“Thương vụ” bất thường giữa ông cụ mất trí nhớ và người giúp việc

Học trò cũ và đồng nghiệp chăm sóc ông Hệ
Học trò cũ và đồng nghiệp chăm sóc ông Hệ
(PLO) -Ông Nguyễn Hữu Hệ (SN 1942, giáo viên nghỉ hưu) vốn là chủ căn nhà số 19 đường Duy Tân (phường 15, quận Phú Nhuận, TP HCM). Đang tham gia giảng dạy dưỡng sinh, chỉ trong thời gian ngắn, ông Hệ bị bệnh tật, mất trí nhớ, bán nhà, sổ lương cũng do người giúp việc nắm giữ… . 

Người thân cho rằng có nhiều điểm bất thường, đặc biệt là “thương vụ” bán nhà trị giá nhiều tỷ với giá chưa đầy 1 tỷ cho nữ giúp việc.

Cụ ông bị đẩy ra đường

Sáng 8/9, con đường Duy Tân (phường 15, quận Phú Nhuận, TP HCM) bỗng nhốn nháo vì ông cụ hơn 70 tuổi bị khiêng ra đường trên một chiếc giường sắt. Những người thân đang nuôi dưỡng ông cũng bị đuổi ra khỏi nhà. Hàng xóm thương tình sắp xếp cho ông nằm dưới mái hiên của một nhà lân cận. Ông cụ vẫn nằm lơ mơ, chỏng chơ trên chiếc giường ấy suốt cả buổi trưa.

Theo hàng xóm, ông cụ Nguyễn Hữu Hệ là thầy giáo về hưu, trước đây là chủ căn nhà số 19 đường Duy Tân. Hàng xóm cũng cho biết ông Hệ rất hiền, không có vợ con, thỉnh thoảng chỉ có các học trò cũ tới thăm.

Hàng xóm mới đây nghe tin ông bị bệnh tâm thần phải đi bệnh viện cả tháng. Không biết ông bán nhà lúc nào nhưng nay chủ mới đuổi, ông phải nằm đường.

Sáng hôm xảy ra sự việc, ông cụ bị mấy thanh niên khiêng cả người, cả giường ra đường. Họ cũng không cho ông nằm ở trước nhà.

Một hàng xóm thương tình cho nằm trước cửa, mang dù ra che nắng cho. Người này thở dài: “Ổng nằm vậy chứ ổng lúc nhớ lúc quên, chỉ nhớ mặt mấy người học trò, chứ có biết gì nữa đâu”.

Qua hàng xóm, PV đã liên hệ với đại diện nhóm học trò cũ của ông Hệ. Có khoảng 6-7 người đã thu xếp công việc cùng chạy xe đến nơi hẹn làm việc. Người trẻ nhất cũng đã hơn 50 tuổi.

Những người học trò này kể: Ông Hệ sinh năm 1942, đã 74 tuổi, là giáo viên Toán rất giỏi và dành trọn đời dạy học qua ba ngôi trường: Trung học Kiến Tường, Trung học Kiểu mẫu Thủ Đức (sau giải phóng là trường Bổ Túc Công Nông Miền), trường Marie Curie TP HCM. 

Các thế hệ học trò thầy nay đã có tuổi, có người về hưu, có người làm ăn thành đạt, thường đến thăm tặng quà cho ông Hệ, vì thương ông tính tình hiền từ, lại sống đơn độc, không vợ con. Đồng nghiệp và các học trò cũ nhiều lần gợi ý giới thiệu ông với người này, người khác, nhưng ông chỉ cười trừ. Sau khi về hưu, ông Hệ tham gia dạy võ dưỡng sinh. Sức khỏe hoàn toàn bình thường, minh mẫn. 

Đột nhiên vào giữa tháng 7, học trò nhận tin ông Hệ bị bệnh. Các nhóm cực học sinh đã kết hợp nhau để hỗ trợ chăm sóc cho ông. Liên hệ qua nhiều nơi, các cựu học sinh được biết ông Hệ đang điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy, đến thăm thì phát hiện ông có biểu hiện không minh mẫn.

