Phòng chống mua bán phụ nữ, trẻ em: 'Án chìm' nhiều, nạn nhân được giải cứu ít

Nạn nhân của tội phạm mua bán người (Hình minh họa)
Nạn nhân của tội phạm mua bán người (Hình minh họa)
(PLO)-Theo báo cáo của Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP), Bộ đội Biên phòng (BĐBP), đáng chú ý là việc hình thành nhiều đường dây, băng ổ nhóm mua bán người sử dụng công nghệ cao, internet, tính chất tội phạm ngày càng nghiêm trọng, với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt và có tính liên kết chặt chẽ với các tổ chức tội phạm trong và ngoài nước, đan xen với các loại tội phạm khác như ma túy, cờ bạc, lừa đảo, mại dâm... 

Mua bán người thường hình thành đường dây khép kín

Thượng tá Nguyễn Văn Mận-Trưởng phòng Phòng chống mua bán người, Cục PCMT&TP, BĐBP cho biết: “Đối tượng phạm tội chủ yếu là bọn lưu manh chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự về mua bán người, cấu kết với các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, biên giới tạo thành đường dây khép kín để lôi kéo, lừa gạt đưa nạn nhân ra nước ngoài bán.

Đối tượng phạm tội là người nước ngoài ngày càng gia tăng. Lợi dụng chính sách mở cửa của Việt Nam, các đối tượng vào thăm thân, du lịch, liên kết làm ăn kinh tế để lừa phụ nữ, trẻ em dưới dạng đưa đi làm việc ở nước ngoài, cho nhận con nuôi, kết hôn rồi đưa ra nước ngoài bán. Nhiều người đã từng là nạn nhân bị bán sang Trung Quốc làm gái mại dâm hoặc lấy chồng bất hợp pháp, sau đó quay về Việt Nam thăm thân lại cấu kết với các đối tượng khác để lừa các nạn nhân bán sang Trung Quốc (kể cả người thân trong gia đình)”.

Thực tế qua các vụ án mua bán phụ nữ, trẻ em bị phát giác mà nạn nhân may mắn tự trốn thoát hoặc được lực lượng chức năng giải cứu cho thấy, ở xứ người, họ bị cưỡng ép bóc lột tình dục cho những người chồng hờ bản xứ hoặc khách làng chơi tại các cơ sở kinh doanh mại dâm.

Ngoài việc bị cưỡng bức tình dục, họ còn phải lao động nặng nhọc, nếu tìm cách bỏ trốn thì bị đánh đập thậm tệ. Phần lớn vụ việc mua bán phụ nữ, trẻ em chỉ được phát giác sau khi nạn nhân trốn thoát hoặc được giải cứu, mà tỷ lệ số nạn nhân may mắn này rất nhỏ so với con số thực tế.

Tiếp nhận khoảng 500 nạn nhân bị mua bán/năm 

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 - 2020, trong những năm qua, Bộ Tư lệnh BĐBP đã ký Biên bản hợp tác phòng, chống tội phạm, chú trọng hợp tác quốc tế phòng, chống mua bán người xuyên quốc gia với 3 nước Trung Quốc, Lào, Campuchia.

Hàng năm, lực lượng BĐBP Việt Nam phối hợp với lực lượng đấu tranh phòng, chống mua bán người 3 nước tiếp giáp đấu tranh, xử lý trên 10 chuyên án, vụ án mua bán người. Các đơn vị BĐBP đã tổ chức hội đàm 231 lần; quan hệ gián tiếp, trao đổi, thông báo tình hình 538 lần với 616 thư.

Thực tế cho thấy, công tác điều tra gặp rất nhiều trở ngại do người bị bán đang ở nước ngoài nên các điều tra viên không thể trực tiếp gặp gỡ, lấy lời khai. Đó là chưa kể, nhiều nạn nhân bị khống chế hoặc không có tiền chuộc, địa chỉ bị mua bán không rõ ràng nên việc giải cứu gặp nhiều khó khăn, trong khi, để đưa các đối tượng liên quan đến hoạt động mua bán người ra ánh sáng pháp luật, cơ quan chức năng phải xác định được nạn nhân cụ thể.

