Dịch sởi, sốt xuất huyết diễn biến phức tạp tại TP HCM

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
(PLVN) - Trong những ngày đầu năm, cùng với dịch sởi thì dịch sốt xuất huyết cũng gia tăng nhanh chóng và đang khiến người dân hoang mang. Từ ngày 1/1/2019, toàn TP Hồ Chí Minh  có 6.067 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 1 trường hợp tử vong, 3-5 ca biến chứng nặng phải thở máy, lọc máu.

Bệnh gia tăng mạnh, diễn biến thất thường

Ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, người lớn mắc sốt xuất huyết đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ và đã có trường hợp tử vong. Một số ca biến chứng nặng phải lọc máu. Theo Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM, trong 2 tháng đầu năm nay, hơn 5.000 ca bị sốt xuất huyết, tăng 200% so với cùng kỳ năm 2018.

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, nhiều người lớn ồ ạt nhập viện khiến Khoa nhiễm D của bệnh viện trở nên quá tải. Do đó, các bác sĩ lưu ý người dân cần nhận biết được dấu hiệu của sốt xuất huyết như: sốt, đau đầu dữ dội, buồn nôn, đau khớp và cơ.

Đối với những ngày đầu năm, khi thời tiết mưa nắng thất thường như hiện nay, khiến cho mật độ muỗi tăng cao, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết sẽ còn diễn biến phức tạp. Điều đáng nói, trong những năm qua khi dịch sốt xuất huyết bùng phát, các ca tử vong phần lớn đều có nguyên nhân do chủ quan nhập viện muộn hoặc thiếu hiểu biết đầy đủ về bệnh sốt xuất huyết.

Hơn nữa, vào mùa mưa, đặc biệt trong trường hợp ngập lụt, nước thải, rác thải, vùng nước đọng là môi trường thuận lợi để muỗi và vi-rút sinh sôi, nguy cơ truyền bệnh là rất cao.

Ngành Y tế TP HCM cùng chính quyền địa phương đã phối hợp chặt chẽ trong việc giám sát tại cộng đồng, phát hiện sớm các ca bệnh. Từ đó, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết.

Hiện các địa phương có bệnh nhân sốt xuất huyết đang tiến hành phun xịt diệt muỗi và khống chế ổ bệnh. Diệt lăng quăng và không để nước chứa lăng quăng là giải pháp phòng bệnh người dân lưu ý để không mắc sốt xuất huyết.

Bên cạnh đó, tại Hà Nội cũng như các tỉnh phía Bắc thì thói quen sinh hoạt của người dân cũng là tác nhân tạo điều kiện cho muỗi có nơi trú ngụ, sinh sản: Thùng rác đầy không đổ, bồn tắm, ao bể tù đọng nước. Đặc biệt, nhiều gia đình không thường xuyên vệ sinh nước trong những cốc chén để trên bàn thờ hay lọ cắm hoa, nước trong các chậu cảnh lâu ngày không thay.

Đây chính là địa điểm lý tưởng để muỗi vằn sinh nở. TP HCM đang là ổ dịch sốt xuất huyết lớn nhất cả nước, tuy nhiên tại Hà Nội người dân cũng nên nâng cao cảnh giác, giữ gìn vệ sinh nơi ở để kiểm soát được dịch bệnh.

Ngoài công tác phòng chống, điều trị bệnh sốt xuất huyết, mỗi người dân cũng cần có ý thức bảo vệ mình như: tăng cường sức đề kháng cho cơ thể bằng chế độ dinh dưỡng và tập thể dục hàng ngày. Các gia đình cần làm sạch nhà và sân, vườn, đậy kín vật dụng chứa nước, liên tục thay nước bình hoa…

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, sốt xuất huyết đang trong giai đoạn cuối của mùa dịch 2018-2019, số ca mắc đang có xu hướng giảm hàng tuần, tuy nhiên vẫn cao hơn so với cùng kỳ 2018.

Có thể bùng phát dịch bất cứ lúc nào

Để phòng tránh được dịch bệnh sốt xuất huyết người dân cần nên nhận biết chính xác các triệu chứng của bệnh. Từ đó, có thể đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế kịp thời, tránh tình trạng nhập viện muộn khiến bệnh nhân bị biến chứng và dẫn đến tử vong. Triệu chứng đầu tiên của bệnh là sốt (nóng) cao 39-40 độ, đột ngột, liên tục trong 3-4 ngày liền.

