Chàng trai bán chong chóng mở lớp học tiếng Anh miễn phí

Chàng trai bán chong chóng mở lớp học tiếng Anh miễn phí
(PLO) - Dùng tất cả số tiền “mồ hôi nước mắt” dành dụm được sau 6 năm bán hàng rong để mở lớp học tiếng Anh miễn phí quả là chuyện không thể lạ lùng hơn mà chàng trai Phạm Minh Đáp đã làm.

Nhìn chàng trai dắt chiếc xe đạp cũ kỹ chở những chong chóng, bóng bay, đồ chơi trẻ em mà tay vẫn cầm cuốn sách tiếng Anh lẩm nhẩm, nhiều người sẽ thắc mắc: “Bán hàng rong thì cần gì biết tiếng Anh”. Đúng vậy, ở thời buổi này, người ta chỉ học tiếng Anh để thi, để xin việc, để phục vụ cho công việc và lợi ích của mình; mấy ai chăm chỉ học tiếng Anh chỉ để có kiến thức làm… thầy giáo dạy miễn phí như chàng trai bán hàng rong Phạm Minh Đáp. Quả là một sự lạ lùng “vô tiền khoáng hậu”.
“Người thầy” chỉ… tốt nghiệp THPT
Phạm Minh Đáp năm nay 24 tuổi, sinh ra tại làng Cách, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Đáp giải thích, quê mình được gọi là làng Cách bởi nó cách xa với các làng khác, lại rất nghèo. Đáp lên 5 tuổi, cả làng vẫn chưa có điện, nồi cơm vẫn đỏ màu ngô, khoai… Làng Cách nghèo nhưng trẻ con làng Cách học rất giỏi, trong đó có ba anh em nhà Đáp.
Suốt 12 năm liền là học sinh khá, giỏi, nhưng vì nhà quá nghèo nên phận làm anh cả, Đáp phải nghỉ học nhường cho các em đến trường. Ước mơ làm thầy từ thuở bé đành gác lại. Chàng thanh niên tâm sự: “Trong những giấc ngủ chập chờn, mình vẫn mơ được đứng trên bục giảng dạy học. Nhưng mình mới chỉ học hết THPT, ai cho một thằng bé mới học hết THPT làm thầy”.
18 tuổi, Đáp cùng bố mẹ ra Hà Nội mưu sinh bằng nghề bán hàng rong. Trên chiếc xe đạp cũ cắm đủ thứ đồ chơi như bóng bay, chong chóng, đao, kiếm nhựa… Đáp đạp xe khắp các công viên, đường phố để kiếm tiền. “Mỗi sáng chủ nhật, mình ra chợ Đồng Xuân mua bóng bay, về bơm lên rồi đem đi bán. Bất kể nắng, mưa, mỗi ngày mình đều có 10 tiếng đồng hồ ngoài đường bán hàng dạo. Ngày hên nhất thì lãi được khoảng 100 ngàn đồng, còn ngày nào xui, mưa gió làm bóng bay nổ thì lỗ vốn”.
Đạp xe qua các công viên, bờ hồ, Đáp chứng kiến rất nhiều cảnh những ông, bà Tây tìm mọi cách hỏi đường, còn các bạn trẻ Việt Nam thì lắc đầu nguầy nguậy. Chàng trai chột dạ, tiếng Anh quan trọng như vậy mà các bạn trẻ không thạo thì làm sao làm nên việc lớn, nhưng có thể họ cũng như mình, vì nhà nghèo nên không có cơ hội được theo học các lớp đào tạo tiếng Anh. Cũng từ đó, chàng trai bắt đầu có suy nghĩ học tiếng Anh để sau này mở lớp dạy học miễn phí cho học sinh, sinh viên nghèo.
Con đường đến với “thế giới ngôn ngữ mới” của Đáp cũng khác hẳn mọi người. Đáp tích lũy vốn từ bằng cách nghe CD, đọc sách. Ban ngày trong lúc bán hàng rong ngoài đường, Đáp cứ “nhè” người nước ngoài mà chào hỏi. Sau một thời gian thực hành, nhận thấy các cuộc hội thoại ngắn ngủi như vậy không hiệu quả, Đáp quyết định lập kế hoạch học dài hạn trong Bảo tàng Dân tộc học.
Đáp chia sẻ: “Bảo tàng Dân tộc học là nơi có rất nhiều khách nước ngoài đến tham quan nên mình quyết định “cắm chốt” ở đó để thực hành giao tiếp. Để có thể tự do ra vào Bảo tàng miễn phí trong vòng một năm, mình đã xin làm tình nguyện viên dọn dẹp vệ sinh và dẫn đường cho khách du lịch. Vậy là cứ ba lần một tuần, mình có mặt ở Bảo tàng để trò chuyện với khách nước ngoài”.
Bố mẹ Đáp thấy con trai ngày đêm học tiếng Anh cũng thắc mắc, nhưng không nỡ ngăn cản. Có lần đi làm về, bố đưa cho Đáp cuốn sách tiếng Anh rồi bảo: “Bố chẳng hiểu nó ghi gì, nhưng thấy mày hay học nên bố mua cho”. Đáp xúc động rồi quyết định chia sẻ về ước mơ, dự định mở lớp học của mình, tưởng bị ngăn cản, nào ngờ lại nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của bố mẹ.
