Quan tâm tới cô dâu Đài Loan gốc Việt!

 Trả lời phỏng vấn Báo Pháp luật Việt Nam, TS. Trần Thất (ảnh nhỏ) - Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp (Bộ Tư pháp) cho biết, các cơ quan chức năng của Việt Nam rất quan tâm đến tình trạng quốc tịch của các cô dâu Đài Loan gốc Việt bằng những việc làm cụ thể.

Trả lời phỏng vấn Báo Pháp luật Việt Nam, TS. Trần Thất - Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp (Bộ Tư pháp) cho biết, các cơ quan chức năng của Việt Nam rất quan tâm đến tình trạng quốc tịch của các cô dâu Đài Loan gốc Việt bằng những việc làm cụ thể.

Buồn vì nhiều người thôi quốc tịch

Từ trước đến nay, luôn có một sự chênh lệch lớn giữa những người xin thôi quốc tịch Việt Nam với những người xin nhập quốc tịch Việt Nam, phải không thưa ông?

Ông Trần Thất - Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp
Ông Trần Thất - Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp

- Quả là đáng buồn nhưng đúng vậy. Tính từ tháng 1/2009 đến tháng 6/2010, chúng tôi đã xem xét, thẩm tra, trình Chủ tịch nước cho nhập quốc tịch Việt Nam đối với 429 người lánh nạn từ Campuchia sang Việt Nam, 4 cầu thủ bóng đá chuyên  nghiệp, 1 cầu thủ bóng chuyền chuyên nghiệp và 63 hồ sơ xin  nhập quốc tịch Việt Nam khác; đồng thời xem xét, thẩm tra trình Chủ tịch nước cho trở lại quốc tịch Việt Nam 19 trường hợp.

Song đã xem xét, thẩm tra, trình Chủ tịch nước cho thôi quốc tịch Việt Nam và đã giải quyết tới hơn 8.100 hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam. Hay riêng trong năm 2008, đã giải quyết 12.000 hồ sơ thôi quốc tịch.

Nói vậy thôi, nhiệm vụ của chúng tôi là phải giải quyết bình thường, thậm chí thời gian giải quyết nhanh hơn, chỉ khoảng 3 tháng, so với 6 tháng tối đa trước đây.

Nhu cầu của các địa phương là Bộ sẽ công bố trên cổng thông tin điện tử về danh sách những người đã thôi quốc tịch. Đâu là chỗ vướng khiến công việc vẫn chưa thành hiện thực?

- Đúng là nhu cầu của rất nhiều địa phương. Chẳng hạn, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh An Giang Huỳnh Chánh Huy khi họp giao ban đã vài ba lần đề xuất Bộ đưa danh sách lên Cổng thông tin điện tử để các địa phương tiện truy cập. Ví dụ một người đề nghị UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận còn quốc tịch Việt Nam mà muốn thế phải xem ông này đã thôi quốc tịch Việt Nam chưa.

Tuy nhiên cũng phải nói thật, kinh phí đầu tư được cấp rất hạn chế. Bộ Tư pháp đang lưu trữ hàng chục nghìn danh sách những người đã thôi quốc tịch, muốn lập danh sách điện tử để địa phương tra cứu. Vừa rồi, chúng tôi đã có dự án xây dựng phần mềm song kinh phí để tìm nhân lực nhập dữ liệu thì thiếu. Vụ cũng đề xuất mấy trăm triệu nhưng trong tình hình khó khăn chung nên chưa được đáp ứng.

Quan tâm tới cô dâu Đài Loan gốc Việt

Khi một số vụ việc đáng tiếc xảy ra, người ta phát hiện số cô dâu gốc Việt ở Đài Loan nhưng không quốc tịch nên pháp luật của cả nước ta và vùng lãnh thổ Đài Loan  không kịp thời, can thiệp, bảo vệ. Theo ông, tại sao lại có tình trạng này?

