“Cuộc chiến” chia căn nhà cha mẹ để lại giữa sáu anh chị em

Tòa tuyên người em út được giữ nhà, nhưng phải trả tiền cho các anh chị (Hình minh họa)
Tòa tuyên người em út được giữ nhà, nhưng phải trả tiền cho các anh chị (Hình minh họa)
(PLO) - Theo nguyên đơn khởi kiện trình bày, lâu nay ông ở nhà của cha mẹ. Cha qua đời, rồi mẹ cũng mất, ông ở trong nhà nên chịu trách nhiệm thờ cúng ông bà, cha mẹ. Nhưng mỗi lần đến ngày kỵ giỗ, các anh chị em tập trung lại, lúc nào cũng tiếng bấc tiếng chì, cãi cọ nhau. Họ nói ông chiếm hết tài sản của cha mẹ. Nhiều lúc cãi cọ to, mấy anh em còn động dao động rựa. Cho nên ông làm đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản của cha mẹ để lại, phần ai nấy giữ. Tại tòa, ông vẫn giữ nguyên ý kiến. Lâu nay nhà cha mẹ do ông ở, nên ông xin tòa được giữ lại kỷ phần là ngôi nhà, bản thân sẽ thối lại tiền cho các anh chị.

Tòa hỏi người chị gái có đồng ý chia thừa kế không? Chị nói đồng ý. Tòa “thắc mắc”, chia nhà, vậy bàn thờ cha mẹ làm sao? Chị nói nhà cứ chia, chị phải lấy phần thừa kế của mình. Bàn thờ cha mẹ ai thờ thì thờ, không thì tự ai người đó đem về nhà thờ.

Mỗi người một ý

2h chiều. Cái nắng cuối thu hanh hao hắt lên hành lang nơi tầng 4 tòa án, mang đầy vẻ vàng vọt. Nắng chiều vốn đã mỏng manh, trong một ngày thời tiết không mấy tốt đẹp như hôm nay càng thêm nhợt nhạt, yếu ớt. Sáu chị em, 3 trai, 3 gái lần lượt đến tòa. Họ là các đương sự trong vụ “Chia di sản thừa kế” do TAND TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) tiến hành xét xử.

Người chị cả năm nay đã 73 tuổi. Bước đi của bà chậm chạp. Leo cầu thang vượt qua bốn tầng lầu, khiến bước chân của bà cũng trở nên run rẩy. Mồ hôi đã rịn ra trên vầng trán nhăn nheo của người phụ nữ. Bà hé miệng thở dốc. Bà là trưởng nữ trong nhà. Trưởng nam, chính là người em trai kế bà, thua chị cả hai tuổi, giọng nói ồm ồm vang vọng.

Ông nói mình già rồi, lãng tai nên lúc nào cũng nói lớn, sợ người đối diện không nghe thấy. Trong phiên tòa hôm ấy, mỗi lần trả lời hội đồng xét xử, ông đều nói như hét, khiến tòa cũng giật thót cả mình, vội vã yêu cầu ông nói nhỏ lại. 

Một người là trưởng nữ, một người là trưởng nam trong gia đình, nhưng đều không phải là người khởi xướng vụ kiện. Họ đến tòa với tư cách là những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Nguyên đơn khởi kiện chia di sản thừa kế lại là người em trai út trong nhà, năm nay xấp xỉ 50. Bị đơn trong vụ án là cô em gái kế út, 55 tuổi.

Cha mẹ họ lúc sinh thời có tạo lập được một thửa đất rộng 135 m2 ở ngoại ô TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Trên đất có hai ngôi nhà. Nhà đất được định giá 1,3 tỷ đồng. Hơn 20 năm trước, người cha qua đời. Mười năm trước, người mẹ cũng theo cha về bên kia thế giới. Ông bà nội ngoại hai bên cũng chẳng còn ai. Cha mẹ có 6 người con. Cả một đời tần tảo, họ chắt chiu nuôi lớn đàn con, rồi dựng vợ gả chồng cho con cái. 

