Nước mắt Lã Thị Kim Oanh trong "lăng kính" nhà văn

 Lã Thị Kim Oanh đã lĩnh án tử hình và được Chủ tịch nước ân xá, giảm xuống chung thân. Cuộc nói chuyện gần một buổi sáng đủ để các nhà văn hiểu tâm trạng của Lã thị, và thấm thía những giọt nước mắt của người đàn bà này.

Lã Thị Kim Oanh đã lĩnh án tử hình và được Chủ tịch nước ân xá, giảm xuống chung thân. Cuộc nói chuyện gần một buổi sáng đủ để các nhà văn hiểu tâm trạng của Lã thị, và thấm thía những giọt nước mắt của người đàn bà này.

Thôi rồi thời oanh liệt

Nói đến Lã Thị Kim Oanh, nhà văn nào cũng muốn tiếp cận để "tìm hiểu thực tế" về một người đàn bà đã lĩnh án tử hình và được ân xá hiện đang thụ án tại Trại giam số 5 (Bộ Công an). Dù đã biết về Lã Thị Kim Oanh khá rõ, nhưng tôi vẫn muốn xem khi ở trong tù, người đàn bà này khác ở ngoài như thế nào.

Lã Thị Kim Oanh trò chuyện cùng các nhà văn
Lã Thị Kim Oanh trò chuyện cùng các nhà văn

Trong căn phòng hẹp, 10 nhà văn cả già lẫn trẻ và một phạm nhân nữ, rổn rảng tiếng cười và ê chề tiếng khóc. Hầu như tất cả mọi người đều bất ngờ vì Oanh khóc quá thương, miệng vẫn luôn kêu: "Cháu không đáng tội chết, thực ra cháu không có gan phạm tội nặng như vậy. Các bác nhà văn hãy hiểu và nói giúp cháu với". Ai đó nói, đừng nghe tội phạm kêu oan. Lúc đó tôi thấy các nhà văn cũng phải xem xét cho kỹ. Sốt sắng nghe chuyện của Oanh kể và cảm thông với những giọt nước mắt mà thị chắt ra là nhà văn Võ Bá Cường từ đất Thái Bình và nhà văn Nguyễn Quang Hà từ Huế ra. Những người trẻ chúng tôi cũng thấy thổn thức nếu không muốn nói là mủi lòng.

Bà ta đã ân hận, tất nhiên phần lớn những người đã phạm tội, vào tù thường ân hận. Nhưng họ phải chịu sự trừng trị thích đáng của pháp luật cho những hành động sai trái mà họ gây ra. Cho đến bây giờ, dù đã trải qua tù tội và thời gian đau khổ, nhưng người đàn bà sinh năm 1955 ấy còn khá mặn mà, ăn nói lưu loát và có thể nhớ rõ được những công việc của mình ở ngoài. Nhà văn Võ Bá Cường hỏi: "Chị có nhớ mình đã từng làm gì không?". Oanh cười: "Bác cứ đùa ạ, cháu nhớ chứ ạ. Tất cả những gì cháu đã làm".

Lã Thị Kim Oanh nhớ lại: "Khi bị Tòa tuyên án tử hình, cháu gầy rộc đi vì lo nghĩ. Cháu đã nghĩ đến chuyện hậu sự, căn dặn các bạn tù là nếu mình có đi trước, xin thắp cho nén hương, còn nếu được ân xá, tha tội chết, nếu có một ngày được ra tù, cháu sẽ đến tận nhà thắp hương cho họ. Đến tháng 6/2006, theo chính sách khoan hồng của Nhà nước, cháu được ân giảm xuống thành án chung thân, sau đó được chuyển vào Trại 5. Đến nay cháu đã tăng được 10kg". Giọng Oanh kể truyền cảm, được điểm xuyết cả tiếng cười và tiếng khóc, cốt sao các nhà văn hiểu và thông cảm. Qua câu chuyện của Oanh, các nhà văn cũng thấy rưng rưng, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng say sưa ghi lại những lời ấy vào sổ tay, dù anh đã bật máy ghi âm từ lâu.

