NGHỊ ĐỊNH 69: KÌM TỎA SỰ PHÁT TRIỂN

Nghị định 69 ban hành đã gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp và người dân trong việc nộp tiền sử dụng đất theo giá thị trường. Doanh nhân & Pháp luật đã gặp gỡ các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản để nghe những bức xúc của họ cũng như ý kiến từ các cơ quan liên quan và giới luật sư.

Nghị định 69 ban hành đã gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp và người dân trong việc nộp tiền sử dụng đất theo giá thị trường. Doanh nhân & pháp luật đã gặp gỡ các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản để nghe những bức xúc của họ và ý kiến từ các cơ quan liên quan và luật sư.

Điều 11 của Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư có hiệu lực từ ngày 1/10/2009 quy định:

Khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất, cho thuê đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và trường hợp doanh nghiệp nhà nước tiến hành cổ phần hóa lựa chọn hình thức giao đất mà giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại thời điểm giao đất, cho thuê đất, thời điểm quyết định thu hồi đất, thời điểm tính giá đất vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa chưa sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường để xác định lại giá đất cụ thể cho phù hợp”.

Kể từ khi có quy định này, việc thu tiền SDĐ đã bị đình đốn do các cơ quan chức năng lúng túng trong việc xác định đâu là giá thị trường. Trong khi đó, các doanh nghiệp thì không ngớt kêu vì không kham nổi khoản tiền sử dụng đất quá cao.

GIÁ THỊ TRƯỜNG LÀ KHÁI NIỆM MƠ HỒ

Ông Nguyễn Viết Tạo, Giám đốc Công ty Bất động sản NVT cho rằng trước khi có Nghị định 69 thì tiền sử dụng đất tại các dự án được thu 100% theo bảng giá đất được UBND tỉnh, TP ban hành trừ đi chi phí bồi thường và hỗ trợ di dời. Cách tính này chưa phải tối ưu nhưng dễ tính, dễ thu và mức thu không cao do bảng giá đất ban hành hằng năm chỉ bằng 30%-40% giá thực tế thị trường. Nay thực hiện theo Điều 11 Nghị định 69 thì các dự án bất động sản (thực hiện theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất) muốn nộp tiền sử dụng đất trước hết phải mời tư vấn định giá đất theo sát giá thị trường, sau đó Sở Tài chính địa phương xem xét, trình UBND TP quyết định số thu tiền sử dụng đất với mức bằng 100%.

 “Cách tính mới này khiến tiền sử dụng đất doanh nghiệp nộp rất cao và doanh nghiệp không biết ấn định vào giá thành sản phẩm để kinh doanh như thế nào” - ông Nguyễn Viết Tạo cho biết.

Ông Lương Trí Thìn, Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Đất Xanh, cho biết một dự án căn hộ ở Gò Vấp của Đất Xanh đã xây đến tầng bảy nhưng không bán hàng được vì chưa biết tính toán gía thành như thế nào do không biết sẽ nộp tiền sử dụng đất như thế nào. “Khi chúng tôi đi nộp thuế thì cục thuế bảo là chưa có bảng giá đất thị trường như thế nào, qua Sở Tài Nguyên Môi Trường cũng không được, qua Sở Tài chính thì sở này bảo thuê công ty thẩm định giá đất rồi xem xét. Tuy nhiên nếu thuê công ty thẩm định gái thì lấy cơ sở nào để chúng tôi biết đó là giá thị trường”, ông Thìn bức xúc nói.

Ông Lê Văn Tú, Giám đốc Công ty Phát triển nhà Bình Dân, cho biết đã có đơn kêu cứu gửi UBND TP về vấn đề nộp tiền sử dụng đất tính theo giá thị trường. Theo ông Tú, cách tính giá mới này không hợp lý, thiếu khoa học “như dao sắc kề vào cổ doanh nghiệp”. Công ty ông khi làm một dự án khu dân cư ở Thủ Đức đã không triển khai được. Vì khi nhờ một công ty thẩm định giá về mức giá thị trường để nộp tiền sử dụng đất, số tiền phải nộp hơn 54 tỉ đồng. Trong khi với 7.000 m2 đất ở thì số tiền công ty bán ra (mỗi m2 hơn 7,7 triệu đồng) cũng chỉ hơn số tiền sử dụng đất phải nộp một chút xíu.

