Trung Đông rối loạn trong “trò chơi vương quyền”

“Chảo lửa” Trung Đông vốn đã sôi sục  giờ càng không biết đến khi nào mới điều hòa trở lại
“Chảo lửa” Trung Đông vốn đã sôi sục giờ càng không biết đến khi nào mới điều hòa trở lại
(PLO) - Những diễn biến bất ổn trên chính trường Liban sau khi Thủ tướng nước này Saad al-Hariri đột ngột từ chức đang đẩy cả khu vực Trung Đông vào một vòng xoáy căng thẳng mới, tiếp tục tạo thêm nguy cơ gây mất ổn định tại một trong những “điểm nóng” của thế giới này.  

Không chỉ bộc lộ rõ những mâu thuẫn dai dẳng “Hồi giáo hệ” giữa hai dòng Sunni và Shiite, cuộc khủng hoảng tại Liban còn được xem là “mặt trận mới” trong cuộc tranh giành địa-chính trị gay gắt tại Trung Đông giữa Saudi Arabia và Iran, hai cường quốc trong khu vực luôn đối đầu với nhau. 

Vụ từ chức đầy sóng gió

Việc Thủ tướng Liban Saad Hariri bất ngờ bay sang Saudi Arabia và tuyên bố từ chức trong một phát biểu được truyền hình trực tiếp từ thủ đô Riyadh với lý do “tính mạng bị đe dọa”, đồng thời chỉ trích Iran cùng với phong trào Hezbollah “đang kiểm soát Liban và gây bất ổn toàn bộ khu vực”, đã thực sự “gây sốc”, bởi trước đó ông từng thể hiện một quan điểm tương đối ôn hòa. 

Dù gia tộc của ông Hariri có quan hệ mật thiết với Saudi Arabia, bản thân Thủ tướng Liban là người Hồi giáo Sunni và cũng có quốc tịch Saudi Arabia, song  những năm qua, có vẻ nhà lãnh đạo này vẫn giữ không để Beirut bị lôi kéo vào cuộc đối đầu giữa phe Hồi giáo Shitte do Iran đứng đầu và phe Hồi giáo Sunni của Saudi.  Chính phủ liên minh tại Liban do ông đứng đầu tập hợp cả những thành viên Hezbollah, phong trào chính trị-vũ trang của người Hồi giáo dòng Shiite ở Liban và được Iran hậu thuẫn.

Giữ quan điểm duy trì một mối “quan hệ hữu nghị” với Hezbolah bởi điều này có lợi cho sự ổn định của Liban, chính ông Hariri đã ủng hộ đối thủ chính trị Michel Aoun, một đồng minh của phong trào Hezbollah, trở thành Tổng thống Liban. Đây có thể là lý do chính khiến Saudi Arabia, vốn coi Hezbolah là “tổ chức khủng bố” và luôn cứng rắn trong kiềm chế phong trào này, “không hài lòng” với ông Hariri. 

Vì vậy, không ít ý kiến cho rằng chính Saudi Arabia đã gây áp lực buộc ông Saad Hariri phải từ chức, thậm chí Saudi Arabia còn bị cho là đang giam giữ Thủ tướng Liban. Nói một cách khác, Saudi Arabia là “tổng đạo diễn” đứng sau cuộc khủng hoảng ở Liban.  Tuyên bố mới nhất của ông Hariri rằng ông từ chức là nhằm “tạo một sự chấn động tích cực” để toàn thể người Liban nhận ra những mối đe dọa đang phải đối mặt nếu tiếp tục ủng hộ Hezbolah, cũng được cho là do Saudi Arabia “giật dây”. 

Thủ tướng Liban Saad Hariri với vụ từ chức đầy sóng gió
Thủ tướng Liban Saad Hariri với vụ từ chức đầy sóng gió

Cuộc cờ của những “ông lớn”?

Saudi Arabia ngay lập tức “đổ lỗi” cho phong trào Hezbollah và Iran về biến động chính trị tại Liban, cáo buộc họ đã “cướp mất nền chính trị Liban” và khiến nước này tuyên chiến với Saudi Arabia. Có lẽ đây là cách để Saudi Arabia nhổ “cái gai” Hezbolah ở Liban, khi cuộc chiến tại Syria đang đi tới hồi kết và Hezbollah bắt đầu tập trung trở lại vấn đề chính trị, trong đó có việc tìm cách gia tăng ảnh hưởng trong chính phủ và hạn chế quyền lực của Thủ tướng Hariri cùng khối Sunni. 

