Ngày cưới người Việt, chuyện ăn mới là... đại sự?

Đám cưới Việt chỉ toàn ăn uống, nhạc nhẽo. Ảnh: aFamily
Đám cưới Việt chỉ toàn ăn uống, nhạc nhẽo. Ảnh: aFamily
Ở đám cưới người Việt, người ta vẫn có kiểu chào mời nhau rất quen: "Ăn đi cháu"! Thuở xưa đói kém đã đành nhưng ngày nay, cả nông thôn lẫn thành thị rốt cuộc vẫn chỉ... ăn!
Không ăn thì biết làm gì?
Nếu một đám cưới Việt diễn ra ở làng quê bày biện vài chục, vài trăm mâm cỗ, ăn đến vài ngày, không ăn hết đem phần về... huy động cả tấn thịt các loại, được coi điều chuyện bình thường thì giữa lòng đô thị cũng quá quen với kiểu đám cưới càng đông khách dự càng hoành tráng.
Thế là bao nhiêu con người xa lạ ngồi cùng nhau, chỉ... ăn!. Nhưng nếu không ăn thì họ biết phải làm thế nào?
Cô dâu chú rể cũng chỉ đến chào xã giao được một lần, nhạc nhẽo hát hò ầm ĩ trên sân khấu, khách mời không ai biết ai...
Thành ra, trong đám cưới người Việt, ai cũng no! Có chăng, người không ăn nổi sẽ là cô dâu chú rể. Vì họ còn vướng bận đủ thứ lễ nghi, chào hỏi, tay bắt mặt mừng với hàng trăm người, lỉnh kỉnh bao nhiêu váy áo, phụ kiện... xong việc đêm về lại nhoài ra... đếm tiền phong bì.
Giữa đời sống hiện đại, nhiều làng quê Việt vẫn còn duy trì tục lệ "nhà có đám, cấm lửa cả làng", ăn ngày ăn đêm dù chẳng "dây mơ, rễ má".
Những mâm cỗ cưới nhất thiết phải toàn thịt đầy vun, đến khúc giò cũng phải cắt theo kiểu "ngập chân răng" mới đúng nghĩa là hình ảnh khiến gia chủ được "nở mày, nở mặt". Rồi lại có vùng quê, ăn cỗ không hết sẽ chia chác mang về.
Nhưng có thật con người Việt coi trọng miếng ăn đến thế? Không hẳn. Thực tế cho thấy chẳng mấy người đi ăn cỗ cưới thấy ngon miệng hoặc tham lam đến mức phải xách đồ ăn về mà thói quen, phong tục nhiều nơi cho như thế mới là "phải phép".
Có lẽ chẳng ở đâu trên thế giới này câu thành ngữ "ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau" được truyền miệng bền bỉ như ở ta. Câu ấy đúng với người Việt cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Đơn cử là cách Thủ đô Hà Nội không xa, có địa phương ngoại thành đến giờ vẫn còn đi ăn cỗ từ lúc tinh mơ gà gáy. Ngày xưa nghe tiếng pháo nổ sang canh là dân làng biết chủ nhà chuẩn bị xong cỗ cưới nên kéo đến ăn.
Bây giờ, không còn pháo nổ thì đã có điện thoại, đồng hồ báo thức. Xem ra, trong ngày cưới của người Việt, chuyện ăn uống mới là đại sự!
Mới đây, dân tình bỗng được phen tá hỏa trước thông tin sau đám cưới nọ, cả trăm người phải đi cấp cứu vì cỗ được chế biến từ thịt con bò bị bệnh. Bi hài hơn cả, lẽ ra số người nhập viện không đông đến mức ấy, nhưng vì tục chia thịt đem về nên hậu quả đã thảm lại càng thảm hơn!
Bao giờ mới thôi "trả nợ miệng"
Theo truyền thống của người Việt, chuyện cỗ bàn trong đám cưới không chỉ đơn thuần là ăn cho no mà còn thể hiện sinh động nét sinh hoạt văn hóa, gắn kết cộng đồng...
Xưa kia, trong đám cưới quê kéo dài đến ba ngày, ba đêm đã hội tụ đầy đủ bản sắc của ngày đại hỷ.
Đó là hình ảnh giữa nhà lớn, các cụ ông ăn mặc chỉnh tế chuyện trò rôm rả. Dưới mái hiên, các cụ bà ngồi bổ cau têm trầu. Ở góc sân, các cô gái trẻ cọ mâm rửa bát. Gia chủ mời khách ăn trầu, uống nước thưa chuyện dựng vợ gả chồng cho con cháu...
Người Việt cũng từng quan niệm: "Vì tình vì nghĩa, không vì đĩa xôi đầy", "Lời chào cao hơn mâm cỗ"... bởi trong văn hóa truyền thống lẫn tâm linh, hôn nhân là việc hệ trọng. Gọi một cách chính xác phải là lễ cưới thay vì đám cưới.
Những hình ảnh giản dị về đám cưới Việt ở thế kỷ 20.
 Những hình ảnh giản dị về đám cưới Việt ở thế kỷ 20.
Ở đó, những cốm, những hồng, những dây lụa chăng đường, những đồng dao của trẻ con đọc lúc đưa dâu... tất cả đều hồn nhiên, thiêng liêng và cảm động.
Tuy nhiên, dường như nhịp sống hiện đại đã giản lược dần tính tương tác cộng đồng, các giá trị văn hóa truyền thống ý ngĩa, còn để lại vẻn vẹn cảnh "mâm cao, cỗ đầy".
Khi phong tục, tập quán đã dần mai một thì cách người Việt ăn cỗ cưới đơn giản chỉ để "trả nợ miệng" lẫn nhau với tâm lý: Thiên hạ từng đi đám cưới nhà mình, giờ mình không mừng lại chỉ có nước "đeo mo vào mặt". Thành ra, đã đến mừng thì phải ăn, ăn cũng là một cách để "điểm danh" thể hiện mình... lịch sự!
Nhưng sau ăn uống, rượu chè, nhạc nhẽo thì sẽ là gì? Đó là sự mệt mỏi, ngán ngẩm ai cũng nhận ra nhưng khó lòng thay đổi. Nhiều khi biết thế là lãng phí, là hình thức... nhưng cả cộng đồng như thế đâu thể không tuân theo.
Thậm chí, có những người còn phải "bóp mồm bóp miệng" lo tiền mừng đám cưới, đến nơi lại ngồi trước mâm cỗ ê chề. Nghịch lý là thế!
Ở nước ngoài, một đám cưới thường chỉ mời hai bên họ hàng, bạn bè thân thiết. Trong lúc cử hành hành hôn lễ, khách mời gần như nín thở cho giây phút hạnh phúc thiêng liêng, khóc cười cùng cô dâu chú rể.
Sau khi nhảy nhót, chúc mừng thì họ hào hứng đưa chân cặp uyên ương lên đường đi hưởng tuần trăng mật.
Ở ta, trước kia, kết thúc một đám cưới thường là cảnh cô dâu môi son má phấn, nước mắt nhòe nhoẹt ngồi giữa chồng bát đĩa đầy vun.
Bây giờ, cỗ bàn đã có dịch vụ của nhà hàng khách sạn nên sau khi khách "rút êm" thì cô dâu chú rể cũng uể oải ra về.
Phía sau mâm cỗ cưới của người Việt, chẳng ai quan tâm ai, chẳng ai lắng nghe ai... nó khiến người ta ngán ngẩm từ lúc nhận tấm thiệp mời.
Ấy thế nhưng chẳng biết bao giờ người Việt mới thôi cảnh ăn uống bét nhè để "trả nợ miệng" lẫn nhau.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