Bà Đỗ Thị Loan, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HOREA) cho biết, nếu doanh nghiệp bất động sản phải nộp tiền sử dụng đất tính theo giá thị trường theo Nghị định 69 thì gần như 100% doanh nghiệp đều chết. Bà Loan dẫn chứng hiện nay doanh nghiệp Sacomreal có nguy cơ mất đối tác ngoại trong một dự án lớn. Vì nếu áp dụng quy định mới về nộp tiền sử dụng đất thì đối tác ngoại… sẽ xem xét lại việc hợp tác đầu tư giữa hai bên.

Ông Nguyễn Cảnh Hà, Giám đốc Công ty địa ốc An Thiên Lý phân tích, thực tế bất hợp lý của việc đóng tiền SDĐ không phải xuất phát từ Nghị định 69, mà đã tồn tại từ năm 2004 trong các Nghị định triển khai thi hành Luật Đất đai, trong đó quy định mức thuế suất chuyển mục đích SDĐ là 100% giá trị đất theo mục đích sau dự án. Tuy nhiên, trước nay việc đóng thuế SDĐ ở TP.HCM và Hà Nội dựa trên bảng giá đất do UBND TP ban hành, thường thấp hơn nhiều so với giá thị trường, cho nên chưa thấy được sự vô lý. Đến Nghị định 69 yêu cầu "UBND cấp tỉnh căn cứ vào giá chuyển nhượng quyền SDĐ thực tế trên thị trường để xác định lại giá đất cụ thể cho phù hợp" (tức không theo khung giá hằng năm nữa) thì số tiền SDĐ phải đóng đội lên chóng mặt.

Theo ông Nguyễn Cảnh Hà, việc định giá đất sát thị trường là hợp lý, nhưng áp mức thuế suất 100% giá trị đầu ra của dự án thì cần phải xem lại. "Chẳng hạn, bố cho con miếng đất trị giá 1 tỉ đồng. Người con đi đóng tiền SDĐ thì bị áp mức 1 tỉ đồng, ngoài ra còn thêm các khoản thuế khác. Như vậy, bố cho con 1 tỉ đồng nhưng thực chất lại cho âm đi mấy chục triệu đồng. Đất của họ nhưng nay đóng 100% tiền SDĐ theo giá thị trường thì chẳng khác nào phải mua lại đất của chính mình", ông Hà nói.

KIẾN NGHỊ TỪ PHÍA DOANH NGHIỆP

Theo ông Nguyễn Viết Tạo thì Nghị định 69 được ban hành trong bối cảnh ngành ngân hàng thắt chặt tín dụng khiến năm ngoái đến nay hầu hết các doanh nghiệp BĐS đều án binh bất động. Một số DN chuyển hướng sang kinh doanh bất động sản ở một số nước khác. Khi ngành bất động sản án binh bất động thì sẽ kéo theo sự khó khăn của ngành sản xuất vật liệu xây dựng, khiến hàng vạn lao động mất việc làm. Rõ ràng việc ban hành NGhị định 69 là bất cập, không khoa học, trái với chủ trương của Nhà nước là kéo giá nhà đất giảm xuống. Nó không có lợi cho xã hội và tâm lý xã hội.

Nghị định 69 gây bức xúc cho các DN bất động sản khiến Hiệp hội BĐS Việt nam và Hiệp hội BĐS TPHCM đã tổ chức hai cuộc hội thảo tại Hà Nội và TPHCM để gỡ rối. Các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều đề xuất để kíến nghị lên cơ quan chức năng. Ông Nguyễn Cảnh Hà, Giám đốc Công ty BĐS An Thiên Lý kiến nghị nên áp mức thuế suất cố định từ 10 - 15% giá trị đất theo thị trường, bởi nếu đóng 100% giá trị đất theo thị trường rồi lại khấu trừ tiền đền bù sẽ rất dễ nảy sinh tiêu cực và phức tạp hóa thủ tục. Theo ông Lương Trí Thìn, Cty Đất Xanh, tiền sử dụng đất hiện nay nên tính theo bảng giá đất hằng năm của Nhà nước. Nếu tính theo quy định của Nghị định 69 sẽ gây biến động cho thị trường nhà đất.

