Người Trung Quốc muốn 'thâu tóm' Hollywood?

(PLO) -Người giàu nhất Trung Quốc đang muốn bỏ ra hàng tỷ đô la Mỹ để mua 6 hãng phim hàng đầu Hollywood. Nhiều chính khách Mỹ lo ngại rằng, việc thâu tóm như vậy là một mục tiêu chiến lược của chính phủ Trung Quốc.

Thượng nghị sĩ Mỹ Chuck Schumer - sắp trở thành lãnh đạo phe thiểu số ở Thượng viện - nói ông lo ngại việc chính phủ Trung Quốc dẫn dắt việc thâu tóm các công ty truyền thông, các hãng phim Hollywood – vấn đề thường được Tổng thống đắc cử Donald Trump nêu ra.

Quyền lực mềm

Thượng nghị sĩ Chuck Schumer đang kêu gọi tăng cường xem xét kỹ lưỡng việc Trung Quốc tích cực thâu tóm các hãng phim Hollywood.

Ngày 1/12, Wall Street Journal đưa tin, ông Schumer nói rằng, cần phải xem xét việc mua bán, sáp nhập của phía Trung Quốc có phải do chính phủ Trung Quốc đạo diễn hay không. Ông Schumer đề cập một cái tên cụ thể là Tập đoàn Vạn Đạt Đại Liên (Dalian Wanda Group) của người đàn ông giàu nhất Trung Quốc – Vương Kiện Lâm (Wang Jianlin).

Năm 2016, Vạn Đạt tích cực “tấn công” Hollywood. Hồi tháng 1, tập đoàn này bỏ ra 3,5 tỷ USD để mua lại hãng phim Legendary Entertainment. Legendary sản xuất một số phim đình đám như Pacific Rim, Warcraft… và sắp tới là The Great Wall với sự góp mặt của tài tử Matt Damon. Vạn Đạt tiền thân là công ty phát triển bất động sản ở Trung Quốc.

Tập đoàn này hiện sở hữu hệ thống chiếu phim AMC Entertainment ở Mỹ và nhiều hệ thống rạp khắp thế giới. Được thành lập năm 1920, AMC chiếm thị phần lớn thứ hai tại Mỹ, chỉ sau Regal Entertainment Group.

Người giàu nhất Trung Quốc – Vương Kiện Lâm
Người giàu nhất Trung Quốc – Vương Kiện Lâm

Ngoài việc ký thỏa thuận hợp tác với Sony Pictures, tỷ phú Vương Kiện Lâm hồi tháng 11 nói với The Hollywood Repoter rằng, ông có kế hoạch đầu tư vào tất cả sáu hãng phim lớn của Mỹ. Vạn Đạt đang trông chờ hoàn tất thỏa thuận bỏ 1 tỷ USD mua hãng Dick Clark Productions – chủ sở hữu của Golden Globes (Quả cầu Vàng) và các show giải thưởng Hollywood hoành tráng khác.

“Tôi lo ngại rằng, những vụ thâu tóm này phản ánh các mục tiêu chiến lược của chính phủ Trung Quốc”, ông Schumer viết trong một bức thư gửi cho Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew, Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman và Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Trước đó, nhiều chính khách Mỹ cho rằng, việc các doanh nghiệp Mỹ mua các công ty truyền thông, hãng phim nước ngoài có thể là một dạng triển khai “quyền lực mềm”, vì chính phủ Trung Quốc ưu tiên hàng đầu cho việc tác động văn hóa ở nước ngoài.

“Các ngài có thể chắc chắn rằng, Quốc hội mới năm 2017 sẽ có tăng cường quyền hạn giám sát của Ủy ban Đầu tư nước ngoài ở Mỹ (CFIUS) trực thuộc Bộ Tài chính”, ông Schumer viết. CFIUS xem xét việc nước ngoài thâu tóm các công ty Mỹ có ngành nghề sản xuất, kinh doanh có tầm quan trọng với an ninh quốc gia.

Xưa nay, CFIUS tập trung xem xét trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng quốc gia, không gian vũ trụ, nhưng một nhóm nghị sĩ Mỹ cho rằng, cơ quan này cần mở rộng phạm vi xem xét các vấn đề trong lĩnh vực giải trí và truyền thông.

Trong các chiến dịch tranh cử, tỷ phú Donald Trump thường nói rằng, ông sẽ có quan điểm cứng rắn hơn về việc Trung Quốc thâu tóm các công ty Mỹ. Do đó, nhiều người cho rằng, Mỹ có thể sẽ thay đổi về mặt luật để tăng cường xem xét, giám sát các vụ mua bán như vậy.

Ông Schumer nhận xét: “Trong khi chính phủ Trung Quốc xông pha theo đuổi các chính sách khuyến khích thâu tóm chiến lược ở Mỹ, các công ty Mỹ tiếp tục đối mặt rào cản quá mức khi tiếp cận thị trường Trung Quốc”.

