Vụ kiện đòi nhà 30 năm, 7 phiên xử, 3 lần giám đốc thẩm

Bà Nga (con dâu cụ Dậu) tuổi cao đành ủy thác cho các con theo kiện.
Bà Nga (con dâu cụ Dậu) tuổi cao đành ủy thác cho các con theo kiện.
(PLO) -Sau gần 30 năm tin tưởng cho vợ chồng ông Lý Nhi Hạnh (1924, đã mất) thuê hai căn nhà 13 và 15 đường Hậu Giang (phường 2, quận 6, TP.HCM), cụ Huỳnh Thị Dậu (1913, đã mất) mới phát hiện ông Hạnh đã lén làm hợp đồng bán đứt căn nhà số 13 cho người khác và chiếm đoạt luôn căn nhà còn lại. 

Lúc còn sống, tuy đã tuổi cao, sức yếu, cụ Dậu vẫn cơm đùm cơm nắm, chống gậy mỏi mòn đi kiện cho đến ngày qua đời.

Đến nay đã hơn 30 năm, các con, cháu của cụ Dậu được ủy quyền lần lượt thay nhau “nối nghiệp” bà đi đáo tụng đình. Tuy nhiên, vụ việc vẫn chưa ngã ngũ.

Vụ án tranh chấp nhà của cụ Dậu được đưa ra tòa án các cấp giải quyết từ năm 1987, đến nay đã trải qua 3 lần xét xử sơ thẩm, 4 lần xét xử phúc thẩm, 4 lần kháng nghị và 3 lần giám đốc thẩm. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có kết quả cuối cùng.  

Cho thuê 30 năm mới phát hiện bị chiếm nhà

Theo trình bày của gia đình cụ Dậu, trước năm 1954, cụ Dậu và chồng thuê đất của Công ty Hui Bon Hoa (công ty bất động sản lớn bậc nhất ở Sài Gòn trước giải phóng), xây được 3 căn nhà nay thuộc 13, 15 và 17 đường Hậu Giang (phường 2, quận 6). Năm 1947, chồng cụ Dậu tham gia kháng chiến rồi hi sinh tháng 8 cùng năm, được công nhận liệt sĩ. 

Cụ Dậu một nách hai con thơ. Năm 1954, cụ cho một người phụ nữ thuê hai căn nhà số 13 và 15 Hậu Giang để ở. Sau khi thuê, bà này tự ý lập trại cưa cây ngay trước mái hiên của hai căn nhà (trại cưa chỉ làm bằng cột cây, không vách, nền đất thông với hai căn nhà thuê của cụ Dậu). 

Người phụ nữ trên thuê được một năm thì làm giấy bán trại cưa cây cho ông Lý Nhi Hạnh, trong giấy bán ghi rõ chỉ bán máy móc và vật liệu của căn nhà. Cuối năm 1955, người phụ nữ chuyển đi nơi khác. Ông Hạnh và vợ xin thuê lại hai căn nhà trên, với bốn bản hợp đồng thuê nhà vào tháng 3/1956, 8/1959, 4/1964 và tháng 11/1970. 

Từ khi thuê đất của Công ty Hui Bon Hoa, cụ Dậu luôn trả tiền thuế đất đều đặn. Đến năm 1968, cụ mới dành dụm đủ tiền xin mua thửa đất có 3 căn nhà do cụ xây dựng (thể hiện rõ trong các giấy tờ biên nhận tiền mua đất giữa cụ Dậu và Công ty Hui Bon Hoa). 

Gần 30 năm tin tưởng cho vợ chồng ông Hạnh thuê nhà, năm 1970, cụ Dậu mới tá hỏa phát hiện căn nhà số 13 của mình đã bị ông Hạnh làm giấy nhượng quyền cho người khác làm nơi buôn bán từ năm 1969. Ông Hạnh được cho rằng cũng chiếm đoạt luôn căn nhà số 15 đang thuê. Cụ Dậu nhiều lần sang đòi nhà nhưng không được. 

Năm 1977, gia đình người mua căn nhà chuyển đi nơi khác sinh sống, căn nhà số 13 được giao cho Phòng vật tư nông nghiệp, đến năm 1983 được trao trả lại cho cụ Dậu.

Còn căn nhà số 15 vẫn do gia đình ông Hạnh chiếm giữ cho đến nay. Sau nhiều lần tìm đến nói chuyện không có kết quả, cuối năm 1983, cụ Dậu đội đơn đi kiện. 

Những chứng từ nhà đất xác định cụ Dậu là chủ căn nhà tranh chấp.
Những chứng từ nhà đất xác định cụ Dậu là chủ căn nhà tranh chấp.

3 đời theo kiện đòi nhà

Phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm đầu tiên của TAND quận 6 và TAND TP.HCM vào năm 1987 đều tuyên cụ Dậu thắng kiện, buộc gia đình ông Hạnh phải trả lại nhà. Mẹ con cụ Dậu chưa kịp khấp khởi thì đến năm 1988, Tòa Dân sự TAND tối cao xử giám đốc thẩm, quyết định hủy cả hai bản án trước đó và giao cho TAND TP.HCM xét xử lại. 

Sau đó là những tháng ngày cụ Dậu cùng con cháu trường kỳ cơm đùm gạo bới tiếp tục đi kiện. Dù vụ kiện đã được TAND TP.HCM xử đi xử lại rất nhiều lần nhưng cụ Dậu vẫn chưa đòi được nhà. 

