Bí ẩn gò Dương Xuân và hành trình tìm mộ hoàng đế Quang Trung

Hố thám sát tại nhà 13/120 Điện Biên Phủ nơi có dấu tích quan trọng của đợt thám sát khảo cổ
Hố thám sát tại nhà 13/120 Điện Biên Phủ nơi có dấu tích quan trọng của đợt thám sát khảo cổ
(PLO) -Đã hơn 200 trôi qua kể từ khi hoàng đế Quang Trung qua đời nhưng nhiều câu hỏi về cuộc đời vị anh hùng dân tộc vẫn chưa tìm được lời giải đáp thỏa đáng. Trong đó, việc có hay không sự tồn tại của cung điện Đan Dương và Đan Lăng – nơi an táng thi hài vua Quang Trung vẫn là một bức màn bí ẩn mà đến nay hậu thế vẫn chưa tìm kiếm và khám phá ra được.

Cuộc thám sát mang tính lịch sử

Hơn 200 năm trôi qua kể từ khi vua Quang Trung qua đời nhưng lăng mộ của vị hoàng đế nhà Tây Sơn nằm ở đâu vẫn đang làm “đau đầu” các nhà nghiên cứu.

Bởi lẽ sau khi nhà Tây Sơn thất thủ, các tư liệu về triều đại này đã bị triều Nguyễn đem đốt hoặc phá hủy hoàn toàn theo chính sách tận diệt của Gia Long. Chính vì vậy, hậu thế sau này không có nhiều bằng chứng cũng như tài liệu để nghiên cứu sâu hơn về triều đại của người anh hùng áo vải.

Nhiều năm qua giới nghiên cứu lịch sử vẫn không ngừng tranh cãi về địa điểm chôn cất hoàng đế Quang Trung. Có hai hướng được đưa ra, một là tại lăng Ba Vành (xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế), hai là khu vực gò Dương Xuân (phường Trường An-TP.Huế). 

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân - người đã bỏ ra hơn 30 năm tìm kiếm lăng mộ vua Quang Trung thì nơi chôn cất vị vua này nằm tại khu vực gò Dương Xuân. Cũng theo ông Xuân, khu vực gò Dương Xuân trước đây tồn tại cung điện Đan Dương, nơi chôn cất vị vua nhà Tây Sơn nằm trong cung điện này có tên là Đan Lăng. 

Tuy nhiên ý kiến của ông Xuân đã nhận được nhiều phản bác khác nhau từ giới sử học. Để giải đáp và vén lên tấm màn bí ẩn của lịch sử, mới đây, Bộ VH-TT&DL đã đồng ý cho phép thực hiện một cuộc thám sát khảo cổ học tại khu vực gò Dương Xuân nhằm tìm kiếm cung điện Đan Dương và dấu tích Đan Lăng của vua Quang Trung.

Đợt thăm dò lần này được tiến hành từ ngày 5/10 đến hết ngày 15/10. Trong khoảng thời gian này, đoàn thăm dò do Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên – Huế thực hiện dưới sự chủ trì của PGS.TS Bùi Văn Liêm – Viện phó Viện Khảo cổ học.

Đào thám sát tại hố nhà ông Oánh
Đào thám sát tại hố nhà ông Oánh

Đoàn nghiên cứu sẽ đào năm hố thăm dò tại khu vực chùa Thuyền Lâm, chùa Vạn Phước, nhà ông Nguyễn Hữu Oánh và nhà số 13/120 Điện Biên Phủ, TP. Huế với tổng diện tích thám sát tại năm hố này là 22m2.

Ngày 6/10, đoàn đã tiến hành làm lễ động thổ tại chùa Vạn Phước, đến ngày 7/10 thì bắt đầu đào thám sát ba hố đầu tiên, trong đó có hai hố tại chùa Vạn Phước, hố còn lại tại nhà ông Oánh. Tuy nhiên sau đó vì trên địa bàn thành phố Huế có mưa lớn nên cuộc thám sát tạm thời bị gián đoạn. 

Đến ngày 10/10, đoàn khảo sát đã tiến hành đào tiếp hai hố thám sát còn lại. Một hố nằm trong khuôn viên chùa Thuyền Lâm, một hố nằm trong sân nhà của một người dân gần chùa tại số nhà 13/120 Điện Biên Phủ, TP. Huế.