Theo Wall Street Journal, một tài liệu lưu hành trong đội ngũ của ông Trump viết rằng, chính quyền của ông sẽ yêu cầu CFIUS xem xét bất kỳ thương vụ nước ngoài nào mà phía Mỹ không thể làm lại được.

Như vậy, có thể hiểu là CFIUS sẽ xem xét tất cả những vụ doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm các công ty truyền thông, hãng phim Mỹ. Trung Quốc cấm các công ty Mỹ hoàn toàn kiểm soát các doanh nghiệp giải trí, truyền thông Trung Quốc, dù Mỹ cho phép Trung Quốc làm việc đó.

Muốn tiếp cận thị trường Trung Quốc, thị trường phim ảnh lớn thứ hai thế giới, các công ty Mỹ phải thành lập liên doanh với công ty Trung Quốc. Walt Disney, Warner Bros và DreamWorks Animation đều có liên doanh Trung Quốc để điều hành các công viên chủ đề hoặc tham gia sản xuất phim ở Trung Quốc. Ông Schumer cho rằng, đòi hỏi của Trung Quốc như vậy là không công bằng.

Nicole Kidman – nàng thơ của ông chủ Vạn Đạt Đại Liên
Nicole Kidman – nàng thơ của ông chủ Vạn Đạt Đại Liên

Đổ tiền tỷ để thâu tóm

Ở Bắc Kinh, tỷ phú Vương Kiện Lâm đang cân nhắc mọi việc liên quan các thương vụ tại Hollywood. Mới 9 giờ sáng, vị chủ tịch 62 tuổi của Vạn Đạt đã kết thúc mấy cuộc họp trong ngày. Ông kể về ấn tượng đầu tiên của mình về lĩnh vực phim ảnh Hollywood: “Thu nhập không quá lớn, nhưng sức ảnh hưởng thì rất lớn”. 

Bình thường, ông Vương không đến rạp xem phim. Theo những người thân cận, ông nghiện công việc, làm việc quanh năm suốt tháng, không có ngày nghỉ. Hằng năm thường chỉ có một dịp ông đến rạp cùng với bà mẹ năm nay 90 tuổi.

“Hiếu thảo là một đức tính quan trọng đối với người Trung Quốc”, ông Vương giải thích. Nhẹ nhàng, tình cảm với mẹ già, nhưng ông rất mạnh mẽ, quyết liệt khi thâu tóm các công ty giải trí, truyền thông Mỹ.

Sau khi chi 2,6 tỷ USD để thâu tóm chuỗi rạp Bắc Mỹ AMC Entertainment hồi năm 2012, Vạn Đạt nhắm đến các hãng phim Hollywood, bỏ ra 3,5 tỷ USD để thâu tóm Legendary Entertainment rồi rút hầu bao cả đống tiền để mua các hệ thống phân phối, marketing kỹ thuật số, công viên chủ đề…

Tập đoàn này cũng đang chờ hoàn tất vụ thâu tóm Dick Clark Productions với giá 1 tỷ USD. Ở bờ biển đông bắc Trung Quốc, Vạn Đạt sẽ xây dựng hãng phim lớn nhất thế giới, với chi phí 8,2 tỷ USD. 

Ông chủ Vương đang chuẩn bị thành lập quỹ đầu tư mới với số vốn hàng tỷ đô la Mỹ để thâu tóm tất cả 6 hãng phim lớn của Hollywood. Ông không giấu tham vọng sở hữu cổ phần chi phối trong Paramount. Ông tiết lộ kế hoạch của mình khi trò chuyện với phóng viên The Hollywood Reporter trong phòng họp trên tầng 20 của tòa nhà trụ sở chính của Vạn Đạt.

Căn phòng được thiết kế, bố trí như một phòng họp cỡ trung tại Liên Hợp Quốc. Các ghế bọc da đen, vải nhung lông được sắp xếp quanh các bàn gỗ gụ; mỗi chỗ ngồi đều có microphone trông như ăng-ten cỡ nhỏ.

Một cảnh trong phim Warcraft
Một cảnh trong phim Warcraft

Các cửa sổ lớn hết cỡ, chạy từ sàn tới trần để ánh sáng ngập tràn căn phòng. Vào tháng 12, tòa nhà ngập trong sương mù màu xám xanh. Đám sương mù do ô nhiễm không khí sinh ra này bao phủ khắp Bắc Kinh…

Tỷ phú Vương Kiện Lâm nói ông ngưỡng mộ Tom Cruise, Leonardo DiCaprio, Jennifer Lawrence và đặc biệt là Nicole Kidman. “Nói thật, nàng thơ của tôi là Nicole Kidman. Khi tôi còn trẻ, tôi mê cô ấy. Cô ấy rất đẹp, là một tên tuổi lớn ở Trung Quốc”, ông tâm sự. Ông cũng tỏ ra khiêm tốn khi nói về ngành công nghiệp giải trí Trung Quốc khi so với Hollywood. “Lạc quan mà nói, sẽ mất ít nhất 10 năm để chúng tôi có thể làm phim bằng tiếng Anh mà bán được khắp toàn cầu”, ông nói.

