Chuyện chưa kể phía sau vụ án mua bán trái phép 1.415 bánh Heroin

Bị cáo Châu (áo xanh) bị dẫn giải tới phòng xé xử
Bị cáo Châu (áo xanh) bị dẫn giải tới phòng xé xử
(PLO) -Với 9 án tử hình, 9 án tù chung thân và trên 80 năm tù dành cho những kẻ "gieo rắc cái chết trắng" là bài học cho những ai bị ma lực của đồng tiền cám dỗ. Phía sau vụ án này, còn có rất nhiều điều chưa kể...
 

 

Sau hơn 20 ngày xét xử liên tục, cuối tháng 3/2016 vừa qua, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Hòa Bình đãđưa ra những bản án nghiêm khắc, thích đáng đối với hàng loạt bị cáo trong vụ án mua bán trái phép 1.145 bánh Heroin.  

“Ông trùm”

Trong số 23 bị cáo hầu tòa trong vụ án, đáng chú ý là hai vợ chồng Nguyễn Trung Kiên (SN 1973) và Nguyễn Thị Thu Hảo (SN 1976 ngụ tại tổ 23 phường Tân Thịnh, TP.Hoà Bình; đăng ký thường trú tại số 06, ngõ 207/65 Xuân Đỉnh, Phường Xuân Đỉnh, Quận Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội). 

Trước khi bị bắt, Kiên là một trong số những bị cáo có vai trò tích cực, được biết tới với vai trò đầu vụ. Số lượng heroin mà Kiên phải chịu trách nhiệm đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) làm rõ và truy tố trước toà là 1.269 bánh tương đương với hơn 445kg.

Theo Kết luận điều tra, vào hồi 03h10’ ngày 06/1/2015, tổ công tác của Cục CSĐT tội phạm về ma tuý (C47) - Bộ Công an, đã phối hợp với các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại khu vực Dốc Má (thuộc xã Thu Phong, huyện Cao Phong, Hoà Bình) phát hiện, bắt quả tang đối tượng Trần Đức Duy (SN 1986, ngụ tại tiểu khu 8, thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình) đang vận chuyển trái phép 94 bánh heroin, có tổng trọng lượng 32.999,10gram cùng 1 khẩu súng ngắn với 7 viên đạn và một số tang vật có liên quan. 

Quá trình điều tra, mở rộng vụ án, Cơ quan CSĐT đã bắt giữ các đối tượng Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Trung Kiên, Lương Văn Vững, Chu Văn Hậu, Vũ Thị Thu Hảo, Đào Xuân Thuỷ về hành vi "Mua bán trái phép chất ma tuý". 

Tiếp tục đấu tranh, điều tra mở rộng vụ án, Cơ quan CSĐT đã tiếp tục bắt và ra quyết định khởi tố đối với 16 bị can về các tội danh “Mua bán trái phép chất ma tuý”, “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”. 

Trong đường dây này, Kiên đóng vai trò tích cực, tham gia mua bán trái phép ma tuý với số lượng cực lớn từ Lào qua xã Loóng Luông (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) rồi tiếp tục mua bán, vận chuyển qua các tỉnh Hoà Bình, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn rồi bán sang Trung Quốc. 

Theo kết quả điều tra, Cơ quan CSĐT đã xác định từ tháng 2/2014 đến tháng 1/2015, Kiên đã cùng với đồng bọn thực hiện 7 lần mua bán trái phép chất ma tuý với tổng số 1.269 bánh heroin. Trong đó, lần nhiều nhất là 362 bánh còn lần ít nhất là 80 bánh heroin.

Cũng trong đường dây mua bán ma túy này, trong quá trình điều tra do không đủ căn cứ để khởi tố đối với Vũ Thị Thu Hảo về tội “Mua bán trái phép chất ma tuý” nên ngày 28/12/2015, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã thay đổi quyết định khởi tố bị can đối với Hảo từ tội “mua bán trái phép chất ma tuý” sang tội “Không tố giác tội phạm” theo điều 134 Bộ Luật hình sự. 

Theo kết quả điều tra, cơ quan CSĐT đã có đủ căn cứ kết luận Hảo biết rõ chồng là Nguyễn Trung Kiên cùng các đồng phạm khác thực hiện việc mua bán trái phép chất ma tuý nhưng không tố giác với cơ quan chức năng. Hành vi của Hảo đã phạm tội “Không tố giác tội phạm” được quy định tại khoản 1, điều 314 Bộ Luật hình sự. 

Trong quá trình điều tra và tại phiên toà xét xử, Hảo đã thành khẩn khai báo toàn bộ hành vi phạm tội. Lời khai báo của Hảo tại phiên toà phù hợp với tài liệu, chứng cứ của Cơ quan CSĐT thu thập trong quá trình điều tra.