Ông kể chuyện đã học võ cùng thầy với Lý Tiểu Long và đòi đi Bắc Kinh để thăm thầy cũ. Những câu chuyện của ông không chính xác và ông không còn nhận diện được các học trò thân thiết. Nhóm học sinh cũ đã đóng góp được khoảng 40 triệu, thay nhau thăm ông Hệ. Người đưa ông nhập viện và chăm sóc là nữ giúp việc trên 40 tuổi.

Thảm cảnh mất trí, vô gia cư

Từ Bệnh viện Chợ Rẫy, ông Hệ lại được chuyển vào Bệnh viện phục hồi chức năng khoa ngoại chỉnh hình, sau đó lại đến Bệnh viện Bình Dân. Đến ngày 5/9, ông mới được xuất viện. 

Nhưng vấn đề phát sinh lúc này là không biết đưa ông về đâu. Vì bà giúp việc cho biết ông Hệ đã bán nhà cho bà, và bà đã bán cho người khác. Dù nhận thấy việc mua bán bất thường, nhưng các học trò cho rằng ông Hệ đang bệnh nặng, điều quan trọng nhất là phải ổn định chỗ ăn ở, nên ngày 6/9, họ quyết định đưa ông vào ở tạm ngôi nhà cũ. 

Tại đây, hàng xóm cung cấp số điện thoại của hai người cháu họ của ông Hệ đang ở TP. HCM. Hai người này thỉnh thoảng vẫn đến thăm thầy và để số điện thoại cho hàng xóm nhờ báo tin khi có sự cố. Khi hai người cháu đến nơi, ông Hệ nhận ra ngay và bật khóc, không nói được gì.

Hai người cháu xác định nữ giúp việc là người xa lạ, không phải họ hàng, nhưng tất cả giấy tờ của ông Hệ từ thẻ bảo hiểm y tế đến sổ lương hưu đều do người này nắm giữ.

Ngày 8/9, anh Nguyễn Hoài Đức, cháu gọi ông Hệ bằng chú, cho biết: “Tôi ở quận Bình Thạnh, trước đây cũng hay sang thăm chú. Hai, ba tháng nay, tôi bận không sang được nên 1-2 tuần lại điện thoại hỏi thăm người giúp việc.

Lần nào chị ấy cũng bảo “ông vẫn khỏe”. Cách đây mấy ngày, có người học trò của chú tôi liên hệ với tôi, nói nhà của chú bị bán mất rồi. Còn chú đang bệnh nặng. Tôi lật đật chạy qua chăm sóc, sáng nay người ta kéo đến khiêng ra đường”.

Anh Đức chia sẻ: “Tôi nghe người chủ mới nói, chú tôi đã bán nhà cho người giúp việc, người giúp việc đã bán lại cho họ. Chú tôi trước giờ có lương hưu đủ sống dư dả, không hiểu thế nào mà cần tiền đến nỗi phải bán căn nhà. Cũng chẳng hiểu sao căn nhà mấy tỷ bạc chỉ bán có 700 triệu? Chú tôi bệnh tật như vậy nhưng không có nhà ở, hiện giờ tôi cũng chưa biết phải mang chú tôi đi đâu”.

Nhóm học trò cũ của ông Hệ cho biết, trước mắt họ sẽ hỗ trợ chăm sóc và chữa chạy cho ông. Họ cho rằng việc bán nhà có nhiều điểm bất thường nên sẽ tìm hiểu rõ ràng. Nếu có khuất tất sẽ tìm cách lấy lại công bằng cho ông Hệ.

“Hợp đồng mua bán” bất thường

Theo hợp đồng mua bán được công chứng vào ngày 1/6/2016, ông Hệ bán nhà cho người giúp việc với giá 700 triệu đồng. Ngày 17/6, người mua hoàn thành thủ tục, chính thức đứng tên trên sổ hồng ngôi nhà số 19 Duy Tân.

Khoảng hai tuần sau, người giúp việc trên lại bán ngôi nhà cho người khác với giá 3,9 tỷ đồng (gấp 5,5 lần giá mua). Ngày 5/7 đã hoàn thành việc sang tên cho người chủ mới.

