Vụ tấn công sân vận động ở Anh: Hé lộ âm mưu của IS

Những khán giả đi xem ca nhạc không khỏi bàng hoàng sau vụ khủng bố
Những khán giả đi xem ca nhạc không khỏi bàng hoàng sau vụ khủng bố
(PLO) - Giới chuyên gia cho rằng, bằng cách tấn công những đứa trẻ đang dự buổi biểu diễn của nữ ca sĩ nhạc pop người Mỹ Ariana Grande tại sân vận động Manchester Arena vừa qua, tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng muốn kích động sự giận dữ tối đa, gieo mầm mống chia rẽ thông qua việc hướng mọi người quay sang chống lại những người Hồi giáo. Tuy vậy, “con bài tẩy” này của IS đã dần mất tác dụng…

Vụ tấn công hôm 22/5 khiến 22 người bị thiệt mạng và khoảng 60 người bị thương  là vụ tấn công gây thương vong nghiêm trọng nhất ở Anh kể từ tháng 7/2005, khi đó 4 kẻ đánh bom liều chết thuộc mạng lưới al-Qaeda tấn công các tàu điện ngầm và xe buýt ở thủ đô London làm 52 người thiệt mạng và hơn 700 người bị thương. 

Âm mưu có tính toán

David Videcette - cựu thám tử của Metropolitan Police (Sở cảnh sát đô thành London), người từng điều tra các vụ tấn công ở London năm 2005 - nói với AFP rằng có vẻ như IS đã rất kỹ càng trong việc lựa chọn mục tiêu tấn công ở Manchester: “Tôi cho rằng đây là một âm mưu có tính toán nhằm kích động sự giận dữ, phẫn nộ của công chúng để họ chuyển hướng sang căm thù người Hồi giáo bởi như vậy sẽ giúp chúng dễ dàng tuyển mộ lực lượng”. 

Theo Videcette, vụ đánh bom ở Manchester trùng với thời điểm kỷ niệm 4 năm ngày binh sỹ Lee Rigby bị hai kẻ khủng bố sát hại ở London và 2 tháng sau vụ tấn công gần tòa nhà Quốc hội Anh. Ông Videcette cho rằng thông điệp của chúng là “chúng tôi có thể làm mọi điều tùy thích, ở những nơi chúng tôi muốn và theo cách chúng tôi lựa chọn. Không ai có thể ngăn cản được chúng tôi”. 

Yves Trotignon, cựu nhân viên cơ quan tình báo nước ngoài của Pháp DGSE, thì so sánh vụ tấn công ở Manchester với 2 vụ tấn công tàn bạo ở Pháp hồi năm ngoái: Một vụ tấn công bằng xe tải khiến 86 người bị thiệt mạng ở thành phố biển Nice và vụ sát hại linh mục Jacques Hamel gần Rouen. Ông nói: “Trong các vụ tấn công này, điều gây sốc nhất chính là mục tiêu. Tất cả các cơ quan an ninh đều lo ngại rằng những kẻ khủng bố sẽ tấn công vào những mục tiêu mà công chúng đều biết rằng không có khả năng chống đỡ. Chẳng hạn như vụ tấn công ở Nice, với những đứa trẻ bị đè bẹp và giết hại, hoặc vụ sát hại linh mục Hamel. Tất cả đều gây sốc nặng”. 

Theo Videcette, đây là vụ đánh bom quy mô lớn đầu tiên tại Anh kể từ các vụ tấn công ở London năm 2005, và đó là một thực tế cần quan tâm: “Có một sự thay đổi đáng kể bởi hai lý do: thứ nhất là xu hướng tấn công và thứ hai là sự chuyên nghiệp trong việc chế tạo thiết bị gây nổ được che giấu mà không lực lượng bảo vệ nào phát hiện ra”. 

Shashank Joshi, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc phòng Hoàng gia Anh (RUSI), cho rằng mặc dù phương thức và mục tiêu tấn công được coi là bất thường ở Anh, song thực tế cũng không phải đặc biệt nếu đặt trong bối cảnh quốc tế. Vụ tấn công ở Manchester làm người ta nhớ đến vụ tấn công hồi tháng 11/2015 ở Nhà hát lớn Bataclan tại Paris làm 90 người bị thiệt mạng, có đặc điểm chung là “nhằm vào một mục tiêu mềm và chúng ta thấy kiểu tấn công này đã lặp lại ở châu Âu trong những năm gần đây. Chúng ta đã chứng kiến nhiều cuộc tấn công khủng bố trên khắp thế giới và hiện giờ mục tiêu được lựa chọn nhiều hơn cả chính là trẻ em. Việc này về cơ bản có gì khác so với việc bắt cóc các trẻ em gái Yazidi, cưỡng bức và giết hại chúng mà IS đã làm hay không? Tôi nghĩ là không!”. 