Từ một gã thanh niên hiền lành, Kiên đã bị ma lực của đồng tiền cám dỗ nên đã bỏ lại tất cả, mẹ già và mấy đứa con nheo nhóc. Để rồi khi đối diện án phạt nghiêm khắc của pháp luật dành cho mình, cả hai vợ chồng đã bật khóc.

Bi kịch của 1 tài xế taxi

Trong quá trình theo dõi phiên tòa xét xử vụ án này, không ít người tham dự bày tỏ sự tiếc nuối dành cho bị cáo Nguyễn Trung Kiên. 

Theo một người hàng xóm, vốn biết khá rõ về lai lịch Kiên thì Kiên là một người hiền lành. Trước đây, do điều kiện, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Kiên đã phải làm nhiều việc lao động chân tay để nuôi sống bản thân và gia đình. 

Sau đó, Kiên đã xin vào làm lái xe taxi tại thành phố Hoà Bình. Trong quá trình này, với vai trò là trụ cột gia đình, Kiên cực kỳ chịu thương, chịu khó, tham công tiếc việc. Thậm chí, với những “cuốc” xe đêm hoặc những chuyến xe lẻ chỉ từ 10 - 20 nghìn đồng nhưng Kiên đều không từ bỏ để kiếm tiền nuôi vợ con, lo cho gia đình nhỏ của mình.

Trái với tính cách, con người hiền lành, chịu thương, chịu khó của Kiên thì Hảo lại là một người đàn bà chỉ biết hưởng thụ cuộc sống chứ không cùng chồng vun vén hạnh phúc gia đình. 

Hảo là một kẻ ham cờ bạc, đỏ đen. Chồng cứ làm ra tiền thì Hảo lại nướng hết vào chiếu bạc. Trong hồ sơ của bị cáo này, năm 2001, Vũ Thị Thu Hảo đã bị TAND thị xã Hoà Bình xử phạt 30 tháng tù về tội trộm cắp tài sản tại bản án số 24/HSST ngày 03/4/2001. 

Có lẽ cũng vì thế, cuộc sống gia đình vốn đã khó khăn với duy nhất một lao động chính làm ra tiền đã dần đẩy Kiên vào con đường mua bán trái phép chất ma tuý. 

Ban đầu, Kiên cũng chỉ là dắt mối cho các đối tượng nghiện nhưng nhanh chóng trở thành đầu mối bán lẻ và tham gia đường dây mua bán trái phép chất ma tuý với số lượng cực lớn...Cứ như vậy, càng ngày, đối tượng này càng sa lầy vào con đường tội lỗi.

Việc Kiên bị bắt về tội ma túy đã khiến cho nhiều người bất ngờ. Và bản án tử hình dành cho Kiên cũng đã làm cho nhiều người cảm thấy tiếc cho một kẻ hiền lành đã trở thành nô lệ của đồng tiền. Còn Hảo bị tuyên phạt 18 tháng tù giam. Giá như cả hai vợ chồng Kiên tu chí làm ăn và cùng nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống thì bi kịch đã không xảy đến.

Chỉ buôn “hàng” khi có bầu

Trong vụ án mua bán ma túy "khủng" tại Hòa Bình, Đặng Minh Châu (còn có tên khác như Liên toác, Hương, SN 1973 có đăng ký tạm trú tại số 118 Tam Thanh, phường Tam Thanh, TP.Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn). 

Tuy nhiên, chỗ ở thường xuyên của thị lại ở thị trấn Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Ít ai biết rằng, người đàn bà này là một bà trùm có “số má” chuyên cung cấp ma tuý từ Việt Nam sang Trung Quốc với số lượng cực lớn...

Trong suốt thời gian diễn ra phiên toà xét xử 23 đối tượng trong đường dây mua bán trái phép 1.415 bánh Heroin, chúng tôi dành sự chú ý tới một bị cáo nữ trong vụ án. Khác với nhiều bị cáo khác trong các vụ án mua bán ma túy, Châu (tức Liên toác) bộc bạch tâm tư của mình mà không hề ái ngại, giấu giếm, hệt như cái biệt danh của Châu.

Khi chúng tôi hỏi chuyện, Châu cho biết mình sinh ra và lớn lên ở Lạng Sơn, là người dân tộc Tày, nhà có 3 anh chị em, Châu là chị cả. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên Châu chỉ học đến hết lớp 11 rồi ở nhà đi làm gánh hàng cho các mối buôn lậu qua cửa khẩu. Từ việc qua lại biên giới thường xuyên, Châu bước vào nghề buôn ma tuý lúc nào cũng chẳng biết. 