Người con trai trưởng, theo phong tục địa phương, lẽ ra sau khi kết hôn sẽ sống cùng cha mẹ. Sau này cha mẹ già yếu, vợ chồng ông sẽ phụng dưỡng. Cha mẹ qua đời, con trai trưởng lại chịu trách nhiệm thờ tự, hương khói.

Nhưng ông kết hôn khi các em vẫn còn ở chung trong nhà. Nhà nhỏ đông đúc, chật chội, nên ông theo về ở bên nhà vợ. Các chị em khác rồi cũng lần lượt lấy vợ, lấy chồng, “ly khai” khỏi nhà. Nhà của cha mẹ, cuối cùng lại do người con trai út ở, cũng chịu trách nhiệm thờ tự, hương khói.

Người con trai trưởng bộc bạch: “Tui ở nhờ nhà vợ. Cứ nghĩ em út lúc nào giàu, mua được nhà, tui lại dọn về nhà cha mẹ ở. Tui là con trai trưởng, việc hương khói, thờ phụng vốn dĩ là trách nhiệm mà tui gánh vác. Vợ chồng tui nghèo, nên ngoài chờ, và chờ ra, chẳng có cách khác, chờ một lèo thì mất mấy chục năm, tóc trên đầu cũng bạc hết, chân cũng đi không nổi nữa. Mà chờ mãi, lại ra kết cục hôm nay”. Ông lão 71 tuổi chia sẻ với giọng đầy tâm trạng.

Theo nguyên đơn khởi kiện trình bày, lâu nay ông ở nhà của cha mẹ. Cha qua đời, rồi mẹ cũng mất, ông ở trong nhà nên chịu trách nhiệm thờ cúng ông bà, cha mẹ. Nhưng mỗi lần đến ngày kỵ giỗ, các anh chị em tập trung lại, lúc nào cũng tiếng bấc tiếng chì, cãi cọ nhau. Họ nói ông chiếm hết tài sản của cha mẹ. Nhiều lúc cãi cọ to, mấy anh em còn động dao động rựa.

Cho nên ông làm đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản của cha mẹ để lại, phần ai nấy giữ. Tại tòa, ông vẫn giữ nguyên ý kiến. Lâu nay nhà cha mẹ do ông ở, nên ông xin tòa được giữ lại kỷ phần là ngôi nhà, bản thân sẽ thối lại tiền cho các anh chị.

Bị đơn là người em gái kế út, cùng ba người khác đều đồng ý việc chia nhà. Riêng người anh trai trưởng thì bảo ông không đồng ý chia di sản của cha mẹ. Ông nói, ngày trước cha mẹ ông còn sống đã dặn dò, nhà của cha mẹ tạo lập nên, sống thì ở, chết thì thờ, không được bán.

Nay ông theo di huấn của cha mẹ, muốn giữ lại ngôi nhà để làm nhà thờ, cũng là có chỗ để anh chị em mỗi năm kéo về sum họp những lúc đến ngày kỵ, ngày giỗ. Cũng theo người anh cả, nếu tòa cuối cùng vẫn xử “xẻ thịt” ngôi nhà, thì ông yêu cầu được nhận lại 120 triệu đồng mà ông đã bỏ ra để xây nhà cho mẹ mình. Sau đó, tòa chia thế nào thì chia.

Chia chác rắc rối 

Tòa nói với người anh trưởng, nhà của cha mẹ, tốt nhất vẫn là để lại làm nơi thờ tự. Nhưng nếu các thành viên trong gia đình đều thống nhất phải chia, ông có thể đứng ra nhận kỷ phần là ngôi nhà, sau đó thối tiền lại cho các chị em khác.

Như vậy, các em đều có tiền, mà ông vẫn có thể giữ lại nơi hương khói cho cha mẹ. “Nếu tôi có tiền để “thối” cho các em, thì mô đến nỗi phải đưa nhau ra đây. Tôi muốn lấy nhà lắm chứ, nhưng làm chi có tiền để “thối” lại cho các em”, người anh trưởng rầu rĩ.