Vị trí phát nổ
Vị trí phát nổ

“Con bài tẩy” dần mất uy

Theo Reuters, không bất ngờ khi IS nhanh chóng lên tiếng thừa nhận đứng đằng sau vụ tấn công liều chết tại Manchester. Trong bối cảnh những mảnh đất cuối cùng của chúng ở thành phố thứ hai của Iraq là Mosul đã rơi vào tay các lực lượng của Iraq được Mỹ hậu thuẫn và thủ phủ Raqqa ở Syria đã bị bao vây, nhóm khủng bố này đang ngày càng trở nên liều lĩnh hơn. Các vụ tấn công nhằm vào phương Tây chính là một trong số ít những lựa chọn còn lại của chúng. 

Tuy các vụ tấn công nhằm vào châu Âu của IS có thể rất ghê gớm, song cũng cho thấy sự xuống dốc trong việc gây tác động về mặt chính trị. IS muốn dùng những hành động hung bạo của mình để khoét sâu những bất đồng, từ đó gây chia rẽ giữa những người dân vô tội và những người đạo Hồi mới nhập cư vào châu Âu, giúp củng cố lý lẽ của chúng rằng chỉ một vương quốc Hồi giáo cực đoan Trung Đông mới có khả năng bảo vệ những người theo đạo Hồi, và có thể thôi thúc các tân binh vừa tham gia các cuộc chiến ở khu vực, vừa tiến hành các vụ tấn công ở các nơi khác. 

Các vụ việc ở châu Âu cho thấy IS đã thất bại trong “sứ mệnh” gây chia rẽ của mình.  Kể từ tháng 1/2015, Pháp phải hứng chịu các vụ tấn công với cường độ, mức độ nhiều hơn bất cứ quốc gia phương Tây nào nhưng mới đây, đa số cử tri đã từ chối đảng Mặt trận Quốc gia của bà Marine Le Pen có đường lối chống Hồi giáo mạnh mẽ để lựa chọn ứng cử viên trung dung Emmanuel Macron, bất chấp việc 4 ngày trước vòng 1 cuộc bầu cử, một vụ tấn công vào Điện Elysée ở giữa trung tâm Paris đã cướp đi sinh mạng một cảnh sát, và thủ phạm bị tình nghi là một phần tử Hồi giáo cực đoan. 

Tương tự, ở Đức, một sự phản ứng mạnh mẽ nhằm vào cộng đồng nhập cư sau một số vụ tấn công thánh chiến hồi năm ngoái có vẻ đã dần mờ nhạt, bất chấp vụ tấn công bằng xe tải vào 1 khu chợ Giáng sinh ở Berlin hồi tháng 12/2016 khiến 12 người thiệt mạng. Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn được cho là sẽ chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 9 tới và thậm chí còn củng cố quyền hành của mình hơn nữa. 

Tại Anh, các đảng chính trị đã tạm dừng cuộc vận động bầu cử sau khi vụ tấn công ở Manchester xảy ra, song có lẽ vụ việc này sẽ không thể tác động gì đến cuộc bầu cử. Giới chức Anh cho biết hiện họ không có ý định ban bố tình trạng báo động khủng bố trên khắp đất nước, và dường như không có nhiều người muốn sử dụng bất cứ biện pháp nào tương tự như tình trạng khẩn cấp mà Pháp đã áp đặt kể từ năm 2015, đồng thời dành cho cảnh sát các quyền đặc biệt là khám xét và bắt bớ. 

Chân dung nghi phạm Obedi Salman (phải)
Chân dung nghi phạm Obedi Salman (phải)

Mặc dù với những con số thương vong ở Paris, Nice, Brussels, và giờ là Manchester, các nhóm Hồi giáo thánh chiến vẫn chưa gây tác động được vào châu Âu nhiều như đối với các quốc gia khác như Pakistan, Nigeria hay Iraq, và bản thân các quốc gia này cũng thể hiện sự kiên cường vượt trội. Đôi khi sự lo ngại của công chúng đối với các vụ tấn công này cũng tạo ra một hiệu ứng chính trị đáng kể nào đó, chẳng hạn vụ Boko Haram bắt cóc hơn 200 bé gái được cho là một nhân tố làm nên thất bại của Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan trước cựu lãnh đạo quân sự Muhammadu Buhari 1năm sau đó. Tuy nhiên, thực tế đa phần không giống như thế. 

