Việt tự kể câu chuyện về thời đại của chúng. Thời Lý-Trần (thế kỷ XI-XIV) ghi dấu ấn với dòng gốm men trắng, men ngọc, men hoa nâu, men lục và đặc biệt cuối thế kỷ XIV xuất hiện dòng gốm hoa lam. Từ thế kỷ XVI kéo dài đến niên hiệu Vua Gia Long đầu thế kỷ XVIII có dòng gốm men rạn Bát Tràng…
Và cùng với dòng lịch sử đó, PGS.TS Nguyễn Đình Chiến đã dùng gốm là phương tiện khám phá quá khứ, coi đó là phương thức để tìm câu trả lời cho những vấn đề mang tính thời đại. Là một nhà khoa học, ông trân quý gốm như là thành tựu của quá khứ và với ông, gốm đã góp phần tạo nên quá khứ. 
Trong lịch sử, gốm Chu Đậu Việt Nam đã từng bị hiểu lầm một cách đầy oan ức là gốm Trung Quốc. Cho đến khi được các nhà nghiên cứu chuyên sâu phát hiện và ra tay “giải cứu”, gốm Việt mới được “minh oan”, trong số đó có PGS.TS  Nguyễn Đình Chiến.
Những năm 80, 90 thế kỉ trước, Chu Đậu (Hải Dương) vẫn được coi là làng nghề sản xuất chiếu, cói, không ai biết đây đã từng là một làng nghề gốm đặc sắc. Cho đến khi có một số người đi tìm hiểu, khi ngồi nghỉ ở một bờ ao trong làng thì bị trượt chân phải bám vào vách đất. Không ngờ vách đất lở ra để lộ rất nhiều sản phẩm gốm cổ đã bị chôn vùi từ rất lâu. 
Sau khi nghiên cứu, nhà khảo cổ Tăng Bá Hoành, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hải Dương cho rằng nơi này rất có thể ngày xưa đã từng là một làng nghề gốm thủ công. Đến năm 1986, việc khai quật được tiến hành. 
Chiếc bình gốm Chu Đậu được làm nhái khá nhiều.
Chiếc bình gốm Chu Đậu được làm nhái khá nhiều. 
Khi khai quật, người ta đã phát hiện ra hàng ngàn cổ vật gốm vô giá ở dưới độ sâu khoảng 2m. Từ đó đến năm 1991, nhiều cuộc khai quật nữa đã lại được tiến hành và rất nhiều những sản phẩm gốm độc đáo, đặc sắc tiếp tục được tìm thấy. Đến khi đó người dân Chu Đậu mới biết rằng từ xa xưa, trên vùng đất này đã hình thành nên một thương hiệu gốm cổ nổi tiếng. 
Trong tư liệu nghiên cứu của nhiều nhà sử học, trước đây Chu Đậu là làng sản xuất gốm đại trà, nhưng sau đó do cuộc chiến Lê  Mạc, cả làng bị san phẳng và nghề gốm ở nơi đây đã bị thất truyền. 
Theo TS Nguyễn Đình Chiến, có hai đặc điểm để khẳng định gốm Chu Đậu là của Việt Nam: kỹ thuật làm gốm men của Việt Nam và Trung Quốc độc lập và khác biệt; mối quan hệ và sự ảnh hưởng về phong cách giữa gốm Chu Đậu và gốm hoa lam lò Cảnh Đức Trấn, tỉnh Giang Tây (Trung Quốc). 
Thậm chí, một số sản phẩm gốm tinh xảo trong nước bị nhiều người tưởng của Trung Quốc (thực chất lại là gốm Chu Đậu). Như vậy có thể thấy, ngay từ thế kỷ XVI, nghệ thuật gốm Chu Đậu đã đạt đến trình độ rất cao.
Con đường gốm sứ trên biển Đông
TS Nguyễn Đình Chiến chia sẻ, từ những năm 70 của thế kỷ XX, chúng ta đã biết đến những đồ gốm sứ Việt Nam qua các phát hiện tàu cổ bị chìm ở vùng biển Đông Nam Á. Những đồ gốm sứ Việt Nam thường được tìm thấy cùng đồ gốm sứ Trung Quốc và Thái Lan. Tuy nhiên, chúng ta chưa thấy có một con tàu nào chỉ chuyên chở riêng đồ gốm sứ Việt Nam. 
Trong khi đó, nhiều bảo tàng trong khu vực Đông Nam Á và Đông Á công bố những sưu tập gốm sứ Việt Nam xuất khẩu có chất lượng cao. Điều đó chứng minh rằng đã có nhiều đồ gốm Việt Nam được xuất khẩu ra khu vực này từ những thế kỷ trước. 
Tước hình chim vẹt (gốm hoa nâu thời Lý) thế kỷ XI - XIII
Tước hình chim vẹt (gốm hoa nâu thời Lý) thế kỷ XI - XIII 
Mãi cho tới năm 1997, việc phát hiện và khai quật tàu cổ Cù Lao Chàm (Quảng Nam) mới cho phép khẳng định dấu ấn thời kỳ đồ gốm sứ Việt Nam xuất khẩu thịnh vượng nhất. Số lượng cổ vật thu được trong con tàu trên 240.000 chiếc, chủ yếu là đồ gốm sản xuất tại Chu Đậu (Hải Dương) và Thăng Long (Hà Nội). 
