Vụ TNGT thảm khốc tại cầu Ghềnh: Hai người lái tàu bị án oan được xin lỗi, bồi thường

Ông Túy nhận hoa xin lỗi từ đại diện VKSND TP Biên Hòa
Ông Túy nhận hoa xin lỗi từ đại diện VKSND TP Biên Hòa
(PLO) -Sau nhiều ngày xét xử và nghị án, chiều 29/8 TAND TP HCM chấp nhận một phần kháng cáo của ông Nguyễn Xuân Phú (phụ lái tàu trong tai nạn cầu Ghềnh năm 2011), buộc VKSND TP Biên Hòa bồi thường cho ông 503 triệu đồng - tăng 154 triệu đồng so với án sơ thẩm.

Phán quyết được đưa ra sau khi HĐXX căn cứ vào tài liệu chứng cứ ông Phú cung cấp và Luật bồi thường Nhà nước; chấp nhận thêm các khoản chi phí đi lại khiếu nại trong quá trình điều tra, truy tố, chi phí gia đình thăm nuôi lúc ông Phú bị giam oan.

Theo nội dung vụ kiện, tối 6/2/2011, ông Nguyễn Văn Túy (lái chính) và ông Phú điều khiển tàu SE2 từ TP HCM đi Bình Thuận. Đến gần cầu Ghềnh, thấy đèn tín hiệu cho phép nên họ cho tàu chạy qua. Khi tàu vào đến nơi thì ông Tuý phát hiện ôtô kẹt trong cầu nên hãm phanh, song không kịp. Tai nạn xảy ra khiến 2 người chết, 22 người bị thương.

Ông Phú và 7 người liên quan bị bắt ngay trong đêm để điều tra. Trong đó, ông Phú và lái chính bị khởi tố về hành vi Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt. Sau 278 ngày bị giam, cả hai được tại ngoại.

Đến tháng 2/2015, VKSND TP Biên Hòa miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho hai người lái tàu với lý do "chuyển biến tình hình mà hành vi phạm tội không còn gây nguy hiểm cho xã hội". 

Không đồng ý với quyết định này, hai người lái tàu đi kêu oan. Sau thời gian dài gõ cửa các cơ quan tố tụng các cấp và trung ương, ngày 5/4/2016, VKSND TP Biên Hòa có quyết định đình chỉ vụ án đối với ông Phú vì lý do "không có hành vi phạm tội".

Do không thỏa thuận được tiền bồi thường, ông Phú khởi kiện VKSND TP Biên Hoà đòi hơn 1,7 tỷ đồng tiền tổn thất tinh thần, mất thu nhập, thiệt hại thực tế của gia đình…

Hồi cuối tháng 5, TAND quận 9 (TP HCM) xử sơ thẩm tuyên buộc VKSND TP Biên Hoà (Đồng Nai) bồi thường cho ông Nguyễn Xuân Phú 349 triệu đồng tiền tổn thất tinh thần, thu nhập bị mất, tổn hại sức khỏe, chi phí kêu oan… trong hơn 10 tháng bị oan.

Toà nhận định, nhiều khoản thiệt hại ông Phú yêu cầu ngoài quy định của pháp luật, đồng thời không cung cấp được chứng từ nên không có cơ sở chấp nhận. Không đồng ý với phán quyết này, ông Phú kháng cáo.

Liên quan vụ việc, ông Tuý cũng kiện đòi bồi thường oan sai. Hồi tháng 2, TAND tỉnh Bình Dương đã chấp nhận yêu cầu của ông Túy, buộc VKSND TP Biên Hòa nâng mức bồi thường từ 270 lên 322 triệu đồng. 

* Một ngày sau khi tòa buộc VKSND bồi thường hơn 500 triệu cho người phụ lái tàu, ngày 30/8, tại Xí nghiệp đầu máy Sài Gòn, VKSND TP Biên Hòa tổ chức xin lỗi công khai ông Nguyễn Văn Túy (50 tuổi, lái chính tàu SE2).

