Rắc rối vụ án cọc tiền bỗng dưng biến thành… cọc vé số

Các bị cáo kêu oan tại phiên xét xử ngày 16/10
Các bị cáo kêu oan tại phiên xét xử ngày 16/10
(PLO) - Một vụ án khá hi hữu và kéo dài hơn 7 năm chưa có hồi kết. Người mua nhà khẳng định bên trong cọc giấy báo, quấn băng keo xung quanh là tiền để giao dịch mua bán nhà nhưng khi mở ra lại là… cọc vé số.

Sáng qua (16/10), TAND TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đưa vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với ba bị cáo Hà Ngọc Loan (SN 1972), Hà Ngọc Phượng (SN 1968, chị ruột Loan) và Nguyễn Thị Kim Huệ (SN 1982, em dâu Loan và Phượng, cùng ngụ tại TP Thủ Dầu Một). Sau khi xét hỏi, HĐXX ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Tranh cãi bên trong gói giấy báo là tiền hay vé số

Theo hồ sơ vụ án, Loan có cho Phạm Thị Bích Hằng (SN 1974, ngụ phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một) vay mượn tiền nhưng không xác định được số tiền cụ thể. Loan thường tìm đến nhà mẹ của Hằng là bà Nguyễn Thị Lan (SN 1950) để đòi nợ nhưng Hằng né tránh không chịu trả. Do biết bà Lan cần bán nhà, đất nên tháng 6/2011, Loan nói cho Phượng biết, đồng thời nhờ Phượng đứng ra mua căn nhà để cấn trừ số tiền mà Hằng còn nợ.

Phượng gặp bà Lan và mua căn nhà với giá 685 triệu đồng. Đặt cọc trước 150 triệu đồng, số tiền còn lại sẽ thanh toán khi ký hợp đồng chuyển nhượng có công chứng. Ngày 22/7/2011, Phượng cùng bà Lan đến Phòng công chứng số 1 (phường Phú Cường) để ký hợp đồng mua bán và giao tiền. Lúc ở Phòng công chứng có Phượng, chồng Phượng và con trai, phía bà Lan có 9 người gồm bà Lan, các con và rể.

Sau khi hai bên ký hợp đồng mua bán và bà Lan ký giấy nhận đủ tiền, Phượng mới đưa tiền. Hồ sơ nói rằng bà Phượng giao cọc tiền thứ nhất là 235 triệu đồng để phía bà Lan đếm. Còn cọc thứ 2, Phượng bọc giấy báo, xung quanh quấn băng keo. Phượng đưa ra và nói “đây là cọc thứ 2, 300 triệu đồng”. Cáo trạng cáo buộc, khi Phượng còn cầm trên tay, bà Lan chưa cầm thì Huệ từ phía sau lao tới chụp cọc giấy báo được cho là có tiền bên trong bỏ vào túi xách.

Bà Lan thấy vậy liên tri hô “cướp cướp” và ôm Huệ lại. Lúc này, trên tay Huệ còn cầm giỏ xách. Nghe tiếng bà Lan tri hô, các con bà Lan cũng ôm Huệ. Ngay lúc đó, Loan đi vào yêu cầu thả Huệ ra nhưng không được. Gia đình bà Lan giữ Huệ lại cho đến khi Công an phường Phú Cường có mặt mới thả ra và tất cả đến Công an phường để giải quyết.

Tại trụ sở, Công an phường Phú Cường tiến hành lập biên bản ghi nhận bên trong túi xách mà Huệ giữ khi vào Phòng công chứng số 1, có 1 ví da, 1 gói giấy báo quấn băng keo xung quanh và 33 triệu đồng.

Chiều cùng ngày, Công an phường Phú Cường tiến hành mở gói giấy báo quấn băng keo xung quanh để kiểm tra thì phát hiện bên trong không phải là tiền mà là… 20 xấp vé số. Việc khám xét này có sự chứng kiến của Loan, bà Lan. Lúc này, Loan khẳng định túi xách và gói giấy báo bên trong có 20 xấp vé số là của Loan nên Công an phường giao trả cho Loan. Quá trình giỏ xách được mang từ Phòng công chứng số 1 về Công an phường và lưu giữ đến lúc khám xét đều có sự giám sát của Loan. Sau đó, Loan đã vứt túi xách và gói được giấy báo bên trong có 20 xấp vé số nên quá trình điều tra không thu hồi được. 