- Thống kê cho thấy, số cô dâu Việt Nam ở Đài Loan vào khoảng 10 vạn người, trong đó có hơn 4 vạn cô dâu Việt Nam đã nhập quốc tịch Đài Loan. Tuy nhiên, số còn lại có 137 trường hợp cô dâu Đài Loan gốc Việt đã xin thôi quốc tịch Việt Nam nhưng chưa được nhập quốc tịch Đài Loan - Trung Quốc. Nguyên nhân có một phần do khách quan nhưng cái chính là chủ quan của đương sự như để thẻ cư trú quá hạn, hồ sơ không đầy đủ, thậm chí có trường hợp vi phạm đạo đức, phẩm hạnh của con dâu trong gia đình nên phía Đài Loan không chấp nhận cho nhập quốc tịch.

Vậy, chúng ta đã giải quyết như thế nào?

- Vừa qua, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chủ tịch nước lập tổ công tác, sang làm việc với phía bạn. Phía bạn cho biết trong thời gian tới sẽ cố gắng cơ bản giải quyết những trường hợp này, trừ trường hợp quá đặc biệt như phạm tội.

Nhưng ở Hàn Quốc cũng đông đấy chứ!

- Dự kiến tới đây sẽ là Hàn Quốc. Còn các nước khác hợp tác chung chung thôi vì số cô dâu không nhiều, quá trình nhập quốc tịch thường suôn sẻ hơn, ít có vướng mắc. Chẳng hạn ở Đức, số cô dâu Việt Nam cũng đông nhưng chỉ cần thôi quốc tịch Việt Nam là phía Đức cho nhập quốc tịch ngay.

Chưa đáp ứng về mặt thời gian

Trong quá trình triển khai Luật Quốc tịch năm 2008, có khó khăn nào mà cơ quan chức năng đã không lường trước được?

- Nói chung là không có khó khăn nào không lường trước cả. Luật Quốc tịch lần này có thuận lợi là luật lần 3. Trước đó, có Luật năm 1988, 1998, trước nữa là Pháp lệnh, còn từ năm 1945 đã có Sắc lệnh của Hồ Chủ tịch. Vì vậy, đã có kinh nghiệm trong quá trình thực hiện. Trên cơ bản Luật 2008 là kế thừa luật cũ nên không phát sinh vấn đề quá lớn. 

Một đám cưới Việt - Đài
Một đám cưới Việt - Đài

Tuy nhiên, để bảo đảm tiến độ theo tinh thần cải cách thủ tục hành chính thì chưa đảm bảo được do thiếu nhân lực, thủ tục hồ sơ. Tuy so với trước đây thì khá hơn nhiều - hàng năm trời chưa có kết quả, nhưng phải nói thẳng là vẫn chưa đáp ứng được về mặt thời gian như quy định của Luật.

Một ví dụ nhỏ, thưa ông?

- Có một khâu như thế này: Các đại sứ quán nhận hồ sơ song không phải họ chuyển hồ sơ về nước ngay mà thường chờ 1 gói nên hồ sơ của người nộp đầu, người nộp cuối trong cả gói cách nhau hàng mấy tháng. Khi chuyển về nước hầu như đã hết thời hạn do Luật quy định. Mặc dù cũng đốc thúc Bộ Ngoại giao về vấn đề này nhưng các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài chưa làm những việc về quốc tịch một cách thực sự riết róng, sốt sắng.

Chung quy vẫn là thiếu người?

Ông vừa nhắc đến vấn đề thiếu cán bộ. Ông có thể nói cụ thể hơn?

- Ở trong nước, cán bộ làm công tác quốc tịch ít. Phòng quốc tịch thuộc Vụ Hành chính tư pháp (Bộ Tư pháp) chỉ có 5 người, khối lượng công việc, hồ sơ quá lớn. Ngay việc chỉ đạo đốc thúc kiểm tra các địa phương trong rà soát, lập danh sách đã hết thời gian. Hàng ngày còn phải xử lý hồ sơ, bình quân mỗi năm lên tới hàng vạn mà mỗi hồ sơ đều đòi hỏi phải chính xác. Khi xử lý hồ sơ, có trường hợp phải xác minh, thông thường rất lâu, chủ yếu do kê khai địa chỉ ở trong nước không chính xác. Có những người rời khỏi đất nước hàng chục năm, kê khai địa chỉ đã thay đổi, tên phường, địa chỉ, thậm chí chủ nhà thay đổi nên xác minh rất khó khăn.

