Rước bệnh từ nước đá "3 không"

Nhan nhản các cơ sở quảng cáo bán đá sạch trên thị trường. Ảnh: Thái Hiền
Nhan nhản các cơ sở quảng cáo bán đá sạch trên thị trường. Ảnh: Thái Hiền
(PLO) - Những ngày nắng nóng cực điểm càng khiến nhu cầu sử dụng nước đá giải khát của người dân tăng cao. Tuy nhiên, do quá trình sản xuất đá không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) nên rất có thể những viên đá mát lạnh đó sẽ là ổ chứa các vi khuẩn, vi sinh vật gây bệnh cho chính người dùng.

Tràn lan đá “3 không” trên thị trường

Hiện nay, tại các bến xe, cổng bệnh viện, nơi công sở… dễ dàng bắt gặp các quán giải khát, trà đá di động sử dụng loại đá “ba không” giá rẻ: không nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh, không tiêu chuẩn chất lượng để pha chế nước giải khát cho người tiêu dùng.

Trong khi đó, các quán hàng bán nước giải khát đường phố từ thành thị đến nông thôn lại sử dụng loại đá này cung cấp cho người tiêu dùng. Tại nhiều cửa hàng, đá lạnh được để trong những thùng xốp nhỏ cáu bẩn. Người bán dùng tay trần bốc đá, khách mua vô tư uống mà không quan tâm đến vệ sinh, miễn sao cho thỏa cơn khát. Thậm chí, vào những lúc giữa trưa, khi đá hết mà khách vẫn đông, người bán hàng còn tận dụng đá thừa của khách để cho vào thùng rồi lại bốc ra bán tiếp.

Không chỉ có công nghệ làm nước đá mà cả công đoạn vận chuyển cũng rất mất vệ sinh. Đá nằm trên vỉa hè, được cho lên xe máy, xe ba bánh mà không cần che đậy, rồi chuyển tới khắp các hang cùng, ngõ hẹp trong thành phố. Tới nơi, những cây đá to này cứ thế lại được vứt thẳng xuống đất, để chủ hàng tự xử lý. Đáng lưu ý, một số quán không sử dụng đá viên tinh khiết mà dùng đá cây đập vụn cho vào thùng xốp bảo quản để bán cà phê, nước giải khát trong khi theo quy định đá cây chỉ được dùng để ướp thực phẩm.

Nước đá không làm chúng ta “đã khát” hơn

Các bác sĩ đưa ra lời khuyên không nên lạm dụng nước đá trong sinh hoạt hằng ngày bởi nước đá có thể gây ra những tổn thương về răng, họng, ảnh hưởng sức đề kháng, nhất là đối với trẻ em. “Thực chất nước đá không làm chúng ta “đã khát” hơn. Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột trong miệng khi dùng nước đá ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, gây tình trạng viêm nhiễm. Cần hạn chế việc sử dụng nước đá liên tục trong một thời gian ngắn, nên dùng nước mát thay vì nước quá lạnh” – bác sĩ Chu Thanh Hương khuyến cáo.

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, hiện nay trên toàn thành phố có vài trăm cơ sở sản xuất nước đá, nhưng chỉ có rất ít cơ sở sản xuất được cấp giấy chứng nhận đủ các điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính con số trên đã phản ánh thực trạng vì sao nước đá “bẩn” vẫn tung hoành từ thành thị tới nông thôn.

Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội Trần Ngọc Tụ cho biết, qua công tác kiểm soát tại nơi sản xuất, từ đầu mùa hè cho đến nay, cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt không ít cơ sở sản xuất nước đá dùng liền không bảo đảm ATVSTP.

Mới đây, đoàn kiểm tra đã lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 cơ sở sản xuất nước đá dùng liền không thực hiện đúng quy định về chất lượng, đó là Công ty TNHH Thương mại dịch vụ du lịch Trung Hiếu (số 14 - Chương Dương Độ - Hoàn Kiếm) và Công ty cổ phần Sản xuất và Dịch vụ thương mại Hoàng Gia Thái Anh (lô B8/D7 - Khu đô thị mới Cầu Giấy).

Rước bệnh từ nước đá nhiễm khuẩn

Về quy trình sản xuất nước đá tinh khiết, nguồn nước sản xuất đá tinh khiết phải được lấy từ độ sâu 90m, được xử lý qua hệ thống lọc thẩm thấu ngược và diệt vi khuẩn bằng tia cực tím. Các bộ phận khuôn đá, dao cắt, bồn cấp nước, cối lạnh và gàu tải đá của hệ thống máy sản xuất nước đá viên tinh khiết đều bằng inox, không bị gỉ sét. Chu trình sản xuất nước đá khép kín hoàn toàn tự động, không có sự tiếp xúc trực tiếp với bàn tay con người.

