Liên thông xét nghiệm giữa các bệnh viện: Tiết kiệm và thuận tiện hơn

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
(PLO) - Mới triển khai được hơn nửa tháng, mặc dù chưa ghi nhận được những hiệu quả rõ rệt trong việc tiết kiệm chi phí và thời gian nhưng liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện (BV) vẫn là chủ trương đúng đắn nhằm hướng tới mục tiêu cuối cùng là tạo thuận lợi cho BV và người dân.

Không phải xét nghiệm nào cũng được liên thông 

Sau hơn nửa tháng triển khai việc liên thông kết quả xét nghiệm theo quy định của Bộ Y tế, ghi nhận tại một số BV cho thấy cả người dân và các bác sĩ đều thấy rõ những lợi ích của việc liên thông kết quả xét nghiệm mang lại nhưng vẫn còn không ít những băn khoăn.

Bệnh nhân Nguyễn Văn Khương (Sóc Sơn, Hà Nội) chia sẻ: “Chúng tôi chờ đến ngày các BV cùng tuyến có thể liên thông kết quả xét nghiệm với nhau, giúp người bệnh đỡ mất thời gian và tiết kiệm chi phí.  Chúng tôi hiểu giữa hai BV không tương đồng trình độ, máy móc thì kết quả xét nghiệm ở tuyến dưới không thể liên thông. Chỉ cần mỗi bác sĩ làm việc tròn trách nhiệm, đặt lương tâm lên hàng đầu, không vụ lợi thì người bệnh chúng tôi sẵn sàng tin và làm theo chỉ định của bác sĩ, dù xét nghiệm lại hay không vẫn vui vẻ tuân thủ”.

Đơn cử, riêng tại BV Bạch Mai, mỗi năm tiến hành khoảng 11.153.993 xét nghiệm hóa sinh; 1.136.483 xét nghiệm huyết học và 1.400.000 xét nghiệm vi sinh. Từ 1/8, BV cũng thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm theo danh mục 65 xét nghiệm về huyết học, hóa sinh, vi sinh mà Bộ Y tế cho phép được liên thông kết quả xét nghiệm. Tuy nhiên, do thời gian thực hiện còn ít nên chưa đánh giá được kết quả, đồng thời số xét nghiệm được liên thông không nhiều.

Lý giải điều này sau gần một tháng thực hiện, TS Dương Đức Hùng - Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp BV Bạch Mai cho rằng, theo nguyên tắc, việc liên thông chỉ áp dụng cho một số xét nghiệm, kết quả có giá trị trong một thời gian nhất định. BV chỉ công nhận kết quả xét nghiệm của BV khác có chất lượng tương đương hoặc cao hơn.

Từ thực tế điều trị cũng cho thấy, chỉ một số xét nghiệm có tính bền vững, ít biến đổi theo thời gian, nếu có kết quả từ BV trước sẽ không phải thực hiện lại. Tuy nhiên, cũng có những chỉ số thường xuyên thay đổi theo diễn biến tình trạng bệnh như công thức máu, men gan phải làm lại, thậm chí là xét nghiệm về nhóm máu vẫn cần phải làm lại trong trường hợp người bệnh phải truyền máu.

“Nói như vậy không có nghĩa các BV từ chối xét nghiệm của bệnh nhân ở BV cùng hạng hay tuyến dưới. Xét nghiệm ở bất kỳ cơ sở nào cũng quan trọng, đó là tài liệu tham khảo, để nhân viên y tế hiểu hơn về tiền sử bệnh của bệnh nhân”, TS Hùng nói.

Do vậy, theo TS Hùng, muốn thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm các phòng xét nghiệm đều phải đạt chuẩn chung và đích hướng tới của việc liên thông này không chỉ là liên thông kết quả xét nghiệm mà còn là liên thông kết quả chẩn đoán hình ảnh, kết quả siêu âm và đặc biệt là liên thông các thông tin của người bệnh. Chúng ta mới chỉ đang ở những bước đầu tiên để tiến tới liên thông toàn bộ quá trình điều trị của người bệnh, tiến tới một hệ thống y tế hiện đại.

Do đó, việc liên thông kết quả xét nghiệm là bước khởi đầu rất đúng đắn của ngành Y tế, và trong tương lai mỗi một BV sẽ xây dựng kho dữ liệu trong đó không chỉ có xét nghiệm mà còn có các vấn đề điều trị của người bệnh. Một khi các BV liên thông với nhau thì được lợi chính là người bệnh và tiến tới là bác sĩ điều trị, bởi lẽ bác sĩ chỉ cần “bấm nút” là có thể truy xuất một cách hết sức rõ ràng, cụ thể, chính xác không chỉ một vài kết quả xét nghiệm mà là cả quá trình diễn biến điều trị trước đó của người bệnh ở các BV khác. Khi đó rõ ràng chất lượng khám chữa bệnh của người bệnh sẽ được cải thiện rất nhiều.

Không nên thực hiện cứng nhắc

Trước lo ngại các bác sỹ có thể lợi dụng thẩm quyền để bắt ép bệnh nhân tiến hành xét nghiệm nhằm trục lợi, lãnh đạo BV Bạch Mai khẳng định lo ngại trên là hoàn toàn không có cơ sở vì mỗi quyết định của bác sỹ đều dựa trên sức khỏe của bệnh nhân và lương tâm của người thầy thuốc. Việc giảm chi phí, thời gian cho người bệnh không phải là tất cả, điều quan trọng là từ xét nghiệm chính xác để có hướng điều trị cho bệnh nhân. Tuỳ thuộc vào tình trạng người bệnh, bác sĩ điều trị là người chịu trách nhiệm trước quyết định có nên làm lại xét nghiệm hay không. Việc này tùy theo thực tế điều trị chứ không thể cứng nhắc được, kể cả với các BV đồng hạng được phép liên thông kết quả xét nghiệm.