Vạn Đạt Đại Liên là cái tên gắn với hàng trăm trung tâm thương mại quy mô lớn ở khắp Trung Quốc. Doanh thu của tập đoàn này đã tăng gần gấp 3 trong giai đoạn 2011-2016, từ 15,6 tỷ USD lên 43 tỷ USD. 100.000 nhân viên Vạn Đạt nằm lòng câu khẩu hiệu kinh điển của tập đoàn – Tốc độ Vạn Đạt.

Với kế hoạch trực tiếp đầu tư vào các hãng phim lớn của Hollywood, dường như Vạn Đạt sắp tăng tốc. Với tài sản cá nhân ước tính 32,6 tỷ USD, ông Vương nói mình hài lòng với tốc độ phát triển của Vạn Đạt.

Với chuỗi rạp chiếu phim xuất hiện trên 4 châu lục, Vạn Đạt hiện kiểm soát nhiều rạp chiếu phim hơn bất kỳ công ty nào trên thế giới. Ít ai ngờ rằng, hồi 20 tuổi, ông Vương bắt đầu sự nghiệp 16 năm trong quân đội Trung Quốc, từ lính biên phòng tới sĩ quan chỉ huy mang quân hàm đại tá.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Chuyện bí ẩn về bút danh Đoàn Chuẩn - Từ Linh

Những câu chuyện xung quanh việc sáng tác chung của Đoàn Chuẩn và Từ Linh cho đến nay, vẫn còn là bí mật. (Ảnh: Vàng Son một thuở)
(PLVN) - Trong hầu hết các sáng tác của mình, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn thường ký bút danh Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Về cái tên Đoàn Chuẩn - Từ Linh có rất nhiều giai thoại. Cho đến tận bây giờ, nhiều người vẫn không thể giải thích hay làm sáng tỏ được việc viết nhạc và lời của hai ông trong các sáng tác.

Phận đời sầu thương của nhạc sĩ Đỗ Lễ

Phận đời sầu thương của nhạc sĩ Đỗ Lễ
(PLVN) - Đỗ Lễ được nhiều người biết đến nhờ những bản tình ca buồn như: “Sang ngang”, “Mắt buồn”, “Ngày tạm biệt”... Những lời ca day dứt, đau thương đã vận vào cuộc đời người nghệ sĩ tài hoa, bạc mệnh này.

Những tài liệu quý về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ

Những tài liệu quý về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Ảnh: Thùy Dương).
(PLVN) - Trong số tài liệu bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ), khối tài liệu về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 là một trong những khối tài liệu phản ánh một phần lát cắt của lịch sử dân tộc vẻ vang, hào hùng giữa thế kỷ XX.

Cảm nhận nhạc Đỗ Bảo ở “Khung trời khác”

Cảm nhận nhạc của Đỗ Bảo giản đơn, mộc mạc, nhưng rất sâu lắng và tinh tế (ảnh NVCC).
(PLVN) - Khung trời khác, là cảm nhận của một chàng ca sỹ Hà Nội về những bài hát do chính một nhạc sỹ Hà Nội sáng tác. Vẫn là những ca khúc quen thuộc của nhạc sỹ Đỗ Bảo, nhưng lại rất mới, rất khác so với những bản thu âm mà khán giả từng nghe trước đó.

Còn mãi tiếng 'oanh ca' Ngọc Lan

Cuộc đời của bà cũng mong manh, bạc mệnh như đóa ngọc lan nhỏ bé. (Nguồn: Nhạc vàng online)
(PLVN) - Tháng 3 là mùa trăm hoa đua nở, nhưng cũng là ngày mất đi một danh ca nổi tiếng người Việt Nam mang tên Ngọc Lan. Bà thành danh ở tuổi 30, nhưng “tài hoa bạc mệnh”, người đẹp đã qua đời ở tuổi 45. Hai mươi năm sau ngày mất, nữ danh ca vẫn để lại tiếc nuối không nguôi trong lòng người hâm mộ.

Có gì ở bom tấn “Godzilla x Kong: Đế chế mới”?

Có gì ở bom tấn “Godzilla x Kong: Đế chế mới”?
(PLVN) - Sau thành công của phần phim “Godzilla Đại chiến Kong”, đạo diễn Adam Wingard và ê-kíp sẽ trở lại trong màn hợp sức của hai siêu quái trong “Godzilla x Kong: Đế chế mới” với một quy mô đồ sộ hơn.