Giúp người thành hại người vì thiếu kỹ năng

Hình minh họa
Hình minh họa
(PLO) - Phải thừa nhận một sự thật, đó là hiện người dân chưa được trang bị tốt kĩ năng sơ cấp cứu, khiến nhiều trường hợp, từ giúp người thành hại người. Nhìn nhận rộng ra, nguyên nhân sâu xa từ sự thiếu chuyên nghiệp trong cả hệ thống cấp cứu của nước ta.

Sau khá nhiều vụ tai nạn thương tâm gây chết người, không ít câu hỏi liên quan đến kĩ năng sơ cứu, cấp cứu cho nạn nhân đã được đặt ra. Năm 2016, sau vụ tai nạn liên hoàn do “xe điên” Camry ở Hà Nội gây ra, đã có nhiều tranh cãi về chuyên môn chung quanh cái chết của bé gái 6 tuổi. Trong đó, sự chậm trễ, lúng túng do thiếu kĩ năng sơ cứu của người đi đường cũng là một nguyên nhân khiến không thể cứu được bé.

Cũng trong năm 2016, vụ bé trai đi đường vô tình bị tôn cứa cổ mất mạng, các y bác sĩ cứu chữa cho cháu bé cũng nuối tiếc vì sau khi gặp nạn, bé trai đã không được sơ cứu đúng cách, khiến cháu mất máu gây tử vong. Những trường hợp vết thương ở động mạch gây chảy máu nhiều, chỉ cần sơ cứu cầm máu đúng cách, nhanh chóng đưa đến bệnh viện, thì khả năng cứu sống được rất cao.

Theo Ths. Bs Cao Xuân Minh, Giám đốc phòng khám Đa khoa Ngọc Minh, việc sơ cứu, cấp cứu sai cách rất nguy hiểm, có thể làm nặng thêm chấn thương của người bị nạn, thậm chí gây tử vong cho nạn nhân, cạnh đó còn có nguy cơ gia tăng truyền nhiễm cho nạn nhân. Trong quá trình khám chữa bệnh, BS Cao Xuân Minh đã gặp không ít trường hợp như thế. Có trường hợp, chấn thương cột sống thắt lưng, nhưng người nhà không biết, di chuyển sai cách đến bệnh viện, dẫn đến bệnh nhân bị gia tăng liệt. 

Việc cấp cứu sai cách không chỉ gây hại cho nạn nhân, mà còn có khả năng gây nên những hậu quả không hay cho chính người cấp cứu. Cuối năm 2016, tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã xảy ra trường hợp, người mẹ bị trượt ngã trong phòng tắm, người con chạy vội vào bế mẹ ra và trượt chân ngã, khiến mẹ càng bị tai biến nặng hơn, còn con bị chấn thương vùng đầu.

Mới cách đây không lâu, một vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra tại Kon tum, trong số các nạn nhân là người nhiễm HIV, do các bác sĩ và người thân không biết điều này, nên trong quá trình cứu người khỏi hiện trường đã có tiếp xúc với máu nạn nhân, hiện đang có nguy cơ phơi nhiễm cao và phải chích thuốc phơi nhiễm. 

Trên thực tế, trong trường hợp cứu người tai nạn nguy cấp, người cấp cứu khó lòng giữ được giới hạn an toàn cho mình, trong khi, tồn tại nguy cơ người bị nạn có thể nhiễm các bệnh truyền nhiễm. Và nếu người cứu hộ càng thiếu kĩ năng sơ cấp cứu, càng có nguy cơ cao bị lây nhiễm bệnh của nạn nhân, thậm chí lây qua lại cho nhiều nạn nhân cùng bị tai nạn…

Có thể thấy, tình trạng người dân thiếu kiến thức cơ bản về sơ cứu là rất phổ biến. Hậu quả của tình trạng này là thực hiện sơ cứu sai cách gây trầm trọng thêm cho tình trạng của nạn nhân, thậm chí gây chết người. Hoặc, vì không biết cách mà lúng túng, chậm trễ, đùn đẩy trong việc đưa nạn nhân đi cấp cứu, khiến nạn nhân không được cứu kịp thời.

