700 người cứu nhà vật lý trong hang sâu nhất nước Đức

Hình ảnh ông Johann Westhauser được chăm sóc ở bệnh viện.
Hình ảnh ông Johann Westhauser được chăm sóc ở bệnh viện.
(PLO) - Hơn 700 người được huy động khẩn cấp để nỗ lực giải cứu nhà vật lý Johann Westhauser trong hang động sâu nhất nước Đức. Cuộc giải cứu được mô tả là một trong những chiến dịch vĩ đại nhất mọi thời đại. 

Được biết, thám hiểm hang động là một môn thể thao bắt đầu tại quần đảo Anh vào cuối thế kỷ XIX. Những câu lạc bộ thám hiểm hang động đầu tiên được thành lập tại Anh vào những năm 1920 và 1930 theo Hội đồng Giải cứu hang động Anh (BCRC). Nhưng cũng từ đó mà gây nên nhiều sự vụ mất tích, chết người và kẹt dưới hang sâu không thoát ra được. Vụ giải cứu ông Johann Westhauser là một điển hình. 

Bị đá rơi vào đầu ở độ sâu hơn 6km

Năm 1995, ông Johann Westhauser là một trong những thành viên của nhóm phát hiện ra hang động, được gọi Big Thing và tham gia vẽ bản đồ hang động này. Sau đó, ông Johann Westhauser quay trở lại hang vào năm 2002. 

Đến đầu tháng 6/2014,  cùng với hai đồng nghiệp dày dạn kinh nghiệm, nhà thám hiểm người Đức Johann Westhauser, 52 tuổi, lại một lần nữa khám phá vào hang động có chiều dài  hơn 12 dặm (19,6km) dưới lòng đất. 

Là một chuyên gia thám hiểm hang động, ông Westhauser đương nhiên không lạ lẫm gì giữa không gian tối đen như mực trong lòng hang Big Thing. Tuy nhiên, ngay cả với những chuyên gia thám hiểm hang động dày dạn kinh nghiệm nhất, Big Thing vẫn là một cái tên ẩn chứa nhiều thách thức.

Bất chấp tất cả những năm kinh nghiệm của họ, sự cố khủng khiếp đã xảy ra. Ở độ sâu gần 3.800 feet bên dưới bề mặt, đầu của ông Westhauser bị đập mạnh vào một tảng đá. Mặc dù ông Johann Westhauser đội mũ bảo hiểm, nhưng bị chấn thương não và không thể tiếp tục. 

Không có bất kỳ tín hiệu điện thoại di động nào để gửi cầu cứu đến các nhà chức trách, đồng nghiệp của ông Johann Westhauser đã phải từ từ quay trở lên mặt đất để tập hợp một đội cứu hộ. Còn bản thân ông Johann Westhauser bị kẹt lại trong hang sâu khoảng 950m so với mặt đất và cách miệng hang khoảng 4 dặm (6,5km). 

Sau khi những người đồng nghiệp vượt khỏi hang tìm đội cứu hộ. Cơ quan Cứu hộ núi Bavaria tức tốc tới hiện trường xem xét tình hình và nhận thấy rằng tình thế vượt ngoài kinh nghiệm thông thường của họ: cuộc giải cứu không phải từ trên một đỉnh núi mà từ dưới hang sâu trong lòng đất. Về mặt phức tạp, nó tương đương một sứ mệnh giải cứu từ đỉnh Everest.

Cuộc giải cứu 11 ngày gian truân 

Được biết, lối vào hang Big Thing nằm ở độ cao hơn 1,8 km trên núi Bavarian Alps và các vật dụng phải thả xuống hang bằng dây thừng từ trực thăng. Theo The Guardian cho biết, chiến dịch giải cứu ông Westhauser có chi phí gần 1 triệu euro và 728 người tham gia trong đó có cả các chuyên gia cứu hộ, chuyên gia leo núi và thám hiểm lão luyện hang động từ Thụy Sĩ, Ý và Áo đổ về. 

Ban đầu, cấp thiết hơn cả là phải trợ giúp y tế cho nạn nhân đang kẹt sâu trong lòng đất. Các nhân viên cứu hộ đã tới được chỗ của ông Westhauser nhưng các bác sĩ buộc phải quay ra giữa chừng vì lối đi trong quá nguy hiểm. Lúc này, vết thương của ông Westhauser nghiêm trọng đến mức ông không thể di chuyển, nên những người cứu hộ thiết lập hệ thống “hang động liên kết”, sử dụng dòng điện để gửi và nhận các thông điệp cơ bản, thậm chí thông qua hàng trăm mét đá.

