Ẩu đả chết người vì mỉa mai chuyện góp tiền ăn uống

Các bị cáo Công, Phúc, Tây (từ trái qua) tại phiên tòa
Các bị cáo Công, Phúc, Tây (từ trái qua) tại phiên tòa
(PLO) - Khi nhóm mình ăn uống no say, chuẩn bị ra về, Công thấy một vài thanh niên ở bàn bên cạnh đang góp tiền trả chầu nhậu thịt chó thì lên tiếng “trả thay” với giọng điệu mỉa mai. Bực tức vì người khác xía vô chuyện của nhóm mình, Phúc lấy chén sứ ném thẳng vào đầu Công khiến hai nhóm xảy ra ẩu đả. Hậu quả, cả 4 người tham gia hỗn chiến đều “sứt đầu mẻ trán”, một người tử vong. 

Vừa là bị cáo, cũng là bị hại

Sáng 29/12, TAND tỉnh Đắk Lắk đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm, đưa các bị cáo Đỗ Văn Tây (SN 1987), Tô Mạnh Công (SN 1989, cùng ngụ thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông) ra xét xử về các tội danh “Giết người” và “Cố ý gây thương tích”. Liên quan đến vụ án, bị cáo Phạm Văn Phúc (SN 1995, ngụ cùng địa phương) cũng bị truy tố về tội “Cố ý gây thương tích”. 

Theo cáo trạng, vào khoảng 17h ngày 1/2/2016, Tây và Công cùng một người bạn ra quán thịt chó của bà Phạm Thị Nê (SN 1962, tại TDP 2, TT Krông Kmar, huyện Krông Bông) nhậu thì gặp nhóm của Phúc và Phạm Lê Quang Phong (SN 1990, ngụ thị trấn Krông Kmar) cũng ngồi uống rượu ở bàn kế bên. 

Khi tàn cuộc, nhóm Công chuẩn bị ra về thì thấy ở bàn bên nhóm của Phúc đang góp tiền để trả chầu nhậu thịt chó. Thấy vậy, Công mỉa mai: “Đi nhậu mà cũng góp tiền, để đó tao trả cho”. Nghe vậy, Phong liền nói lại: “Đấy mày trả đi”.

Sau đó, giữa hai người tiếp tục xảy ra cãi cọ. Lời qua tiếng lại một lúc, Phong cầm ly rượu hắt vào người Công. Công lao vào đánh nhau với Phong. Bênh bạn, Phúc cầm lấy một cái chén sứ, ném thẳng vào đầu Công rồi cùng Phong bỏ chạy. 

Công cùng Tây chạy xe máy, cầm gạch đuổi theo tìm nhóm của Phúc. Trên đường chạy trốn, Phong và Phúc lẻn vào một tiệm cơ khí, lấy theo hai thanh sắt, nấp vào một quán cà phê gần đường. Khi về đến nhà để lấy tiền đi khâu vết thương, Công tình cờ thấy Phong và Phúc đang luẩn quẩn trong quán cà phê (gần trước ngõ nhà Công), người nào cũng có thanh sắt trên tay nên chạy vào cầm theo hai con dao Thái Lan. Lúc này, Tây cũng giật lấy một con dao trên tay Công để đuổi đánh nhóm của Phúc. 

Cả nhóm đuổi nhau khoảng 300m thì lao vào ẩu đả. Kết quả, Phúc bị Công đâm một nhát vào lưng, gục xuống bên đường. Kế đó Phong bị Tây đâm hai nhát liên tiếp vào bụng và ngực. Công và Tây cũng đều bị thương do nhóm kia dùng thanh sắt đánh trả. Tây thấy Phong chảy máu nhiều nên đã hô hoán người dân xung quanh giúp mình chở nạn nhân đến bệnh viện. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng, nạn nhân Phong đã không qua khỏi cơn nguy kịch. 

Theo kết quả giám định thương tích, Phúc bị thương tích 24% (do Công gây ra); Công bị thương tích 12% (do Phúc gây ra); Tây bị thương tích 3% (do nạn  nhân Phong gây ra). Bởi vậy trong vụ án này, cả 3 bị cáo cũng mang thân phận bị hại. 

Nhận tội thay bạn

Trong quá trình làm việc với CQĐT, ban đầu Công nhận hết tội thay Tây. Tuy nhiên, đến tháng 6/2016, Công thay đổi lời khai, nói ra hung thủ thật sự của vụ án. Trước vành móng ngựa, Công khai rằng: “Do bị cáo và Tây là bạn thân, ai cũng đã có vợ và con nhỏ nên muốn một người đi tù, một người ở nhà để phụ giúp gia đình.

Dù vậy, suốt những ngày tháng bị tạm giam, lương tâm bị cáo luôn cắn rứt về việc mình khai chưa đúng sự thật. Khi được cán bộ điều tra động viên, bị cáo quyết định khai lại để vụ án sớm được làm rõ”. 