Sau đó là xuất huyết (chảy máu) thường ở nhiều dạng:  xuất huyết dưới da, làm lộ trên mặt da những chấm nhỏ màu đỏ, đốm đỏ hay vết bầm rải rác ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn.

Phân biệt với vết muỗi cắn bằng cách căng da chung quanh chấm đỏ, nếu chúng vẫn còn là do xuất huyết, ngược lại nếu biến mất thì đó là vết muỗi cắn; chảy máu cam, chảy máu chân răng, nướu răng; ói hoặc đi cầu ra máu (nước ói màu nâu, phân lợn cợn như bã cà phê hoặc đỏ tươi).

Tiếp đến đau bụng và sốc là dấu hiệu nặng, thường xuất hiện từ ngày thứ 3-6 của bệnh, đặc biệt lúc người bệnh đang sốt cao chuyển sang hết sốt và có thể xảy ra kể cả khi không thấy rõ dấu hiệu xuất huyết. Dấu hiệu sốc gồm: mệt, li bì hoặc vật vã; chân tay lạnh; tiểu ít, có thể kèm theo ói hoặc đi cầu ra máu.

Để phòng chống bệnh sốt xuất huyết, biện pháp tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Bên cạnh đó, thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy.

Thau rửa các dụng cụ chức nước hàng tuần. Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến. Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa.

Ngoài việc tích cực phối hợp với chính quyền và ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch sốt xuất huyết, người dân có thể phòng chống muỗi đốt tại khu sinh sống bằng cách đơn giản như: mặc quần áo dài tay, ngủ trong màn kể cả ban ngày, dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, vợt điện diệt muỗi, kem đuổi muỗi.

Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi. Ngoài ra, nếu như gia đình có bệnh nhân bị sốt xuất huyết thì cần cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác. 

Đọc thêm

Không dễ dãi với mặt hàng đặc thù liên quan sức khỏe

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (dự kiến được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024), mới đây khi được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã được chỉ ra một số nội dung cần xem xét.

Tháng cao điểm an toàn thực phẩm: Địa phương phải kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm

Nhiều học sinh là nạn nhân ngộ độc do đồ ăn trước cổng trường. (Ảnh minh họa - Nguồn: SKĐS)
(PLVN) - Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương kiên quyết xử lý nghiêm, đình chỉ hoạt động các cơ sở nếu không bảo đảm điều kiện, không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cộng đồng...

Người phụ nữ có 2 bàng quang

Người phụ nữ có 2 bàng quang. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
(PLVN) - Các bác sĩ khoa Phẫu thuật tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E mới tiếp nhận và phẫu thuật thành công cho nữ bệnh nhân cao tuổi có 2 bàng quang.

Lạm dụng thực phẩm ngọt: Suy giảm sức khỏe gia đình

Trong 10 năm qua, trung bình mỗi người Việt uống 1 lít đồ uống có đường/tuần. (Ảnh minh họa - Nguồn: Shutterstock)
(PLVN) - Trong 10 năm qua, trung bình mỗi người Việt uống 1 lít đồ uống có đường/tuần, gây nguy hiểm cho sức khỏe bởi những tác nhân từ bệnh không lây nhiễm. Con số đáng báo động này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cảnh báo tại Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của đồ uống có đường vừa diễn ra vào đầu tháng 4/2024.

Khám sức khỏe miễn phí cho hơn 500 học sinh ở Điện Biên Đông

Khám sức khỏe miễn phí cho hơn 500 học sinh ở Điện Biên Đông
(PLVN) - Ngày 13-14/4, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba (Hà Nội) tổ chức Chương trình thiện nguyện tặng quà và thăm khám miễn phí cho hơn 500 học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú - Tiểu học Tìa Dình (xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Đẩy mạnh công tác khám chữa bệnh, đào tạo nhân lực cho nước bạn Lào

Bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế trực tiếp hướng dẫn các bác sĩ Bệnh viện Mahosot thực hiện các kỹ thuật can thiệp nội soi tiêu hóa.
(PLVN) - Chiều 13/4, thông tin từ Bệnh viện Trung ương Huế, đoàn y bác sĩ của đơn vị này vừa kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tại thủ đô Viêng Chăng (Lào) đánh dấu sự hợp tác hữu nghị của ngành y tế hai nước, giúp nâng cao chất lượng chăm sóc y tế cho người dân Lào. Qua đó, góp phần thắt chặt thêm mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa 2 nước.