Tại các hố thám sát các chuyên gia về khảo cổ sẽ tiến hành đào đến tầng sinh thổ để tìm kiếm các dấu tích về văn hóa và các di chỉ khảo cổ. Nhiều nhà nghiên cứu kỳ vọng rằng cuộc thăm dò khảo cổ lần này sẽ trả lời cho câu hỏi:

Lăng mộ vua Quang Trung có nằm tại gò Dương Xuân hay không? qua đó sẽ làm sáng tỏ được những bí ẩn của lịch sử mà nhiều cuộc hội thảo và tranh luận trước đó chưa thể giải quyết được. 

Những bằng chứng đầu tiên

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân ví von rằng, cung điện Đan Dương như là một chiếc xe và lăng Đan Dương chính là bugi của xe, vì vậy tìm được cung điện sẽ tìm được vị trí lăng mộ.

“Lần này chúng tôi muốn chứng minh cung điện Đan Dương có thật, phủ Dương Xuân chính là cung điện Đan Dương và lăng mộ vua Quang Trung nằm ở trong đó”, ông Xuân tin tưởng vào nhận định của mình.

Ông Xuân cho hay, khi Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế đã quyết định quật mộ của vị vua nhà Tây Sơn để báo thù. Chưa dừng lại ở đó, toàn bộ đồ tự khí bằng đồng của nhà Tây Sơn cũng bị đem đi nấu chảy để đúc “Cửu vị thần công” (9 khẩu đại bác - hiện đặt trước mặt Hoàng thành Huế). Những sách vở và tài liệu liên quan đến nhà Tây Sơn cũng bị thiêu hủy, chính vì vậy thông tin về cung điện Đan Dương cũng như Đan Lăng còn rất ít ỏi.

Với mong muốn tìm ra nơi yên nghỉ của người anh hùng dân tộc, ông Xuân đã dày công nghiên cứu, vén tấm màn bí mật này bằng phương pháp nghiên cứu từ sử sách và thực địa tại chùa Thuyền Lâm và gò Dương Xuân.

Ông Xuân cho rằng, gò Dương Xuân trước đây vốn tồn tại cung điện Đan Dương của vua Quang Trung, nguyên là phủ Dương Xuân của chúa Nguyễn. Cung điện này là nơi sống, làm việc lúc sinh thời của vua Quang Trung, đồng thời cũng là nơi chôn cất thi hài của vị hoàng đế này. 

Ông Xuân đưa ra luận chứng rằng, cận thần của vua Quang Trung là Ngô Thì Nhậm từng sáng tác bài thơ Cảm Hoài trong đó có câu chú thích: “Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta” (hiểu là: cung điện Đan Dương là nơi chôn cất thi hài của nhà vua). 

Những di vật được phát hiện
Những di vật được phát hiện

Để lý giải phủ Dương Xuân là cung điện Đan Dương, ông Xuân chứng minh rằng, trong quá trình làm các công trình dân sinh người dân tại đây đã phát hiện ra nhiều viên gạch cổ, các mảnh sành sứ, và các đá tảng dùng để dựng cột nhà, chứng tỏ ở gò Dương Xuân vốn tồn tại một công trình đã bị vùi lấp. 

Theo ông Xuân những hiện vật nói trên thể hiện một đời sống cao cấp, những viên đá tảng rất lớn phát hiện được, dân thường ngày xưa không thể có. “Những dấu hiệu trên thể hiện một đời sống vương giả mà chỉ vua chúa mới có được”, ông Xuân cho hay.

Theo ông Xuân trước đây ở khu vực gò Dương Xuân còn có một cái cồn được gọi là cồn Bông Sứ vốn là nơi có lăng mộ, khu vực thờ cúng của các ông hoàng bà chúa Nguyễn.

Tại khu vực này có nhiều giếng cổ mà ông Xuân gọi đó là giếng loạn. Về chữ “loạn” này ông Xuân cắt nghĩa rằng năm 1786, Nguyễn Huệ tiến đánh để giải phóng Phú Xuân. Sự kiện này được Nguyễn Văn Siêu ghi là “Biến loạn năm Bính Ngọ” (năm 1786) trong tác phẩm “Phương Đình Dư địa chí của mình. 

Cũng trong năm 1786 này phủ Dương mất tích khi nhà Tây Sơn tiến vào Phú Xuân, có nghĩa rằng phủ Dương Xuân đã bị Tây Sơn chiếm. Vì vậy ông Xuân cho rằng, phủ Dương Xuân chính là tiền thân của cung điện Đan Dương.

Bên cạnh những nghiên cứu dựa trên sự ghi chép của lịch sử, ông Xuân còn nghiên cứu trên sự cung cấp thông tin từ phía người dân, đặc biệt là ông Nguyễn Hữu Oánh có nhà ở sát chùa Thuyền Lâm.

