Hẩm hiu nghề gò chiêng đất võ

Dụng cụ gò chiêng bị thời gian phủ bụi.
Dụng cụ gò chiêng bị thời gian phủ bụi.
(PLO) -Chế tác hoàn toàn thủ công với chất lượng không chê vào đâu được, chiêng Mỹ Thạnh của đất võ Bình Định đã một thời “làm mưa làm gió” núi rừng Tây Nguyên, góp phần tạo nên văn hóa cồng chiêng của đồng bào đại ngàn. Tiếc rằng, nghề chế tác chiêng Mỹ Thạnh giờ đây chỉ còn là ký ức ngậm ngùi về một thời vang bóng…

Xóm chiêng bên bờ sông Côn

Theo chân người bạn, tôi tìm về xóm chiêng Mỹ Thạnh (xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn, Bình Định) trong cái se lạnh mùa đông. Phải chạy vòng qua mấy con đường làng quanh co mới gặp được hậu duệ chân truyền gốc thợ chiêng Mỹ Thạnh, nghệ nhân Nguyễn Văn Cư. Anh là đời thứ 4 nối nghiệp gò chiêng.

Người đem nghề gò chiêng về vùng đất ven bờ sông Côn này là cụ Dương Bảy, cũng chính là ông cố của anh Cư. Dương Bảy vốn là một nghệ nhân đúc đồng tại làng nghề Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. 

Khoảng giữa thế kỷ 19, ông nằm trong số lính thợ tài hoa nhất được tuyển về xây dựng cung đình, đại nội Huế. Về sau do loạn lạc, ông cùng hai người bạn nữa rủ nhau rời Huế vào Đập Đá (An Nhơn) lập nghiệp, rồi cải tên thành Nguyễn Văn Bảy.

Định cư đất này một thời gian, nhóm bạn ba người chia tay nhau. Một người ở lại Đập Đá với nghề thợ sắt chuyên làm cuốc, xẻng…, một người lên Mỹ Yên (Tây Sơn) làm vàng bạc; còn Dương Bảy về Nhơn Phúc làm nghề đúc đồng, gò chiêng, neo gửi đời mình vào vùng quê này.

Ban đầu, khi về Mỹ Thạnh, ông Bảy chỉ làm những đồ dùng sinh hoạt cần thiết thường ngày cho bà con như: muỗng, xỉ, xoong, chảo, phèng la… Lợi dụng địa thế gần sông Côn, lúc bấy giờ giao thông đường thủy còn thịnh, ông mang các hàng hóa ấy đến các chợ ven sông, có khi ngược lên tận thượng nguồn Côn giang để chào hàng.

Đặc biệt với món hàng phèng la, người Kinh chỉ giản đơn sử dụng trong dịp ma chay, nhưng thanh âm của nó đối với người đồng bào như có một mê diệu kì lạ, nhiều người đã lần tìm đến mua. Về sau, một lần lên Gia Lai, ông Bảy nhận biết được nhu cầu của khách bản thượng nên chuyển hướng hẳn sang chế tác loại “phèng la mang tính âm nhạc thưởng thức”, có loại có núm chính giữa, có loại không, nhưng đều gọi chung là chiêng.

Giai đoạn đầu nghề chế tác chiêng Mỹ Thạnh chủ yếu sử dụng nguyên liệu từ các loại đồng tạp, vỏ đạn nấu thành khối rồi dát mỏng, gò lại thành hình. Các công đoạn đều được làm bằng tay tỉ mỉ nên chất lượng chiêng tốt, tiếng thanh, vang xa, độ bền cao, rất được ưa chuộng.

Về sau, để mở rộng thị trường, ông Bảy đến các buôn làng khắp các tỉnh Tây Nguyên chào hàng, dần dần được các bạn vùng cao đặt hàng số lượng lớn. Một mình làm không xuể, ông thu nhận thêm học trò, sau đó truyền nghề cho nhiều người. Số lượng nghệ nhân chế tác chiêng tăng lên đáng kể, phát triển hơn 20 hộ trong làng Mỹ Thạnh, hình thành nên “làng nghề gò chiêng” Mỹ Thạnh nức tiếng.