Đây chính là lý do dẫn đến việc phát hiện, bắt giữ đối tượng phạm tội và giải cứu nạn nhân tại miền núi, vùng sâu, vùng xa thường chiếm tỷ lệ thấp so với các nạn nhân bị mua bán trót lọt. Ví dụ, tại địa bàn tỉnh Yên Bái, trong năm 2016, có trên 230 phụ nữ được xác định là đã xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, trong đó, có hàng chục trường hợp vượt biên giới sang xứ người với mục đích lấy chồng hoặc bị lừa bán. Tuy nhiên, trong thời gian này, mới chỉ có 4 vụ, 10 đối tượng có hành vi mua bán phụ nữ, trẻ em trên địa bàn tỉnh bị phát hiện, điều tra, số còn lại vẫn nằm trong diện “án chìm”.

Trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay, mỗi năm có khoảng 500 nạn nhân bị mua bán được các cơ quan chức năng tiếp nhận từ các nước láng giềng. Hầu hết số nạn nhân này đều là phụ nữ có độ tuổi từ 18 đến dưới 40 và trẻ em gái, tập trung ở một số địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Từ năm 2016 đến nay, BĐBP đã chủ động xác lập đấu tranh thành công 27 chuyên án; bắt giữ, xử lý 167 vụ với 125 đối tượng, trong đó khởi tố và bàn giao Cơ quan Cảnh sát điều tra các tỉnh 53 vụ với 81 đối tượng; tổng số 430 nạn nhân, trong đó giải cứu 206 nạn nhân, tiếp nhận 110 nạn nhân, tự trở về 114 nạn nhân.

Hoàn thiện chính sách pháp luật về phòng chống mua bán người

Đây là một trong những nội dung được đặc biệt quan tâm tại Hội thảo về công tác thực hiện chương trình hành động quốc gia về phòng chống mua bán người (2016 - 2018) và thảo luận về BLHS sửa đổi diễn ra chiều qua (30/7) tại Hà Nội do Tổ chức di cư quốc tế tổ chức. Theo Trung tá Phạm Mai Hiên - Phó Trưởng Phòng 9 Tổng cục Cảnh sát, tình hình tội phạm mua bán người tại Việt Nam trong giai đoạn 2005-2018 tuy có giảm về số vụ, số đối tượng, số nạn nhân, nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Vì vậy, bên cạnh những nỗ lực về tập trung nguồn lực thực hiện các biện pháp phòng chống mua bán người, đấu tranh trấn áp tội phạm mua bán người, kịp thời hỗ trợ nạn nhân... thì việc hoàn thiện chính sách pháp luật về phòng chống mua bán người là rất quan trọng

Xuân Hoa

Đọc thêm

Lái xe vi phạm nồng độ cồn “thông chốt” kiểm tra tại Hạ Long

Lái xe và phương tiện vi phạm tại Hạ Long.
(PLVN) -Đêm 18/4, Đội Cảnh sát giao thông đường bộ (CSGTĐB) số 2, Phòng CSGT, Công an tỉnh Quảng Ninh đã bàn giao lái xe Sú Văn Đông sinh năm 1988 và các đối tượng liên quan tới Công an TP Hạ Long để tiếp tục điều tra làm rõ hành vi không chấp hành hiệu lệnh dừng xe kiểm tra nồng độ cồn.

Đồng Nai khởi tố 3 vụ gian lận bảo hiểm

Đồng Nai khởi tố 3 vụ gian lận bảo hiểm
(PLVN) - Liên quan đến hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai thời gian qua đã gửi 39 hồ sơ kiến nghị khởi tố sang Cơ quan điều tra. Trong đó đã khởi tố điều tra 3 vụ.

Mâu thuẫn đất đai đứa cháu giết cô ruột dã man

Nguyễn Minh Trường đến cơ quan Công an đầu thú.
(PLVN) -  Sáng ngày 18/4/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang cho biết đang tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Minh Trường (SN 1990 , trú ấp Phú Hòa 2, xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) để tiếp tục điều tra về hành vi “Giết người”.

Bắt tạm giam chủ tịch UBND xã và kế toán ở Bắc Giang

Cơ quan Cảnh sát điều tra tống đạt các quyết định và lệnh đối với Nguyễn Văn Quang.
(PLVN) - Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND thị trấn An Châu đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ đạo bà Vi Thị Thắm, Kế toán UBND thị trấn An Châu thực hiện trái công vụ, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước số tiền 340 triệu đồng.