Về Nhơn Trạch thăm đình cổ thiêng Phước Thiền

Di tích đình Phước Thiền, xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai
Di tích đình Phước Thiền, xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai
(PLVN) - Cứ vào dịp cận kề Tết Nguyên đán, ngoài việc hỗ trợ, chăm lo đời sống vật chất cho bà con địa phương, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) còn chú trọng đến những lễ hội truyền thống, chăm lo đời sống tinh thần cho người dân nhằm động viên tinh thần bà con sau một năm lao động vất vả mệt nhọc. Một trong những nét đẹp văn hóa xứ này là  lễ cúng đình Phước Thiền - ngôi đình cổ thiêng ngót nghét 200 năm tuổi…

Một dấu tích văn hóa

Đình Phước Thiền (trước đây có tên là đình ông Cọp) được công nhận là di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh vào cuối năm 2009. Đình nằm cạnh tuyến đường ĐT 769, cách thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) 35km về phía Nam, cách TP HCM 40 km về phía Đông.

Xưa, đình này thuộc ấp Bến Chùa, sau đó dời qua ấp Trầu ở thôn Phước Thiền, tổng Thành Tuy (nay thuộc xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch). Đây là di tích lịch sử có tuổi đời hàng trăm năm và mang ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Nhơn Trạch. Ngày nay, đình ngày càng được người dân tứ xứ biết đến, là điểm tham quan tâm linh cho du khách thập phương.

Theo người dân địa phương, đình Phước Thiền là nơi thờ tự Thần thành hoàng Bổn Cảnh, vị thần bảo hộ cho cộng đồng dân cư ở thôn làng. “Ngài là đấng tối cao, ngự trị tại đình làng, chứng kiến đời sống sinh hoạt của toàn dân trong làng, bảo vệ mọi người, phù hộ cho dân làng được an khang, thịnh vượng.

Ngài đại diện cho Ngọc Hoàng xem xét tội trạng của người dân. Hàng năm đến 25 tháng Chạp (tháng 12 âm lịch) ngài trở về trời để tấu trình mọi chuyện. Những người hiền lương sẽ được ngài phù hộ còn những kẻ độc ác, hung dữ sẽ bị ngài trừng phạt” - một bô lão chia sẻ. 

Đình còn là nơi thờ Tả ban, Hữu ban, Bạch mã thái giám (những bộ hạ của thần Thành Hoàng), thờ Tiền hiền, Hậu hiền (là những người có công trong cuộc khai hoang, xây dựng bảo vệ làng xã). Ngoài ra, các vị như Tiên sư (người tạo nghề cho dân làng), Ngũ hành nương nương, Thổ công, Thần nông, chúa Ngung và các vị anh hùng liệt sĩ,… cũng được thờ tự tại đây.

Theo Gia Định thành thông chí năm 1808 thì cùng với việc hình thành thành Gia Định, các làng như Phú Hội, Phước Thiền, Phước An cũng hình thành. Sau đó, dưới triều Nguyễn việc hình thành các làng mới này yêu cầu phải có các cơ sở công ích, tâm linh, như chợ, cầu, đường, đình, chùa, miếu,… để đảm bảo cuộc sống của người dân. Và từ đó đình Phước Thiền cũng được đoán định đã khởi dựng từ đầu thế kỷ XIX.

Các bô lão trong làng kể lại, đình Phước Thiền xưa kia được xây ở ấp Bến Chùa chỉ là môi ngôi miếu nhỏ do dân làng khởi dựng với kiến trúc chủ yếu từ cột tre, vách đất, mái lá.

Nhưng đến khoảng giữa thế kỷ XIX, các bô lão, hương chức trong làng họp bàn rằng Bến Chùa là vùng đất trầm thủy thuộc âm không tốt cho việc thờ thần nên quyết định dời ngôi miếu về xây dựng trên khu đất công của làng có diện tích khoảng 3ha thuộc ấp Trầu rồi đổi tên thành đình Phước Thiền, tồn tại đến nay. 

Đình có bố cục mặt bằng dạng chữ Công, gồm ba hạng mục Tiền đình, Chánh điện và Hậu đình nối tiếp nhau. Mái đình thấp, lợp ngói âm dương. Bờ nóc Tiền đình trang trí tượng “lưỡng long chầu nhật” còn chánh điện đình theo lối “trở đòn dông dọc”.

Ban tế lễ đình Phước Thiền
Ban tế lễ đình Phước Thiền

Nhìn tổng quan, đình có một không gian gần gũi, cởi mở với dân làng như bao ngôi đình khác ở Nam bộ. Tuy nhiên, chánh điện vẫn giữ một góc riêng, kín đáo và trang nghiêm, thờ Thần Thành hoàng. Đây là lối bài trí mang phong cách của những ngôi đình vùng đồng bằng Bắc bộ và Trung bộ. 

Sự giao thoa văn hóa tín ngưỡng dân gian giữa ba miền Bắc - Trung - Nam trong thiết kế bài trí ở Chánh điện đình Phước Thiền đã tạo nên sự phong phú, đa dạng, là đề tài nghiên cứu cho các nhà văn hóa dân gian ở địa phương, đồng thời khẳng định những chủ nhân xây dựng lên ngôi đình có nguồn gốc từ miền Trung di dân vào Phước Thiền sinh sống, lập nghiệp. 

Điểm nổi bật trong kiến trúc của đình là hệ thống các mảng chạm khắc tinh xảo, trang trí hoa văn phong phú, kết cấu bộ khung vì kèo gỗ đảm bảo sự chắc chắn, kỹ thuật lắp ráp, ghép mộng chốt đạt đến trình độ cao. 