Còn theo ông Lê Ngọc Tú, công ty Bình Dân thì nếu Chính phủ cho phép thu thuế 20% theo giá thị trường thì Nhà nước nên ưu tiên cho phép nộp theo giá thị trường. Nhà đầu tư nên thương lượng với dân để được đầu tư. Giá bán ra thị trường bao gồm giá đất nông nghiệp mua, chi phí dịch vụ cây xanh, chi phí xây dựng hạ tầng, điện, nước, giá trị gia tăng... mới ra được giá thị trường, giá thị trường bao gồm tiền nộp cho Nhà nước, tiền nộp cho nhân dân, tiền sử dụng đất…

ĐĂNG BÌNH – THÙY LINH

Ông Nguyễn Đình Tấn – Cục Trưởng Cục thuế TPHCM:

CÓ 56 DỰ ÁN ĐANG CHỜ NỘP TIỀN SỬ DỤNG ĐẤT”

Theo ông Nguyễn Đình Tấn – Cục Trưởng Cục thuế TPHCM, kể từ khi NĐ69 có hiệu lực thi hành, trên địa bàn TPHCM đã có 56 dự án đang chờ nộp tiền sử dụng đất theo giá thị trường. Tuy nhiên, để có được giá này, các chủ đầu tư dự án phải nhờ các Cty tư vấn thẩm định giá. Thế nhưng, thế nào là giá thị trường?

 Theo định nghĩa của các nhà chuyên môn, giá thị trường là giá giao dịch trên thị trường trong điều kiện bình thường. Nhưng để xác định tiêu chí này là vô cùng khó. Vì một căn nhà trên cùng một con đường có nhiều giá khác nhau, có nhà giáp ngã ba, ngã tư , có nhà đầu đường, nhà cuối đường, chỉ cách nhau ranh giới, giá thị trường cũng đã chênh lệch lớn. Hơn nữa, giá giao dịch trên thị trường còn có nghĩa là thuận mua vừa bán. Nếu tôi thích căn nhà này, tôi có thể sẵn sàng bỏ tiền ra mua một ngàn cây, nhưng nếu tôi không thích, tôi chỉ trả 800 cây và người kia có thể là vẫn bán. Như vậy, ai là người thẩm định chính xác giá này?. Thứ hai, để xác định giá trị trường, các Doanh nghiệp phải nhờ các Cty tư vấn thẩm định giá, thực tế là nếu nhờ 2,3 Cty thẩm định thì sẽ cho ra nhiều kết quả thẩm định giá khác nhau, như vậy, ta sẽ chọn giá nào? Chắc gì Cty đó thẩm định giá đúng?

Cũng theo ông Tấn, để tháo gỡ vướng mắc trên, UBND.TPHCM cũng đã có công văn trình Thủ tướng Chính phủ. Mới đây, Thủ tướng cũng đã có công văn trả lời và hướng dẫn thực hiện việc này. Theo đó, đối với hộ gia đình, cá nhân được công nhận quyền sử dụng đất ở đối với đất đang sử dụng hoặc được cơ quan có thẩm quyền cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở trong hạn mức (đối với khu vực nội thành TPHCM thì hạn mức đất ở là 160m2) thì giá đất để tính thu tiền SDĐ theo bảng giá đất do UBTP ban hành và công bố hàng năm, còn vượt hạn mức thì căn cứ theo giá thị trường. Riêng đối với doanh nghiệp, thì tính thu tiền SDĐ theo giá thị trường như qui định tại NĐ 69. Một vấn đề khác đặt ra, đối với doanh nghiệp là vậy, còn đối với hộ gia đình, cá nhân, nếu thu tiền SDĐ theo giá thị trường, vậy khi bồi thường để thực thi dự án có tính theo giá thị trường hay không?Và, giải pháp nào để Nhà nước có thể thu tiền SDĐ mà doanh nghiệp cũng sớm hòan tất các dự án của mình?

