Ăn... liều dẫn đến thiệt mạng

Ăn... liều dẫn đến thiệt mạng
(PLO) - Việc thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức trong lựa chọn, sơ chế, chế biến côn trùng làm thức ăn, tâm lý chủ quan khi lựa chọn côn trùng lạ để “thử nghiệm” theo kinh nghiệm “đồn thổi” để chế biến (ăn tái, ăn sống, ngâm rượu…) và sử dụng các món ăn chế biến từ côn trùng, ấu trùng… đã và đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, gây ngộ độc và thậm chí gây ra tử vong cho người ăn.

Lại tử vong vì ăn côn trùng lạ

Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai), ngày 21/8, tại  thôn Nậm Cáng, xã Nậm Khánh, huyện Bắc Hà xảy ra vụ ngộ độc do ăn côn trùng lạ làm 2 người nguy kịch, một người tử vong sau đó.

Vào chiều 21/8, anh Phàn Văn L và Phàn Văn B rủ nhau đi bắt một loại côn trùng về chiên để uống rượu. Sau khi ăn khoảng 15 phút, hai người có biểu hiện ngứa cổ, đau rát họng, tức ngực, khó thở. Tuy nhiên, do chủ quan đã không đến cơ sở y tế thăm khám.

Đến 7h ngày 22/8, Phàn Văn B bị tử vong, còn Phàn Văn L bị hôn mê, được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà  điều trị. Đến sáng 29/8, sau gần 10 ngày được các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà cấp cứu và điều trị tích cực, bệnh nhân Phàn Văn L đã hồi phục và làm thủ tục xuất viện. 

Trả lời báo chí, bà Nguyễn Thị Hải Anh - Giám đốc Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lào Cai cho biết, nguyên nhân khiến hai người bị ngộ độc nêu trên là do ăn phải côn trùng sâu ban miêu có chứa chất độc. Cụ thể, trong sâu ban miêu có chứa chất Cantharidin là thuốc độc bảng A, có khả năng gây bỏng da, niêm mạc, khi ăn phải, người bệnh sẽ bị bỏng ống tiêu hóa như miệng, dạ dày, ruột… và nhiễm độc thần kinh, hôn mê và tử vong nhanh.

Trước tình hình trên, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Lào Cai phải khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng có hình dạng, màu sắc khác lạ để tránh bị ngộ độc khi ăn côn trùng. Chỉ nên lựa chọn những loại nhộng, côn trùng phổ biến, còn tươi sống để chế biến thành thức ăn.

Trước khi chế biến cần ngâm, thả côn trùng vào nước muối, nước vôi… để côn trùng thải hết chất độc. Đun chín kỹ, tuyệt đối không ăn tái, ăn sống hoặc nấu chín nguyên con mà không qua sơ chế, vệ sinh… Trường hợp sau khi ăn côn trùng mà có biểu hiện khác thường như mệt mỏi, buồn nôn, mẩn ngứa… cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. 

Đây không phải là trường hợp đầu tiên bị ngộ độc dẫn đến tử vong vì ăn côn trùng ở nước ta. Trước đó, một vụ ngộ độc do ăn bọ xít lửa tại xã Yên Hòa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình cũng làm 12 người mắc và 7 người phải nhập viện vào ngày 16/1/2016. Trước đó không lâu cũng xảy ra vụ ngộ độc do ăn bọ xít rang tại xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La làm 5 người mắc, 3 người phải nhập viện điều trị vào tháng 7/2015.

Không ăn côn trùng lạ để tránh bị ngộ độc

Ở nhiều nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam, việc sử dụng côn trùng làm thức ăn có từ lâu, khá phổ biến như cào cào, châu chấu, nhộng tằm, dế, ong, mối, nhộng ve sầu, sâu cây chít, sâu cây dâu, sâu cây sắn dây... Năm 2013, Liên Hợp quốc còn ra lời kêu gọi ăn côn trùng để chống lại nạn đói và hiện tượng ấm lên toàn cầu, kêu gọi các nhà hàng, đầu bếp và các tác giả viết về ẩm thực tăng cường tuyên truyền thói quen ăn côn trùng.

