Tân tổng thống thân thiện xuất thân từ nghề lái xe bus

Tân tổng thống Venezuela được cho là sẽ phải đối mặt nhiều khó khăn phía trước.
Tân tổng thống Venezuela được cho là sẽ phải đối mặt nhiều khó khăn phía trước.
(PLO) - Ảnh hưởng tư tưởng cánh tả từ cha, khi còn trẻ, ông Nicolas Maduro không theo học đại học mà đi học nghề. Có thời kỳ, ông là lái xe bus rồi lại làm vệ sỹ và tích cực tham gia các hoạt động công đoàn. Trải qua những vị trí khác nhau, năm 2013, ông trở thành tổng thống Venezuela sau khi người tiền nhiệm Chavez qua đời. Tại cuộc bầu cử vừa qua, ông được tín nhiệm bầu làm thêm một nhiệm kỳ nữa.

Ông Nicolas Maduro sinh năm 1962 tại Caracas, Venezuela. Ảnh hưởng từ người cha vốn là thủ lĩnh của liên đoàn thương mại cánh tả, ngay từ khi còn trẻ, ông Maduro đã tích cực tham gia phong trào hoạt động thanh niên.

Thời học sinh, ông là Chủ tịch Hội sinh viên trường Trung học El Valle – trường của con em những người ở khu dân cư lao động tại ngoại ô Caracas. Trong con mắt những bạn học và những người xung quanh lúc bấy giờ, Maduro là một cậu học sinh ấn tượng,  một nhân vật có khả năng hòa giải và gắn kết mọi người. 

“Trong những cuộc thảo luận về vấn đề như quyền sinh viên, ông ấy rất tích cực phát biểu. Ông ấy không nói quá nhiều và cũng không kích động mọi người phải có những hành động cụ thể nhưng những lý lẽ của ông thường rất sâu sắc và có sức thuyết phục”, ông Grisel Rojas, một bạn học cũ của tổng thống Venezuela, kể lại.

Nhân vật sôi nổi, mạnh mẽ

Cùng với hoạt động chính trị, ông Maduro cũng thể hiện những khía cạnh rất “đời” như bao cậu thanh niên cùng lứa khác. Thời trung học, ông rất đam mê nhạc rock và thậm chí còn có ý định thành lập một ban nhạc rock. Tuy nhiên, ý định này đã không trở thành hiện thực. Thay vào đó, do ảnh hưởng của những tư tưởng cánh tả lúc bấy giờ, ông Maduro quyết định nghỉ học giữa chừng để theo học nghề. 

Trong những năm tháng tuổi trẻ, ông từng lấy công việc lái xe bus làm kế sinh nhai. Trong thời gian làm việc tại Công ty Caracas Metro, ông Maduro đứng ra thành lập tổ chức công đoàn đầu tiên của công ty – một tổ chức công đoàn không chính thức vì Caracas Metro lúc này vẫn cấm các hoạt động đoàn hội. Sau một thời gian làm lái xe, ông Maduro chuyển sang làm vệ sỹ cho ông Jose Vicente Rangel khi ông Rangel ra tranh cử tổng thống Venezuela vào năm 1983. 

Ông Maduro tích cực tham gia các hoạt động chính trị vào đầu những năm 1990, gia nhập nhánh dân sự của phong trào nổi dậy quân sự do người về sau trở thành tổng thống Venezuela Hugo Chavez khởi xướng có tên MBR-200.

Khi ông Chavez bị tống giam sau một cuộc đảo chính bất thành, ông Maduro và vợ tương lai là bà Cilia Flores – khi đó là một luật sư trẻ - đã tích cực tham gia phong trào đấu tranh đòi phóng thích ông Chavez. Năm 1992, ông Maduro được giới thiệu với ông Chavez. Theo thời gian, ông dần quen biết nhiều thành viên trong phong trào chính trị Chavista và giúp thành lập Phong trào cánh tả thứ 5.

Năm 1994, ông Chavez được thả ra và đến năm 1998 thì trở thành tổng thống Venezuela. Mốc thời gian này cũng đánh dấu sự tích cực tham gia hoạt động chính trị của ông Maduro. Năm 1999, ông được bầu vào Hạ viện Venezuela và được chọn vào nhóm soạn thảo Hiến pháp mới. Đến năm 2000, ông được bầu vào Quốc hội Venezuela khi hai viện hợp nhất thành một cơ quan lập pháp duy nhất. 