 Theo một cán bộ ngành thuế, việc qui định như vậy sẽ tạo ra một kẽ hở và dễ làm phát sinh tiêu cực. Bởi hiện nay, việc thu tiền sử dụng đất đều căn cứ trên bảng giá đất ban hành hàng năm của các địa phương. Việc xây dựng bảng giá này lại dựa trên các Nghị định của Chính Phủ về phương pháp xác định giá đất và khung giá các lọai đất, trong đó, qui định khung giá cho các lọai đô thị chênh lệch tối đa không quá 20%. Nhưng hầu hết địa phương đều đã áp dụng tối đa khung giá mà Chính Phủ cho phép. Vậy tại sao không mở khung giá của Chính Phủ để các địa phương có thể nâng giá đất hàng năm và lấy đó làm căn cứ thu tiền thay vì cứ phải loay hoay thẩm định giá thị trường như hiện nay?

PHƯƠNG THẢO (ghi)

Ông Phạm Đình Cường, Cục trưởng Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính:

“CHÚNG TÔI ĐÃ NGHE KHÁ ĐẦY ĐỦ”

PV: Như ông đã biết, nhiều DN bất động sản đang kêu khó và khổ vì phải nộp tiền sử dụng đất theo giá thị trường, vì sao lại đưa nội dung này vào Nghị định 69?

- Trước hết phải khẳng định rằng quy định về nộp thuế sử dụng đất theo giá thị trường này không phải mới, đã có trong Luật Đất đai 2003 cũng như nhiều văn bản pháp luật khác về lĩnh vực đất đai. Điều 11 của Nghị định 69 chỉ khẳng định lại quan điểm đúng đắn đó. Kinh doanh bất động sản cũng là một lĩnh vực kinh doanh, không thể nằm ngoài quy luật của thị trường. Vấn đề là phải hiểu thế nào là giá thị trường để vận dụng một cách phù hợp.

PV: Hiện nay giá đất đang được tính theo những cách nào thưa ông?

- Hiện giá đất được hình thành thông qua 3 kênh. Thứ nhất là bảng giá đất được UBND tỉnh, TP ban hành vào ngày 1/1 hàng năm mà mọi người vẫn gọi tắt là “ Bảng giá ủy ban”. Thứ hai là loại giá hình thành do các công ty thẩm định giá trình lên UBND các tỉnh. Thứ ba là giá được hình thành thông qua các cuộc đấu giá. Cả ba kênh này đều là giá thị trường. Bảng giá của ủy ban mang tính phổ biến, bảng giá của các công ty thẩm định thường mang tính cá biệt. Thực tế thì giá của ủy ban ban hành thường thấp hơn giá của các công ty thẩm định vì các lô đất các DN kinh doanh bất động sản nhắm đến đều có vị trí thuận lợi. Tuy vậy, hoạt động đấu giá mới có tính thị trường nhất

PV: Các DN kinh doanh bất động sản, đặc biệt là tại TP. HCM đang bị ách tắc vì quy định này, việc đó sẽ giải quyết ra sao?

- Chúng tôi đã nghe khá đầy đủ những kiến nghị của các DN và cũng đã làm việc với Cục thuế TP.HCM, Sở Tài chính, Sở TN&MT để tháo gỡ cho các DN. Điều quan trọng là các cơ quan liên quan cần hiểu, áp dụng và giải thích cho DN một cách chính xác và thống nhất những quy định này và trong công việc cần phải có sự phối hợp chặt chẽ và trách nhiệm. Chẳng hạn nhiều DN hiện nay vẫn chưa hiểu rõ việc thu 100% tiền đất là thế nào. Chúng tôi không thu 100% đối với tất cả các dự án mà chỉ thu với các dự án đô thị.

 Nếu giá đất do công ty thẩm định quá cao, nhà đầu tư có thể lấy thêm chứng thư thẩm định giá của một vài công ty khác để ủy ban tham khảo, quyết định. Bảng Chứng thư thẩm định giá cũng chỉ là một căn cứ để ủy ban quyết định.

PV: Nhiều DN cho rằng nếu vẫn phải nộp tiền sử dụng đất theo giá thị trường họ sẽ hết lãi?