Chung tay giữ gìn nét đẹp lâu đời

Một điều đặc biệt là tại lần trùng tu gần đây vào năm 1990, Ban Quý tế đình, lãnh đạo, nhân dân huyện Nhơn Trạch đã xây dựng Đài Liệt sĩ và đến năm 2002 thì xây dựng Nhà bia trong khuôn viên đình để tưởng niệm những anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ. 

“Hàng năm để tưởng nhớ về các vị thần, về những người đi trước, gần cuối năm Ban Quý tế, lãnh đạo huyện Nhơn Trạch và người dân địa phương đều tổ chức lễ kỳ yên (lễ cầu an) tại đình với các nghi thức cúng cổ truyền của đình làng Nam Bộ.

Đông đảo người dân địa phương và bạn bè tứ xứ đến tham dự để dâng hương, tế lễ tạ ơn Thành hoàng. Lễ kỳ yên gồm phần lễ và hộ. Phần lễ sẽ dâng hương tạ ơn thần Thành hoàng, các vị thần khác, các anh hùng liệt sỹ,… Sau đó đến phần hội, người dân sẽ được hòa mình vào các hoạt động vui chơi giải trí như múa lân sư rồng, phát lộc cầu may…

Ông Nguyễn Văn Quang – Trưởng ban tổ chức Lễ cúng đình cho biết  “Tất cả mọi người đều mong muốn có một lễ cúng chu toàn nên mọi thứ phải chuẩn bị từ trước đó 1 tháng. Có 3 ấp thuộc xã Phước Thiền (gồm ấp Trầu, ấp Bến Sắn và ấp Bến Cam) sẽ luân phiên nhau đứng ra tổ chức lễ cúng đình.

Nhiều năm trước lễ cúng đình do dân và Ban Quý lễ thực hiện là chủ yếu nhưng những năm gần đây, lễ được sự hỗ trợ tích cực từ phía chính quyền địa phương như bố trí đoàn viên thanh niên túc trực phát nhang cho người dân; lực lượng dân quân bảo đảm an ninh trật tự; hội viên các đoàn thể giúp dọn dẹp vệ sinh và nấu ăn nên các khâu chuẩn bị chu đáo.

Bên cạnh đó, Ban tế tự đình cũng sẽ đóng góp, ủng hộ cho hội người mù, quỹ vì người nghèo và công tác xã hội của địa phương từ tiền cúng lễ của người dân mỗi năm. Rất nhiều người dân đến dâng lễ vật, dâng hương tạo nên một bức tranh sinh động, đầy màu sắc, một nét đẹp khó phai trong lòng người dân địa phương và du khách”. 

Ông Lê Thành Mỹ - Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch (Bìa trái)"Xây dựng nông thôn mới cần chú trọng giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của địa phương".
Ông Lê Thành Mỹ - Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch (Bìa trái)"Xây dựng nông thôn mới cần chú trọng  giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của địa phương".

Khi nói đến nét đẹp văn hóa này ông Lê Thành Mỹ, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch cho biết: “Nghi lễ cúng đình Phước Thiền sẽ được thực hiện thường niên, lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác và huyện sẽ chung tay cùng nhân dân giữ gìn, phát triển giá trị văn hóa tốt đẹp này.

Ngoài giữ gìn những nét đẹp văn hóa ra thì mỗi dịp Tết đến Xuân về chúng tôi cũng chú trọng đến đời sống của người dân bằng việc thăm hỏi động viên tinh thần những gia đình có công với cách mạng, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thực hiện nhiều hoạt động vui tết đón xuân cho bà con,…”.

Một cái Tết nữa đang về, ngoài đời sống vật chất ấm no, người dân Nhơn Trạch lại đắm mình trong không gian văn hóa của mình. Đời sống tinh thần, tâm linh được chú trọng cũng là một nét đẹp trong ứng xử và giữ gìn bản sắc của nhân dân và chính quyền nơi đây.

Đọc thêm

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”
(PLVN) - “Lật mặt 7: Một điều ước” của Lý Hải dù chưa ra rạp song đã nhận sự quan tâm khi quy tụ dàn diễn viên bậc nhất trong cả series, lên đến 50 người. Trong phần phim mới, có nhiều “bóng hồng” xinh đẹp, tài năng cùng góp mặt.

Nam tài tử đời đầu của màn ảnh Việt

Ông ghi dấu bằng vẻ ngoài đẹp trai, tài năng diễn xuất. (Nguồn: Cô Hai Kim Cương)
(PLVN) - Trước những năm 1975, La Thoại Tân cùng với Trần Quang, Lê Quỳnh, Hùng Cường, được mệnh danh là những nam diễn viên điện ảnh tài năng, phong độ nhất của mảnh đất Sài Gòn phồn hoa. Mười sáu năm sau khi La Thoại Tân mất (13/3/2008), người hâm mộ vẫn chưa bao giờ quên chàng nghệ sĩ lịch lãm, với những vai diễn để đời.

Gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu

Sinh viên hào hứng với chương trình Sân khấu học đường. (Nguồn: NVH Sinh viên TP Hồ Chí Minh)
(PLVN) - Nhiều năm qua, không ít nhóm nghệ sĩ tâm huyết đã cố gắng đưa các vở diễn có giá trị nhân văn đến học đường biểu diễn cho các em học sinh. Những nỗ lực này nhằm giúp lan tỏa tinh thần yêu sân khấu đến với thế hệ trẻ, gìn giữ một bộ môn nghệ thuật di sản, đồng thời gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu.

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà"

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà" (ảnh trong phim).
(PLVN) - Trong “Người một nhà”, nghệ sĩ Vân Dung vào vai người mẹ vừa lạ vừa dị. Người mẹ này đã bỏ hai anh em Tuệ để chạy theo cuộc sống riêng và đó cũng là một phần lý do tạo nên tính cách, hoàn cảnh và những xung đột trong cuộc sống của họ.