Các đương sự trong vụ án chia nhà cha mẹ
Các đương sự trong vụ án chia nhà cha mẹ

Tòa hỏi một người con gái: “Nguyên đơn lẫn bị đơn đều yêu cầu chia nhà, anh của chị lại không muốn chia nhà, muốn để thờ cha mẹ, ý chị thế nào?”. “Tôi muốn chia. Hắn (chỉ người em út) bày kế mượn giấy chứng minh của các anh chị em trong nhà, rồi lặng lẽ đi làm sổ đỏ. Nếu không chia, hắn mà bán nhà, một đồng tụi tui cũng không nhận được”. 

Tòa: “Thế nhà chia rồi, bàn thờ cha mẹ làm sao?”. 

“Chia nhà, phần tui tui lấy. Bàn thờ cha mẹ, ai đó thờ thì thờ. Còn không mỗi người tự đem về nhà mình thờ. Đến ngày kỵ giỗ thì ai tự lo nấy”.

Tòa lại hỏi người em út: “Anh đòi chia nhà. Các anh là con trai, có thể tự thờ cha mẹ. Các chị của anh đều là gái, theo về nhà chồng, làm sao thờ cha mẹ? Không lẽ sau này muốn đến thắp hương cho cha mẹ, đều phải xin các anh em trai mở cửa nhà cho vào?”, người em út yên lặng.

Trên thửa đất của cha mẹ để lại, hiện có 2 ngôi nhà. Ngôi nhà lớn do cha mẹ dựng nên. Ngôi nhà nhỏ là một căn gác dùng để tránh lũ. Theo lời khai của người anh cả, do nhà năm nào cũng bị ngập lụt, nên năm 2006 ông đã bỏ ra 120 triệu đồng để dựng căn gác này, để mẹ ông tránh lũ. Nhưng mẹ chỉ mới sống được một mùa, đến năm 2007 thì đã qua đời.

Tòa định giá căn nhà có gác này hiện có giá trị 30 triệu đồng. Người anh không đồng ý với mức định giá của hội đồng. Nếu tòa bác đơn khởi kiện của em trai ông, thì số tiền ông từng dựng nhà cho cha mẹ, ông sẽ không kể đến. Nhưng nếu tòa xử chia tài sản, ông phải đòi lại 120 triệu đồng mình từng bỏ ra. 

Tòa nói, theo thời gian, giá trị căn nhà đã giảm dần. Nhưng 5 thành viên khác trong gia đình có thể trích một phần tiền trong tài sản thừa kế của mình để hỗ trợ người anh. Không chỉ bây giờ, mà cả hơn 10 năm trước, số tiền 120 triệu vẫn là rất lớn. Nếu người anh không xây nhà, tiền đó đem bỏ ngân hàng lấy lãi, đến giờ tiền lãi chắc cũng xấp xỉ tiền gốc. Giờ căn nhà chỉ còn giá trị 30 triệu, quả là thiệt thòi cho người anh. 

Tòa hỏi mọi người có đồng ý san sẻ thêm cho anh trai không? Các chị em trong nhà đều thừa nhận anh mình có đứng ra xây căn nhà này. Nhưng nguyên đơn và bị đơn đều nói, số tiền 120 triệu đồng đó, họ không biết có phải là do anh trai bỏ ra không, hay là tiền của mẹ “xìa” ra. Họ không đồng ý trích ra 120 triệu đồng trong khối tài sản chung để trả lại anh. Ba người con khác thì thống nhất, trả lại cho người con trai trưởng 120 triệu. 

Tranh cãi qua lại mãi, cuối cùng người anh “chốt”, nếu không trả cho ông 120 triệu, ông không đồng ý chia nhà. Sau một hồi thương thảo, cuối cùng ông quyết định nhận 100 triệu đồng. 25 triệu còn lại, xem như ông góp phần vào xây nhà cho mẹ. Năm người khác mỗi người sẽ đóng góp phần mình là 20 triệu đồng.