Cũng theo bác sĩ Cao Xuân Minh, thì việc sơ cứu tai nạn là một vấn đề khá khó xử. Thông thường, phản ứng của người đi đường, thấy người gặp nạn thì ứng cứu, chứ cũng không để ý, thậm chí không nhận thức được là mình có kĩ năng sơ cứu hay không. Đến khi có hậu quả xảy ra, cũng không thể trách người dân cứu nạn, bởi bản thân họ phản ứng trước chuyện gấp rút, chưa bao giờ được học, huấn luyện kĩ năng sơ cứu, cứu nạn, thì làm sao mà làm đúng được. Bởi thế, câu chuyện cốt lõi ở đây là vấn đề tuyên truyền và huấn luyện kĩ năng sơ cứu, cứu hộ cho người dân một cách sâu rộng.

Thực sự, việc phổ biến kiến thức sơ cứu rất cần thiết trong cộng đồng. Với ngành y tế, cấp cứu nạn nhân trước khi đưa đến bệnh viện là khâu cực kỳ quan trọng. Nếu làm tốt công đoạn này thì nhiều người sẽ được cứu với chi phí thấp nhất, thiết bị đơn giản nhất, vừa giảm hậu quả đau thương, vừa giảm gánh nặng cho ngành y tế.

Tuy nhiên, trên thực tế, đến nay công tác đào tạo kĩ năng sơ cứu, cấp cứu, cứu hộ của chúng ta vẫn còn rất non kém. Tại rất nhiều nước trên thế giới, việc tuyên truyền phổ biến kĩ năng cứu hộ, cứu nạn rất được chú trọng. Các em nhỏ cũng đã được học về các kĩ năng này từ bậc tiểu học. Còn tại Việt Nam, trong chương trình học không nhắc đến các kĩ năng thiết yếu này, và cũng hầu như chưa có một chương trình tập huấn kĩ năng cứu hộ, cứu nạn nào được tổ chức trong dân.

Một thực tế đáng buồn là ngay cả hệ thống cấp cứu cũng còn khá manh mún, lẻ tẻ và thiếu chuyên nghiệp, khả năng ứng phó trước tai nạn, thiên tai… còn yếu kém, thì vươn đến việc giúp người dân nắm bắt kĩ năng sơ cứu, cứu nạn là chuyện còn khá xa vời… 

Đọc thêm

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

(PLVN) - Thanh tra Sở Y tế tỉnh Gia Lai mới ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Văn Phán (SN 1961), bác sỹ Chuyên khoa I, đồng thời đình chỉ 2 tháng hoạt động của phòng khám chuyên khoa Ngoại (thuộc phòng khám đa khoa Tây Nguyên) vì chẩn đoán sai bệnh rồi chỉ định phẫu thuật dương vật của bệnh nhân. 

Cần nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh dại

Giải cứu các chú chó và kêu gọi các nhà hàng thịt chó chuyển mô hình kinh doanh ở Thái Nguyên. (Ảnh: HSI )
(PLVN) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Đây là biện pháp kịp thời trong việc phòng, chống bệnh dại cũng như hành động quyết liệt hơn nữa nhằm chấm dứt nạn buôn bán và giết mổ chó, mèo để lấy thịt hàng năm trên toàn quốc.

1.000 người nghèo Yên Bái được khám, chữa bệnh miễn phí

1.000 người dân Yên Bái được thăm khám và cấp thuốc miễn phí. Ảnh: Vụ Sức khỏe Bà mẹ - trẻ em
(PLVN) - Trong 4 ngày vừa qua (20-23/3), Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em - Bộ Y tế và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chương trình khám, chữa, sàng lọc bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 1000 người, hỗ trợ bệnh nhân nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tiến hành đào tạo chuyển giao kỹ thuật cấp cứu sản khoa cho Bệnh viện Sản nhi Yên Bái và Trung tâm Y tế huyện Yên Bình.