Phải mất 4 ngày sau tai nạn, 1 bác sĩ mới tới được chỗ ông Westhauser và xác nhận tình trạng của nhà thám hiểm không quá bi quan như đánh giá ban đầu, ông bị chấn thương sọ não, sức khỏe đủ ổn định để được đưa ra ngoài. 

Ở thời điểm đó, lúc nào cũng phải duy trì khoảng 60 nhân viên cứu hộ ở trong hang để hỗ trợ. Ông Westhauser được bọc trong đệm và buộc vào một chiếc xe trượt băng sợi thủy tinh, giống như những người được sử dụng để cứu những người trượt tuyết bị thương trên núi. Tình trạng của Johann Westhauser lúc đó tỉnh táo, song nói chậm và không thể nói thành câu. 

Hình ảnh ông Johann Westhauser được đưa ra khỏi hang.
Hình ảnh ông Johann Westhauser được đưa ra khỏi hang. 

Để vượt qua trở ngại cuối cùng, khoảng 100 người cứu hộ chia ra thành các nhóm, thiết lập một hệ thống ròng rọc thủ công, để kéo chiếc xe trượt băng này dọc lên miệng hang qua một hành trình quanh co, khúc khuỷu, ngoằn ngoèo, lởm chởm vách đá dài 4,8km. Nhiều đoạn hẹp tới mức mũi của ông Westhauser gần như bị xé nát vì chà mạnh vào các vách đá vôi. Không những thế, họ còn phải băng qua hố trũng và thác nước trong hang, vật vã trong cái lạnh rợn người của gió thốc và nhiệt độ 3 độ C. 

Bên trong lòng hang, khoảng 5 khu vực lều tạm trang bị túi ngủ, lương thực và các đồ cung ứng khác đã được dựng theo từng quãng nghỉ. Chị Sabine Zimmerebner-một người thám hiểm hang động tại Áo, người có mặt trong nhóm đầu tiên chui xuống lòng hang cứu hộ, đã nỗ lực hết sức giúp ổn định tinh thần cho người mà chị đã quen biết từ lâu. Trong hành trình gian nan, chị đã cầm tay ông Westhauser, thi thoảng kể cho ông nghe những chuyện cười để cùng nhau quên đi thời khắc sinh tử cận kề.

Ngoài ra, luôn luôn có một bác sĩ từ Ý, cũng là một nhà leo núi, đồng hành cùng ông Westhauser trong suốt những ngày cuối cùng trước khi thoát ra miệng hang. Để đối phó với nguy cơ xuất huyết có thể đe dọa tính mạng của ông Westhauser bất cứ lúc nào, các bác sĩ thường trực giữ khoan chuyên dụng sẵn sàng để khoan vào hộp sọ của ông trong trường hợp khẩn cấp.

Ngay cả đôi mắt của ông Westhauer cũng đã được bảo vệ chu đáo bằng chiếc kính chuyên biệt giúp ông dần làm quen với ánh sáng tự nhiên sau nhiều ngày bị chôn vùi trong hang động. 

Tuy nhiên, ông Klemens Reindl - người chỉ đạo cuộc cứu hộ thuộc đơn vị Mountain Rescue Service - vẫn sợ rằng phút sung sướng vỡ òa bất ngờ sau một hành trình quá dài và quá căng thẳng sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng ông Westhauser.

Mặc dù cơ thể được giữ cố định nhưng ông Westhauser vẫn còn một tay có thể điều khiển để chỉnh hướng cho chiếc xe trượt lách qua những quãng hẹp. Chính sự can trường và nghị lực của ông đã truyền thêm sức mạnh cho những người cứu hộ. Chuyên gia cứu hộ Klemens Reindl hiểu rằng, điềm tĩnh lúc này là điều cực kỳ quan trọng để có thể đưa ông Westhauser vượt lên chặng cuối cùng để đến được miệng hang.

“Việc leo xuống một cái hang nguy hiểm vốn đã khó khăn ngay với một người được đào tạo bài bản nhất, nhưng còn khó hơn trong điều kiện lối lên quá hẹp, lại có thêm một người bị nạn nằm cố định trong chiếc xe cáng thương. Nhưng tinh thần mạnh mẽ tuyệt vời của ông Westhauser đã giúp chúng tôi bền bỉ hơn” - ông Klemens Reindl chia sẻ.