Đến năm 2005, ông có bước thăng tiến mạnh mẽ khi được bầu làm Chủ tịch Quốc hội Venezuela. Tại nhiệm một năm, ông được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Venezuela. Là người đứng đầu ngành ngoại giao Venezuela, ông Maduro đã có cơ hội để thúc đẩy các mục tiêu của Liên minh Boliva cho châu Mỹ (ALBA) như tăng cường hội nhập xã hội, chính trị và kinh tế ở khu vực châu Mỹ Latin cũng như kiềm chế bớt ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực.

Trong thời gian này, ông Maduro cũng được xem là “kiến trúc sư” giúp cải thiện quan hệ giữa Venezuela và Colombia. 

Về phương diện đời thường, ông này cũng nhận được sự quý mến của nhiều người vì tính cách gần gũi, thân thiện. Với những thành tích như vậy, ông được nhận xét là một trong những nhân vật nổi bật nhất, mạnh mẽ của đảng Xã hội chủ nghĩa Venezuela. “Ông ấy là một lãnh đạo công đoàn có khả năng thương lượng cực kỳ tốt”, ông Vladimir Villegas, một người đã có quá trình quan sát ông Maduro từ những ngày sinh viên, nhận xét. 

Nhà lãnh đạo gần gũi, giàu tình cảm 

Vị trí của ông Maduro trong chính quyền Venezuela được đẩy lên nhanh chóng từ đầu năm 2010, đặc biệt là khi sức khỏe của ông Chavez bắt đầu xấu đi. Năm 2011, ông Chavez tuyên bố mắc bệnh ung thư.

Đến tháng 10/2012, sau chiến thắng của của ông Chavez trước đối thủ Henrique Capriles Radonski tại cuộc bầu cử tổng thống cùng năm, ông Maduro đã được bổ nhiệm làm phó tổng thống. Là cấp phó, ông Maduro cũng là một trong những cố vấn thân cận nhất của tổng thống, mạnh mẽ ủng hộ ông Chavez về các chính sách. 

Trước khi rời đi tới Cuba để tiến hành phẫu thuật bóc tách khối u vào tháng 12/2012, ông Chavez đã chính thức tuyên bố ủng hộ ông Maduro trở thành người kế nhiệm nếu ông gặp bất trắc trong quá trình chữa bệnh. Ngày 5/3/2013, ông Chavez qua đời vì bệnh ung thư và ông Maduro trên cương vị phó tổng thống đã tiếp quản các công việc của ông Chavez.

Theo hiến pháp Venezuela, trường hợp tổng thống qua đời trong bốn năm đầu tiên của nhiệm kỳ, bầu cử tổng thống phải tiến hành trong vòng 30 ngày sau đó. 

Tại cuộc bầu cử được tổ chức năm 2013, ông Maduro trở thành ứng viên của Đảng Xã hội chủ nghĩa, vận động tranh cử với cam kết hoàn tất việc chuyển đổi xã hội chủ nghĩa tại Venezuela do ông Chavez khởi xướng, tăng cường kiểm soát súng ống tại các khu vực nghèo khó và có tỉ lệ tội phạm cao ở nước này cũng như tăng lương tối thiểu cho cán bộ.

Đánh bại ứng viên đối lập Henrique Capriles với chênh lệch chỉ chưa đến 2% phiếu bầu tại cuộc bầu cử được tổ chức vào tháng 4/2013, ông Maduro chính thức trở thành người kế nhiệm, tiếp tục di sản của ông Chavez. Lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống của ông Maduro diễn ra vào ngày 19/4 cùng năm. 

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Maduro đã tìm cách hàn gắn những chia rẽ của đất nước. Do xuất thân từ tầng lớp lao động nên ông dường như rất thấu cảm những suy nghĩ của người dân. Ông tham gia các hoạt động xã hội như trao nhà ở xã hội cho các gia đình khó khăn, các hoạt động khai trương bệnh viện hay tặng xe cho các trường đại học…

Hình ảnh một nhà lãnh đạo gần gũi và giàu tình cảm giúp ông nhận được sự ủng hộ từ dân chúng và trở thành một trong những lãnh đạo được yêu mến nhất ở Venezuela. 

Những khó khăn phía trước 

Tại cuộc bầu cử diễn ra ngày 20/5 vừa qua, ông Maduro - ứng cử viên của đại diện cho liên minh cánh tả Mặt trận Tổ quốc Mở rộng ở Venezuela - đã giành chiến thắng với 5,8 triệu phiếu bầu, tương đương 67,7% tổng số phiếu. Ứng cử viên đối lập mạnh nhất của ông Maduro tại cuộc bầu cử này là ông Henri Falcon được chỉ giành được 1,8 triệu phiếu ủng hộ. Với kết quả này, ông Maduro sẽ tiếp tục nắm quyền thêm một nhiệm kỳ sáu năm nữa. 