Ngoài ra, yêu cầu tiêu chuẩn của đá tinh khiết, chất lượng nước làm đá phải đạt 40 tiêu chí về kim loại nặng, thành phẩm đá phải đạt 22 tiêu chí, trong đó có 6 tiêu chí về vi sinh vật. Trong đó, đa phần, các cơ sở sản xuất đá tư nhân đều dùng nước giếng để sản xuất đá.

Theo quy định, nước giếng phải được lọc kỹ, trước khi đưa vào sản xuất nước đá vì nước giếng thường nhiễm thạch tín, phèn, sắt, các chất hữu cơ. Tuy nhiên đa số các cơ sử chỉ xử lý qua loa nguồn nước giếng, không kiểm định đầy đủ các chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Tất cả những quy định trên chủ yếu vẫn chỉ để trên giấy đối với những cơ sở nước đá tư nhân tự phát.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, nguồn nhiễm có thể từ bất cứ khâu nào trong cả chuỗi cung cấp nước đá như: nguyên liệu, dụng cụ làm đá, khâu vận chuyển, bảo quản...

Ngay cả khi nguồn nước làm đá được thanh lọc tốt, an toàn thì trong quá trình chế biến với dụng cụ không đảm bảo vệ sinh, nước đá vẫn có thể bị nhiễm khuẩn. Khâu vận chuyển đá chở đi phân phối khắp nơi, không đảm bảo cũng sẽ làm nước đá nhiễm khuẩn. Bằng mắt thường rất khó để nhận biết nước đá có sạch hay không bởi nước đá không màu, không mùi, không thể dùng mắt nhìn hay mũi ngửi để đánh giá như những loại thực phẩm khác”.

Bác sĩ Chu Thanh Hương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đưa ra cảnh báo, nước đá nếu sản xuất theo dây chuyền không bảo đảm an toàn và sử dụng nguồn nước giếng khoan, hay nguồn nước không qua xử lý sẽ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Các xét nghiệm đã chỉ ra rằng, nước đá bẩn dễ nhiễm vi khuẩn E.coli, Coliforms, Feacal streptoccoc có thể gây bệnh đường ruột, tiêu chảy cấp, một số gây suy thận, nhiễm khuẩn đường huyết. Riêng vi sinh Pseudomonas aeruginosa (còn gọi trực khuẩn mủ xanh) có trong nước đá “bẩn” nếu xâm nhập vào phổi, thận, đường tiết niệu... còn gây tử vong. Hơn nữa sản xuất nước đá chưa xử lý, nguồn nước còn có nguy cơ tồn dư kim loại nặng, hóa chất như: thủy ngân, chì, asen, kẽm,...là mối nguy hại nghiêm trọng đối với sức khỏe con người.

Để tránh nhiễm bệnh, người tiêu dùng nên mua đá tại các cơ sở sản xuất nước đá được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP và được công bố hợp quy, cơ sở có xét nghiệm định kỳ về nguồn nước sử dụng và sản phẩm nước đá theo quy định.

Ngoài ra, người tiêu dùng lưu ý chọn mua đá sạch, dùng trong ăn uống là loại đá phải được đựng trong bao bì kín, hợp vệ sinh, có đầy đủ nhãn mác, tên nhà sản xuất. Mặt khác, để giải quyết dứt điểm tình trạng đá “nhiều không” trên thị trường cần có sự vào cuộc quyết liệt, siết chặt quản lý của các cơ quan chức năng đối với các cơ sở sản xuất nước đá để đảm bảo nguồn đá sạch cung cấp cho người dân trong mùa hè này.

Đọc thêm

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

(PLVN) - Thanh tra Sở Y tế tỉnh Gia Lai mới ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Văn Phán (SN 1961), bác sỹ Chuyên khoa I, đồng thời đình chỉ 2 tháng hoạt động của phòng khám chuyên khoa Ngoại (thuộc phòng khám đa khoa Tây Nguyên) vì chẩn đoán sai bệnh rồi chỉ định phẫu thuật dương vật của bệnh nhân. 

Cần nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh dại

Giải cứu các chú chó và kêu gọi các nhà hàng thịt chó chuyển mô hình kinh doanh ở Thái Nguyên. (Ảnh: HSI )
(PLVN) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Đây là biện pháp kịp thời trong việc phòng, chống bệnh dại cũng như hành động quyết liệt hơn nữa nhằm chấm dứt nạn buôn bán và giết mổ chó, mèo để lấy thịt hàng năm trên toàn quốc.

1.000 người nghèo Yên Bái được khám, chữa bệnh miễn phí

1.000 người dân Yên Bái được thăm khám và cấp thuốc miễn phí. Ảnh: Vụ Sức khỏe Bà mẹ - trẻ em
(PLVN) - Trong 4 ngày vừa qua (20-23/3), Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em - Bộ Y tế và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chương trình khám, chữa, sàng lọc bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 1000 người, hỗ trợ bệnh nhân nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tiến hành đào tạo chuyển giao kỹ thuật cấp cứu sản khoa cho Bệnh viện Sản nhi Yên Bái và Trung tâm Y tế huyện Yên Bình.