Ở Sở Tư pháp, cán bộ làm công tác quốc tịch rất hiếm hoi. Phòng Hành chính tư pháp các tỉnh hiện nay, trừ Hà Nội và TP. HCM, chỉ vài ba người, thậm chí chỉ 2 người mà làm từ quản lý hộ tịch, quốc tịch, công tác chứng thực và lý lịch tư pháp đến xử lý hồ sơ kết hôn nước ngoài, con nuôi nước ngoài, khai sinh rồi tham mưu cho Giám đốc Sở trong việc hướng dẫn chỉ đạo cấp huyện, cấp xã trong công tác hộ tịch… Hầu như không có cán bộ chuyên làm công tác quốc tịch, trừ TP. HCM có biên chế và làm bài bản, dẫn đến tình trạng xử lý hồ sơ lúng túng, không có thời gian nghiên cứu luật và các văn bản hướng dẫn. Do thế, hồ sơ xin nhập quốc tịch mà các Sở Tư pháp gửi lên đa số là không đáp ứng yêu cầu.

Với tình trạng trên, chắc Vụ Hành chính tư pháp nhận được nhiều đơn thư khiếu nại?

- Đơn thư khiếu nại không nhiều lắm nhưng cũng có, do các địa phương giải quyết không đúng. Gần đây nhất có trường hợp ở Bắc Ninh. Trong giấy tờ hộ tịch, theo quy định của Luật Quốc tịch, lấy quốc tịch Việt Nam phải có tên Việt Nam. Nhưng Sở Tư pháp Bắc Ninh vẫn ghi tên nước ngoài. Đương sự đến Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) thì bị trả lại, yêu cầu về Sở Tư pháp Bắc Ninh bổ sung tên gọi Việt Nam trong giấy tờ hộ tịch. Chuyên viên ở Sở Tư pháp Bắc Ninh cho rằng tỉnh không làm được mà phải do Chủ tịch nước quyết định.

Như vậy, có thể thấy hiểu biết của cán bộ địa phương còn hạn chế. Khi anh đăng ký, nếu công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài đồng thời có quốc tịch Việt Nam khi về nước đăng ký hộ tịch, đăng ký khai sinh chẳng hạn để nhận quốc tịch Việt Nam cho con mình thì phải có tên gọi Việt Nam. Họ lên đây hỏi thì mình giải đáp cho người dân. Đối với một cơ quan nhà nước với sai sót như thế thì không ai cho là chuyện to tát. Với người dân là cả một vấn đề, thậm chí liên quan đến số phận của người ta, được xuất cảnh hay không? Chúng tôi thường nhận đơn thư phàn nàn, chứ không hẳn là khiếu nại.

Hay gần đây, tại hội thảo về vấn đề quốc tịch do Báo Đất Việt tổ chức trong TP.HCM, nhiều đại biểu Việt kiều có ý kiến rằng Luật Quốc tịch 2008 quy định rất là thoáng, vậy mà không hiểu tại sao khi làm thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam lại khó khăn đến thế. Báo Đất Việt đã tập hợp, phản ánh và chúng tôi gửi công văn đề nghị Báo Đất Việt cung cấp địa chỉ của họ để có văn bản trả lời, hướng dẫn. Tinh thần của Luật Quốc tịch 2008 là không phải cứ xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì không phải thôi quốc tịch nước ngoài. Họ cứ truyền nhau là Luật bây giờ cho 2 quốc tịch, nhưng họ hiểu nhầm Luật đâu có cho phép như vậy.

Xin cảm ơn ông!

Gia Lâm (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.