Đà Nẵng: anh em tranh chấp đất, vác di ảnh cha mẹ“chạy quanh”chờ Toà phân xử

Ông Diệu và một người anh với chồng đơn cầu cứu
Ông Diệu và một người anh với chồng đơn cầu cứu
(PLO)- Dù đã có sự phân chia đất đai rõ ràng cho các con, nhưng sau khi cụ Thùy chết, một hợp đồng cho tặng toàn bộ đất đai cho duy nhất một đứa con trong gia đình đã xuất hiện. Hợp đồng này sẽ không có gì đáng nói, nếu như cụ Thùy không bị mù, và có người thứ 3 làm chứng cho việc cụ tặng đất.
Trong đơn gửi đến báo Xa lộ Pháp luật, ông Bùi Văn Diệu (SN 1963, ngụ phường Hòa Khê, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) phản ánh vụ tranh chấp nhà đất rắc rối mà cay đắng xảy ra trong gia đình mình.
Lừa cha để độc chiếm đất của gia đình?
Theo ông Diệu, ba mẹ ông là ông Bùi Văn Thùy (SN 1928) và bà Lê Thị Lài (SN 1930) đến với nhau và được 6 người con, trong đó có người em Bùi Văn Dũng  (SN 1972). Người cha bị mù mắt chỉ biết quanh quẩn trong nhà làm những việc nhẹ. Gia cảnh bần hàn, các anh em ông Diệu chẳng một ai được học hành đến nơi đến chốn. 
Tuy bữa đói bữa no, nhưng người mẹ cũng biết lo xa, đã cố gắng dành dụm tậu được một mảnh đất, xây căn nhà nhỏ để cho các con và chồng có chỗ “chui ra chui vào”. 
Năm 1980, người mẹ lâm bệnh nặng. Không muốn tiêu tốn tài sản duy nhất có được, bà nuốt ngược nước mắt vào trong, từ chối điều trị. Không lâu sau, bà trút hơi thở cuối cùng, để lại đàn con nheo nhóc cho người chồng mù lòa. 
Năm 1996, người cha họp gia đình phân chia đất cho các con. Lô đất mà vợ chồng cụ Thùy tạo dựng có diện tích 168,8m2m được cắt chia cho mọi người, trong đó vợ chồng ông Dũng nhận 27,5m2. Diện tích còn lại hơn 43m2, cụ Thùy sử dụng làm nhà ở và cho thuê bớt 15m2. 
Đáng nói, dù đã phân chia đất cho các con nhưng sổ đỏ vẫn chung mang tên vợ chồng cụ Thùy. Hai năm sau, vợ chồng ông Dũng xây dựng nhà ở trên lô đất cha đã cho. 
Đến năm 2004, thành phố có chủ trương mở rộng con đường phía trước nhà. Lúc này, vợ chồng ông Dũng đặt vấn đề gán phần đất được cho, để đổi lấy miếng đất cha đang ở nằm ở phần mặt tiền. Phần chênh lệch diện tích, ông Dũng tính toán và bù thêm cho cha 40 triệu đồng, nhưng nợ lại 30 triệu đồng.
Giữa năm 2009, cụ Thùy bị tai biến qua đời. Sau khi tang lễ cho cha chu toàn, các anh em mới ngồi lại bàn bạc, thống nhất phương án đất đai vẫn giữ nguyên như cha đã phân chia. Ngôi nhà cụ Thùy ở lúc sống, nay dùng làm nơi thờ cúng. 
Bất ngờ tại cuộc họp gia đình này, vợ chồng ông Dũng đưa ra văn bản cha ký với nội dung tặng toàn bộ ngôi nhà và đất cho vợ chồng mình, lập ngày 8/3/2005. Vợ chồng ông Dũng buộc tất cả các anh em trả lại đất đai cho mình, còn cho rằng nhà đất nay đã thuộc về mình, toàn quyền xử lý, thậm chí không làm nơi thờ tự cha mẹ.
Cho rằng em mình hành xử quá vô lý, mất hết đạo lý, các anh em không đồng ý. Ông Dũng làm đơn kiện các anh chị em mình ra Tòa đòi trả lại tài sản.
Tình thân cắt đứt sau 2 cấp tòa 
Theo ông Diệu, cha ông ngay từ đầu đã phân chia đất đai cụ thể cho các con, mục đích muốn sau này con cháu không tranh giành, phần còn lại dùng làm nơi thờ tự, nên không có chuyện đem cho vợ chồng Dũng toàn bộ được. Hơn nữa, trong cuộc sống riêng, giữa cụ Thùy và vợ chồng Dũng vốn vẫn mâu thuẫn qua lại, từ chuyện ăn uống đến món nợ 30 triệu mà Dũng không chịu trả. Cụ Thùy bị mù, không nhìn thấy thứ gì, nên có thể Dũng đã lợi dụng khuyết điểm của cha để tráo các loại giấy tờ với nhau rồi đưa cụ ký. 
Ông Diệu phân tích thêm, em mình đã chở cha đến Phòng Công chứng số 2 lập hợp đồng số 1506 tặng toàn bộ ngôi nhà và đất cho mình mà không cho 5 anh em còn lại biết. 
Mọi thủ tục chuyển nhượng, ông Dũng đều nhờ dịch vụ làm trọn gói chỉ trong vài ngày. “Như vậy rõ ràng việc cho nhận nhà đất có sự mâu thuẫn, khuất tất”, ông Diệu nói.
Cụ Thùy đã bị đứa con lừa ký vào văn bản công chứng?
 Cụ Thùy đã bị đứa con lừa ký vào văn bản công chứng?