Lớp học Tiếng Anh miễn phí của Đáp.
Lớp học Tiếng Anh miễn phí của Đáp. 
Vay tiền mở lớp học miễn phí
Đáp nhớ về những lần hiếm hoi được chơi điện tử cùng các bạn, vì chơi không giỏi nên khi bị “tiêu diệt”, Đáp thường được các bạn cống “mạng” để duy trì cuộc chơi. Trưởng thành hơn, chàng trai bắt đầu suy nghĩ: “Cuộc đời mỗi người chỉ có một “mạng” duy nhất, phải biết dùng mạng đó để chia sẻ và sống cho người khác”. Nghĩ là làm, khi đã có lưng vốn tiếng Anh, Đáp bắt đầu mở lớp học miễn phí.
Lớp học đầu tiên được mở ra ngay trong chính căn phòng trọ rộng hơn 10m2 của Đáp. Không có bàn ghế, Đáp cùng 10 học trò nghèo phải ngồi chen chúc trên tấm phản tự kê. Những ngày trời nóng, không có quạt, Đáp vừa dạy vừa quạt mát cho các học trò luyện viết. Ban đầu chỉ là những cuộc hội thoại cơ bản, ngắn ngủi. Dần dà, trong “lớp học” thầy và trò chỉ nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh.
Đáp (bên phải) luôn cố gắng thuyết phục các tình nguyện viên nước ngoài về giảng dạy tại lớp mình.
Đáp (bên phải) luôn cố gắng thuyết phục các tình nguyện viên nước ngoài về giảng dạy tại lớp mình.
Có thời gian, Đáp còn vận động được các tình nguyện viên nước ngoài về giao tiếp với các học viên của mình. Học trò của Đáp ở mọi lứa tuổi, từ học sinh, sinh viên đến những người đã tốt nghiệp đại học, đã đi làm. Ngoài những giờ học trên lớp, Đáp còn tổ chức những buổi thực hành ngoài trời, các học viên tập hợp thành nhóm ra công viên, bờ hồ, bảo tàng… nói chuyện với người nước ngoài. Đáp bảo: “Học phải đi đôi với hành, học tiếng Anh lại càng cần phải giao tiếp thực tế nhiều mới hiệu quả”.
Vậy là chàng trai nghèo cứ ngày đi bán hàng rong, tối về dạy học. Ngay cả trong lúc bán hàng ngoài công viên, bờ hồ, chàng trai cũng tranh thủ giảng giải cho những ai muốn học tiếng Anh. Đáp chia sẻ: “Mình chẳng có tiền, chỉ có lưng vốn tiếng Anh để sẻ chia cho những người ham học”.
Ước mơ thiện nguyện của Đáp không dừng lại ở đó. Chàng trai nghèo còn muốn gây dựng được một cơ sở rộng lớn, đàng hoàng hơn để giúp đỡ thêm nhiều bạn trẻ ham học khác. Đáp bắt đầu tích cóp tiền bán hàng rong cùng tiền gia sư tiếng Anh, tiếng Việt của mình để thuê mặt bằng và trang trải chi phí cho lớp học. Đầu năm 2014, lớp học tiếng Anh miễn phí với tên gọi “Stand by you” của Đáp chính thức ra đời.
Sau một thời gian ngắn hoạt động, lớp học của Đáp đã có gần 1.000 học viên. Ngoài việc trực tiếp dạy, Đáp còn vận động, thuyết phục được rất nhiều tình nguyện viên nước ngoài, cùng các cô giáo trẻ Việt Nam đến dạy. Sau này, nhiều “giáo viên thiện nguyện” bày tỏ muốn được dạy tiếng Nhật, vậy là lớp học lại mở rộng dạy cả hai thứ tiếng.
Đáp cho biết: “Các phòng học hoạt động suốt từ 7 giờ sáng đến 9 giờ tối, mỗi ngày đều có rất đông học sinh đến học. Có những khi không đủ chỗ, các bạn sẵn sàng kê dép ngồi ngoài để được lắng nghe và giao tiếp”.
Mới đây, “hiệu trưởng” Đáp quyết định chuyển lớp học đến cơ sở mới rộng và khang trang hơn. Để làm được điều đó, chàng trai 24 tuổi đã phải mất 4 tháng để thuyết phục chủ nhà cho thuê với giá rẻ. Đáp tâm sự: “Suốt từ tháng 5 đến tháng 9, mỗi tuần mình đến gặp bà chủ ba lần để thuyết phục. Cuối cùng bà cũng đồng ý cho mình thuê nhà với giá cả hợp lý, nhưng lại yêu cầu đóng tiền nhà bốn tháng liền. Mấy chục triệu đồng, làm sao mình có đủ, thế là lại phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi”.
Dốc toàn bộ số tiền kiếm được bằng mồ hôi nước mắt, thậm chí đi vay thêm tiền để mở lớp học miễn phí quả là một việc làm lạ lùng của chàng trai nghèo bán hàng rong. Cho đến giờ, sau những giờ lên lớp, Đáp vẫn đạp xe khắp Thủ đô bán bóng bay, chong chóng và số tiền lãi kiếm được, Đáp lại đổ cả vào ước mơ thiện nguyện của mình.  

