Thận trọng với đề xuất bị can, bị cáo được đặt tiền để tại ngoại

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
(PLO) - Đề xuất cho phép bị can, bị cáo được đặt từ 30-200 triệu đồng để không bị tạm giam đang được các chuyên gia pháp lý ủng hộ với lý do đây là một quy định phù hợp và tiến bộ. Song, các ý kiến cũng cho rằng cần có cân nhắc đối tượng áp dụng, có quy định cụ thể, rõ ràng để tránh bị lợi dụng.

Có thể đặt từ 30 triệu để tại ngoại

Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao (VKSNDTC) và Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC) vừa công bố Dự thảo Thông tư liên tịch quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền đặt, việc tạm giữ, hoàn trả, tịch thu, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã đặt để đảm bảo theo quy định tại Điều 122 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.

Theo Dự thảo, căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân bị can, bị cáo và khả năng tài chính của bị can, bị cáo hoặc của người thân thích của bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án quyết định mức tiền cụ thể mà bị can, bị cáo phải đặt để bảo đảm. Mức tiền bảo đảm không dưới 30 triệu đồng đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 100 triệu đồng đối với tội phạm nghiêm trọng và 200 triệu đồng đối với tội phạm rất nghiêm trọng. 

Dự thảo Thông tư cũng quy định Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định mức tiền phải đặt để bảo đảm thấp hơn nhưng không dưới 1/2 mức tương ứng quy định nói trên với một số trường hợp như bị can, bị cáo là thương binh, bệnh binh, là người được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân, Thầy thuốc Nhân dân hoặc được tặng Huân chương, Huy chương Kháng chiến, các danh hiệu Dũng sĩ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất, người từ đủ 70 tuổi trở lên, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi…

Điều kiện để được đặt tiền bảo đảm là bị can, bị cáo phải cam đoan có mặt theo giấy triệu tập, không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội. Nếu bị can, bị cáo thực hiện không đúng cam đoan họ sẽ bị tạm giam và số tiền đã đặt sẽ bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước. 

Vẫn theo Dự thảo Thông tư, thời hạn đặt tiền không quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử. Bị can, bị cáo chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ đã cam đoan thì Viện kiểm sát, Tòa án có trách nhiệm trả lại cho họ số tiền đã đặt.

Dự thảo cũng quy định rõ các trường hợp không áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm như bị can, bị cáo phạm một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia; các tội phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh; phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng do cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; các tội cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản, cướp giật tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, khủng bố, đua xe trái phép...

Quy định phù hợp và tiến bộ 

Trao đổi về đề xuất trên, Luật sư Lê Thiên, Giám đốc Công ty Luật Lê và Liên danh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, về mặt pháp lý, vấn đề này đã được quy định tại Điều 93 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 và hướng dẫn bởi Thông tư liên tịch số 17 ngày 14/11/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, VKSNDTC, TANDTC. Trên thực tế cũng đã có nhiều trường hợp bị can, bị cáo được áp dụng quy định này và  đặt tiền để được tại ngoại.

Luật sư Thiên nhận định đây là một quy định phù hợp và tiến bộ. Bởi, trước hết, quy định này giúp bảo vệ quyền tự do của công dân một cách tốt nhất, đồng thời cũng tránh được những oan sai trong quá trình điều tra do bức cung, nhục hình hay những tác động tiêu cực đến tâm lý, sức khỏe của bị can, bị cáo.

Việc cho phép bị can, bị cáo đặt tiền để tại ngoại đối với một số tội danh cũng giúp giảm bớt phần nào sự quá tải tại các trại giam, trại tạm giam. Ngoài ra, việc đặt tiền để tại ngoại cũng giúp tránh được những hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến cuộc sống của bị can, bị cáo và gia đình.

“Ví dụ như một chủ doanh nghiệp bị bắt tạm giam để điều tra về tội ít nghiêm trọng, nếu không được tại ngoại để điều hành công việc thì có thể làm ảnh hưởng đến gia đình họ, thậm chí ảnh hưởng cả một doanh nghiệp lớn với rất nhiều người lao động”, Luật sư Thiên lấy dẫn chứng.

Tuy nhiên, ông Thiên cũng cho rằng việc cho phép đặt tiền để tại ngoại phải được xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng, tránh trường hợp người tại ngoại bỏ trốn, tiêu hủy chứng cứ hay tiếp tục phạm tội. Về việc này, các cơ quan chức năng cần có biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ đối với người tại ngoại.

Bên cạnh đó, Dự thảo cũng nên quy định cụ thể, rõ ràng về trình tự, cách thức đặt tiền, các biện pháp quản lý số tiền đã đặt để tránh những hành vi tiêu cực của cán bộ nhà nước, lợi dụng hoặc ép buộc bị can, bị cáo đặt tiền trái quy định của pháp luật để hưởng lợi cá nhân./.

Đọc thêm

Gặp tổ công tác 141, hai thanh niên tự nguyện giao nộp... ma túy

Các tổ công tác 141-CATP tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố.
(PLVN) - Khi tổ công tác 141 thực hiện công tác tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố trên đường Lê Trọng Tấn - Hà Đông (Hà Nội), hai thanh niên tỏ ra lúng túng, lo sợ, tự giác giao nộp 01 túi nilon kích thước 01x01 cm bên trong chứa chất tinh thể màu trắng cho lực lượng chức năng. Tại chỗ, các đối tượng khai là ma túy đá.

Gia Lai: Giao xe máy cho con chưa đủ tuổi rồi gây tai nạn giao thông, người mẹ lãnh án

Bị cáo Rơ Mah Pil tại phiên tòa.
(PLVN) - Sáng 27/3, TAND huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã mở phiên tòa xét xử lưu động đối với bị cáo Rơ Mah Pil (38 tuổi, trú tại xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, Gia Lai, mẹ của Rơ Mah Tinh) về tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ" theo Điều 264 Bộ luật Hình sự.