Tuy nhiên, theo trong hồ sơ thể hiện ngày 6/7,  ông Nguyễn Hữu Hệ phải vào viện tâm thần điều trị, với kết luận rối loạn tâm thần giống tâm thần phân liệt cấp.

Ngày 16/7, ông được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy hai ngày, sau đó được chuyển vào Bệnh viện phục hồi chức năng khoa ngoại chỉnh hình. Điều trị ở đây đến ngày 10/8, ông lại tiếp tục được chuyển đến bệnh viện Bình Dân đến đầu tháng 9.

Như vậy, một câu hỏi được đặt ra: thời điểm một tháng trước khi ông Hệ được chẩn đoán “tâm thần”, liệu ông còn đủ minh mẫn ký hợp đồng mua bán ngôi nhà kỷ vật của gia đình?

Phóng viên đã đến phòng công chứng số 4 để tìm hiểu sự việc. Sau khi xem hồ sơ, trưởng phòng công chứng số 4 cho biết: 

“Phòng đã làm việc đúng theo trình tự thủ tục, trước khi ký hợp đồng công chứng viên đã kiểm tra về năng lực hành vi của người ký. Việc ngôi nhà có giá cao, nhưng bên mua và bên bán chỉ ký hợp đồng với giá 700 triệu đồng là do lời khai của người dân, phòng công chứng không can thiệp được.

Nếu người nhà phát hiện người mua có dấu hiệu lừa đảo thì có thể báo cáo công an để điều tra, hoặc nếu hai bên tranh chấp hợp đồng thì có thể kiện ra Tòa dân sự”.

Nữ giúp việc được ủy quyền lĩnh lương không thời hạn

Người cháu của ông Hệ là anh Nguyễn Hoài Đức cũng bày tỏ thắc mắc: “Không hiểu tại sao chỉ trong vòng vài tháng, chú tôi từ một võ sư khỏe mạnh lại đổ bệnh nặng như vậy, mà người giúp việc không báo cho gia đình.

Trước đây, chú tôi luôn khẳng định không bao giờ bán căn nhà. Thứ nhất, ông không cần tiền do đã có lương hưu đủ sống. Thứ hai, đó là kỷ vật của gia đình, ông muốn gìn giữ cho con cháu. Cuối cùng không hiểu sao ông lại đồng ý bán căn nhà trị giá 5-6 tỷ cho người giúp việc chỉ với giá 700 triệu?”.

Anh Đức cho biết gia đình đã làm đơn lên công an, sự việc đang được điều tra làm rõ. 

Đặc biệt, anh Đức đưa ra tờ giấy lĩnh thay lương hưu, trợ cấp xã hội của ông Hệ và trình bày: “Trong giấy này thể hiện chú tôi đã ủy quyền cho người giúp việc lĩnh thay lương hưu. Tuy nhiên, trong giấy này bỏ trống thời gian lĩnh thay từ ngày nào đến ngày nào. Phía dưới chủ tịch phường 15 ký tên đóng dấu cũng không có ngày tháng năm.

 Hiện giờ chú tôi nhà không còn, tiền không có, ốm đau bệnh tật, hiện chúng tôi rất cần số tiền lương hưu này để trang trải thêm tiền thuốc men cho chú. Nhưng chị giúp việc vẫn giữ sổ lương và tháng vừa rồi vẫn đi lĩnh tiền. Tôi không hiểu tờ giấy này được lập vào ngày nào?

Liệu bỏ trống phần thời gian ủy quyền như vậy có phải là ủy quyền “vô thời hạn”, ủy quyền “mãi mãi” hay không? Như tình trạng bây giờ, chú tôi mất trí nhớ hoàn toàn, tôi có cách gì đòi được sổ lương để có tiền chăm sóc thuốc men cho chú không?”.

Phóng viên đã liên hệ với UBND phường 15 để tìm hiểu sự việc. Đi lại đến lần thứ tư, PV mới gặp được lãnh đạo UBND phường 15. Sau khi nghe trình bày sự việc, lãnh đạo UBND phường 15 cho biết giấy ủy quyền lĩnh lương của ông Hệ do người dân tự ghi tự điền, phường chỉ xác nhận chữ ký của hai bên không can thiệp nội dung. 