Trong khi đó, vai trò của Thủ tướng Hariri trong điều hành chính sách đối ngoại và an ninh của Liban đang có dấu hiệu suy giảm. Kể từ khi lên nắm quyền cách đây 1 năm, chính phủ mới của ông vẫn không thể ổn định tình hình chính trị trong nước do mâu thuẫn giữa các phe phái trong khi nền kinh tế vốn lụn bại do nợ nần và tham nhũng tràn lan chưa có dấu hiệu được khôi phục. Do đó, ông Hariri không còn đủ khả năng bảo vệ quyền lực của khối Sunni tại Liban. 

 Tuy nhiên, cho dù tính toán của Saudi Arabia thực sự là gì thì việc khuấy động tình hình chính trị tại Liban vẫn có đích đến cuối cùng là Iran, đối thủ chính của Riyadh tại Trung Đông. Quan hệ chất chứa căng thẳng giữa Saudi Arabia và Iran, xuất phát từ sự chia rẽ giữa hai dòng Hồi giáo Sunni và Shiite cùng mâu thuẫn giữa dân tộc Arab và Ba Tư trong quá khứ, càng được khoét sâu bởi tham vọng tranh giành quyền lực và ảnh hưởng địa - chính trị trong khu vực của Riyadh và Tehran. 

Được coi là 2 “cường quốc” khu vực Trung Đông, đại diện có ảnh hưởng nhất của hai dòng Hồi giáo đối nghịch, Iran và Saudi Arabia tham gia giải quyết hầu hết các vấn đề nóng của khu vực và luôn đứng về các bên đối lập trong các cuộc xung đột ở Trung Đông. Lịch sử cũng đã nhiều lần chứng kiến những đợt căng thẳng bùng phát giữa hai nước đe dọa đẩy mâu thuẫn giáo phái ở Trung Đông thành xung đột bạo lực, như khi Riyadh và Tehran cắt đứt quan hệ ngoại giao hồi tháng 1/2016 sau vụ Saudi Arabia hành quyết một giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite. Cuộc chiến dai dẳng ở Yemen dẫn tới cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ trong khu vực hiện nay cũng chính là phản ánh bước leo thang trong cuộc đối đầu căng thẳng giữa Iran và Saudi Arabia. 

Trong vài năm nay, Iran đã từng bước trở lại vị thế cường quốc có ảnh hưởng với vai trò chính trị và quân sự ngày càng lớn trong khu vực, nhất là sau khi Tehran đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử với các cường quốc thuộc Nhóm P5+1 hồi tháng 7/2015. Với thỏa thuận này, các lệnh trừng phạt nhằm vào Tehran được dỡ bỏ và Iran thoát khỏi sự cô lập của cộng đồng quốc tế. Trong khi đó, Saudi Arabia đang lâm vào khó khăn trong cuộc cạnh tranh với Iran.

Trong các cuộc xung đột tại Iraq, Syria, Liban và Yemen, các lực lượng do Iran hậu thuẫn đang chiếm lợi thế trước các lực lượng Sunni do Saudi Arabia ủng hộ. Lợi thế này của Iran càng được khẳng định khi cuộc chiến chống tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng bước vào giai đoạn cuối, các lực lượng thân Iran đang làm chủ chiến trường Iraq và Syria, trái lại các lực lượng Sunni do Saudi hậu thuẫn cơ bản không có vai trò tại Iraq, Syria và trên hết đang phải vật lộn để tồn tại.

Bên cạnh đó, Saudi Arabia đang sa lầy trong cuộc chiến tại Yemen, chiến dịch bao vây và cô lập Qatar chưa mang lại kết quả như mong đợi, thậm chí Qatar không hạ cấp mà còn thắt chặt hơn nữa quan hệ với Iran…Đó là chưa kể sự cạnh tranh kinh tế giữa 2 nước với tư cách cùng là các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới.

Giới quan sát nhận định khủng hoảng chính trị tại Liban là đòn tiếp theo của Saudi Arabia để đối phó với Iran trong cuộc cạnh tranh quyền lực khu vực. Đồng thời với việc đổ lỗi cho Iran về bất ổn chính trị tại Liban, Saudi Arabia còn cáo buộc Iran có hành động “gây hấn quân sự trực tiếp” trong một vụ bắn tên lửa từ Yemen vào lãnh thổ Saudi Arabia. 