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

“Giang hồ” đóng phim, làm từ thiện: Phần nổi màu mè nhằm che đậy những góc chìm đen tối?

"Thánh chửi" được các fan nhí vây quanh
(PLVN) - Sự việc hiện tượng mạng xã hội Khá "Bảnh" (tức Ngô Bá Khá) bị cơ quan Công an tỉnh Bắc Ninh bắt giam khẩn cấp vì nghi án tổ chức đánh bạc dưới hình thức lô đề hôm 1/4, suy cho cùng cũng là việc làm không sớm thì muộn. Ngoài Khá Bảnh, đâu đó còn rất nhiều đối tượng gắn mác "Giang hồ 4.0" có dấu hiệu vi phạm pháp luật, bị tố cáo khắp nơi, chẳng qua chưa đến lúc bị cơ quan công an... "sờ gáy" mà thôi.

Thầy giáo nhắn tin gạ tình loạt nữ sinh lớp 12

Trường THPT Ngọc Hiển, nơi vừa xảy ra vụ xôn xao thầy giáo trộm đề thi để gạ tình hàng loạt nữ sinh khối 12.
Hội đồng kỷ luật trường THPT Ngọc Hiển (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) mới ra quyết định kỷ luật với hình thức “buộc thôi việc” đối với ông Phạm Thanh Đ -  giáo viên dạy môn Lý-  Tin học của trường này. Ông Đ được xác định là vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp...

U40 mở quán ven đường dụ nam sinh vào kích dục

Nhiều phụ nữ lớn tuổi vẫn kiếm sống bằng nghề massage kích dục tại các quán cà phê trá hình dọc quốc lộ 1, đoạn qua địa bàn Q.12
Đa số nữ tiếp viên tại hàng hoạt quán cà phê trá hình dọc quốc lộ 1, đoạn đi qua P.An Phú Đông, Q.12 đều trên 40 tuổi vẫn kiếm sống bằng nghề massage kích dục cho khách là trai trẻ, thậm chí là học sinh, sinh viên.

“Thú vui” phản cảm của người Hà Nội

Thản nhiên giẫm lên hoa.
(PLO) - Cứ mỗi khi thủ đô diễn ra lễ hội là y như rằng ngay sau đó câu chuyện về ý thức người Hà Nội lại làm nóng các diễn đàn. Dường như giẫm đạp, phá hoại vườn hoa, bãi cỏ, cây xanh, xả rác vào mỗi dịp lễ hội mừng năm mới, triển lãm hoa, biểu diễn nghệ thuật, ngày hội văn hóa… đã trở thành “thú vui” của một bộ phận người đang sống ở Hà Nội?

Chuyện lạ đời: Chồng lập nhang... thờ sống vợ con

Chị M trò chuyện trong một cuộc hội thảo về bạo lực giới
“Tôi cùng con dắt díu nhau đi ở nhờ nhà mẹ chồng. Trước lúc đi, tôi thấy anh ta bốc cát cho vào một bát gốm Phù Lãng, đốt nắm hương to, cắm vào, đem đặt trước cổng nhà và thề không có đứa con nào nữa”, chị Nguyễn Thị M kể.