“Giang hồ” đóng phim, làm từ thiện: Phần nổi màu mè nhằm che đậy những góc chìm đen tối?

"Thánh chửi" được các fan nhí vây quanh
(PLVN) - Sự việc hiện tượng mạng xã hội Khá "Bảnh" (tức Ngô Bá Khá) bị cơ quan Công an tỉnh Bắc Ninh bắt giam khẩn cấp vì nghi án tổ chức đánh bạc dưới hình thức lô đề hôm 1/4, suy cho cùng cũng là việc làm không sớm thì muộn. Ngoài Khá Bảnh, đâu đó còn rất nhiều đối tượng gắn mác "Giang hồ 4.0" có dấu hiệu vi phạm pháp luật, bị tố cáo khắp nơi, chẳng qua chưa đến lúc bị cơ quan công an... "sờ gáy" mà thôi.

Thầy giáo nhắn tin gạ tình loạt nữ sinh lớp 12

Trường THPT Ngọc Hiển, nơi vừa xảy ra vụ xôn xao thầy giáo trộm đề thi để gạ tình hàng loạt nữ sinh khối 12.
Hội đồng kỷ luật trường THPT Ngọc Hiển (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) mới ra quyết định kỷ luật với hình thức “buộc thôi việc” đối với ông Phạm Thanh Đ -  giáo viên dạy môn Lý-  Tin học của trường này. Ông Đ được xác định là vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp...

U40 mở quán ven đường dụ nam sinh vào kích dục

Nhiều phụ nữ lớn tuổi vẫn kiếm sống bằng nghề massage kích dục tại các quán cà phê trá hình dọc quốc lộ 1, đoạn qua địa bàn Q.12
Đa số nữ tiếp viên tại hàng hoạt quán cà phê trá hình dọc quốc lộ 1, đoạn đi qua P.An Phú Đông, Q.12 đều trên 40 tuổi vẫn kiếm sống bằng nghề massage kích dục cho khách là trai trẻ, thậm chí là học sinh, sinh viên.

“Thú vui” phản cảm của người Hà Nội

Thản nhiên giẫm lên hoa.
(PLO) - Cứ mỗi khi thủ đô diễn ra lễ hội là y như rằng ngay sau đó câu chuyện về ý thức người Hà Nội lại làm nóng các diễn đàn. Dường như giẫm đạp, phá hoại vườn hoa, bãi cỏ, cây xanh, xả rác vào mỗi dịp lễ hội mừng năm mới, triển lãm hoa, biểu diễn nghệ thuật, ngày hội văn hóa… đã trở thành “thú vui” của một bộ phận người đang sống ở Hà Nội?

Chuyện lạ đời: Chồng lập nhang... thờ sống vợ con

Chị M trò chuyện trong một cuộc hội thảo về bạo lực giới
“Tôi cùng con dắt díu nhau đi ở nhờ nhà mẹ chồng. Trước lúc đi, tôi thấy anh ta bốc cát cho vào một bát gốm Phù Lãng, đốt nắm hương to, cắm vào, đem đặt trước cổng nhà và thề không có đứa con nào nữa”, chị Nguyễn Thị M kể.