Chúng tôi cho rằng hiện vật gốm sứ trong tàu cổ Cù Lao Chàm đã phản ánh rõ nét sự phát triển mạnh mẽ của các loại đồ gốm xuất khẩu với loại men, kiểu dáng và hoa văn rất phong phú, đặc sắc, đóng góp tích cực vào truyền thống riêng biệt của gốm Việt Nam.
Việc khai quật tàu cổ Cù Lao Chàm đã mang lại nhiều giá trị khoa học to lớn. Qua sưu tập gốm sứ tàu cổ Cù Lao Chàm với khối lượng tài liệu đồ sộ, bao gồm các dòng men đã đóng góp cho giới nghiên cứu nhiều hiểu biết mới, ngày càng đầy đủ hơn về lịch sử gốm sứ Việt Nam. Dòng gốm phong phú nhất là hoa lam, hoa lam kết hợp với vẽ nhiều màu qua lần nung thứ hai rất đáng được lưu ý. Lần đầu tiên xuất hiện nhiều đồ gốm men, loại vẽ nhiều màu, men trắng mỏng, men ngọc, men lam tím, kết hợp với vẽ vàng kim trên men. 
Tạo hình và trang trí trên đồ gốm Cù Lao Chàm cũng là một cuộc đối thoại với thiên nhiên. Nhiều đề tài trang trí độc đáo và mới lạ, tạo nên một mảng màu sinh động của hàng hóa gốm sứ Việt Nam, đủ tầm vươn xa chiếm lĩnh thị trường trước cường quốc gốm sứ Trung Quốc. 
Các dòng men, sự đa dạng và phong phú về trang trí của đồ gốm sứ Việt Nam trong tàu Cù Lao Chàm sẽ còn tiếp tục nhận được sự quan tâm của giới nghiên cứu trong và ngoài nước. Hơn thế nữa, những phát hiện này còn khẳng định tuyến đường biển lịch sử nối liền châu Á với châu Âu từ nhiều thế kỷ nay.
Ngoài tàu Cù Lao Chàm, TS Nguyễn Đình Chiến cũng chia sẻ câu chuyện khá thú vị khi chỉ đạo khai quật tàu cổ ở Bình Thuận. Trong một lần khai quật, một chuyên gia người Úc phát hiện được rất nhiều lớp đĩa xếp chồng ở dưới đáy biển và đã định bỏ đi vì không có giá trị về mặt kinh tế, tuy nhiên, ông vẫn yêu cầu thợ lặn vớt hết số đĩa này lên. 
Và khi một thương nhân người Pháp mua lại, ông này đã phân loại và xử lý, phát hiện được một lượng đĩa gốm sứ thời Minh, có thể tận dụng rất tốt làm đồ gia dụng. 
TS Nguyễn Đình Chiến cho biết, vấn đề đặt ra là chúng ta chưa hiểu rõ hết giá trị của gốm. Nhiều khi, chúng ta chỉ coi trọng tính nghệ thuật mà quên đi gốm vốn được làm ra để phục vụ cuộc sống. Nếu không có sự can thiệp của thương nhân người Pháp thì số đồ gốm này đã bị bỏ phí một cách đáng tiếc.  
Và nỗi buồn… “đồ giả” như “cổ”
Sau nhiều năm nghiên cứu về gốm cổ, giám định một vụ buôn bán trái phép ở TP.HCM, ông có gặp một lô hàng đĩa gốm sứ hoa lam. Lô hàng này được làm giả theo chính những mẫu gốm thuộc thời Minh ở tàu cổ Bình Thuận. Điều bất ngờ ở chỗ, theo đánh giá của các nhà chuyên môn thì họ làm giống đến 80-90%. 
Đối với gốm cổ, khi chế tác nghệ nhân đặt lên cát để kê nên các sản phẩm đều có đặc tính là phần đáy dính chặt cát. Tuy nhiên, người làm giả lại chỉ dùng… keo 502 để gắn cát vào. Truy ra thì biết lô hàng này xuất xứ ở một lò gốm ở Bắc Giang, nghệ nhân này đã cất công sang các lò gốm ở Trung Quốc để mang nguyên liệu và học tập kỹ thuật làm gốm tại đó. Từ hoa văn cho đến màu sắc men thì hoàn toàn giống bản gốc tới kinh ngạc.
Theo nhận định của TS Nguyễn Đình Chiến, ngay tại Bát Tràng, trung tâm gốm của cả miền Bắc, cũng có những món đồ giả cổ theo phong cách thế kỷ 17 rất tinh xảo. Điều này cho thấy xu thế làm giả cổ ở Việt Nam đang dần trở nên thịnh hành và đạt đến trình độ tương đối cao. Thay vì sản xuất ra một sản phẩm mới, các nghệ nhân lại chú trọng vào việc làm giả cổ vì bỏ ra ít vốn nhưng thu lời cao hơn. 
Việc này cho thấy một xu thế của công nghiệp gốm đang ngày càng bám sát nhu cầu thị trường, nhưng nó cũng bộc lộ một mặt trái, đó là sự sáng tạo đang dần bị bào mòn, TS Nguyễn Đình Chiến cho biết.
Có thể nói, vẻ đẹp của gốm mãi mãi trường tồn còn đời người thì hữu hạn. Phải chăng, cách chúng ta giải thích gốm, si mê gốm mới khiến chúng ta thành vô hạn trong lịch sử…/.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.