Kịch thiếu nhi mùa hè: Những người tâm huyết lẻ loi

Poster vở diễn Ngày xửa ngày xưa đang được các em thiếu nhi chờ đón mùa hè này.
Poster vở diễn Ngày xửa ngày xưa đang được các em thiếu nhi chờ đón mùa hè này.
(PLO) - Đến hẹn lại lên, vào hè là thời điểm các sân khấu dựng kịch thiếu nhi. Các vở diễn năm nay được đánh giá là hoành tráng, quy mô nghiêm túc, nhưng số lượng vở diễn còn chưa nhiều so với nhu cầu của các em, bởi, sức lực của các sân khấu tư nhân thì có hạn...

Kịch hè 2018 đầu tư lớn

Bắt đầu từ ngày 26/5, sân khấu kịch Idecaf bán vé cho vở diễn Ngày xửa ngày xưa cho đến hết ngày 24/6. Có thể nói, đây là một trong những sự kiện được các em thiếu nhi rất mong đợi vào mỗi dịp mùa hè. Độ “nóng” của Ngày xửa ngày xưa thì khỏi phải nói, ở những vở kịch hè năm trước, nhiều phụ huynh phải chờ đợi, canh mua vé cho con xem đến vài lần mới có được tấm vé mong muốn.

Năm nay, Idecaf dựng vở diễn thiếu nhi có cái tên “siêu dài” và vui nhộn: Alibaba và đầy đủ 40 tên cướp với cây đèn thần của Aladin. Vở diễn năm nay được đầu tư công phu, hoành tráng với kinh phí lên đến 650 triệu đồng, dàn diễn viên lên đến 60 người kỉ lục so với các mùa trước. Cạnh đó, Idecaf cũng đầu tư nghiêm túc khi đặt nhạc sĩ sáng tác bài hát riêng cho vở diễn. Hơn 100 bộ trang phục được may mới hoàn thành, các cảnh dựng trong kịch cũng chế tác hoàn toàn mới chứ không sử dụng lại của các năm trước. Công tác truyền thông cho vở diễn cũng đã thực hiện từ một thời gian trước, và giờ đây thiếu nhi thành phố đang háo hức chờ đón món ăn tinh thần hấp dẫn của mùa hè này.

Kinh phí đầu tư cao hơn nhiều mùa trước, nhưng Ngày xửa ngày xưa vẫn chưa phải là vở diễn thiếu nhi có kinh phí lớn nhất mùa hè năm nay. Kỉ lục này thuộc về Buffalo với dự án nhạc kịch Thủy Tinh - Đứa con thứ 101. Đây là dự án đã được những nghệ sĩ tâm huyết với kịch thiếu nhi vun đắp hình hài trong ba năm nay, một dự án mà nhiều người trong giới coi là liều lĩnh vì kinh phí quá cao, gấp nhiều lần so với một vở kịch dàn dựng cho người lớn và lại không có nhà đầu tư, các nghệ sĩ bỏ tiền túi ra làm. Vở diễn sẽ kết hợp giữa kịch, nhạc kịch, nghệ thuất múa rối... biểu diễn trên nền 15 ca khúc được sáng tác trên nền nhạc dân gian đương đại. Thủy Tinh - Đứa con thứ 101 sẽ là sự kết hợp giữa một thần thoại đã quen thuộc với bao thế hệ người Việt - câu chuyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh và nhiều chi tiết phá cách táo bạo mang hơi thở nghệ thuật hiện đại. Tuy nhiên, một động viên tinh thần khá lớn để các nghệ sĩ đó là thành công của vở nhạc kịch Bé chịu chơi năm 2017 lưu diễn tại Hà Nội sau khi gây “bão” phòng vé tại TP HCM.

Ngoài các vở diễn đầu tư lớn, các em thiếu nhi còn có những lựa chọn khác từ các sân khấu kịch Trịnh Kim Chi, kịch Hồng Hạc... Nghệ sĩ Trịnh Kim Chi sẽ cho ra mắt thiếu nhi vở diễn Tiên Hắc Ám, phỏng theo bộ phim ăn khách của Hollywood vài năm trước. Sân khấu Hồng Hạc sẽ ra mắt vở diễn Thiên thần nhỏ của tôi chuyển thể từ  tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Kịch thiếu nhi chưa được thành phố quan tâm?

