"Vá" lại đời nghèo

 Người đàn bà đó đã vượt qua cái cùng cực vất vả để vươn lên làm giàu. Giờ đây, cơ ngơi của chị khiến những người khác phải ước mơ và kính nể. Đó là chị Đỗ Thị Vừng, một người phụ nữ hết mực chăm chỉ, cần mẫn ở một vùng đồng bãi ven sông Hồng.

Người đàn bà đó đã vượt qua cái cùng cực vất vả để vươn lên làm giàu. Giờ đây, cơ ngơi của chị khiến những người khác phải ước mơ và kính nể. Đó là chị Đỗ Thị Vừng, một người phụ nữ hết mực chăm chỉ, cần mẫn ở một vùng đồng bãi ven sông Hồng.

Nữ tỷ phú nông dân

Chị Đỗ Thị Vừng (làng Mãn Hoà, xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) hiện là chủ Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi Hưng Yên. Đến nhà chị, lúc nào cũng có khách xa gần mua cây, mua lợn giống về làm trang trại.

Hiện nay cả khu vườn nhà chị đã lên tới hơn 2 ha. Từ kiến thức bao năm tích luỹ, vợ chồng chị đầu tư tiền của đổ đất làm vườn. Diện tích vườn rộng mênh mông hiện nay cũng là do tích cực dồn điền đổi thửa mà thành. Giống nhãn hương chi đầu tiên được lai ghép từ bàn tay chị cũng đã thành công và cho kết quả cao. Chị đã phải xuống tận Phố Hiến lấy mắt của cây nhãn tổ mang về nhà ươm và nhân giống. Sau đó chị lại trồng cam đường canh, nhãn muộn, nhãn sớm, hồng không hạt, na, cam canh, bưởi diễn, xoài...

Dù đã thành đạt và mô hình của chị được nhiều khách khắp nơi đến học tập, nhưng chị vẫn muốn học tập thêm để đúc rút kinh nghiệm cho mình. Thi thoảng chị vẫn đến các mô hình sản xuất kinh doanh khác để biết được nhu cầu của thị trường cây giống mà đáp ứng. Hiện nay ngoài cung cấp cây giống có chất lượng cho các tỉnh lân cận, chị còn phụ trách hướng dẫn khoa học kĩ thuật, quy hoạch cho các hộ làm vườn có nhu cầu. Hướng dẫn họ cách chăm sóc cây, bón phân làm sao để có quả to và mẫu mã đẹp.

Chị tâm sự: “Nếu ai cần đầu tư tiền vốn, cây giống cho các vườn cây theo tỉ lệ chia 50/50 thì chị sẵn sàng. Nhất là những người ở bên kia sông là dân Hà Tây (cũ). Họ có đất, chị có cây, thoả thuận cùng làm cùng hưởng lợi. Bọn chị triển khai hai năm nay rồi.”

Tổng thu của vườn cây và đàn lợn lên tới hơn 1 tỉ đồng/năm. Trang trại thường xuyên có 50 công nhân trong đó có nhiều người già và trẻ em, tất cả đều được trả công hậu hĩnh. Năm 2007 chị Vừng được đi dự Hội nghị tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc toàn quốc.

Thành quả to lớn nhất đối với chị có lẽ là một gia đình hạnh phúc và con cái thành đạt. Hai cô con gái sau khi lấy chồng cũng theo nghề làm vườn của bố mẹ. Cậu con trai thứ hai đã trở thành kĩ sư và làm việc tại Viện Rau quả Trung ương và có một trang trại riêng. Cô thứ tư tốt nghiệp đại học Nông nghiệp lấy chồng rồi sang định cư ở Nga. Cô con gái út vừa tốt nghiệp học đại học ở Hà Nội.

Chị Vừng bên chiếc xe của mình
Chị Vừng bên chiếc xe của mình

Nhớ cái nghèo để biết cái sướng

Chị Vừng sinh năm 1955, tuổi thơ đầy vất vả, cái vất vả ấy đeo đuổi chị cho đến khi đi lấy chồng. Nhớ lại ngày đó, chị xúc động: “Chị là con thứ 7 trong đại gia đình nhà tranh vách đất có 11 người. Quanh năm cắt cỏ nuôi bò, đánh dậm. Ngày ấy có anh nhà giàu định cưới chị làm vợ vì thấy chị khá sắc sảo, nhưng bố không cho lấy. Bố bắt lấy con nhà nghèo để người ta đỡ khinh. Và anh Hoàng Văn Lượng đã là chồng chị”.

Chị từng là cô giáo nuôi dạy trẻ ở làng từ năm 1972. Làm cô giáo ngày ấy không như bây giờ, lương chẳng đủ ăn. Chị đi làm thêm, sáng làm cô giáo dạy lũ trẻ làng ê a tập đọc, trưa về chị lại lao ra bãi sông vác đất, đội đá thuê “vá” cuộc sống gia đình đang nghèo túng, rách rưới. Hết giờ lại quay về trường khi mồ hôi còn đầm đìa.

Khi cưới chồng là anh Hoàng Văn Lượng, hai người ghép vào nhau thành hai mảnh đời nghèo. Thế rồi sinh con đẻ cái trong cái nhà vách đất “chó chui qua vách”. Chồng chị cũng xoay xở đủ nghề để cải thiện cuộc sống như: Phụ hồ, phu đá ven sông, thợ mộc, đóng gạch... Mà cái khổ thì vẫn cứ đeo đẳng mãi. Năm 1984 vợ chồng chị vỡ nợ. Số tiền là 10 triệu đồng, theo vật giá bây giờ khoảng trăm triệu.