"Lúc đầu, em chỉ dám buôn bán nhở lẻ, một vài tép heroin 10 đến 20 nghìn. Sau có được mối quen biết để tiêu thụ hàng bên Trung Quốc nên em mới tính liều nên làm ăn lớn cũng được vài năm. Đến năm 2002, sau khi sinh đứa đầu, em trở thành nguồn cung cấp ma tuý từ Việt Nam cho nhiều mối phía Trung Quốc”. 

Đến năm 2004, đường dây mua bán trái phép hơn 100 bánh heroin, Châu tham gia bị Công an Hà Nội triệt phá, bóc gỡ và bị bắt. “Tuy nhiên, lúc đó do còn đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên được tại ngoại. Lợi dụng điều này em trốn sang Trung Quốc sinh sống và tiếp tục trở thành đầu đầu mối cung cấp ma tuý tại thị trấn Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc)", Châu bộc bạch với phóng viên. 

Trong hồ sơ của người đàn bà này, sau một thời gian lẩn trốn ở Trung Quốc, đến năm 2008, Đặng Minh Châu trở về Việt Nam với cái... bụng chửa và tiếp tục tham gia, điều hành và trở thành nguồn cung cấp ma tuý rất lớn cho bạn hàng phía bên kia biên giới. 

Trong thời gian đó, về phía lực lượng chức năng cũng đã nhiều lần tống đạt quyết định bắt giữ đối tượng Đặng Minh Châu nhưng không thể thực hiện được do chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước đối với phụ nữ đang mang thai và nuôi con nhỏ. 

Đáng nói, ngay sau khi hết “quyền miễn trừ” đối phụ nữ đang mang thai và nuôi con nhỏ trong chấp hành hình phạt tù theo quy định, một lần nữa Đặng Minh Châu lại “biến mất”. 

Cũng giống như lần trước đó, người dân vùng biên Lạng Sơn cũng chỉ được gặp lại Đặng Minh Châu khi thị đang bụng mang, dạ chửa. Ngay tại phiên tòa, Châu nói thủng thẳng: "Chỉ khi nào đang mang thai và nuôi con nhỏ thì em mới về để buôn ma tuý. Còn không thì em vẫn ở bên kia (Trung Quốc - PV) để điều hành và làm đầu mối cung cấp ma tuý cho đối tác".

Dù rất quỷ quyệt và ranh ma nhưng cuối cùng Châu vẫn không thể thoát khỏi "lưới trời lồng lộng". Khi Đặng Minh Châu gặp lại lực lượng CCĐT tội phạm về ma túy khi thị được làm rõ chính là một trong những mắt xích quan trọng trong vụ án mua bán trái phép 419 bánh Heroin giấu trong 2 bình ga công nghiệp do Cục CSĐT tội phạm về ma túy, Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Hòa Bình, Công an TP Hà Nội, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển... làm nhiệm vụ tại khu vực cầu Phù Đổng, thuộc xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm (Hà Nội) phát hiện và bắt giữ vào ngày 23/7/2015. Lúc này, đứa con thứ 3 của thị mới được 2 tuổi.    

"Đã dám làm thì dám chịu"

Trong suốt quá trình điều tra và thời gian diễn ra phiên tòa xét xử, không giống như các đồng phạm nam, Đặng Minh Châu luôn tỏ ra cứng rắn và thẳng thắn khi thị không hề chối tội. 

Thậm chí, Châu tỏ ra rất thành khẩn khi khai báo và giúp lực lượng chức năng cũng như Hội đồng xét xử làm rõ một số tình tiết của một số đối tượng có liên quan không thừa nhận hành vi, chối tội. 

Điều này, cũng đã thể hiện rõ trong phiên xét hỏi bị cáo Chu Văn Quỳnh ngày 18/3/2016. Chu Văn Quỳnh là đối tượng ngoan cố, phản cung, chối tội, không thừa nhận hành vi phạm tội mua bán trái phép 20 bánh Heroin với vai trò là người thực hành, thu lợi bất chính số tiền 600 triệu đồng. 

Tuy nhiên, từ lời khai nhận của Châu, cuối cùng Chu Văn Quỳnh đã phải cúi đầu thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Và ngay tại phiên toà, trước HĐXX, khi được đưa lên đối chất với Quỳnh, Châu đã quay sang phía Quỳnh nói to: "Đã dám làm thì phải dám chịu. Đã cùng hội, cùng thuyền thì tội mình có như thế nào thì phải nhận, không được hèn nhát chối tội, đẩy lỗi cho người khác như thế". Khi nghe đàn chị nói như vậy, bị cáo Quỳnh chỉ im lặng, cúi đầu không dám "phản cung" như trước.