Thụ lý vụ án, xem xét chứng cứ các bên, giữa tháng 3/2011, TAND quận Thanh Khê xét xử công khai vụ án. Tại phiên tòa, HĐXX nhận định các con ông Thùy đều thừa nhận cha mình bị mù. Tuy nhiên Công chứng viên Phạm Văn Khánh lại cho rằng thời điểm công chứng giấy tờ, do không biết ông Thùy bị mù và cũng không ai cung cấp thông tin này, thế nên Công chứng viên đã không yêu cầu người làm chứng theo luật định. 
Tòa tuyên hợp đồng tặng cho nhà và chuyển quyền sử dụng đất số 1506 là giao dịch dân sự vô hiệu.
Không đồng ý với phán quyết trên, vợ chồng ông Dũng kháng cáo bản án. HĐXX cấp phúc thẩm lại có quan điểm hoàn toàn trái ngược với tòa cấp sơ thẩm. Tòa phúc thẩm nhận định dù ông Thùy bị mù nhưng biết viết và nghe được, ông Thùy đã tự một mình thực hiện các giao dịch khác mà không cần có người đại diện... nên việc cấp sơ thẩm tuyên bố hợp đồng giao dịch dân sự vô hiệu là trái với những quy định của Bộ luật Dân sự. 
Tòa phúc thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện đòi lại nhà của vợ chồng ông Dũng. Tòa phúc thẩm tuyên toàn bộ hợp đồng cho nhận giữa cụ Thùy và vợ chồng ông Dũng là đúng luật, yêu cầu phía bị đơn trả lại toàn bộ đất và nhà cho bên nguyên. Điều này cũng đồng nghĩa, các anh em ông Diệu bỗng chốc thành người vô gia cư, ngay cả nơi thờ tự cho cha mẹ cũng không còn.
Tòa phúc thẩm đã ra bản án sai luật
Cho rằng án phúc thẩm tuyên là vô lý, cha mình không chỉ bị mù mà còn bị hạn chế năng lực hành vi dân sự (không đọc được), có giấy khai nộp thuế đất tách biệt… nên những đứa con còn lại trong nhà kháng cáo lên cấp Giám đốc thẩm. 
Từ thời điểm đơn và toàn bộ hồ sơ gửi đi, đến nay ông vẫn chưa thấy động thái nào của tòa cấp trên. Điều này cũng đồng nghĩa hơn 3 năm chờ đợi, di ảnh cha mẹ cứ bị “vác chạy quanh”. Đến ngày giỗ kỵ, các anh em cũng tùy vào hoàn cảnh cụ thể mà khi tổ chức nhà này, lúc tổ chức nhà người khác. 
Năm anh em ông Diệu một lần nữa “muối mặt” mời riêng ông Dũng ngồi lại nói chuyện, phân tích phải trái về tình anh em ruột thịt đã thay cha mẹ nuôi Dũng khôn lớn lâu nay…
Thậm chí một người anh đã khóc lóc van xin ông Dũng thương gia cảnh mình nghèo khó mà “cho anh nhận lại nơi ở lâu nay” và phần nhà của cha nên dùng làm nơi hương khói, thờ cúng. Thế nhưng ông Dũng vẫn nhất quyết không đồng ý.
Cũng từ đó trở đi, anh em chính thức từ mặt nhau, cả con cháu ông Dũng cũng không qua lại, chào hỏi. Giỗ cha mẹ cũng không thấy sự có mặt của gia đình ông Dũng.
Bình luận về sự việc, bà Nguyễn Thị Việt Lê, Trưởng phòng nghiệp vụ Văn phòng công chứng Thăng Long (54, Trần Nhân Tông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay, bản án của tòa phúc thẩm đã có dấu hiệu sai luật. 
Theo quy định của Luật Công chứng, với người tặng cho tài sản là người bị mù, khi làm thủ tục công chứng, buộc phải có người làm chứng (trên 18 tuổi, đầy đủ năng lực hành vi dân sự, không có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến tài sản tặng cho). Như vậy, hợp đồng tặng cho tài sản 1506 nói trên là hoàn toàn vô hiệu./.

Đọc thêm

Đồng Nai khởi tố 3 vụ gian lận bảo hiểm

Đồng Nai khởi tố 3 vụ gian lận bảo hiểm
(PLVN) - Liên quan đến hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai thời gian qua đã gửi 39 hồ sơ kiến nghị khởi tố sang Cơ quan điều tra. Trong đó đã khởi tố điều tra 3 vụ.

Mâu thuẫn đất đai đứa cháu giết cô ruột dã man

Nguyễn Minh Trường đến cơ quan Công an đầu thú.
(PLVN) -  Sáng ngày 18/4/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang cho biết đang tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Minh Trường (SN 1990 , trú ấp Phú Hòa 2, xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) để tiếp tục điều tra về hành vi “Giết người”.

Bắt tạm giam chủ tịch UBND xã và kế toán ở Bắc Giang

Cơ quan Cảnh sát điều tra tống đạt các quyết định và lệnh đối với Nguyễn Văn Quang.
(PLVN) - Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND thị trấn An Châu đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ đạo bà Vi Thị Thắm, Kế toán UBND thị trấn An Châu thực hiện trái công vụ, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước số tiền 340 triệu đồng.