Vì côn trùng có ở khắp mọi nơi và chúng sinh sôi rất nhanh, nhưng chúng có mức độ ảnh hưởng môi trường tương đối thấp, việc nuôi và tiêu thụ các loại côn trùng ăn được mang lại nguồn lợi không nhỏ. Ngoài ra, côn trùng cung cấp hàm lượng dinh dưỡng và protein cao so với thịt và cá cũng như rất giàu các vi chất đồng, sắt, magiê, mangan, photpho, selen và kẽm nên có thể được sử dụng như một loại thực phẩm bổ sung dành cho trẻ em suy dinh dưỡng.

Tuy nhiên, nếu không biết cách chế biến hoặc ngâm rượu uống thì sẽ rất nguy hiểm. Ví dụ như loài bọ cạp có nọc độc, bọ xít, ong vò vẽ… Bởi nếu không biết cách loại bỏ độc tố thì dễ rước họa vào thân, không khéo còn thiệt mạng.

Khi bắt côn trùng để chế biến thành thực phẩm thì không được dùng thuốc hoặc các loại hóa chất độc hại, đặc biệt đối với những loài thiên địch có lợi cho đồng ruộng, các loài côn trùng quý hiếm vừa dùng làm thực phẩm vừa dùng làm thuốc. Dù là thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng không phải loại côn trùng nào cũng ăn được, nên cần phải dùng những loại côn trùng theo khuyến cáo.

Tại Việt Nam, việc thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức trong lựa chọn, sơ chế, chế biến côn trùng làm thức ăn, tâm lý chủ quan khi lựa chọn côn trùng lạ để “thử nghiệm” theo kinh nghiệm “đồn thổi” để chế biến (ăn tái, ăn sống, ngâm rượu…) và sử dụng các món ăn chế biến từ côn trùng, ấu trùng… đã và đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, gây ngộ độc và thậm chí gây ra tử vong cho người ăn.

Hiện nay khi chưa có các nghiên cứu sâu, đầy đủ về côn trùng sử dụng trong chế biến thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên lựa chọn những loại nhộng, ấu trùng, côn trùng thông thường, phổ biến, còn tươi sống để chế biến thành thức ăn. Đặc biệt những người có cơ địa dị ứng cần thận trọng khi ăn, nếu nghi ngờ thì không ăn. Tuyệt đối không sử dụng các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ đã chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên để chế biến thành thức ăn.

Trong trường hợp sau khi ăn mà có các biểu hiện, triệu chứng khác thường như mệt mỏi, choáng váng, buồn nôn, mẩn ngứa, đau bụng, rối loạn tiêu hóa… cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. 

Đọc thêm

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

(PLVN) - Thanh tra Sở Y tế tỉnh Gia Lai mới ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Văn Phán (SN 1961), bác sỹ Chuyên khoa I, đồng thời đình chỉ 2 tháng hoạt động của phòng khám chuyên khoa Ngoại (thuộc phòng khám đa khoa Tây Nguyên) vì chẩn đoán sai bệnh rồi chỉ định phẫu thuật dương vật của bệnh nhân. 

Cần nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh dại

Giải cứu các chú chó và kêu gọi các nhà hàng thịt chó chuyển mô hình kinh doanh ở Thái Nguyên. (Ảnh: HSI )
(PLVN) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Đây là biện pháp kịp thời trong việc phòng, chống bệnh dại cũng như hành động quyết liệt hơn nữa nhằm chấm dứt nạn buôn bán và giết mổ chó, mèo để lấy thịt hàng năm trên toàn quốc.

1.000 người nghèo Yên Bái được khám, chữa bệnh miễn phí

1.000 người dân Yên Bái được thăm khám và cấp thuốc miễn phí. Ảnh: Vụ Sức khỏe Bà mẹ - trẻ em
(PLVN) - Trong 4 ngày vừa qua (20-23/3), Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em - Bộ Y tế và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chương trình khám, chữa, sàng lọc bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 1000 người, hỗ trợ bệnh nhân nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tiến hành đào tạo chuyển giao kỹ thuật cấp cứu sản khoa cho Bệnh viện Sản nhi Yên Bái và Trung tâm Y tế huyện Yên Bình.