Cần áp dụng hình phạt theo hướng có lợi nhất cho người chưa thành niên

Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.
(PLO) - Trong những năm gần đây, tỷ lệ tội phạm do thanh thiếu niên thực hiện ở nước ta đang ngày càng gia tăng với nhiều vụ việc gây chấn động dư luận cả nước. Đối với các tội do người chưa thành niên gây ra thì cần áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng với mục đích giáo dục để thay đổi nhận thức và hành vi của các đối tượng này chứ không dừng ở xử lý hình sự nhằm trừng phạt đơn thuần.

Một yêu cầu nữa đặt ra khi xử lý hình sự người chưa thành niên phạm tội là phải bảo đảm được quyền của người chưa thành niên phù hợp với Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em năm 1989 mà Việt Nam là thành viên. Với đặc điểm tâm lý của người chưa thành niên là chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tâm sinh lý như người trưởng thành nên hệ thống tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên phải được xem xét riêng biệt, khác với người trưởng thành.

Tham khảo pháp luật một số nước như Anh, Nhật Bản, Thái Lan…, pháp luật các nước này đều thể hiện nguyên tắc khoan hồng đối với người chưa thành niên phạm tội thông qua giảm nhẹ hình phạt và không áp dụng hình phạt mà áp dụng biện pháp thay thế. Khi không áp dụng hình phạt thì người chưa thành niên ở Thái Lan được áp dụng các biện pháp thay thế xử lý hình sự như: cảnh cáo, giám sát tại gia đình, giám sát tại nơi cư trú, đưa đến trường giáo dưỡng.

Để phù hợp với xu thế chung của pháp luật quốc tế, Việt Nam cần sớm có luật về tư pháp đối với người chưa thành niên để kết nối quy định từ hành chính tới hình sự, bảo đảm việc xử lý người chưa thành niên phạm tội theo đúng trình tự, thủ tục, không chồng chéo hay mâu thuẫn trong quá trình áp dụng. Hiện nay, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã quy định nguyên tắc áp dụng các biện pháp thay thế xử lý hình sự ở Điều 90. Các biện pháp đó là khiển trách (Điều 91), hòa giải tại cộng đồng (Điều 92), giám sát giáo dục tại gia đình hoặc giám sát giáo dục của cơ quan, tổ chức (Điều 93). Tuy nhiên, các biện pháp này vẫn chờ những quy định về thủ tục để việc áp dụng mang lại hiệu quả, bảo đảm được các quyền của người chưa thành niên phạm tội và giúp họ thấy đó là cơ hội để thực sự hối lỗi, cải tạo, thay đổi bản thân thành người có nhân cách tốt có thể tái hòa nhập cộng đồng sau này.

Về áp dụng hình phạt và các biện pháp xử lý thay thế đối với người chưa thành niên phạm tội nên ưu tiên tối đa việc áp dụng các biện pháp phi hình phạt hoặc các hình phạt không nhằm mục đích giam giữ nhằm mục đích cải tạo người chưa thành niên phạm tội. Chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với các tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng và khi thực sự cần cách ly người chưa thành niên phạm tội để bảo vệ an toàn của cộng đồng. 

Hiện nay, thời hạn tối đa áp dụng biện pháp phạt tù có thời hạn đối với người chưa thành niên phạm tội đã được quy định cụ thể. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình thì hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù. Nếu là tù có thời hạn, mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 3/4 mức phạt tù mà điều luật quy định. Với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù, nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất không quá 1/2 mức phạt tù mà điều luật quy định. 

Có thể thấy rằng việc áp dụng nguyên tắc hình phạt theo hướng có lợi nhất cho người chưa thành niên và áp dụng các biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội là sự tiến bộ của tư pháp hình sự nhiều nước trên thế giới. Việt Nam cũng đang tiếp nhận theo hướng này để quy định bảo vệ quyền của người chưa thành niên phạm tội. Tuy nhiên, việc thực thi các quy định này cần phải được thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ từ phía các cơ quan, tổ chức cũng như đề cao hơn nữa trách nhiệm của gia đình, nhà trường, của các cơ quan chuyên trách và toàn xã hội trong việc bảo vệ và chăm sóc người chưa thành niên. Có như vậy mới thực sự giáo dục, thay đổi được nhận thức, phát triển nhân cách của các đối tượng này theo chiều hướng tích cực hơn./.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Lái xe vi phạm nồng độ cồn “thông chốt” kiểm tra tại Hạ Long

Lái xe và phương tiện vi phạm tại Hạ Long.
(PLVN) -Đêm 18/4, Đội Cảnh sát giao thông đường bộ (CSGTĐB) số 2, Phòng CSGT, Công an tỉnh Quảng Ninh đã bàn giao lái xe Sú Văn Đông sinh năm 1988 và các đối tượng liên quan tới Công an TP Hạ Long để tiếp tục điều tra làm rõ hành vi không chấp hành hiệu lệnh dừng xe kiểm tra nồng độ cồn.

Đồng Nai khởi tố 3 vụ gian lận bảo hiểm

Đồng Nai khởi tố 3 vụ gian lận bảo hiểm
(PLVN) - Liên quan đến hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai thời gian qua đã gửi 39 hồ sơ kiến nghị khởi tố sang Cơ quan điều tra. Trong đó đã khởi tố điều tra 3 vụ.

Mâu thuẫn đất đai đứa cháu giết cô ruột dã man

Nguyễn Minh Trường đến cơ quan Công an đầu thú.
(PLVN) -  Sáng ngày 18/4/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang cho biết đang tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Minh Trường (SN 1990 , trú ấp Phú Hòa 2, xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) để tiếp tục điều tra về hành vi “Giết người”.

Bắt tạm giam chủ tịch UBND xã và kế toán ở Bắc Giang

Cơ quan Cảnh sát điều tra tống đạt các quyết định và lệnh đối với Nguyễn Văn Quang.
(PLVN) - Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND thị trấn An Châu đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ đạo bà Vi Thị Thắm, Kế toán UBND thị trấn An Châu thực hiện trái công vụ, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước số tiền 340 triệu đồng.