Phân tích thêm về vấn đề này, TS Nguyễn Xuân Hiền - Phó Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, BV Bạch Mai cho biết, các bác sĩ không bao giờ lợi dụng thẩm quyền để chỉ định thêm xét nghiệm cho bệnh nhân. “Lương tâm, trách nhiệm thầy thuốc không cho phép bác sĩ lợi dụng bệnh nhân để trục lợi, do vậy nếu y, bác sỹ yêu cầu bệnh nhân phải xét nghiệm, chụp chiếu lại hoàn toàn vì lợi ích của bệnh nhân. Bởi lẽ, tùy từng điều kiện, hoàn cảnh, tình trạng bệnh mà bác sĩ đưa ra chỉ định phù hợp để việc điều trị đạt kết quả tốt nhất, do đó cũng cần đội ngũ bác sĩ có kiến thức tinh thông trong khám, chữa bệnh”.

Qua đó, người bệnh cũng không nên quá bức xúc về việc làm đi làm lại các xét nghiệm, không nên mặc định rằng liên thông chỉ để tiết kiệm chi phí khám chữa bệnh cho người dân mà trên hết cần quan tâm đến việc đảm bảo quyền lợi tối đa cho người dân về chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh. Bởi nếu buộc phải thực hiện các xét nghiệm để giúp quá trình điều trị bệnh diễn biến tốt thì không có lý do gì mà không thực hiện. 

Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai: Bác sĩ phải hết sức thận trọng

Việc liên thông kết quả xét nghiệm theo quy định của Bộ Y tế ban hành là quyết định đúng đắn. Tuy nhiên, danh mục kết quả xét nghiệm được liên thông phải có điều kiện cụ thể vì trong quyết định đã quy định rõ: quyền sử dụng kết quả xét nghiệm, quyết định có làm lại xét nghiệm hay không là toàn quyền của bác sĩ điều trị, tùy thuộc bệnh lý, diễn biến tình trạng lâm sàng của người bệnh. Tôi cho rằng, trong khám chữa bệnh, vấn đề an toàn người bệnh là quan trọng nhất, bác sĩ phải hết sức thận trọng. Do đó, nên liên thông giữa các BV có trình độ tương đương về độ chính xác trong xét nghiệm hoặc BV ở mức thấp hơn được sử dụng kết quả xét nghiệm ở BV mức cao hơn.

TS Dương Đức Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp - BV Bạch Mai: Khởi đầu cho việc tiến tới liên thông một khối lượng lớn hơn

Số lượng xét nghiệm được liên thông rất ít so với tổng số các xét nghiệm ở các BV làm, do vậy con số tiết kiệm về mặt tiền bạc chưa phải là lớn, nếu chúng ta có bỏ đi một, hai yêu cầu xét nghiệm trong đó thì cũng phải sau hai tiếng mới đưa ra, như vậy tính về mặt thời gian cũng không phải tiết kiệm quá nhiều. Nhưng đây là những bước khởi đầu cho việc tiến tới liên thông một khối lượng lớn hơn về thông tin người bệnh, trong đó xét nghiệm chỉ là một thông tin. 

TS Bùi Tuấn Anh - Trưởng khoa Hóa sinh, BV Bạch Mai: Chú trọng nội, ngoại kiểm

Yếu tố nội, ngoại kiểm góp phần không nhỏ trong liên thông kết quả xét nghiệm. Việc nội kiểm và ngoại kiểm được tiến hành thường xuyên tại các khoa Hóa sinh, Vi sinh, Huyết học của BV. Một ngày Khoa Hóa sinh phân tích khoảng 2 đến 3 lần ở các mức thấp - trung bình - cao, xấp xỉ 2.000 xét nghiệm dành công tác nội kiểm. Còn công tác ngoại kiểm cũng được tiến hành hàng tháng rất nhiều, đây là một con số lớn mà không phải bệnh viện nào cũng đứng ra lo liệu được vật liệu nội kiểm, ngoại kiểm để đảm bảo tính chính xác trong xét nghiệm.

Đọc thêm

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

(PLVN) - Thanh tra Sở Y tế tỉnh Gia Lai mới ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Văn Phán (SN 1961), bác sỹ Chuyên khoa I, đồng thời đình chỉ 2 tháng hoạt động của phòng khám chuyên khoa Ngoại (thuộc phòng khám đa khoa Tây Nguyên) vì chẩn đoán sai bệnh rồi chỉ định phẫu thuật dương vật của bệnh nhân. 

Cần nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh dại

Giải cứu các chú chó và kêu gọi các nhà hàng thịt chó chuyển mô hình kinh doanh ở Thái Nguyên. (Ảnh: HSI )
(PLVN) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Đây là biện pháp kịp thời trong việc phòng, chống bệnh dại cũng như hành động quyết liệt hơn nữa nhằm chấm dứt nạn buôn bán và giết mổ chó, mèo để lấy thịt hàng năm trên toàn quốc.

1.000 người nghèo Yên Bái được khám, chữa bệnh miễn phí

1.000 người dân Yên Bái được thăm khám và cấp thuốc miễn phí. Ảnh: Vụ Sức khỏe Bà mẹ - trẻ em
(PLVN) - Trong 4 ngày vừa qua (20-23/3), Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em - Bộ Y tế và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chương trình khám, chữa, sàng lọc bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 1000 người, hỗ trợ bệnh nhân nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tiến hành đào tạo chuyển giao kỹ thuật cấp cứu sản khoa cho Bệnh viện Sản nhi Yên Bái và Trung tâm Y tế huyện Yên Bình.