Trả lời câu hỏi: “Vậy nếu người dân bỏ trống như vậy, tức là giấy ủy quyền sẽ có hiệu lực “mãi mãi””, cán bộ tư pháp của phường lại cho biết: Thường khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ phường sẽ hướng dẫn người dân điền đầy đủ các thông tin trên giấy.

Ví dụ như ủy quyền: 3 tháng, 6 tháng hay 1 năm. Tuy nhiên, có thể hôm tiếp nhận hồ sơ trên, cán bộ phường đã sơ suất không hướng dẫn người dân cụ thể. Sau khi có ý kiến của phóng viên, phường đã liên hệ bên bảo hiểm, họ cho biết giấy ủy quyền trên có thời hạn tối đa một năm.

Nhân viên tư pháp dở sổ lưu của cơ quan cho biết: Giấy ủy quyền được ký ngày 6/6/2016 và giải thích: “Bình thường trước phần ký tên đóng dấu, sẽ có ghi ngày tháng ký, nhưng đây là thiếu sót của chúng tôi”.

Ông Hệ phải nằm ngoài đường ngay trước nhà mình suốt ngày 8/9
Ông Hệ phải nằm ngoài đường ngay trước nhà mình suốt ngày 8/9 

Sau khi biết hoàn cảnh đáng thương của ông Nguyễn Hữu Hệ, lãnh đạo UBND phường 15 cho biết sẽ liên hệ với bên Bảo hiểm xã hội để đảm bảo quyền lợi cho người già neo đơn.

8h30 sáng 15/5, phóng viên có mặt ở UBND phường 15 quận Phú Nhuận. Sau khi xuất trình giấy giới thiệu và trình bày nội dung liên hệ làm việc, cán bộ tư pháp phường cho biết, phường cần thời gian để liên hệ bên Bảo hiểm xã hội để xác minh sự việc cụ thể, hẹn 2h chiều PV đến làm việc. 

Tuy nhiên, buổi chiều, cán bộ trên không có mặt ở UBND phường. Một nữ cán bộ khác sau khi kiểm tra giấy giới thiệu của PV lại cho biết lãnh đạo phường đã đi họp đột xuất, hẹn tiếp sáng hôm sau.

9h sáng hôm sau, khi PV có mặt, lần này nam cán bộ tư pháp lại đề nghị xem lại giấy giới thiệu. Sau cán bộ này cho biết phường không đồng ý tiếp PV có giấy giới thiệu mà không ghi chính xác như sau: “liên hệ công tác lấy thông tin phản ánh của người dân về ông Nguyễn Hữu Hệ, 19 Duy Tân, P.15, quận Phú Nhuận”.

Khi PV chất vấn tại sao hai lần làm việc vào sáng và chiều hôm trước, cán bộ phường không nêu yêu cầu này? Đến lần thứ ba lại yêu cầu “phải sửa lại giấy giới thiệu mới tiếp”? Cán bộ này lúng túng: “Tôi không biết, lãnh đạo yêu cầu phải có giấy giới thiệu ghi nội dung như tôi hướng dẫn mới tiếp, tôi chỉ làm đúng quy trình”.

Đọc thêm

Gặp tổ công tác 141, hai thanh niên tự nguyện giao nộp... ma túy

Các tổ công tác 141-CATP tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố.
(PLVN) - Khi tổ công tác 141 thực hiện công tác tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố trên đường Lê Trọng Tấn - Hà Đông (Hà Nội), hai thanh niên tỏ ra lúng túng, lo sợ, tự giác giao nộp 01 túi nilon kích thước 01x01 cm bên trong chứa chất tinh thể màu trắng cho lực lượng chức năng. Tại chỗ, các đối tượng khai là ma túy đá.

Gia Lai: Giao xe máy cho con chưa đủ tuổi rồi gây tai nạn giao thông, người mẹ lãnh án

Bị cáo Rơ Mah Pil tại phiên tòa.
(PLVN) - Sáng 27/3, TAND huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã mở phiên tòa xét xử lưu động đối với bị cáo Rơ Mah Pil (38 tuổi, trú tại xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, Gia Lai, mẹ của Rơ Mah Tinh) về tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ" theo Điều 264 Bộ luật Hình sự.