Trừ ra 100 triệu đồng của người anh. Mỗi thành viên trong gia đình sẽ được nhận 1 kỷ phần trong di sản thừa kế của cha mẹ, có giá trị là 180 triệu đồng. Tòa giao ngôi nhà cho nguyên đơn giữ. Nguyên đơn có trách nhiệm phải “thối” lại tiền cho các anh chị mình.

Tòa tan, mấy anh chị em xúm lại hỏi chủ tòa: “Lỡ hắn không trả tiền, tụi tui lên tòa đòi được không?”. Tòa: “Tòa có nợ tiền của các ông bà đâu mà ông bà đòi”. Tòa giải thích, nếu sau thời gian bản án có hiệu lực, nếu người em không trả tiền, các ông bà có thể yêu cầu cơ quan thi hành án, thi hành bản án.

Tin cùng chuyên mục

Tàu khai thác cát lậu bị bắt quả tang. (Ảnh trong bài: Công an cung cấp)

Đường dây khai thác cát lậu tại ven biển Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh): Đề nghị truy tố 24 đối tượng

(PLVN) - Cơ quan CSĐT Công an TP HCM vừa hoàn tất kết luận điều tra (KLĐT), đề nghị VKSND truy tố 24 bị can trong đường dây khai thác cát lậu và các hoạt động phạm pháp khác do Trương Văn Chinh (39 tuổi, quê Lâm Đồng) cầm đầu. 3 bị can khác cũng liên quan đến ổ nhóm tội phạm này nhưng CQĐT đang điều tra trong vụ án độc lập khác, sẽ tiến hành xử lý sau.

Đọc thêm

Xét xử vụ án vi phạm trong quản lý đất đai tại Hưng Yên

Các bị cáo tại phiên tòa.
(PLVN) -Ngày 26/3, Tòa án Nhân dân tỉnh Hưng Yên tổ chức xét xử 9 bị cáo nguyên là cán bộ, công chức xã Dị Sử, huyện Mỹ Hào (nay là Phường Dị Sử, Thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) về các hành vi: Lạm quyền trong khi thi hành công vụ; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; tham ô tài sản.

Vụ án liên quan cựu Bí thư Thị xã Bến Cát: 3/3 yêu cầu giám định của Công an Bình Dương đều bị từ chối

Ông Khanh tiếp tục gửi đơn kêu oan, đề nghị đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can với ông. (Ảnh trong bài: Bùi Yên)
(PLVN) - Sau hơn 5 tháng tạm đình chỉ điều tra, ngày 18/3/2024, Cơ quan CSĐT Công an Bình Dương (CQĐT) có Quyết định 969/QĐ-CSKT(P4) phục hồi điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí và Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” và Quyết định phục hồi điều tra bị can với 7 người; ông Nguyễn Hồng Khanh (SN 1967, cựu Bí thư TX Bến Cát, người mua đất trong vụ án) tiếp tục có đơn yêu cầu đình chỉ điều tra vụ án vì cho rằng ông bị oan trong vụ án đã kéo dài hơn 7 năm.

Hai phạm nhân trốn trại nhận thêm án

Hai bị cáo Phan Công Thành và Nguyễn Đắc Hoàng tại phiên tòa xét xử. Ảnh: PV
(PLVN) - Đang chấp hành án tại Trại giam Xuân Hà (Hà Tĩnh) 2 phạm nhân Phan Công Thành và Nguyễn Đắc Hoàng đã bỏ trốn, sau đó bị bắt giữ và vừa đưa ra xét xử.

VKSND cấp cao kháng nghị hủy bản án phúc thẩm vụ án Công ty Phúc Thanh Vinh

VKSND cấp cao kháng nghị hủy bản án phúc thẩm vụ án Công ty Phúc Thanh Vinh
(PLVN) - VKSND cấp cao đánh giá, suốt quá trình giải quyết vụ án, Cty Phúc Thanh Vinh không cung cấp được chứng cứ chứng minh khách hàng đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Trong khi đó, khách cung cấp được các chứng cứ chứng minh Cty Phúc Thanh Vinh đã vi phạm nghĩa vụ, tự ý đơn phương bán lại các căn nhà cho người khác.