Khả năng vụ tấn công như vậy có thể thay đổi các động lực chính trị trong nước còn phụ thuộc vào mức độ thảm khốc của nó. Chẳng hạn, vụ khủng bố ngày 11/9/2001 khiến tòa tháp đôi ở New York sụp đổ là một sự kiện có tính thảm khốc và quy mô lớn chưa từng có, xét trong chừng mực nào đó nó đã buộc phương Tây phải thay đổi suy nghĩ về Trung Đông và chủ nghĩa thánh chiến. Tuy nhiên, việc Mỹ tiếp tục chấp nhận những cái chết của những người dân thường do súng đạn gây ra – trong đó có những vụ tấn công vào các trường học – là một minh chứng trần trụi để người ta nhớ về cách mà các vụ tấn công khủng bố đã được bình thường hóa như thế nào. 

Vụ việc tại Manchester vừa qua là vụ tấn công nghiêm trọng nhất tại Anh kể từ sau vụ đánh bom vào hệ thống giao thông ở London hồi tháng 7/2005. Tuy nhiên, sau nhiều sự kiện khác xảy ra ở châu lục, vụ việc này cũng như vụ tấn công ở Westminster trước đó đều không có gì là bất ngờ. Các thiết bị phát nổ tức thì vẫn là những thứ có thể lắp đặt được nếu có kỹ năng và các nguyên liệu cần thiết – dù cảnh sát ngày càng hoạt động hiệu quả hơn trong việc theo dõi các hoạt động mua bán nguyên vật liệu này, cũng như trong việc bắt giữ những nghi phạm chế tạo bom trước khi chúng hoàn thành công việc của mình. Thêm vào đó, vụ tấn công bằng xe tải ở Nice cùng một số vụ khác đã chứng tỏ rằng vẫn có những cách thức hiệu quả khác, dù khó khăn hơn, để bọn khủng bố tiến hành các vụ tấn công. IS sẽ tiếp tục tấn công, kể cả khi chúng mất hết lãnh thổ. Nếu chúng bị tiêu diệt hoàn toàn, hoặc tự diệt vong sẽ có những nhóm khác lên thay thế. Nhưng có một thực tế là chúng càng thực hiện nhiều vụ khủng bố thì những tác động mà chúng gây ra sau mỗi vụ lại càng ít đi… 

Đọc thêm

Việt Nam phát biểu chung đại diện nhóm các nước tại Khóa họp 55 Hội đồng Nhân quyền

 Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn Thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Anh Hiển/TTXVN
(PLVN) - Theo tin từ Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc (LHQ), Tổ chức Thương mại thế giới và các Tổ chức quốc tế khác tại Geneva, trong khuôn khổ Khóa họp 55 của Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) LHQ tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 27/3, Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn đã có bài phát biểu chung trong Phiên thảo luận chung tại đề mục về việc theo sát và thực hiện Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna (VDPA) với chủ đề về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu người dân trong xung đột vũ trang, thu hút đông đảo các nước tham gia quan tâm và đồng bảo trợ.

Việt Nam – Hoa Kỳ thúc đẩy việc triển khai các thỏa thuận cấp cao

Hình ảnh tại Đối thoại.
(PLVN) - Nhận lời mời của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và triển khai thực hiện Tuyên bố chung giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tháng 9/2023 về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện, ngày 25/3, tại thủ đô Washington D.C., Hoa Kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng Antony Blinken đã đồng chủ trì Đối thoại cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ nhất.

Pháp nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất

Tháp Eiffel là biểu tượng nổi tiếng và hấp dẫn nhất của thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: REUTERS/Sarah Meyssonnier.
(PLVN) - Chính phủ Pháp đã nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất sau vụ xả súng đẫm máu tại nhà hát ở ngoại ô Moscow, Nga. Thông báo được đưa ra sau cuộc họp giữa các quan chức an ninh và quốc phòng cấp cao của Pháp với Tổng thống Emmanuel Macron.