Phát biểu sau khi kết quả bầu cử được công bố, ông tuyên bố sẽ tiếp tục cuộc cách mạng tại Venezuela. Trong phát biểu đầu tiên sau khi tái đắc cử, ông cam kết sẽ ưu tiên phục hồi kinh tế Venezuela sau năm năm suy thoái.

“Thời kỳ trăng mật” của ông Maduro không thể kéo dài bởi trước mắt tân Tổng thống Venezuela sẽ là vô vàn khó khăn cần phải vượt qua để lèo lái đất nước tiếp tục con đường đã chọn. Venezuela hiện đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có tiền lệ trong khi sự phụ thuộc vào dầu mỏ của nước này vẫn chưa có dấu hiệu giảm.

Lạm phát phi mã khiến người dân thường xuyên phải xếp hàng để rút tiền mỗi ngày và mang theo những túi tiền lớn khi đi mua đồ. Các loại nhu yếu phẩm như thực phẩm, thuốc men cũng vô cùng khan hiếm. 

Cuộc sống khó khăn đã khiến hàng trăm nghìn người dân nước này phải tìm cách bỏ ra nước ngoài để tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn. Những khó khăn đối nội mà ông Maduro phải giải quyết thời gian tới còn có việc phải trấn áp tình trạng tham nhũng, tội phạm đang gia tăng mạnh mẽ, cũng như thúc đẩy hòa hợp dân tộc sau một thời gian dài căng thẳng khiến xã hội bất an. 

Trong vấn đề đối ngoại, tân tổng thống Venezuela cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ. Ngày 21/5 vừa qua, sau khi Nhà Trắng tuyên bố không công nhận kết quả bầu cử của Venezuela, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã ký sắc lệnh trừng phạt, cấm Venezuela bán các khoản nợ của chính phủ hay của các công ty thuộc sở hữu nhà nước Venezuela cho công dân Mỹ.

Ngoài ra, Washington đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào ngành dầu mỏ của Venezuela. Một số nước khác thời gian tới cũng có thể sẽ tiếp bước Mỹ gia tăng trừng phạt lên Venezuela, khiến tình hình kinh tế của nước này càng trở nên nguy khó hơn.

Đọc thêm

Việt Nam – Hoa Kỳ thúc đẩy việc triển khai các thỏa thuận cấp cao

Hình ảnh tại Đối thoại.
(PLVN) - Nhận lời mời của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và triển khai thực hiện Tuyên bố chung giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tháng 9/2023 về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện, ngày 25/3, tại thủ đô Washington D.C., Hoa Kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng Antony Blinken đã đồng chủ trì Đối thoại cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ nhất.

Pháp nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất

Tháp Eiffel là biểu tượng nổi tiếng và hấp dẫn nhất của thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: REUTERS/Sarah Meyssonnier.
(PLVN) - Chính phủ Pháp đã nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất sau vụ xả súng đẫm máu tại nhà hát ở ngoại ô Moscow, Nga. Thông báo được đưa ra sau cuộc họp giữa các quan chức an ninh và quốc phòng cấp cao của Pháp với Tổng thống Emmanuel Macron.

Lái máy bay khi say rượu, phi công Mỹ bị kết án tù

Ông Lawrence Russell Jr bị phát hiện uống rượu vượt quá giới hạn cho phép của hãng hàng không gấp gần 2,5 lần.
(PLVN) - Phi công Lawrence Russell (63 tuổi), một công dân Mỹ, vừa bị kết án 10 tháng tù tại Scotland sau khi bị phát hiện có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép trong máu trước khi tiến hành chuyến bay xuyên Đại Tây Dương vào ngày 16 tháng 6 năm 2023.

Chưa ghi nhận công dân Việt Nam gặp nạn trong vụ tấn công khủng bố tại Nga

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng.
(PLVN) - Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, đến nay, chưa ghi nhận có công dân Việt Nam là nạn nhân trong vụ việc. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán đang khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại bám sát tình hình, sẵn sàng các biện pháp bảo hộ cần thiết trong trường hợp có công dân Việt Nam gặp nạn.

Hiện trường vụ tấn công khủng bố ở Nga

Hiện trường vụ tấn công khủng bố ở Nga
(PLVN) - Ít nhất 60 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương sau vụ xả súng vào đoàn người tham dự hòa nhạc ở Nga. Đây là một trong những vụ tấn công đẫm máu nhất ở Nga trong nhiều thập kỷ.