Đối với căn nhà, sau khi bà Lan từ Công an phường về thì bị thay ổ khóa mới, không vào được. Bà Lan trình báo công an và chuyển đi ở trọ nơi khác. Đến tháng 10/2013, căn nhà được Phượng bán cho bà Nguyễn Thị Sáng.

Vụ việc xảy ra từ năm 2011 nhưng không hiểu tại sao đến tháng 7/2015, CQĐT Công TP Thủ Dầu Một mới ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội “cướp giật tài sản” và bắt tạm giam đối với bị cáo Huệ. Còn Phượng và Loan được xác định là người có nghĩa vụ liên quan, người làm chứng.

Cáo buộc Huệ “cướp giật tài sản”, cáo trạng nêu: “Ngày 22/7/2011, Loan biết bà Lan bán nhà nên rủ Huệ đến phòng công chứng lấy tiền của bà Lan. Huệ thừa nhận có giật cọc giấy báo quấn băng keo mà Huệ cho là có 300 triệu đồng bên trong từ tay Phượng rồi đưa cho Loan”. Với hành vi như trên, Huệ bị truy tố tội “Cướp giật tài sản” và số tiền cướp giật là 300 triệu đồng. Còn hành vi mua bán nhưng thanh toán bằng 20 xấp vé số của Phượng sẽ được tách ra xử lý riêng?!

Tuy nhiên, vụ án bị tòa trả hồ sơ điều tra vì cho rằng lọt người, lọt tội. Đến ngày 05/10/2017, CQĐT Công an TP Thủ Dầu Một lại ra quyết định thay đổi tội danh của Huệ, khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bị cáo Loan và Phượng. Cả ba bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cáo trạng cho rằng Loan, Phượng, Huệ đã có hành vi dùng thủ đoạn gian dối là thay thế cọc tiền bằng cọc vé số để lừa đảo chiếm đoạt 300 triệu đồng của bà Lan.

Rắc rối việc định tội danh

Tại phiên tòa lần này, cả ba bị cáo đều kêu oan, cho rằng cáo trạng cáo buộc các bị cáo tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là sai.  Bị cáo Loan trình bày là nhờ Huệ ngăn cản việc bà Lan nhận tiền để bị cáo thu hồi nợ vì sợ bà Lan cầm được tiền rồi không trả nợ thay Hằng. Bị cáo Loan khẳng định không “lừa đảo” và cọc vé số là của Loan và do các con Loan nghịch bỏ vào túi xách.

Bị cáo Phượng khai mua nhà của bà Lan từ một người môi giới chứ không phải thông qua Loan như cáo trạng nêu. Tiền mua nhà là tiền bà tích góp được. Phượng không biết việc Hằng nợ tiền Loan. Sau 10 ngày đặt cọc mua nhà, Loan có nói nhà mà Phượng mua là nhà bà Lan, mẹ của Hằng nợ tiền mình. Tuy nhiên Phượng cho rằng không nói cho Loan biết về giao dịch công chứng vào ngày 22/07/2011.

Theo bị cáo Phượng, cọc tiền nào cũng được bọc giấy báo quấn băng keo xung quanh. “Bị cáo đưa cả 2 cọc tiền một lần chứ không đưa riêng lẻ như cáo trạng nói. Bà Lan nhận tiền và xé góc ra xem cả 2 sau đó mới đếm. Cáo trạng cáo buộc bị cáo như vậy là hoàn toàn sai sự thật. Bị cáo không hề bàn bạc với Loan và Huệ. Và không đánh tráo cọc tiền thành cọc vé số. Còn tại sao khi cọc giấy báo trong giỏ của Huệ là cọc vé số thì bị cáo không biết”, bị cáo Phượng khai.

Bị cáo Huệ kể được bị cáo Loan nhờ vào Phòng công chứng số 1 để ngăn chặn bà Lan nhận tiền từ bị cáo Phượng. Bị cáo đeo giỏ xách đi trước, bị cáo Loan đi sau. Bị cáo thấy cọc tiền nằm trên bàn thì dùng tay ngăn lại. Và không bỏ vào túi xách như cáo trạng nêu. Bị cáo ngăn lại để bị cáo Loan thu hồi nợ chứ không cướp giật. 

