Cách phát hiện sớm và điều trị ung thư vú

(PLO) - TS. BS Trần Việt Thế Phương, phó trưởng Khoa Ngoại 4 (Khoa phẫu thuật tuyến vú) thuộc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM chia sẻ cùng độc giả những vấn đề liên quan về ung thư vú (UTV) cũng như cách phát hiện bệnh sớm để có thể trị khỏi hoàn toàn.

Tự kiểm tra giúp phát hiện ung thư sớm

BS Phương cho biết, ung thư vú (UTV) là loại ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ. Hàng năm, trên thế giới có khoảng 1,7 triệu ca được phát hiện, khiến hơn 500 ngàn phụ nữ tử vong. Trong nhiều trường hợp, UTV được phát hiện khi phụ nữ sờ thấy một cục nhỏ trong tuyến vú của mình (gọi là khối bướu). Khối bướu này thường không đau nên dễ bị bỏ qua.
Khi chẩn đoán UTV, trước hết bác sĩ sẽ khám tuyến vú của bệnh nhân bằng tay (gọi là khám lâm sàng). Sau đó nếu cần sẽ cho bệnh nhân tiến hành các xét nghiệm như siêu âm, chụp nhũ ảnh.
Nếu nghĩ đến UTV trên siêu âm và nhũ ảnh thì sẽ lấy tế bào từ bướu ra (gọi là Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ) để xét nghiệm, chính xác đến hơn 90% sau khoảng 15 phút.
Điều may mắn rằng, đa số các trường hợp UTV đều được phát hiện sớm, thường ở giai đoạn I, II. Ở những giai đoạn này, khả năng trị khỏi lên đến 80-90%.
BS Phương khuyên các chị em nên tự kiểm tra bằng cách sờ ngực mình để phát hiện những điểm bất thường, có thể đó là dấu hiệu sớm của UTV. Theo đó, mỗi tháng, sau khi sạch kinh, chị em nên lấy bàn tay sờ chậm rãi, kĩ lưỡng vào tuyến vú 2 bên. Phương pháp đơn giản này có thể giúp phát hiện sớm những bất thường hay khối bướu. Cần lưu ý những dấu hiệu bất thường như: Sờ thấy u ở vú, chảy dịch đầu vú, da ở vú bị lõm vào. Trước đây phương pháp này gọi là tự khám vú, ngày nay y học đổi thành khái niệm tự nhận thức tuyến vú.
Cách tầm soát hiệu quả khác là đi chụp nhũ ảnh. Phương pháp này giúp phát hiện ung thư khi khối u chưa hình thành. Ở các nước tiên tiến, phụ nữ trên 50 tuổi được khuyên đi chụp nhũ ảnh mỗi năm một lần.
Phẫu thuật và “nhắm trúng đích” loại bỏ UTV
TS.BS Phương nhấn mạnh, UTV nếu được chẩn đoán ở giai đoạn sớm và chữa trị đúng cách thì khả năng khỏi bệnh rất cao. Phương pháp đầu tiên là phẫu thuật. Người bệnh có thể có những lựa chọn các cách sau.
Thứ nhất là phẫu thuật đoạn nhũ: Phương pháp này cắt hết toàn bộ tuyến vú, đã ứng dụng hơn 100 năm nay. Thời gian mổ khoảng 1-1,5 tiếng, không quá phức tạp nhưng lại mất thẩm mỹ và để lại di chứng tâm lý cho người bệnh, nhất là phụ nữ trẻ.
Thứ hai là phẫu thuật bảo tồn: Phương pháp này áp dụng trên thế giới hơn 30 năm nay. Bác sĩ chỉ cắt bỏ khối bướu và một phần mô vú xung quanh. Cách này giúp giữ lại được bầu nhũ hoa, đạt kết quả thẩm mỹ, thời gian mổ ngắn.
Tuy nhiên, kỹ thuật phẫu thuật bảo tồn không thể áp dụng khi bướu to, bướu có nhiều ổ. Ngoài ra, khi áp dụng kỹ thuật này thì bắt buộc phải chiếu tia xạ sau mổ (phương pháp đoạn nhũ ở trên thì có thể xạ trị hoặc không xạ trị tùy vào kết quả sau mổ), và người bệnh buộc phải chấp nhận rủi ro rất nhỏ là sau khi mổ và gửi bệnh phẩm đi xét nghiệm mà rìa của phần cắt đi vẫn còn tế bào ung thư thì phải mổ tiếp đến khi đạt rìa an toàn.
Hạn chế nữa là xạ trị hỗ trợ có thể gây xơ phổi, nếu xạ trị vú bên trái có thể ảnh hưởng đến tim (gây tăng nguy cơ thiếu máu cơ tim), và có thể làm tăng tỉ lệ phù tay nếu bệnh nhân có nạo hạch nách.
Lựa chọn thứ 3 là phẫu thuật tái tạo: Bác sĩ cắt toàn bộ vú như phẫu thuật đoạn nhũ, nhưng chừa lại nhiều da hơn, sau đó tạo bầu vú mới. Phương pháp tạo bầu vú mới có thể đặt túi gel hay dùng mô cơ thể của bệnh nhân.
Đặt túi gel khá đơn giản, ca mổ nhanh nhưng có nhược điểm: Việc đặt vật lạ vào cơ thể có thể gây ra các phản ứng phụ như bao xơ co thắt, đau. Còn tái tạo bằng mô của chính cơ thể sẽ khắc phục tất cả nhược điểm trên, tuy nhiên đòi hỏi kĩ thuật cao, thời gian dài và tốn kém hơn. Ngoài ra các phẫu thuật lấy mô mỡ ở bụng, lưng, mông và đùi tạo bầu vú có thể gây thêm tổn thương.
Sau khi phẫu thuật, đa số người bệnh cần phải được điều trị hỗ trợ để tiêu diệt những tế bào ung thư sót lại trong cơ thể. Các phương pháp điều trị hỗ trợ gồm có: Hóa trị, tức dùng thuốc truyền vào máu để tiêu diệt các tế bào ung thư di căn.
Thông thường phải điều trị 6 hay 8 đợt, mỗi đợt cách nhau 3 tuần. Xạ trị cũng là phương pháp điều trị hỗ trợ hiệu quả: Bác sĩ dùng máy phát ra chùm tia bức xạ chiếu vào vùng ngực tiêu diệt tế bào ung thư sót lại sau mổ. Mỗi ngày người bệnh phải đến bệnh viện để chiếu khoảng vài phút, 5 ngày mỗi tuần và kéo dài 3-5 tuần.
Ngoài ra còn có liệu pháp nội tiết hỗ trợ: 60% bệnh nhân UTV có thể dùng các loại thuốc nội tiết để ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư, thường kéo dài 5 năm: “UTV di căn không thường gặp và có thể di căn vào các cơ quan gan, phổi, xương, não. Để phát hiện di căn, bệnh nhân sau điều trị phải tái khám định kỳ để theo dõi. Bệnh tái phát nhiều nhất trong 2 năm đầu, sau đó tỉ lệ giảm dần theo thời gian”, BS Phương nói.
Phương pháp điều trị UTV mới được áp dụng khoảng 10 năm nay và cho hiệu quả cao là liệu pháp nhắm trúng đích. Khoảng 20% bệnh nhân có thể sử dụng thuốc này. Đây là thuốc rất đắt tiền và được dùng kết hợp với hóa trị. Phác đồ điều trị kéo dài 1 năm: “100 bệnh nhân UTV thì có khoảng 20 người áp dụng được thuốc và thuốc giúp cải thiện đáng kể kết quả điều trị cho những bệnh nhân này”, BS Phương nói.
Để dễ hiểu, có thể hình dung như sau: phương pháp phẫu thuật có đích điều trị là cơ quan bị ung thư (tuyến vú), hoá trị và nội tiết nhắm trúng tế bào ung thư vú. Còn liệu pháp nhắm trúng đích có đích điều trị chính xác ở mức độ phân tử (là gen và protein trong tế bào ung thư vú)./.