Vì có uy tín nên anh em nhờ chị vay lãi hộ với mức 3 phân (3%). Nhưng làm ơn phải tội, người vay không tiền trả mà khoản nợ cứ lớn dần lên. Đến kỳ hạn chủ nợ cho người đến nhà chị đòi vì đích thân chị vay. Chị Vừng kể lại: “Lúc ấy mấy mẹ con ôm nhau khóc. Chủ nợ lấy đi thóc gạo, tất cả những cái gì có thể để trừ nợ. Họ lại còn chửi bới thậm tệ. Thế đấy, không gì khổ bằng bị xiết nợ. Anh Lượng chán có làm được gì đâu”.

Ngày đó chủ nợ gạ bán đất trừ nợ. Chị nghĩ đó đâu phải đất của mình, nó là mảnh đất để thờ hương hỏa của tổ tiên nhà chồng, chết cũng không được bán đi. Chị Vừng lại quay như chong chóng với nghề đội đất đá với sức lực bỏ ra gấp mười lần trước. Cô con cái cả bỏ học cũng phải ra cõng đá cùng mẹ. Rồi sau đó là cô con gái thứ ba. Cậu con thứ hai cũng bỏ học đi làm thuê tận Sơn La khi mới 13, khi về chơi, mình mẩy đau khắp và gầy nhẳng như cây sậy, hai năm sau cậu quyết tâm đi học với phương châm “hy sinh đời chị củng cố đời em”.

“Vá” được cuộc đời

Chị Đỗ Thị Vừng đã “vá” được cái gia đình rách rưới đó để trở thành một tỷ phú, giàu có trong vùng. Năm 1990 chị nghỉ dạy học để chuyên tâm vào việc đội đá thuê cho được nhiều tiền nuôi con. Một ngày kia chị gặp một người đàn ông lặn lội về mua cây giống làm trang trại. Hỏi chuyện vu vơ, chị biết anh đang làm mô hình trồng chuối ở Phù Đổng (Sóc Sơn - Hà Nội) nhưng còn thiếu giống. Chị Vừng liều lĩnh đứng ra làm chân “ký gửi” giống, khi có lãi sẽ chia theo thỏa thuận. Nhưng vườn chuối trên Phù Đổng đang xanh tốt dính một đêm đã bật gốc và vàng ủng. Người đàn ông được chị cung cấp giống trắng tay. Thương anh, chị không bắt đền.

Mang ơn chị, người đàn ông Hà Nội hướng dẫn chị chuyển sang làm vườn, vì chỉ có làm vườn mới đổi được đời. Ông ta hứa sẽ tận tụy giúp. Chị Vừng nghe theo, liều lĩnh bỏ quê, bỏ con, bỏ những khối đá nặng trịch tím bầm người lên Hà Nội học làm vườn, tìm cơ đổi đời.

Chị Vừng kể: “Ông ấy nhận chị là em kết nghĩa, đã kiếm cho chị công việc trồng 15 vạn cây vải con ở Viện Rau quả. Với sự giúp đỡ của bà Châu và ông Trần Đức Tới, chị được nhận trước nửa tiền công, chị mang một nửa trả nợ, còn lại mua hạt vải chua về ươm. Không may, khi những hạt vải bắt đầu nảy mầm thì trời nắng to, không có lưới nên cây bị héo. Nhìn mấy trăm cây héo rũ và khô khốc, vợ chồng lo lắng vì nếu cây chết thì người cũng chết. Túng quẫn quá không biết làm gì, chị chỉ biết ngồi khóc rồi khấn. Trời đã thương thì thương cho trót, đã vót thì vót cho tròn. Lạ thay tối hôm đó trời đổ mưa. Sáng hôm sau, những cây héo bắt đầu hồi sinh. Sau lần đó lãi được, chị đã trả hết số nợ và lấy lại được uy tín bị mất. Giờ có vay để mua giời người ta cũng cho vay!”

Qua 5 năm làm thuê ở Viện Rau quả, hai vợ chồng chị quyết định về làm giàu trên quê hương. Bố mẹ chồng để lại cho chỉ có 1,7 sào. Chị bắt đầu mua đất về làm vườn, phương châm của chị là thiếu vốn nên có lãi bao nhiêu sẽ bỏ ra mua thêm bấy nhiêu, tiết kiệm chi tiêu tới mức có thể. Đầu tiên chị mua và thầu được 7 sào, dồn thành một thửa để làm vườn cho thuận lợi. Giờ trang trại của chị đã có diện tích hơn 2 hécta.

Anh chồng đứng ra lãnh nhận việc trông nom, chăm sóc đàn lợn, còn chị chuyên cây giống. Khi tôi hỏi chị Vừng rằng chị lấy đâu ra sức lực mà làm như vậy, thì chị cười rất tươi: “Ờ, mình biết đâu được, có sức ngần nào thì làm vậy thôi. Chắc vì khổ quá nên phải liều mà làm”.

Khi chúng tôi tạm biệt để ra về, người phụ nữ đội đá đã "vá" được đời ấy dặn rằng nếu có em hay cháu nào cần việc làm, sang chị sẵn sàng nhận. Chị còn cho mấy củ măng về ăn do chính tay chị đào, với nụ cười thân thiện.

Phóng sự của Diên Khánh

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.