Nghi án CSGT truy đuổi dẫn đến cái chết tức tưởi của nam thanh niên?

Nhân chứng Nguyễn Thị Chín bên cột mốc lộ giới, nơi CSGT tự dựng hiện trường (cách vị trí thật của hiện trường khoảng 5m).
Nhân chứng Nguyễn Thị Chín bên cột mốc lộ giới, nơi CSGT tự dựng hiện trường (cách vị trí thật của hiện trường khoảng 5m).
(PLO) - Vụ tai nạn xảy ra đã nửa năm, nhưng người nhà cho rằng nỗi bức xúc vẫn còn nguyên vẹn về sự vô cảm của CSGT, và kết luận nguyên nhân vì sao người chết thì vẫn chưa rõ ràng, khiến một lần nữa, vụ việc lại bị xới xáo.
Tối 26/2/2014, một vụ tai nạn giao thông xảy ra tại thôn Tân Mỹ, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận khiến anh Nguyễn Thành Trung (SN 1990, ngụ đội 1, thôn La Vang 2, xã Quảng Sơn) tử vong. Lúc sự việc xảy ra, nhân chứng thấy tại hiện trường có hai cán bộ CSGT, nhưng hai người này không cấp cứu mà... lấy xe máy của nạn nhân chạy đi. 
CSGT lấy xe của người chết 
Bà Nguyễn Thị Chín (SN 1950, nhà cách hiện trường 15m) tường thuật lại, khoảng 20h hôm đó, bà cùng hai người khác đang ngồi trong nhà xem vô tuyến, chợt nghe một tiếng động lớn ngoài quốc lộ. Chạy ra xem, họ thấy một CSGT đang ngồi trên xe mô tô, một CSGT khác tay xách cổ áo một thanh niên từ sau gáy nhấc lên rồi thả úp mặt xuống. Bên cạnh người thanh niên không có chút cử động là chiếc xe gắn máy ngã chỏng chơ. 
Thấy vậy, cháu gái bà Chín chạy tới đỡ nạn nhân nằm ngửa ra đất. Trong tờ giấy làm chứng, chị này ghi rõ: “Chú công an bước tới nắm cổ áo người bị té nhưng không đứng dậy được nên chú công an thả dập mặt xuống đất. Tôi thấy vậy nên tôi đỡ người bị nạn nằm ngửa, cái điện thoại rơi ra. Tôi cầm điện thoại cháu đưa cho chú công an và nhờ điện thoại cho người nhà. Chú công an bỏ điện thoại vào túi mà không điện, dựng chiếc xe của người bị té chạy về hướng cầu”.
Bà Chín cho biết, qua đầu cầu bên kia, cách hiện trường khoảng 300m, CSGT đưa xe của nạn nhân lên xe ô tô cảnh sát chạy về hướng trung tâm huyện. 
Lúc này, tại hiện trường, người dân tụ tập đông. Bà Chín thấy một người đi xe máy chạy chậm, nên nhờ đưa nạn nhân đi cấp cứu đến trung tâm y tế xã Quảng Sơn. Biết nạn nhân đã chết, ô tô cảnh sát mới đưa xe máy nạn nhân trở lại hiện trường, nhưng được đặt ở vị trí sai lệch, vào giữa cột mốc lộ giới và một trụ điện, cách nơi xảy ra vụ việc 5m, cách lề đường khoảng 6m.
Sau khi công an khám nghiệm hiện trường theo vị trí sai lệch do CSGT dựng, yêu cầu bà Chín ký biên bản làm chứng, bà và nhiều người, yêu cầu để xe máy đúng lại vị trí. Ban đầu, công an không đồng ý. Nhưng trước đó bà đã lấy cát phủ lên vết máu nạn nhân nên khi khám nghiệm, bà mới bới lớp cát lên chứng thực vị trí nạn nhân nằm. Lúc này công an mới “chịu” khám nghiệm lại hiện trường.
Di ảnh nạn nhân Nguyễn Thành Trung.
 Di ảnh nạn nhân Nguyễn Thành Trung. 
“Họ mời tui lên làm việc nhiều lần rồi, lần nào cũng kêu tui nói rõ lại sự việc, chắc chắn chứng kiến sự việc như vậy không? Tui nói thấy sao tui nói vậy. Tui không sợ ai. Phải nói để cháu nó còn có công bằng. Lúc đó đúng là tui không chứng kiến công an rượt đuổi hay không. Nhưng khi tui nghe tiếng ầm, chạy ra thấy người công an đó làm như vậy không ai chấp nhận được. 
Thấy người bị nạn vậy, không lo cứu người mà còn xách người ta lên thả xuống một cách tàn bạo, lấy xe người ta đưa đi. Người dân thấy vậy còn phải đưa đi bệnh viện chứ huống chi họ là công an. Tui nói với gia đình cháu đó, họ có đưa ra trung ương kiện, tui cũng sẵn sàng ra đó làm chứng cho”, bà Chín bức xúc.
Hiện trường là đoạn đường chuẩn bị lên cầu Tân Mỹ, hướng đi Phan Rang - Đà Lạt. Đây là một khúc ôm cua gấp, nếu phương tiện lưu thông với tốc độ cao, khả năng xảy ra tai nạn rất cao. Việc người bị hại chạy xe tốc độ cao và sự có mặt “ngay tức khắc” của hai CSGT dấy lên sự nghi vấn nạn nhân bị CSGT truy đuổi.
Mòn mỏi chờ kết luận điều tra  
Bà Nguyễn Thị Ngợi (SN 1964, mẹ nạn nhân) cho biết, Trung là con thứ 4 trong gia đình 6 anh chị em, cha đã mất cách đây 15 năm. Trung đi bộ đội, mới ra quân cách đây hai năm, lo công việc trên rẫy, tính tình hiền lành, hoà đồng với làng xóm. 