Trao đổi với phóng viên, ông Oánh kể lại, đời ông bà của ông phát hiện nhiều đá cổ dưới đất, sau đó đưa lên chùa Vạn Phước để thờ cúng. Trước đây khi làm nhà ông Oánh dùng luôn các viên gạch đào được dưới đất lên để xây, ông phát hiện được những hầm gạch còn nguyên chưa qua sử dụng, tuy nhiên ngôi nhà trước đây của ông đã bị chiến tranh phá mất. 

“Năm 1945, khi gia đình chúng tôi đào hầm trốn máy bay đã phát hiện được một khuôn tịch (nơi chôn huyệt mộ) và chui xuống đó để nấp”, ông Oánh nhớ lại.

Có dấu hiệu nhưng chưa kết luận được

Trong suốt gần 15 ngày diễn ra cuộc thám sát khảo cổ học, đoàn thám sát đã phát hiện ra nhiều di vật khảo cổ tại năm hố, bước đầu có thể vén lên bức màn bí ẩn mang tên cung điện Đan Dương và Đan Lăng tại Gò Dương Xuân.

Tại hố khảo cổ ở nhà ông Oánh, đoàn thám sát đã đào được một lớp đất có dấu hiệu lạ, có phần khác với các tầng đất khác. Các chuyên gia cho hay, lớp đất một nửa có màu vàng, một nửa có màu vàng trắng như cát và sỏi, nghi là liên quan đến một công trình kiến trúc. 

Lớp đất này sau khi được phát hiện đã được giữ nguyên chỉ đào lớp đất bên cạnh. Tại hố thám sát tại chùa Vạn Phước đã phát hiện được mẫu vật như một thanh kiếm, tuy nhiên các chuyên gia khảo cổ cho rằng chưa đánh giá được đó có phải là kiếm hay không. Tại ba hố này còn phát hiện được thêm các mảnh sành sứ và gạch, nồi đất...

Đào thám sát mờ rộng tại hố nhà 13/120 Điện Biên Phủ
Đào thám sát mờ rộng tại hố nhà 13/120 Điện Biên Phủ

Đến chiều ngày 10/10, trong lúc đào thám sát hố số 5 tại số nhà 13/120 Điện Biên Phủ đoàn nghiên cứu đã phát hiện được dấu vết rất quan trọng nghi là dấu tích của một bức tường thành cổ. 

Theo đó khi đoàn khảo cổ đào đến độ sâu chừng 0,2 mét đã chạm phải một lớp đá. Sau khi đào hết theo đường chữ L thì phát hiện nhiều tảng đá xếp theo hàng trùng với đường chữ L như đã cắm mốc.

Lớp đá này gồm khoảng 5 tảng đá khá lớn đặt theo 2 hàng ngay ngắn vuông góc với nhau, đoạn giữa có khuyết một đoạn không có đá. Riêng đoạn cuối lớp đá ở hàng song song với bờ tường và khá giống lớp đất lạ trong hố thứ 3 ở nhà ông Nguyễn Hữu Oánh, nghi liên quan công trình kiến trúc.

Theo Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học Bùi Văn Liêm thì lớp đá này nghi là tường móng của bức thành cổ. Dấu hiệu này khá quan trọng và cũng có phần rất may mắn khi chính PGS Liêm vào sáng cùng ngày đã xác định hố cuối cùng này phải đào khác các hố khác. Không ngờ chính hình chữ L này đã tương ứng với đường chạy của các tảng đá, giống như vết tích một tường thành cổ. 

Đoàn đã đào mở rộng hố này để tiếp tục tìm kiếm các dấu hiệu. Khi mở rộng sang vườn nhà bà Lê Thị Rô thì tìm được thêm chiều rộng của nền đá khoảng 5,5m, hiện chiều dài của nền đá vẫn chưa phát hiện được. “Nền đá thể hiện một kiến trúc, công trình rất lớn”, ông Liêm cho biết.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân có mặt tại hiện trường cho biết, ngôi nhà số 13/120 Điện Biên Phủ là một trong những ngôi nhà đầu tiên ở gò Dương Xuân. Chủ nhân lúc đó là bà Lê Thị Rô từng khẳng định với ông bờ tường sát hố khảo cổ thứ 5 rằng: “bà đã thấy nguyên bộ móng bức tường cổ xây dựng giống như vôi vữa các mộ Tàu ngày xưa dưới bức tường này”. 

Sự kiện này gợi nhớ đến thông tin giáo sĩ La Bartette đã viết, khi Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ nhất về lại Phú Xuân ông “đã cho xây cất một bức tường cao 20 pied (6,48m) chung quanh Dinh ông”.