Thị trường bất động sản đang dần hình thành và hoàn thiện. Thời kỳ lãi siêu ngạch đã qua rồi. Lãi nhiều hay ít bây giờ phải do chính công sức của nhà đầu tư chứ không nên hy vọng vào mua được đất rẻ. DN nên tính lãi ở tiết kiệm chi phí, quản lý dự án, quy hoạch của dự án đến kết cấu của từng tòa nhà, thương hiệu và uy tín của công ty. DN phải có phương án kinh doanh rõ rang trước khi quyết định đầu tư, phải biết trước số tiền sử dụng đất mà mình phải nộp là bao nhiêu.

Sản phẩm đầu ra của các DN kinh doanh bất động sản là các tòa nhà, căn hộ từ trước đến nay đều được bán cho khách hàng theo giá thị trường, có công ty nào bán rẻ đâu, vì vậy giá đất là đầu vào của DN cũng phải được thu theo giá thị trường là tất yếu. Nếu áp dụng hình thức đấu giá, chắc chắn DN còn phải trả với giá cao hơn.

ĐỨC TRƯỜNG (thực hiện)

LUẬT SƯ BÙI QUANG NGHIÊM: NÊN SỬA NGHỊ ĐỊNH 69

DN&PL: Điều 11 của Nghị định 69 có quy định được tóm tắc như sau: Khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng hoặc chuyển mục đích sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố căn cứ vào giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường để xác định lại giá đất cụ thể cho phù hợp. Và có một tổ liên ngành hay ủy ban, công ty thẩm định giá thẩm định. Thưa ông, giá thị trường ở đây nên hiểu thế nào cho chuẩn xác?

LS. Bùi Quang Nghiêm: Theo tôi, đã là thị trường thì không có sự can thiệp của ai bị phụ thuộc vào mệnh lệnh hành chính. Thị trường phải khách quan, giá cả phải là giá thuận mua vừa bán. Giá gạo, mớ rau hay con cá lắm lúc cũng còn khó định; đất đai không thể định giá một cách duy ý chí được. Hơn thế, chuyện định giá ở đây còn liên quan đến mệnh lệnh hành chính; nếu chỉ có mệnh lệnh hành chính để định giá thì tôi không thể tin được là nó khách quan. Thị trường không thể nào chấp nhận giá mà nó được định ra chỉ từ mệnh lệnh hành chính. Đó phải là giá thuận mua, vừa bán. Đất đai không phải là một sản phẩm hàng hoá được hình thành tuyệt đối bởi lao động của con người. Do vậy, thông tin và đánh giá giá trị sử dụng của nó cần phải công khai, minh bạch. Nếu để được gọi là giá thị trường thì người mua cảm thấy hài lòng còn người bán thấy phù hợp. Như vậy, nghị định này quy định xác định giá theo kiểu như vậy vừa không khách quan, vừa mâu thuẫn giữa mục tiêu và phương pháp. Do vậy, theo tôi, cần hạn chế tối đa sự can thiệp hành chính vào quá trình xác định giá của nó.

DN&PL: Có ý kiến cho rằng: Việc cho ra đời Nghị định 69 nhằm kéo giá đền bù đất sát với thực tế và sẽ tác động đến người được đền bù (phần lớn là người dân nghèo - PV). Như vậy, đây là chủ trương đúng đắn của nhà nước và các doanh nghiệp nên chấp nhận và thực hiện. Ông đánh giá thế nào về ý kiến đó?

LS. Bùi Quang Nghiêm: Nếu có vị quan chức nào đó có thực sự có ý định mang lại sự công bằng cho mọi người thì đó là một ý định đáng trân trọng. Nhưng, cũng không vì thế mà đưa ra một quyết định liên quan đến thành phần và phương pháp xác định giá thiếu chất lượng thực tiễn. Làm thế nào xác định được giá trị của địa điểm, vị trí cụ thể của từng lô đất để định giá cho đúng? Làm thế nào xác định được tương đối đầy đủ các yếu tố để hình thành mức giá gọi là sát giá thị trường?... Tất cả những vấn đề như vậy đều cần có kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn mà theo tôi cần có sự tham gia trực tiếp của những người làm bất động sản, các công ty có chức năng định giá bất động sản thì mới hy vọng có được một điều luật đúng đắn và thực tế được. Nếu không sẽ vẫn tồn tại mâu thuẫn gay gắt về quyền lợi trong việc đền bù, giải tỏa đất. Bản thân các doanh nghiệp bất động sản cũng sẽ loay hoay không biết ứng xử như thế nào trước tình trạng như vậy. Và để mang lại “hy vọng” như ý kiến vừa trên thì cần có hướng dẫn chi tiết về nghị định này để các bên liên quan có thể thực hiện được.