Anh Cư tâm sự: “Nhờ nghề gò chiêng mà nhiều hộ trong làng ăn nên làm ra, cuộc sống đủ đầy hơn, ai nấy cũng đều phấn khởi. Ngày ấy vui lắm, cách xóm trăm mét đã nghe tiếng búa đe, tiếng gò chiêng rộn rịp cả một vùng quê”.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Cư nói về chiêng trong xót xa.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Cư nói về chiêng trong xót xa.

Hồn chiêng…

Anh Nguyễn Văn Cư chia sẻ: “Vì mang chiêng lên Tây Nguyên, có lần bà cố tôi cùng hai người con đi vào một ngôi làng xa xôi bị sốt rét, không qua khỏi… Sau ông cố đi tìm, chỉ thấy nấm mộ nằm trơ vơ giữa núi đồi. Không lâu sau, ông buồn lòng, sinh bệnh rồi cũng mất. Sau này con cháu lấy ngày đó là ngày giỗ tổ nghề, cùng nhau nối nghiệp thuỷ tổ”.

Nghề chiêng Mỹ Thạnh thịnh nhất là giai đoạn giữa thế kỷ 20, nhất là từ những năm 1930-1970. Sau mỗi mùa thu hoạch, dân làng trên đại ngàn lũ lượt kéo xuống mua chiêng. Ngày đó, người đồng bào quan niệm, người sở hữu nhiều chiêng là người giàu có, là thịnh vượng, là sở hữu một sức mạnh tâm linh kì dị.

Như một đoạn trong trường ca Đam San có viết cảnh đánh chiêng: “Đánh cho khỉ trên cây cũng quên bám chặt vào cành đến ngã xuống đất. Đánh cho ma quỷ mải nghe đến quên làm hại người”. Vậy là, những chiếc chiêng của người thợ khéo tay và hồn chiêng từ sự gắn kết tâm linh đã tạo nên một văn hóa cồng chiêng đậm chất, chảy tràn trong sử thi, dân ca, văn hóa cộng đồng người Tây Nguyên. Trong đó chắc hẳn có một phần đóng góp của ông tổ nghề chiêng Mỹ Thạnh, An Nhơn.

Nhiều lần đến vùng đất Tây Nguyên, khảo sát nhiều bộ cồng chiêng ở đây, anh Cư khẳng định: “Phải đến 80% số chiêng đó có xuất xứ từ làng Mỹ Thạnh”. Tôi hỏi vì sao nhận biết được, anh bảo xem “dấu búa” và vết gò, nếu là chiêng đúc dễ bị xước tay khi sử dụng, còn chiêng Mỹ Thạnh thì gò hoàn toàn bằng tay, ngay cả công đoạn lận ra “núm tim” cũng hoàn toàn làm bằng tay.

Anh Cư chia sẻ, trong các công đoạn làm chiêng thì điệu nghệ nhất là khâu dùng búa: gò đi đường hông, búa vỗ đánh cho bằng, búa chữa đi cà chấm cà chấm, thợ nhất dùng búa lọng lõm, búa vuốt sườn để lận cánh, gò nhẵn mui cánh để tạo sự an toàn cho người sử dụng. 

Chất lượng của chiêng Mỹ Thạnh được đánh giá cao hơn hẳn loại chiêng đúc, tuổi thọ kéo dài cả trăm năm. Không chỉ người đồng bào mà giới thương lái đến tìm mua chiêng rất nhiều, sản phẩm du nhập sang cả Lào, Campuchia. Cứ thế, sự tương tác sản phẩm giữa hai vùng miền, giữa các dân tộc với nhau đã bồi đắp nên tình cảm khăng khít giữa những con người nơi đồng sâu với các anh em đồng bào bản thượng. 

Làng Mỹ Thạnh thường làm chiêng theo yêu cầu trực tiếp của khách hàng, họ đến đặt chiêng với đường kính của chiêng được tính bằng cách đo rất riêng: để ngửa bàn tay, xoãi thẳng, độ dài đường kính lấy từ cùi chỏ đến đỉnh ngón tay giữa. Phần chỉnh âm, lấy tiếng cho chiêng, lúc đầu các nghệ nhân làm chiêng chưa rành.