Người dân địa phương cho biết, nơi phát hiện được nền đá trước đây là tường đất. Tại đó, người dân từng phát hiện được tường cao từ 1m đến 1,5m. Căn cứ vào các dấu hiệu khảo cổ và thông tin người dân cung cấp, PGS-TS Bùi Văn Liêm cho rằng: “Đã có những dấu hiệu đầu tiên tại hố thăm dò số 5”.

Còn tại hố thám sát ở trong khuôn viên chùa Thuyền Lâm, ngoài các hiện vật như mảnh gạch, đá, sành sứ, việc thăm dò cũng phát hiện một om (hũ) nghi táng thi hài nằm sâu khoảng 1 m so với mặt đất.

Phía nửa trên chiếc om này đã vỡ vụn, còn phía dưới hầu như còn nguyên vẹn; đất ở trong om có màu đen, khác so với màu đất phía ngoài. Cạnh chiếc om này cũng xuất hiện nhiều viên gạch thẻ, cũng tại chùa Thuyền Lâm, đoàn đã tìm thấy một nồi đất lớn đã bị vỡ, chỉ còn phần đáy.

Đến chiều 15/10, cuộc thám sát khảo cổ học đã kết thúc, đoàn thám sát tập trung tại hố nhà 13/120 Điện Biên Phủ để đánh giá bước đầu kết quả cuộc thám sát.

“Tuy chỉ là hố thăm dò nhưng có các tín hiệu rất tốt, có thể liên quan  đến các kiến trúc khác trong sử sách đã nói đến như phủ, cung mùa đông, thành. Tuy nhiên cần phải nghiên cứu tiếp thì mới có thể kết luận được đó là thành, tường hay biểu hiện của tường thành, vì vậy chưa nên kết luận vội vàng mà phải tiếp tục nghiên cứu”, PGS-TS Bùi Văn Liêm trao đổi nhanh tại hiện trường.

Về phần mình, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân tiếp tục khẳng định rằng, vùng đất gò Dương Xuân có một kiến trúc lớn đang bị chôn vùi, các dấu hiệu của đợt thám sát chứng tỏ nghiên cứu của ông là có cơ sở. Đồng thời đề xuất các đợt thám sát và khảo cổ trên quy mô rộng để tiếp tục tìm ra những bí ẩn của lịch sử.

Bảo vệ các hố thám sát để tiếp tục nghiên cứu 

Chiều 15/10, sau khi kết thúc cuộc thám sát khảo cổ học tìm kiếm dấu tích nhà Tây Sơn, PGS-TS Bùi Văn Liêm cho biết đoàn sẽ chỉnh lý hiện vật, các bản vẽ để hoàn thiện hồ sơ. Sau đó các hiện vật này sẽ được phân tích lý, hóa, địa chất... để làm rõ niên đại và các thông tin cần thiết.

Ông Cao Huy Hùng- Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế cho biết sắp tới đơn vị này sẽ phối hợp với các bên liên quan tiến hành bảo vệ các hố thám sát để phục vụ cho việc nghiên cứu về sau này.

Cụ thể ông Hùng cho hay, sẽ dùng bạc và ni lông trải xuống các hố thám sát sau đó sẽ lấp cát lên đồng thời hoàn thổ lại mặt bằng. Những hiện vật đào được khi khảo sát sẽ được đưa về bảo tàng để bảo quản, chờ đoàn nghiên cứu của viện khảo cổ học vào làm việc.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (phải) trao đổi với phóng viên
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (phải) trao đổi với phóng viên

Ông Phan Tiến Dũng – Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết sẽ công bố kết quả bước đầu của đợt thám sát khảo cổ lần này. Dự kiến khoảng 3 tháng sau khi tiến hành thăm dò, đoàn khảo cổ sẽ báo cáo sơ bộ với Bộ VH-TT&DL và 1 năm sau sẽ nộp báo cáo chính thức về dấu tích cung điện Đan Dương (lăng vua Quang Trung) tại Gò Dương Xuân lên các cơ quan chuyên môn.

Như vậy sau 15 tiến hành thám sát khảo cổ lịch sử tại gò Dương Xuân, các chuyên gia và cơ quan chức năng  bước đầu tìm được những di vật lịch sử dưới lòng đất, tuy chưa có các kết luận cụ thể nhưng những đánh giá ban đầu của đoàn thám sát đã bước đầu vén được bức màng bí ẩn của lịch sử về triều đại nhà Tây Sơn tạo tiền đề để tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về triều đại này về sau.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.