Các tín đồ Hồi giáo dòng Sunni và Shia luôn đối đầu nhau trong suốt hàng nghìn năm qua
Các tín đồ Hồi giáo dòng Sunni và Shia luôn đối đầu nhau trong suốt hàng nghìn năm qua

Khuấy “nước đục” để “thả câu”

Khuấy động tình hình chính trị ở Liban, Saudi Arabia được cho là đã “bắn một mũi tên trúng nhiều đích”. Nếu Hezbollah trở thành lực lượng kiểm soát chính trị tại Liban, điều này sẽ gây ra thách thức đối với Israel, Mỹ và đồng minh, nhất là nguy cơ dẫn tới xung đột quân sự Israel-Hezbollah. Nói cách khác, Saudi Arabia muốn đẩy Israel và Hezbollah vào một cuộc xung đột mới để giảm sức ép cạnh tranh với Iran, tạo không gian và nhiều điều kiện hơn cho giới lãnh đạo ở Riyadh tập trung vào giải quyết các vấn đề nội bộ, nhất là thúc đẩy chiến dịch chống tham nhũng và củng cố quyền lực. Tính toán này được cho là còn nhằm lôi kéo Mỹ duy trì can dự tại khu vực, tăng cường kiềm chế Iran tại Liban khi cuộc chiến chống IS tại Syria và Iraq đang đi vào hồi kết. 

Gây áp lực với Hezbollah tại Liban cũng là cách làm giảm sức mạnh của Hezbollah tại Syria, bởi phong trào này đang là lực lượng chiến đấu có hiệu quả tại Syria. Sau khi đánh bại IS, Hezbollah có thể sẽ là lực lượng chủ công chống lại các lực lượng phiến quân Sunni do các nước Arab, trong đó có Saudi Arabia, hậu thuẫn tại Syria. 

 Có thể thấy các cuộc xung đột tại Iraq, Syria, Yemen và Liban đều có cùng một nhân tố chung là sự đối đầu giữa Saudi Arabia và Iran. Trong nhiều năm qua, những tham vọng về lợi ích địa chiến lược cùng mối bất hòa giữa hai cộng đồng Hồi giáo dòng Shiite và Sunni đã không ngừng châm ngòi cho ngọn lửa thù hận và bạo lực tại khu vực Trung Đông, vốn bị chiến tranh và xung đột tàn phá. “Trò chơi vương quyền” đó đang lặp lại tại Liban, như đổ thêm dầu cho “chảo lửa” Trung Đông, vốn đã sôi sục do mối hiểm họa IS, xung đột Syria hay khủng hoảng Yemen... Chưa thể có hòa bình cho Trung Đông nếu các quốc gia trong đó không nỗ lực tìm cách cùng tồn tại hòa bình.  

Đọc thêm

Việt Nam – Hoa Kỳ thúc đẩy việc triển khai các thỏa thuận cấp cao

Hình ảnh tại Đối thoại.
(PLVN) - Nhận lời mời của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và triển khai thực hiện Tuyên bố chung giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tháng 9/2023 về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện, ngày 25/3, tại thủ đô Washington D.C., Hoa Kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng Antony Blinken đã đồng chủ trì Đối thoại cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ nhất.

Pháp nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất

Tháp Eiffel là biểu tượng nổi tiếng và hấp dẫn nhất của thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: REUTERS/Sarah Meyssonnier.
(PLVN) - Chính phủ Pháp đã nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất sau vụ xả súng đẫm máu tại nhà hát ở ngoại ô Moscow, Nga. Thông báo được đưa ra sau cuộc họp giữa các quan chức an ninh và quốc phòng cấp cao của Pháp với Tổng thống Emmanuel Macron.

Lái máy bay khi say rượu, phi công Mỹ bị kết án tù

Ông Lawrence Russell Jr bị phát hiện uống rượu vượt quá giới hạn cho phép của hãng hàng không gấp gần 2,5 lần.
(PLVN) - Phi công Lawrence Russell (63 tuổi), một công dân Mỹ, vừa bị kết án 10 tháng tù tại Scotland sau khi bị phát hiện có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép trong máu trước khi tiến hành chuyến bay xuyên Đại Tây Dương vào ngày 16 tháng 6 năm 2023.

Chưa ghi nhận công dân Việt Nam gặp nạn trong vụ tấn công khủng bố tại Nga

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng.
(PLVN) - Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, đến nay, chưa ghi nhận có công dân Việt Nam là nạn nhân trong vụ việc. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán đang khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại bám sát tình hình, sẵn sàng các biện pháp bảo hộ cần thiết trong trường hợp có công dân Việt Nam gặp nạn.

Hiện trường vụ tấn công khủng bố ở Nga

Hiện trường vụ tấn công khủng bố ở Nga
(PLVN) - Ít nhất 60 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương sau vụ xả súng vào đoàn người tham dự hòa nhạc ở Nga. Đây là một trong những vụ tấn công đẫm máu nhất ở Nga trong nhiều thập kỷ.