Hôm xảy ra vụ việc, bà Ngợi đang bị sốt nên nằm trong phòng. Trước khi rời nhà, Trung có ghé vào hỏi thăm mẹ rồi lấy xe máy đi. Đến hơn 8h tối thì có người quen chạy lên báo tin thấy Trung được đưa vào cấp cứu tại trung tâm y tế xã. 
Bà Ngợi kể lại, tối hôm đó Trung đi qua thăm nhà người yêu. Vì hai nhà nằm trong xóm, đường đất nông thôn nên Trung không mang theo mũ bảo hiểm. Bình thường Trung qua nhà người yêu sẽ đem theo hai mũ bảo hiểm. Một mũ để mình sử dụng, mũ kia gài lên xe để người yêu dùng. Nếu đi trong xóm không ra đường quốc lộ, có khi Trung không mang theo mũ. 
Người yêu Trung cho biết, hôm đó tan ca gặp Trung đợi trước cổng. Cô cùng một người bạn công nhân cùng đạp xe về, Trung chạy xe máy phía sau để pha đèn soi đường. Bất thình lình nghe tiếng rú ga, một chiếc xe máy vọt nhanh qua, phía sau là xe CSGT đuổi theo. Nhìn lại phía sau không thấy xe Trung nữa, cô mới biết người yêu đã bị CSGT truy đuổi.
Đi tới khu chợ gần đó, cô gái thấy Trung chạy xe vào khu chợ, rồi lách ra ngoài, bóp còi inh ỏi, phía sau xe CSGT đang áp sát. Về tới nhà, cô gái kể lại chuyện cho gia đình. Bố cô nghe chuyện thì chạy ra đường quốc lộ xem xét tình hình, mới biết Trung đã gặp nạn.
Mẹ nạn nhân
Mẹ nạn nhân   
Gia đình cho biết vụ việc đã diễn ra 6 tháng, nhưng vẫn chỉ nhận được những cái hẹn là “đang điều tra”. Công an đã 6 lần mời bà Ngợi lên làm việc, đều cho rằng CSGT không có lỗi.
“Mạng người không thể chết oan uổng như vậy được”
Mãi đến ngày 3/7, gần nửa năm sau khi tai nạn xảy ra, cảnh sát mới trao trả lại cho gia đình chiếc điện thoại của Trung. “Tại hiện trường, hôm ấy nhà tui chỉ nhặt được cục pin. Nghe người làm chứng cho biết có đưa điện thoại của con tui cho công an. Trước ngày chôn, tui lên công an nói họ cho tui xin lại cái điện thoại để chôn cùng với nó, nhưng họ nói không giữ. Vậy mà giờ họ trả cho tui cái điện thoại, tức chịu không nổi”, người mẹ bức xúc.
Ngày 28/7, bà Ngợi tiếp tục được mời lên làm việc, bà thuật lại vẫn chỉ là sự chối bỏ trách nhiệm của CSGT. Trong buổi làm việc này, bà Ngợi chỉ yêu cầu người liên quan phải ngồi lại thoả thuận, xem xét bồi thường chi phí mai táng cho gia đình. Cũng trong buổi làm việc, công an huyện Ninh Sơn chỉ đọc kết luận thanh tra, chứ không cung cấp cho gia đình văn bản nên gia đình không nhớ hết được nội dung.
Ông Nguyễn Đức Thanh (SN 1971, dượng của nạn nhân) phản ánh, việc Trung không đội nón bảo hiểm, không chấp hành hiệu lệnh của CSGT là sai. Nhưng việc CSGT có hành vi truy đuổi dẫn đến cái chết của Trung, cộng thêm việc không đưa nạn nhân đi cấp cứu là hành động khó chấp nhận được. “Tuy vậy giờ Trung cũng đã mất. Gia đình chỉ mong phía hai CSGT có động thái có tình, có lý. Gia đình đã thống nhất, sẵn sàng bãi nại vụ việc nếu họ chính thức ghé gia đình xin lỗi, thoả thuận đền bù chi phí mai táng, vật chất, tinh thần. Chúng tôi không muốn làm khó khăn vụ việc, nhưng cũng không thể bỏ qua nếu không có câu trả lời thoả đáng và hành xử hợp lý từ người liên quan. Mạng người không thể chết oan uổng như vậy được”, ông nói./.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Bắt 3 đối tượng thu giữ hơn 6,5kg ma túy đá

Các đối tượng (từ trái qua phải): Hiệp, Anh, Dũng và số ma túy thu giữ. Ảnh: CACC
(PLVN) - Công an huyện Hà Trung (tỉnh Thanh Hóa) vừa bắt giữ 3 đối tượng mua bán và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy với số lượng lớn, thu giữ 148 viên hồng phiến và hơn 6,5 kg ma túy đá.

Gặp tổ công tác 141, hai thanh niên tự nguyện giao nộp... ma túy

Các tổ công tác 141-CATP tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố.
(PLVN) - Khi tổ công tác 141 thực hiện công tác tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố trên đường Lê Trọng Tấn - Hà Đông (Hà Nội), hai thanh niên tỏ ra lúng túng, lo sợ, tự giác giao nộp 01 túi nilon kích thước 01x01 cm bên trong chứa chất tinh thể màu trắng cho lực lượng chức năng. Tại chỗ, các đối tượng khai là ma túy đá.