Ông Trần Quốc Ấn (46 tuổi, cháu nội cụ Dậu) kể: “Lúc đó, anh em chúng tôi vẫn còn nhỏ, chứng kiến ba má ròng rã theo bà nội đi kiện. Bà sức đã yếu nên mỗi lần hầu tòa phải có người thân đi cùng. Biết bao nhiêu lần gia đình tôi hi vọng, mong ngóng sẽ lấy lại được tài sản bị ông Hạnh chiếm đoạt nhưng không hiểu vì sao vụ kiện từ ngày này qua ngày khác vẫn trở về con số 0”. 

Ông Ấn cho biết thêm, theo đuổi vụ kiện quá dai dẳng, cha ông dần mắc phải tâm bệnh. Ông và các em đành thay cha mẹ hết lần này đến lần khác đón xe ra Bắc gửi đơn cầu cứu. 

“Lúc đó, sức khỏe bà đã suy yếu nhiều. Chúng tôi ai cũng can ngăn nhưng bà nói “tài sản của gia đình mình, phải đổ cả máu với nước mắt mới có, quyết tâm không thể để kẻ gian cướp trắng như vậy”. Lúc thì nội tự cầm cự chống gậy đi, khi mệt quá chúng tôi phải thay phiên nhau cõng đến dự tòa...”, ông Ấn kể.

Năm 2000, cha ông Ấn là con cả của cụ Dậu qua đời. Một năm sau, cụ Dậu quá đau buồn cũng không qua khỏi. Cụ chỉ có hai người con, người con trai còn lại đã mất năm 1975. 

“Nội tôi “ra đi” không nhắm được mắt. Trước khi “đi”, nội đã nhờ người thảo lại bản di chúc ủy quyền lại cho anh em chúng tôi được quyền làm các thủ tục đòi lại tài sản đã mất.

Trong di chúc, nội dặn dò chúng tôi rất kỹ “nhất định phải đòi được nhà để vong linh của bà và ông nội các cháu dưới suối vàng được yên nghỉ””, người cháu chia sẻ. Theo lời căn dặn, ông Ấn cùng các em đã “nối nghiệp” bà đội đơn đi kiện.

Giấy tường trình nguồn gốc căn nhà của người thuê thể hiện căn nhà thuê của cụ Dậu.
Giấy tường trình nguồn gốc căn nhà của người thuê thể hiện căn nhà thuê của cụ Dậu.


  3 đời ròng rã “đáo tụng đình”

Ngày 16/8/2010, phiên xét xử của TAND TP.HCM công nhận căn nhà 15 Hậu Giang thuộc về gia đình cụ Dậu.

Con cháu cụ những tưởng đó là bản án cuối cùng có hậu kết thúc chuỗi ngày kiện tụng dai dẳng, tuy nhiên, tháng 1/2011, TAND tối cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm, yêu cầu hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ về cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại. Quyết định trên đã một lần nữa đưa vụ kiện ngược về vạch xuất phát. 

Đến nay, đã hơn 5 năm từ khi có quyết định của Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM, vụ kiện vẫn chưa được tiếp tục giải quyết. Bà Nguyễn Thị Nga (71 tuổi, con dâu cụ Dậu) bức xúc kể:

“Năm 2014 và năm 2015, hai lần TAND TP.HCM mời hai bên gia đình lên để đối chất. Mẹ chồng tôi và vợ chồng ông Hạnh đều đã mất, căn nhà ông Hạnh chiếm giữ giờ ủy quyền cho người con sinh sống.

Ngoài việc khẳng định căn nhà 15 Hậu Giang (con ông Hạnh đang ở) là nhà của gia đình mình, chúng tôi còn nói rõ thiện chí chuyển nhượng cho con ông Hạnh một mảnh đất khác để ổn định cuộc sống nhưng bên kia không chịu, vụ kiện cứ kéo dài mãi không có điểm dừng”. 

Bà Nga gạt nước mắt nói thêm: “Tôi cũng đã tuổi cao sức yếu, hai ống chân đau nhức phải đi điều trị trường kỳ ở bệnh viện. Chỉ hi vọng tòa án nhanh chóng điều tra, xét xử lại một cách công minh để mẹ con tôi sớm được nhận lại tài sản. Sợ khi nằm xuống mà vẫn không đòi được nhà, tôi biết nhìn bố mẹ chồng và chồng ra sao...”./.

Tin cùng chuyên mục

Đồng Nai khởi tố 3 vụ gian lận bảo hiểm

Đồng Nai khởi tố 3 vụ gian lận bảo hiểm

(PLVN) - Liên quan đến hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai thời gian qua đã gửi 39 hồ sơ kiến nghị khởi tố sang Cơ quan điều tra. Trong đó đã khởi tố điều tra 3 vụ.

Đọc thêm

Mâu thuẫn đất đai đứa cháu giết cô ruột dã man

Nguyễn Minh Trường đến cơ quan Công an đầu thú.
(PLVN) -  Sáng ngày 18/4/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang cho biết đang tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Minh Trường (SN 1990 , trú ấp Phú Hòa 2, xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) để tiếp tục điều tra về hành vi “Giết người”.

Bắt tạm giam chủ tịch UBND xã và kế toán ở Bắc Giang

Cơ quan Cảnh sát điều tra tống đạt các quyết định và lệnh đối với Nguyễn Văn Quang.
(PLVN) - Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND thị trấn An Châu đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ đạo bà Vi Thị Thắm, Kế toán UBND thị trấn An Châu thực hiện trái công vụ, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước số tiền 340 triệu đồng.