Theo kết quả điều tra, Công và Tây trước đây đã từng phải ngồi tù, cả hai vừa trở về địa phương năm 2010. Trước đó, vào năm 2008, Tây bị tòa kết án 4 năm 6 tháng tù về tội cố ý gây thương tích. Đến năm 2010, do cải tạo tốt, Tây được đặc xá, tha tù trước thời hạn. Tương tự, vào tháng 1/2008, Công bị kết án 2 năm tù cũng về tội cố ý gây thương tích. Đến tháng 5/2008, Công bị phạt thêm 3 năm tù vì tội trốn khỏi nơi giam giữ. Tháng 8/2010, Công được đặc xá trở về địa phương. 

Tại phần tranh luận, bị cáo Tây, người trực tiếp đâm chết nạn nhân Phong khai rằng, khi thấy Công cầm hai tay hai con dao, Tây can ngăn rồi giật dao của người này với mục đích không muốn hai bên xảy ra thương tích. Tuy nhiên, khi Công vùng ra được và đuổi theo nhóm của Phúc thì Tây cũng chạy theo. “Lúc đó, bị cáo không có chủ đích đánh người, chỉ muốn can ngăn.

Đến khi thấy Phong đánh vào đầu Công, bị cáo cầm dao quơ loạn xạ, không biết trúng vào chỗ nào của nạn nhân. Sau đó, bị cáo mất đà, té nhào vào người Phong. Khi đứng dậy, bị cáo phát hiện Phong bị thương nên gọi xe đưa đi cấp cứu chứ không chủ động đâm Phong”, lời Tây. 

Phản bác lại điều này, bị cáo Phúc cho biết, lúc xảy ra vụ án, Phúc đã bị Công đâm gục xuống dưới đường. Tuy nhiên, bị cáo vẫn nhìn rõ việc Tây tấn công Phong. “Chính mắt bị cáo thấy Tây ngồi lên đùi rồi đâm anh Phong chứ không phải mất đà rồi té vào nhau”, Phúc trình bày. 

Trả lời HĐXX, Công cho biết, mình có nhìn thấy Tây ngồi lên đùi nạn nhân Phong. Tuy nhiên, không biết Tây có đâm nạn nhân hay không vì lúc đó Tây ở tư thế quay lưng lại với Công. 

Biện minh cho hành vi của mình, Tây khai tiếp rằng: “Có thể lúc đó bị cáo bị té, đèn lên Phong và đang ở tư thế chuẩn bị đứng dậy”. 

Khi được HĐXX hỏi, bà Lê Thị Đức (mẹ bị hại Phong) cho biết: “Bạn bè đi chơi, góp tiền ăn uống là chuyện bình thường. Con tôi có làm gì sai đâu! Nếu như nhóm của Công có tiền thì sao không đi làm từ thiện, hay để đó mà nuôi con, lại lên giọng mỉa mai, khinh khi, rồi cướp đi tính mạng của con tôi. Theo tôi, nhóm của Tây đã rắp tâm đuổi đánh con tôi và Phúc.

Bởi lẽ, từ đầu họ đã cầm gạch, sau đó là cầm dao đuổi theo một đoạn đường khá dài. Không thể có chuyện Tây té mà đâm trúng hai nhát chí mạng vào người con tôi như vậy được”, bà Đức phản bác. 

Sau khi xem xét hồ sơ và xét hỏi công khai trước tòa, HĐXX tuyên phạt bị cáo Đỗ Văn Tây tổng hình phạt 15 năm tù giam về tội giết người và cố ý  gây thương tích. Cũng với hai tội danh tương tự, bị cáo Tô Mạnh Công bị tòa tuyên án 11 năm tù giam. Bị cáo Phạm Hoàng Phúc mức án 2 năm tù giam về tội cố ý gây thương tích. 

Đọc thêm

Gặp tổ công tác 141, hai thanh niên tự nguyện giao nộp... ma túy

Các tổ công tác 141-CATP tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố.
(PLVN) - Khi tổ công tác 141 thực hiện công tác tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố trên đường Lê Trọng Tấn - Hà Đông (Hà Nội), hai thanh niên tỏ ra lúng túng, lo sợ, tự giác giao nộp 01 túi nilon kích thước 01x01 cm bên trong chứa chất tinh thể màu trắng cho lực lượng chức năng. Tại chỗ, các đối tượng khai là ma túy đá.

Gia Lai: Giao xe máy cho con chưa đủ tuổi rồi gây tai nạn giao thông, người mẹ lãnh án

Bị cáo Rơ Mah Pil tại phiên tòa.
(PLVN) - Sáng 27/3, TAND huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã mở phiên tòa xét xử lưu động đối với bị cáo Rơ Mah Pil (38 tuổi, trú tại xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, Gia Lai, mẹ của Rơ Mah Tinh) về tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ" theo Điều 264 Bộ luật Hình sự.