Còn bị hại Lan khai nói không biết Loan là ai, chưa từng gặp. Khi mua bán nhà chỉ giao dịch với Phượng. Bị hại Lan cũng khẳng định không viết giấy trả nợ thay Hằng. Việc xuất hiện giấy trả nợ thay có chữ ký, dấu vân tay được giám định là của chính bà thì bà Lan không biết và yêu cầu giám định lại.

“Lúc ở phòng công chứng, cọc thứ nhất không bọc giấy báo, không quấn băng keo, chỉ buộc dây thun. Phượng đưa và các con tôi đang đếm. Phượng đưa tiếp cọc thứ 2, cọc này gói giấy báo quấn băng keo xung quanh. Phượng nói: “đây là cọc thứ 2, 300 triệu đồng”. Tôi chưa kịp nhận thì một phụ nữ mà sau này tôi biết là Huệ xông tới giật lấy và bỏ vào túi xách. Tôi tri hô “cướp cướp” rồi lao tới ôm lại. Các con tôi ôm chồng vào cho đến khi công an tới mới thả ra”, bị hại Lan khai. Các con bị hại đều khai đúng như diễn biến của bà Lan và cáo trạng nêu.

Vụ việc khá phức tạp cả về bản chất lẫn định tội danh. Nếu truy tố Huệ tội cướp giật thì cướp giật của ai. Thời điểm xảy ra sự việc, dù bà Lan đã viết giấy nhận đủ tiền nhưng thực tế, bà Lan chưa cầm tiền. Cọc giấy báo quấn băng keo được cho là có 300 triệu bên trong đang còn nằm trên tay bị cáo Phượng. Nghĩa là tiền chưa chuyển dịch tới bà Lan và bà Lan chưa sở hữu số tiền nói trên. Huệ cướp thì cướp, cọc vé số hay cướp 300 triệu đồng. 

Còn nếu truy tố ba bị cáo tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thì việc đầu tiên phải xác định ý thức. Phượng và Loan dựng lên cọc vé số thay thế cọc tiền như cáo trạng nêu. Nhưng ngay từ đầu, cáo trạng lại nói: “Thay thế cọc tiền bằng cọc vé số để cấn trừ nợ”. Như vậy, cho thấy ý thức của Phượng và Loan không phải là “lừa đảo” bằng thủ đoạn. Còn Huệ không tham gia bàn bạc, không biết cọc tiền nói trên là cọc vé số thì làm sao truy tố Huệ đồng phạm “Lừa đảo”?

Còn quá nhiều rắc rối, uẩn khúc trong vụ án cần được làm rõ. Nhất là về tội danh của các bị cáo có đúng như cáo trạng nêu hay không. Các luật sư bào chữa cho ba bị cáo nói rằng truy tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là không đúng.

Sau phần xét hỏi, HĐXX đã tuyên trả hồ sơ để làm rõ một số tình tiết. Tuy nhiên, việc trả hồ sơ này bị các luật sư nói rằng trái luật. Trước đây, HĐXX đã trả hồ sơ. Lần trả hồ sơ này là lần thứ 2. Tuy nhiên, theo Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, HĐXX chỉ được trả hồ sơ điều tra bổ sung 1 lần. 

Tin cùng chuyên mục

Đồng Nai khởi tố 3 vụ gian lận bảo hiểm

Đồng Nai khởi tố 3 vụ gian lận bảo hiểm

(PLVN) - Liên quan đến hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai thời gian qua đã gửi 39 hồ sơ kiến nghị khởi tố sang Cơ quan điều tra. Trong đó đã khởi tố điều tra 3 vụ.

Đọc thêm

Mâu thuẫn đất đai đứa cháu giết cô ruột dã man

Nguyễn Minh Trường đến cơ quan Công an đầu thú.
(PLVN) -  Sáng ngày 18/4/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang cho biết đang tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Minh Trường (SN 1990 , trú ấp Phú Hòa 2, xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) để tiếp tục điều tra về hành vi “Giết người”.

Bắt tạm giam chủ tịch UBND xã và kế toán ở Bắc Giang

Cơ quan Cảnh sát điều tra tống đạt các quyết định và lệnh đối với Nguyễn Văn Quang.
(PLVN) - Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND thị trấn An Châu đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ đạo bà Vi Thị Thắm, Kế toán UBND thị trấn An Châu thực hiện trái công vụ, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước số tiền 340 triệu đồng.