Trong vụ án này, với hành vi phạm tội 2 lần mua bán trái phép 175 bánh Heroin tương đương với tổng trọng lượng trên... 61kg với vai trò là chủ mưu, cầm đầu, thu lợi bất chính tổng số tiền 3,370 tỷ đồng, lẽ ra Nguyễn Minh Châu phải nhận bản án cao nhất là tử hình.

Tuy nhiên, quá trình điều tra và xét xử tại phiên toà, Đặng Minh Châu đã tỏ ra ăn năn, hối lỗi, thành khẩn khai báo hành vi phạm tội của mình và các đồng phạm khác. 

Do vậy, xét tính chất, mức độ hành vi của bị cáo HĐXX TAND tỉnh đã tuyên phạt Đặng Minh Châu mức án tù chung thân. Tuy nhiên, do có liên quan đến hàng loạt vụ án mua bán trái phép ma túy có liên quan khác mà Châu có vai trò tương tự (sẽ được xét xử ở vụ án khác - PV), Châu khó có thể thoát khỏi mức hình phạt cao nhất. 

Khi bị dẫn giải ra xe thùng, chuẩn bị về trại tạm giam, Châu vẫn giữ thái độ bình thản nhưng giọng nói đã trùng xuống: "Vụ xử sau thì có lẽ em sẽ không thoát khỏi mức án cao nhất. Âu nó cũng là cái luật nhân quả. Em đã đi gieo những hạt giống chết chóc thì em cũng phải chấp nhận hình phạt cao nhất. Còn bây giờ, được sống ngày nào thì biết ngày đó để sám hối".

Trong công tác đấu tranh với các loại tội phạm, truy bắt tội phạm ma túy bao giờ cũng là cuộc chiến gian nan nhất. Đối tượng vận chuyển, mua bán ma túy sẵn sàng chống trả quyết liệt, không ngại thương tích, tìm mọi cách “mở đường máu” hòng thoát khỏi tay lực lượng chức năng. Nhưng với tinh thần quyết tâm, mưu trí, lực lượng cảnh sát tại các địa phương luôn phá án thành công, bắt tội phạm ma túy về quy án.

Chiều 21/3, Bộ trưởng Tô Lâm đã đến thăm, làm việc và biểu dương chiến công, thành tích của lực lượng Cảnh sát ma túy nói chung và Cục CSĐT tội phạm về ma túy (C47, Bộ Công an) nói riêng cùng các lực lượng chức năng khác đã phá thành công 2 đường dây vận chuyển ma túy, thu giữ 130 bánh heroin tại Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình vào ngày 18/3.

Tại buổi thăm và biểu dương cán bộ chiến sĩ Cục C47, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, đấu tranh với tội phạm ma túy là mặt trận rất nguy hiểm, đặc biệt là trên tuyến QL6 từ Sơn La về Hà Nội được cho là tuyến đường trọng điểm về ma túy như địa bàn xã Hang Kia, Pà Cò của Hòa Bình và xã Lóng Luông của Sơn La. Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phải tập trung lực lượng, phối hợp chặt chẽ với Biên phòng và Công an các địa phương có giải pháp ngăn chặn ngay từ đầu.

Bộ trưởng Tô Lâm chỉ rõ, "Nếu chúng ta xử lý được tội phạm ma túy thì sẽ kéo giảm được các loại tội phạm khác như giết người, giết người hàng loạt, ngáo đá, trộm cắp, cướp... Theo thống kê có 70-80% các loại tội phạm có nguyên nhân là vì ma túy. Trong trại giam số lượng đối tượng giam giữ liên quan đến ma túy chiếm tới 80%”.

Đọc thêm

Gặp tổ công tác 141, hai thanh niên tự nguyện giao nộp... ma túy

Các tổ công tác 141-CATP tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố.
(PLVN) - Khi tổ công tác 141 thực hiện công tác tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố trên đường Lê Trọng Tấn - Hà Đông (Hà Nội), hai thanh niên tỏ ra lúng túng, lo sợ, tự giác giao nộp 01 túi nilon kích thước 01x01 cm bên trong chứa chất tinh thể màu trắng cho lực lượng chức năng. Tại chỗ, các đối tượng khai là ma túy đá.

Gia Lai: Giao xe máy cho con chưa đủ tuổi rồi gây tai nạn giao thông, người mẹ lãnh án

Bị cáo Rơ Mah Pil tại phiên tòa.
(PLVN) - Sáng 27/3, TAND huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã mở phiên tòa xét xử lưu động đối với bị cáo Rơ Mah Pil (38 tuổi, trú tại xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, Gia Lai, mẹ của Rơ Mah Tinh) về tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ" theo Điều 264 Bộ luật Hình sự.