Công có bù cho tội?

Nói chuyện với các nhà văn, Lã Thị Kim Oanh khăng khăng nói rằng mình có công rất nhiều. Nhiều công trình mà công ty của thị xây dựng nên hiện nay vẫn sừng sững đứng đó. Vì thế nên tội trạng của thị phải được khoan hồng. Cho đến bây giờ, với cái án chung thân, Oanh vẫn cảm thấy bức xúc. Rằng thị chưa đến cái mức phải chị án chung thân. "Cháu mong các nhà văn hãy hiểu và nói với các cấp giúp với". Các nhà văn vẫn lắng nghe và gật đầu.

Giọng Oanh lại thảng thốt: "Cháu không hề chối tội, thực sự là cháu có tội. Nhưng tội của cháu không phải là tham ô, mà chỉ là vi phạm luật kế toán thống kê. Mọi người đều biết là cháu chưa được học qua một lớp nào về kinh tế hay quản lý kinh tế, cho nên sai sót là chuyện dễ hiểu. Khi sai rồi, mọi người cũng nên nhìn những thành quả mà chúng cháu đã tạo dựng nên, tài sản hàng mấy trăm tỷ. Khi đã sử dụng tài sản ấy rồi cũng phải tính công cho chúng cháu chứ. Tính đến 19/6 này là tròn 8 năm cháu ngồi tù, rất thích đáng rồi. Các bác, các nhà văn nhà báo hãy nói giúp cháu với".

Đến lúc này thị khóc nức nở, không có khăn tay, một nhà văn đưa cho thị mấy tờ giấy ăn để thấm những giọt nước mắt. Có một câu hỏi khiến tất cả chúng tôi là những nhà văn phải nghiền ngẫm, đó là do nhà văn Nguyễn Quang Hà khơi ra: "Chị làm việc như vậy, thế khi nào chị cảm thấy vất vả nhất?". Lã thị trả lời: "Dạ, là khi... thành đạt ạ. Bởi khi cháu làm giáo viên ở Trường THPT An Dương dưới Hải Phòng, công việc nhàn hạ và thanh thản. Khi làm Giám đốc là vất vả và khổ nhất vì suốt ngày phải chạy vạy, lo hết dự án này đến dự án khác. Xong dự án này thì đã có dự án kia gối đầu. Có vậy mới có tiền chi trả anh em công nhân. Nếu không có các khu nhà để kinh doanh thì cháu làm sao kiếm ra tiền. Cho nên làm doanh nhân là đau đầu nhất các bác ạ".

Tôi lắng nghe và quan sát. Người đàn bà ngồi trước mặt chúng tôi còn khá đẹp. Tuy rằng không còn trẻ nữa, nhưng vẫn ngày ngày được son phấn (khu phạm nhân nữ có cả một nơi làm đẹp riêng). Điều đó cho tất cả chúng ta hình dung về thời xuân sắc của Oanh, rồi trở thành một nữ Giám đốc "hoành tráng" từng làm sửng sốt dư luận, ném tiền Nhà nước qua cửa sổ không thương tiếc.

Nước mắt Lã Thị Kim Oanh trong "lăng kính" nhà văn ảnh 2
 

Tôi tự có đánh giá của riêng mình rằng: Liệu ở trường hợp của Lã thị, công có chuộc được tội? Có lẽ là không thể, các vụ án được ông Bao Thanh Thiên ở bên Trung Quốc đời Tống xử án nghiêm minh thế nào? Dù là người có công, hoàng thân quốc thích nếu đã phạm tội đều phải bị xử theo luật. Giảm án đối với Lã thị xuống chung thân đã là một hồng ân lớn. Điều đó cho mỗi công dân tin tưởng ở pháp luật.