Về mặt chất lượng, kịch thiếu nhi năm nay có sự đầu tư đáng kể, công phu và nghiêm túc. Tuy nhiên, điều không vui là số lượng các vở kịch hè cho các em lại giảm bớt. Cho đến thời điểm này, các sân khấu kịch từ trước đến nay vẫn có kịch hè thiếu nhi như Hoàng Thái Thanh, kịch Hồng Vân, Thế giới trẻ... vẫn chưa hề có lịch diễn cho ngày 1/6 sắp tới cũng như dịp hè. Cũng đúng thôi, khi mà kịch thiếu nhi luôn đòi hỏi sự sáng tạo, đầu tư bài bản nhưng kế hoạch thu hồi vốn và thu lợi nhuận thường khá bấp bênh, rủi ro. Thế nên, phải yêu thiếu nhi lắm, tâm huyết với kịch thiếu nhi lắm thì người nghệ sĩ mới có thể trụ đường dài với bài toán có khả năng đem lại lỗ nhiều hơn lãi này. 

Đáng nói là ngoài những đơn vị tư nhân đầu tư cho kịch thiếu nhi thì thành phố dường như chưa có sự quan tâm đúng mức đến hình thức văn hoá giải trí bổ ích này. Mặc dù là một loại hình nghệ thuật giải trí lành mạnh, giúp các em có thể học được những bài học làm người sâu sắc, nhưng từ trước đến nay, hầu như chưa thấy một dự án đáng kể nào của thành phố đầu tư vào mảng kịch thiếu nhi. Tất cả đều do các nghệ sĩ, các nhà đầu tư tư nhân tự làm, lời ăn, lỗ chịu. 

Và mỗi năm, số vở kịch giảm đi, nghĩa là có thể đã có người hết vốn, có người nản lòng. Nghĩa là những người tâm huyết với kịch thiếu nhi lại lẻ loi hơn trên con đường nghệ thuật vị nhân sinh đầy chông gai của mình.

Đọc thêm

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”
(PLVN) - “Lật mặt 7: Một điều ước” của Lý Hải dù chưa ra rạp song đã nhận sự quan tâm khi quy tụ dàn diễn viên bậc nhất trong cả series, lên đến 50 người. Trong phần phim mới, có nhiều “bóng hồng” xinh đẹp, tài năng cùng góp mặt.

Nam tài tử đời đầu của màn ảnh Việt

Ông ghi dấu bằng vẻ ngoài đẹp trai, tài năng diễn xuất. (Nguồn: Cô Hai Kim Cương)
(PLVN) - Trước những năm 1975, La Thoại Tân cùng với Trần Quang, Lê Quỳnh, Hùng Cường, được mệnh danh là những nam diễn viên điện ảnh tài năng, phong độ nhất của mảnh đất Sài Gòn phồn hoa. Mười sáu năm sau khi La Thoại Tân mất (13/3/2008), người hâm mộ vẫn chưa bao giờ quên chàng nghệ sĩ lịch lãm, với những vai diễn để đời.

Gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu

Sinh viên hào hứng với chương trình Sân khấu học đường. (Nguồn: NVH Sinh viên TP Hồ Chí Minh)
(PLVN) - Nhiều năm qua, không ít nhóm nghệ sĩ tâm huyết đã cố gắng đưa các vở diễn có giá trị nhân văn đến học đường biểu diễn cho các em học sinh. Những nỗ lực này nhằm giúp lan tỏa tinh thần yêu sân khấu đến với thế hệ trẻ, gìn giữ một bộ môn nghệ thuật di sản, đồng thời gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu.

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà"

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà" (ảnh trong phim).
(PLVN) - Trong “Người một nhà”, nghệ sĩ Vân Dung vào vai người mẹ vừa lạ vừa dị. Người mẹ này đã bỏ hai anh em Tuệ để chạy theo cuộc sống riêng và đó cũng là một phần lý do tạo nên tính cách, hoàn cảnh và những xung đột trong cuộc sống của họ.