Trên mặt đất, hàng trăm người trợ giúp khác đã lập một nhà kho với mọi thứ họ cần để giải cứu như trạm cấp cứu y tế khẩn cấp; và thậm chí là một sân bay tạm thời cho trực thăng. Sở cứu hỏa địa phương đã tổ chức một trung tâm báo chí, với các nhà báo từ khắp nơi trên thế giới quan sát lo lắng về chiến dịch giải cứu.

Cuối cùng sau 11 ngày, 10 giờ và 40 phút, cuối cùng ông Westhauser đã được đưa lên tới miệng hang. Như một phép mầu, ông đã sống sót và hồi phục dù bị xuất huyết não. “Khi nghe thấy chiến dịch giải cứu thành công, chúng tôi ôm chầm lấy nhau, cả những người đàn ông cũng khóc. Ai cũng mừng khôn tả”, cô Sabine Zimmerebner xúc động nói. 

Ông Norbert Heiland- một thành viên của Dịch vụ Cứu hộ Núi Bavarian so sánh cuộc giải cứu Johann Westhauser  với cuộc giải cứu nổi tiếng năm 1957 khi một người núi gốc Ý là Claudio Corti đã được cứu thoát khỏi đỉnh núi Eiger nguy hiểm, trong dãy Alps Thụy Sĩ. Heiland cho biết trong một cuộc họp báo rằng: “Sự khó khăn và phức tạp của các hoạt động giải cứu Johann Westhauser là chưa từng có”.

Cuộc giải cứu đã được mô tả như là một trong những chiến dịch vĩ đại nhất mọi thời đại. 728 người đã nỗ lực để giữ cho Westhauser còn sống. Sau đó ông Westhauser nói với Nico Petterich, một bác sĩ trong chiến dịch giải cứu mình rằng, ông muốn rất cảm ơn từng cá nhân những người đã dốc lòng cứu sống ông. Sau hai tuần, Westhauser được ra viện và sức khỏe hoàn toàn bình thường. Đến năm 2016, không sợ hãi, ông tiếp tục hành trình trinh phục, khám phá và thám hiểm hang động một lần nữa.

Đọc thêm

Việt Nam – Hoa Kỳ thúc đẩy việc triển khai các thỏa thuận cấp cao

Hình ảnh tại Đối thoại.
(PLVN) - Nhận lời mời của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và triển khai thực hiện Tuyên bố chung giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tháng 9/2023 về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện, ngày 25/3, tại thủ đô Washington D.C., Hoa Kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng Antony Blinken đã đồng chủ trì Đối thoại cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ nhất.

Pháp nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất

Tháp Eiffel là biểu tượng nổi tiếng và hấp dẫn nhất của thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: REUTERS/Sarah Meyssonnier.
(PLVN) - Chính phủ Pháp đã nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất sau vụ xả súng đẫm máu tại nhà hát ở ngoại ô Moscow, Nga. Thông báo được đưa ra sau cuộc họp giữa các quan chức an ninh và quốc phòng cấp cao của Pháp với Tổng thống Emmanuel Macron.

Lái máy bay khi say rượu, phi công Mỹ bị kết án tù

Ông Lawrence Russell Jr bị phát hiện uống rượu vượt quá giới hạn cho phép của hãng hàng không gấp gần 2,5 lần.
(PLVN) - Phi công Lawrence Russell (63 tuổi), một công dân Mỹ, vừa bị kết án 10 tháng tù tại Scotland sau khi bị phát hiện có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép trong máu trước khi tiến hành chuyến bay xuyên Đại Tây Dương vào ngày 16 tháng 6 năm 2023.

Chưa ghi nhận công dân Việt Nam gặp nạn trong vụ tấn công khủng bố tại Nga

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng.
(PLVN) - Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, đến nay, chưa ghi nhận có công dân Việt Nam là nạn nhân trong vụ việc. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán đang khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại bám sát tình hình, sẵn sàng các biện pháp bảo hộ cần thiết trong trường hợp có công dân Việt Nam gặp nạn.

Hiện trường vụ tấn công khủng bố ở Nga

Hiện trường vụ tấn công khủng bố ở Nga
(PLVN) - Ít nhất 60 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương sau vụ xả súng vào đoàn người tham dự hòa nhạc ở Nga. Đây là một trong những vụ tấn công đẫm máu nhất ở Nga trong nhiều thập kỷ.