Mỗi làng người đồng bào đều có một “nhạc sĩ” chuyên đi “lấy tiếng” chiêng. “Họ ủ lá rừng, cúng chiêng rồi dùng búa gõ chỉnh âm bằng cách nào đó vẫn còn là điều bí mật…”, lời chia sẻ của anh Cư như gợi dẫn thêm những hằng hà bí hiểm của vô tận văn hóa cồng chiêng…

Anh Nguyễn Văn Cư (người đứng thứ 2, bên phải, hàng sau) và các nghệ nhân chế tác chiêng biểu diễn trong Festival Tây Sơn năm 2008 (Ảnh tư liệu).
Anh Nguyễn Văn Cư (người đứng thứ 2, bên phải, hàng sau) và các nghệ nhân chế tác chiêng biểu diễn trong Festival Tây Sơn năm 2008 (Ảnh tư liệu).

“Xóm chiêng… bặt tiếng gò chiêng”

Đó là kết luận cho xóm chiêng Mỹ Thạnh hiện nay mà nghệ nhân Nguyễn Văn Cư, cũng là hậu duệ cuối cùng của thợ gốc chiêng Mỹ Thạnh ngậm ngùi nói cùng tôi. Anh không giấu được nỗi buồn về một làng nghề đã góp phần tạo nên nét văn hóa độc đáo cho cộng đồng các dân tộc anh em Tây Nguyên nay đang tàn lụi.

Sau năm 1975, nguyên liệu khan hiếm, tiêu thụ khó khăn, không cạnh tranh lại với loại chiêng đúc Phước Kiều, giá bán rẻ hơn nhiều cùng vài những căn nguyên buồn khác mà nghề gò chiêng Mỹ Thạnh mai một dần. Các đơn hàng thưa thớt và “đứt bóng” hẳn từ những năm 80 của thế kỷ trước. Các nghệ nhân tâm huyết nhất với nghề cũng tìm đường khác mưu sinh.

Hiện tại, số nghệ nhân còn lại của làng chiêng chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay, mà theo lời anh Cư, họ cũng đã “rửa tay gác búa” cả rồi. Anh Cư mang ra các loại đồ nghề làm chiêng được xếp vào một góc đặt dưới bàn thờ tổ đã bám bụi thời gian, lắc đầu xót xa. Tôi chắc mẩm rằng, đã lâu lắm những chiếc đe sắt, lò bễ, kéo sắt và gần 20 loại búa chuyên dụng cho việc gò chiêng kia đã có một giấc ngủ dài…

Festival Tây Sơn năm 2008 như một niềm hy vọng lóe sáng để có thể “đánh thức” một nghề cổ truyền độc đáo mang đậm dấu ấn văn hóa. Lần ấy, nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, nhiều nhà văn hóa và lãnh đạo cơ quan đến tận mắt chứng kiến anh Cư cùng các nghệ nhân tụ họp làm chiêng, họ đã có những “hứa hẹn” về một tương lai có thể đưa nghề chế tác chiêng hồi sinh trở lại.

Thế nhưng, nỗi buồn cứ trượt dài khi ngay cả việc tổ chức cho đoàn chiêng Mỹ Thạnh tham gia vào Festival cồng chiêng quốc tế tại Gia Lai năm 2009 cũng dang dở. Anh Cư chỉ tay vào phía góc nhà: “Còn hai tấm đồng tui mua 16 triệu từ hồi năm 2009 với hy vọng góp một tiếng chiêng Mỹ Thạnh trong lễ hội cồng chiêng vẫn còn xếp xó bao năm nay chưa sử dụng bởi chẳng có một một đơn hàng nào cả...”.

Tâm sự của anh Cư, người nghệ nhân cuối cùng của xóm chiêng Mỹ Thạnh như một tiếng chiêng buồn về thời vang bóng…

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.