'Cô gái vàng' Pencak Silat nhọc nhằn bán báo dạo nuôi con

“Cô gái vàng” bán báo dạo.
“Cô gái vàng” bán báo dạo.
(PLO) -Để có tiền nuôi con, võ sĩ Phạm Thị Thanh Huyền (SN 1980, ở khu phố Hương Sơn, phường Hòa Hương, TP. Tam Kỳ, Quảng Nam) phải lăn lộn từ nghề bán báo dạo đến bán cà phê. Dù nhọc nhằn nhưng tình yêu dành cho môn Penkat Silac vẫn cháy bỏng trong cô...

Đam mê cháy bỏng

Sau nhiều lần hẹn, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được cựu vận động viên Phạm Thị Thanh Huyền -“cô gái vàng” của thể thao Quảng Nam những năm trước. Dù có rất ít thời gian rảnh nhưng Huyền đã nhiệt tình và say mê kể cho chúng tôi nghe về cái thời “máu lửa” của mình.

Huyền sinh ra trong một gia đình tiểu thương nhỏ ở phường Hòa Hương. Là chị đầu của 5 người em nên Huyền luôn mang trọng trách che chở, bảo vệ các em. Và cũng không biết tự khi nào, cô gái có khuôn mặt xinh xắn, đầy nữ tính ấy đã say mê môn võ Pencak Silat, dù gia đình không có ai theo nghề này.

Năm 2000, gần nhà Huyền có một lò dạy Pencak Silat. Huyền học được vài hôm, thầy giáo nhận thấy Huyền có năng khiếu nên dẫn Huyền đến trường năng khiếu nghiệp vụ thể dục-thể thao tỉnh Quảng Nam.

Sau khi vào trường, được các giáo viên giảng dạy và truyền đạt kinh nghiệm, Huyền phát triển vượt bật. Những vết bầm trên làn da trắng trẻo không khiến Huyền một chút e ngại, cô gái càng ngày càng say mê và chờ đợi ngày được lên sàn thi đấu.

Năm 2001, Huyền tham gia thi đấu giải của tỉnh và đoạt huy chương vàng ở hạng cân 60 kg. Năm 2002, Huyền đoạt huy chương đồng giải quốc gia.

Năm 2003, Huyền hạ gục một đối thủ nặng ký để giành huy chương vàng trong giải Pencak Silat trẻ toàn quốc. Những năm tiếp theo đó, Huyền liên tục đạt thứ hạng cao trong các giải thi đấu của tỉnh, của quốc gia. Đặc biệt, ở giải cấp tỉnh không có đối thủ nào có thể vượt qua Huyền.

Để có những thành tích trên là chuỗi ngày tập luyện gian khổ của Huyền. Không những khổ luyện, Huyền còn phải ép cân hoặc tăng cân cho đủ số kg để đủ điều kiện tham gia thi đấu. Khi ép cân thì Huyền phải uống nước nhiều để hạn chế ăn. Ngược lại, khi phải tăng cân thì Huyền cứ... bánh mì mà ăn, có lúc khuya rồi vẫn ngồi... ăn. 

“Khi còn thi đấu, vì quá mệt mỏi nên sau giờ tập luyện tôi không theo học văn hóa được, đành dừng học năm lớp 10”, Huyền cho biết.

Theo lời Huyền kể, những năm ấy, do kinh phí rất hạn chế nên việc ăn uống của các vận động viên như cô không được nhiều. Mỗi ngày, cô và các bạn được hưởng chế độ ăn với mức 11.000 đồng/ngày.

Để tiết kiệm chi phí, Huyền đăng ký ăn tại trường buổi trưa và buổi tối hết 8.000 đồng, còn 3.000 đồng cô dành cho buổi sáng. Ngoài chế độ tiền ăn, Huyền và các vận động viên khác chỉ được thêm vài trăm ngàn tiền giải thưởng khi đoạt giải. 

“Tập luyện và thi đấu ở nhà thì không sao. Còn mỗi lần đến địa phương khác để tham gia giải, chúng tôi đều phải xin tiền gia đình”, Huyền chia sẻ. Rồi “cô gái vàng” kể một câu chuyện mà nếu không nghe từ chính Huyền kể thì khó có thể tin được. 

Lần đó, Huyền và các bạn ra Thanh Hóa để thi đấu. Trước khi đi, đoàn thể thao ra TP. Đà Nẵng hơn 10 ngày để tập luyện. Trong thời gian ở Đà Nẵng, vì đã tiêu hết số tiền ít ỏi gia đình cho nên đến lúc ra Thanh Hóa Huyền không còn đồng nào. Sáng đến, Huyền phải chờ thầy phát tiền để ăn sáng, còn ăn trưa và ăn tối tại khu nghỉ. 

Vì không có tiền, Huyền rất lo lắng và không dám giao lưu với bạn bè, nhất là các vận động viên ở tỉnh khác. Thế nhưng điều này không làm Huyền “đau đầu” bằng chuyện “có việc riêng”. Không có tiền để mua đồ dùng của phụ nữ, cô mượn các bạn.

Nhưng cũng hoàn cảnh như cô, không bạn nào có tiền để cho Huyền mượn. Thế là Huyền phải sang gặp thầy: “Thầy ơi, em không còn đồng nào hết...”. Mượn được thầy 20 ngàn đồng, “cô gái vàng” mới hết nỗi lo lắng...

