Vụ án chìm tàu tại Cần Giờ, TP HCM: Lần thứ 3, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu xem xét, báo cáo

Hoạt động kinh doanh, sản xuất của Cty CP Công nghệ Việt Séc đang gặp trở ngại do Giám đốc bị “cấm xuất cảnh”
Hoạt động kinh doanh, sản xuất của Cty CP Công nghệ Việt Séc đang gặp trở ngại do Giám đốc bị “cấm xuất cảnh”
(PLO) - Liên quan đến vụ án chìm tàu tại Cần Giờ, TP HCM, Văn phòng Chính  (VPCP) vừa có văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, yêu cầu Bộ Công an thực hiện nghiêm các ý kiến của Thủ tướng tại hai văn bản của VPCP vào năm 2015 và 2016, báo cáo Thủ tướng trong tháng 3/2018.

Trong 3 năm tạm đình chỉ, 3 lần lãnh đạo chính phủ có ý kiến

Văn bản của VPCP nêu rõ, Công ty CP Xây lắp Dầu khí Miền Nam -Alpha ECC có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ phản án, kiến nghị một số nội dung liên quan đến vụ án “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn”.

Về việc này, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình có ý kiến như sau: Bộ Công an thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản số 8370/VPCP-V.I ngày 14/10/2015, số 10345/VPCP-V.I ngày 30/11/2016, đồng thời xem xét và xử lý kiến nghị của Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí miền Nam (AlphaECC) theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng trong tháng 3/2018.

Như vậy, cho đến nay, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ đã 3 lần có ý kiến, yêu cầu Bộ Công an xem xét, báo cáo. Trước đó, tại Văn bản số 10345/VPCP-V.I ngày 30/11/2016, VPCP cho biết “Thủ tướng Chính phủ nhận được thư kiến nghị của Cty CP Công nghệ Việt Séc phản ánh việc Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM lạm dụng quyền lực trong vụ án “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn”.

Về việc này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến như sau: Bộ Công an thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nêu tại văn bản số 8370/VPCP-V.I ngày 14/10/2015 của Văn phòng Chính phủ, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/12/2016; Giao Chủ tịch UBND TP.HCM phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra vụ việc này, đề xuất biện pháp giải quyết lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/12/2016”.

Như PLVN đã từng thông tin thì sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can (năm 2013) đối với ông ông Vũ Văn Đảo (Giám đốc Cty Cp Việt Séc) và Đinh Văn Quyết (Giám đốc Cty Cp Vũng Tàu Mariana) về tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn”, CQĐT và VKSND TP Hồ Chí Minh vẫn không thể khẳng định được nguyên nhân chìm tàu tại vùng biển Cần Giờ ngày 2/8/2013 là do tàu kém chất lượng hay do tình trạng kỹ thuật của tàu không đảm bảo. Ngày 27/4/2015, TAND TP Hồ Chí Minh đã phải trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung để làm rõ việc ca nô không đảm bảo an toàn khi đưa vào sử dụng như thế nào. 

Tháng 8/2015, sau khi có Quyết định trưng cầu Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) giám định đối với ca nô, CQĐT Công an TP HCM đã tạm đình chỉ điều tra vụ án vì thời hạn điều tra bổ sung đã hết. 

Hai lần có Kết luận giám định, vẫn “ngâm” án

 Trước diễn biến trên, một số doanh nghiệp mà ông Đảo, ông Quyết tham gia điều hành đã nhiều lần có văn bản cho rằng cần phải đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can vì ông Đảo, ông Quyết không thực hiện hành vi phạm tội. Nhưng CQĐT và VKSND TP HCM lại cố “treo” án bằng cách ra quyết định tạm đình chỉ vụ án, chờ trưng cầu giám định phương tiện, rồi gia hạn lệnh cấm xuất cảnh ông Đảo đến tháng 9/2018. 

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Cty AlphaECC cho biết, Cty đang có dự án đầu tư tại Myanmar và đối tác đã nhiều lần mời ông Vũ Văn Đảo (Giám đốc AlphaECC) sang làm việc để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất. Tuy nhiên, ông Đảo không thể xuất cảnh vì bị Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM ra lệnh “cấm xuất cảnh” từ năm 2013. Vì vậy, Cty cho rằng cần đình chỉ ngay vụ án oan sai đối với giám đốc doanh nghiệp và hủy bỏ các quyết định cấm xuất cảnh đối với ông Đảo.

Tuy nhiên, trong các văn bản báo cáo VKSND tối cao và Ban Dân nguyện của Quốc hội, VKSND TP. Hồ Chí Minh đều cho rằng: không có việc khởi tố oan sai đối với ông Đảo, ông Quyết. Hiện nay, vụ án đang tạm đình chỉ để làm rõ các nội dung liên quan đến kết luận giám định chứ không có việc “treo án” như phản ánh.

Nhưng thực tế cho thấy, kể từ khi có quyết định tạm đình chỉ vụ án đến nay, Bộ GTVT đã có hai lần giám định và đều có kết luận, giải thích rõ “nguyên nhân dẫn đến mất ổn định, gây tai nạn lật phương tiện là do chở quá số người cho phép, cộng thêm phương tiện đã gặp thời tiết bất lợi tại thời điểm xảy ra tai nạn”. Theo Cty AlphaECC thì nội dung kết luận trên là rõ ràng, thể hiện nguyên nhân chìm ca nô không phải do lỗi thiết kế, lỗi về vật liệu nên việc CQĐT cố tình “đề nghị được giải thích” chỉ là cái cớ để tiếp tục “treo” vụ án. 

Đáng nói, trong văn bản cáo cáo Ban Dân nguyện của Quốc hội, VKSND TP. HCM còn lý giải cho việc kéo dài vụ án là do: để chờ “xin ý kiến thỉng thị Liên ngành Trung ương”.

Bất ngờ trước lý do này, ông Đảo khẳng định, “Bộ luật tố tụng hình sự không hề có quy định nào về “xin ý kiến thỉnh thị” hoặc “ý kiến liên ngành”. Vì vậy, việc lấy lý do “chờ xin ý kiến” để biện minh cho việc kéo dài vụ án là không hợp lý. Việc này  không chỉ vi phạm quy định của pháp luật mà còn làm ảnh hưởng đến sự độc lập, vô tư, khách quan của những người tiến hành tố tụng và cơ quan tiến hành tố tụng. 

Đọc thêm