Đọc thêm

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

(PLVN) - Thanh tra Sở Y tế tỉnh Gia Lai mới ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Văn Phán (SN 1961), bác sỹ Chuyên khoa I, đồng thời đình chỉ 2 tháng hoạt động của phòng khám chuyên khoa Ngoại (thuộc phòng khám đa khoa Tây Nguyên) vì chẩn đoán sai bệnh rồi chỉ định phẫu thuật dương vật của bệnh nhân. 

Cần nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh dại

Giải cứu các chú chó và kêu gọi các nhà hàng thịt chó chuyển mô hình kinh doanh ở Thái Nguyên. (Ảnh: HSI )
(PLVN) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Đây là biện pháp kịp thời trong việc phòng, chống bệnh dại cũng như hành động quyết liệt hơn nữa nhằm chấm dứt nạn buôn bán và giết mổ chó, mèo để lấy thịt hàng năm trên toàn quốc.

1.000 người nghèo Yên Bái được khám, chữa bệnh miễn phí

1.000 người dân Yên Bái được thăm khám và cấp thuốc miễn phí. Ảnh: Vụ Sức khỏe Bà mẹ - trẻ em
(PLVN) - Trong 4 ngày vừa qua (20-23/3), Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em - Bộ Y tế và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chương trình khám, chữa, sàng lọc bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 1000 người, hỗ trợ bệnh nhân nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tiến hành đào tạo chuyển giao kỹ thuật cấp cứu sản khoa cho Bệnh viện Sản nhi Yên Bái và Trung tâm Y tế huyện Yên Bình.