Huyền bảo, bây giờ với cô, mọi chuyện đã là quá khứ. Nhưng những ngày khó khăn, vất vả ấy là những kỷ niệm khó quên và cũng là thời huy hoàng nhất của Huyền. Mỗi lần tập luyện và thi đấu, cơ thể cô đầy các vết bầm tím.

Tiền đạt giải chỉ đủ để cô mua thuốc xoa bóp. Mẹ cô cũng nhiều lần la rầy khi cô đeo đuổi Pencak silat, bởi bà thấy môn thể thao này không mang đến tương lai cho con gái. Dù rất nhiều khó khăn, vất vả nhưng đam mê cũng với lòng quyết tâm đã mang đến cho Huyền nhiều thành tích cao.  

Phạm Thị Thanh Huyền trong một giải thi đấu (Ảnh: Báo Quảng Nam).

Phạm Thị Thanh Huyền trong một giải thi đấu (Ảnh: Báo Quảng Nam).

Võ sĩ đi bán báo dạo

Năm 2006, khi đang ở đỉnh vinh quang thì Huyền giã từ con đường võ thuật để lập gia đình. Năm 2007, Huyền sinh một bé trai bụ bẫm. Tuy nhiên, hạnh phúc không mỉm cười với “cô gái vàng”. Sau 3 năm chung sống, Huyền và chồng chia tay. Một mình nuôi con nhỏ, Huyền phải bán quán nhậu để trang trải cuộc sống. 

Một lần, bị một khách nhậu đánh vô cớ, không kiềm được cơn tức giận, Huyền đã cho ông khách thô lỗ một trận ra trò. Cũng từ đó Huyền bỏ nghề, chuyển sang đi bán báo dạo. Huyền kể, đây là thời gian vất vả nhất của Huyền. Mỗi sáng, Huyền đến đại lý nhận báo rồi đi bán khắp TP. Tam Kỳ, nhất là các quán cà phê. 

Hâm mộ “cô gái vàng” nên rất nhiều khách mua báo. Chúng tôi cũng thường mua báo của Huyền, dù mưa hay nắng, Huyền cũng rất đúng hẹn. Thời gian đó, mỗi tháng Huyền cũng kiếm được khoảng 5 triệu đồng để nuôi con.

Dù buồn đau vì cuộc hôn nhân tan vỡ, dù con nhỏ nhưng khoảng thời gian này Huyền vẫn tham gia thi đấu khi được các đơn vị, địa phương mời. Huyền kể, năm 2009, gửi con trai 2 tuổi cho mẹ, Huyền cùng đội tuyển ra TP. Đà Nẵng để tham gia thi đấu giải do Quân khu 5 tổ chức. 

Đúng vào thời gian đó một cơn bão lớn đã khiến cây cối, hoa màu ở miền Trung bị ảnh hưởng nặng. Phần vì điện cúp, quán xá đắt đỏ, Huyền và các bạn đã rủ nhau đi nhặt đu đủ chín về ăn... Đêm đến, Huyền không ngủ được bởi nhớ con và lo ngôi nhà ở quê không chống chọi được bão to gió lớn.

Huyền kể, có đận đi bán báo về, vì quá mệt nên Huyền ôm con ngủ say. Khi tỉnh dậy thì Huyền tá hỏa bởi túi xách cùng với số tiền từ việc bán báo đã không cánh mà bay.

“Học hành không đâu vào đâu, cũng không đủ điều kiện để đi tận cùng con đường võ thuật, tôi dừng lại. Hai đứa con rồi anh ạ. Bây giờ, hàng ngày cố kiếm đủ tiền để nuôi con là mừng lắm rồi…”, Mưa, nắng, rét mướt hay lũ lụt, mỗi ngày cô đều đặn có mặt tại các quán quen để bán báo cho khách.

“Cũng có người đề nghị tôi đi học để làm huấn luyện viên Pencak Silat. Nhưng giờ sắp xếp công việc sao được khi hai tay là hai đứa con dại…”, Huyền tiếc nuối. 

Việc nuôi con nhỏ của Huyền cũng đầy gian truân. Do phải đi bán báo nên khi người con trai nhỏ chỉ mới 4 tháng tuổi, Huyền phải để con vào địu để đưa con đến nhà trẻ. Do ngồi địu khi quá nhỏ và ngày nào cũng ngồi trong địu nên cháu bé đã bị bệnh lệch trục, dẫn đến chân bị cong. 

Trong lúc con trai út bị bệnh lệch trục thì con trai đầu của Huyền được phát hiện bị bệnh vùi dương vật. Thế là Huyền phải đưa hai con ra Đà Nẵng để phẫu thuật. Cho đến nay, một cháu đã mổ, còn một cháu phải qua 2 lần mổ nữa thì tình trạng sức khỏe mới được cải thiện. Vì vậy, đến bây giờ, nỗi lo vẫn đè trên vai “cô gái vàng”.

Để có tiền chữa bệnh cho con, mới đây, Huyền nghỉ bán báo dạo và mở quán cà phê Long 113 trên đường Hùng Vương (TP. Tam Kỳ). Khi tiếp xúc với “cô gái vàng”, điều dễ nhận thấy là, dù cuộc sống đang rất khó khăn nhưng cô vẫn giữ được bản tính vui vẻ, lạc quan và sự cố gắng vươn lên không mệt mỏi. 

Chia tay  “cô gái vàng”, chúng tôi nhớ mãi lời tâm sự của cô: “Do điều kiện khó khăn nên tôi không theo được nghề này. Nhưng bây giờ, thỉnh thoảng trong giấc mơ, tôi vẫn mơ mình đang tham gia thi đấu”...

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.