DN&PL: Theo ghi nhận của chúng tôi, một điều mà doanh nghiệp lo lắng chính là sự công tâm, khách quan và chính xác trong công tác thẩm định giá đất đai. Có doanh nghiệp còn đưa ra trường hợp cụ thể là cùng 1 khu đất nhưng khi thuê hai công ty thẩm định khác nhau thì có hai mức giá chênh nhau rất rõ rệt. Làm gì để khắc phục tình trạng đó?

LS. Bùi Quang Nghiêm: Như trên tôi có nói, việc thẩm định giá trong một trường hợp cụ thể là rất khó. Do vậy, chuyện có hai mức giá chênh lệch nhau dữ dội trên cùng một khu đất là điều hết sức bình thường. Để khắc phục được điều này cần có sự tham gia của ít nhất là 3 tổ chức thẩm định độc lập. Các tổ chức đó phải bao gồm những người hoạt động thực tiễn trong ngành bất động sản, những chuyên gia tài chính, thị trường... Nhưng điều quan trọng là tổ chức ấy phải độc lập với quyền lợi và mệnh lệnh hành chính.

DN&PL: Thưa ông, cũng có nhận định ngược lại rằng: Nghị định 69 làm ngưng đọng sự phát triển của thị trường bất động sản. Hơn thế, nó còn góp phần đẩy giá đất lên và dẫn đến nhiều nhà đầu tư không thể triển khai được dự án (nhất là dự án nhà ở phân khúc trung bình - PV). Ông nghĩ thế nào về chuyện này?

LS. Bùi Quang Nghiêm: Nhà đầu tư có phương pháp và mục đích phân tích về thị trường riêng của họ. Và họ biết cách tính toán để dự án kinh doanh bất động sản có khả năng sinh lời cao. Theo tôi, không có gì là hoàn hảo cả. Người mua hiện nay cũng đủ khôn ngoan để quyết định có mua sản phẩm bất động sản đó hay không. Họ cũng biết tính toán và mua sản phẩm phù hợp với túi tiền và mục đích sử dụng của mình. Nếu nhà đầu tư có được quyền sử dụng đất và tạo ra giá trị thì anh sẽ có khả năng bán được sản phẩm. Theo tôi, giá trị của bất động sản phụ thuộc nhiều ở vị trí. Nếu anh sở hữu vị trí tốt thì anh rất có thể sẽ có được giá bán cao. Ngoài vị trí còn phải tính đến chất lượng xây dựng và chất lượng kiến trúc. Tuy nhiên, đôi khi tác dụng của điều chỉnh này là, chính quyền thì “ép” nhà đầu tư, nhà đầu tư thì “ép” lại khách hàng. Và như vậy có thể là có kẽ hở. Cần phải hạn chế tối đa kẽ hở này. Và chỉ có thể công khai, minh bạch thông tin về dự án bất động sản thì mới có thể khắc phục được những bất cập như vậy. Chuyện ngưng đọng thị trường hay không cũng có thể xuất phát từ những bất cập kiểu như vậy.

DN&PL: Theo ông, với những vấn đề nêu trên thì Nghị định 69 có nên được sửa đổi, bổ sung hay không?

LS. Bùi Quang Nghiêm: Theo ý kiến của tôi thì cái gì bất cập, sai sót thì phải thay đổi, sửa chữa cho phù hợp. Và tôi cho rằng, sửa đội Nghị định 69 là điều cần thiết.

LÊ TÂN (thực hiện)

·          Mời các bạn đọc thêm trên Doanh nhân & Pháp luật số 54 ra ngày 5.8.2010)

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.