Kết thúc không có hậu

Nói về gia đình của mình, có lẽ Lã Thị Kim Oanh buồn hơn cả. Điều khiến Oanh day dứt nhất là hai cô con gái phải mang tiếng là con của một kẻ phạm tội. Người ta thường nói người phụ nữ thành đạt trong sự nghiệp sẽ không giỏi quán xuyến gia đình. Lúc này, cùng với nỗi ân hận về những việc làm sai trái, Lã thị còn ân hận là mình đã không chăm lo cho gia đình tử tế. Hiện nay, thị vẫn đi lễ ở đền gần khu trại giam.

Tôi hỏi: "Gia đình của chị ra sao, cả những người thân nữa? Chắc bây giờ chị vẫn được những người quen cũ đến thăm hỏi chứ?". Oanh cười cay đắng: "Không có ai cả. Chỉ có hai đứa con thôi! Cháu vào đây rồi, cũng chẳng dám oán thán những người trước đây từng là cộng sự, vì miếng cơm manh áo của người ta nên người ta chẳng dám dính dáng đến cháu nữa. Có thể trong thâm tâm người ta vẫn nhớ vẫn thương". Ngày đó sau phiên Toà phúc thẩm, khi bản án tử hình đã có hiệu lực, Oanh đã có một thời gian dài sống trong hoảng loạn. Nhiều tháng ròng nằm trong trại, Oanh nghĩ đến cái chết, đến một ngày sẽ phải ra pháp trường mà toát mồ hôi.

Nghĩ mãi cũng bớt đau đớn rồi lại tỉnh táo dần. Lúc tỉnh táo nhất là lúc Oanh nghĩ nhiều đến chồng và hai con. Chồng vốn là một công chức mẫn cán và nghiêm túc ở cơ quan Bộ Y tế, hai cô con gái ngoan và học giỏi. Cô con gái đầu tốt nghiệp Thạc sĩ ở Pháp và hiện đang sống ở TP. HCM, con gái thứ hai tốt nghiệp đại học cũng đã làm master tại Pháp.

Phạm nhân họ Lã kể rằng: "Ngày đó sau khi nhập trại được mấy tháng thì cháu nhận được tin chồng gửi đơn li dị. Khi nhận lá đơn li hôn, cháu không giận chồng, chỉ buồn và khóc. Cháu xin gặp Ban (trong trại, các phạm nhân thường gọi giám thị là Ban), nhờ Ban nói giúp để chồng cháu rút đơn, để hai đứa con còn lấy chồng. Chúng đã mang tiếng bởi có một người mẹ tù tội, cháu không muốn chúng tiếp tục phải chịu cảnh bố mẹ bỏ nhau". Thế nên khi Ban giám thị đưa tờ đơn đề nghị ly hôn của chồng Kim Oanh cho Kim Oanh thì thị đã thực sự rất sốc. Dù phạm tội, dù đang là một phạm nhân nhưng chưa bao giờ thị nghĩ chồng thị sẽ bỏ thị để đi lấy một người phụ nữ khác.

Khi chúng tôi hỏi, nếu được làm lại cuộc đời, Oanh sẽ làm gì thì phạm nhân họ Lã nói rằng sẽ chỉ chăm chút cho gia đình. Lúc này thị nhận ra hạnh phúc gia đình là quan trọng hơn cả. Thiên chức của người đàn bà là làm mẹ và làm vợ. Ở hai chức năng này, Oanh thấy mình đều làm thiếu hụt và vô trách nhiệm. Thị còn một nỗi lo canh cánh trong lòng là sợ con cái mặc cảm, hạnh phúc, tương lai của chúng sẽ bị ảnh hưởng. "Cháu mong những người phụ nữ khác không giẫm vào vết xe đổ của mình, các bác ạ".

Sau đó, thị thốt lên rằng giá mà không quá hào phóng, không quá "chơi trội" và lơi lỏng quản lý, thì chẳng nên tội nợ. Cuối cùng, Oanh muốn xin chữ ký của tất cả các nhà văn và cũng ký tên mình vào sổ tay của các nhà văn, như một sự ghi dấu kỷ niệm của một cuộc thăm nom không hẹn trước, đầy nỗi niềm.

Dương Khánh Thảo

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.