Ông Danh Huệ (Viện phó VKSND TP Biên Hòa) thừa nhận sai sót của cơ quan tố tụng trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự dẫn đến oan sai đối với ông Túy. 

"Thời gian ông bị giam phải xa cách gia đình, cuộc sống thiếu thốn, ảnh hưởng tâm lý... Chúng tôi biết những thiệt hại vật chất và tinh thần của ông và gia đình là không thể bù đắp. Những lời xin lỗi của VKSND TP Biên Hoà hôm nay chỉ là bù đắp một phần nhỏ bé", ông Huệ nói và bày tỏ mong muốn ông Túy và người thân chấp nhận lời xin lỗi. Sau buổi lễ, Viện sẽ công khai xin lỗi trên báo trong ba kỳ liên tiếp và chủ động bồi thường.

Phát biểu tại cuộc gặp, ông Túy nói rằng lẽ ra buổi xin lỗi này phải diễn ra từ khi đình chỉ vụ án. Số tiền 320 triệu bồi thường cho ông là chưa thỏa đáng so với những mất mát gia đình ông gánh chịu trong những năm qua.

"Ngày tôi bị bắt giam, gia đình tôi thấp cổ bé họng chỉ biết đi kêu oan. Có rất nhiều khoản chúng tôi bị mất thu nhập thực tế nhưng các anh lại yêu cầu tôi phải cung cấp hóa đơn. Tôi hỏi lãnh đạo VKSND TP Biên Hòa, tôi đi đâu để xin những hóa đơn này?", ông Túy hỏi: "Tôi ghi nhận thành ý của VKSND TP Biên Hòa hôm nay, song Viện xử lý chưa thấu tình đạt lý".

Theo chị ông Túy, ngày em trai bị bắt gia đình rất sốc. Vợ con ông Túy ốm đau không ai chăm sóc, bà phải một mình đi khắp nơi gõ cửa các cơ quan tố tụng kêu oan cho em. "Cơ quan điều tra biết rõ em tôi không có lỗi nhưng vẫn cố tình truy tố. Những hành vi này cần được điều tra làm rõ và xử lý", chị ông Túy kiến nghị.

Trước đó, cuối năm 2015, TAND tỉnh Đồng Nai đã tuyên phạt 4 nhân viên gác chắn Cầu Ghềnh từ 2 đến 5 năm tù về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tài xế ôtô gây kẹt xe bị phạt 5 năm tù về tội Cản trở giao thông đường sắt.

Đọc thêm

Có 3 tiền án nhưng vẫn không quên nghề 'đạo chích'

Đối tượng Lại Trung Thành cùng tang vật thu giữ trong vụ án.
(PLVN) - Tại cơ quan điều tra, Lại Trung Thành bước đầu thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Bản thân Thành từng có 3 tiền án về tội trộm cắp tài sản, tổng thời gian chấp hành án phạt tù là 8 năm 6 tháng.

Thanh Hóa: Tổ chức sử dụng ma túy trong đám cưới

Các đối tượng: Chung, Minh, Ba, Nam (từ phải qua trái)
(PLVN) - Một số đối tượng có biểu hiện tổ chức sử dụng ma túy tại đám cưới của Phùng Văn Chung nên đã triệu tập lên Công an xã làm việc và test nhanh ma túy. Qua test nhanh nước tiểu trong cơ thể của Phùng Văn Chung, Đặng Trọng Minh kết quả đều dương tính với ma túy.

Nghệ An: Khởi tố đối tượng gây ra hơn 10 vụ trộm cắp

Đối tượng Lê Sỹ Đào
(PLVN) - Ngày 24/4, thông tin từ Công an tỉnh Nghệ An, Công an huyện Yên Thành vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với đối tượng Lê Sỹ Đào (SN 1986, trú tại xóm 7, xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn). Đây là đối tượng đã gây ra hàng chục vụ trộm cắp tài sản.

Bản án của 2 người đàn ông làm thuê cho "trà xanh"

Hai bị cáo tại phiên xét xử.
(PLVN) - Ngày 23/4, Tòa án nhân dân TP Đà Nẵng mở phiên xét xử và tuyên phạt Lê Văn Sinh Nhật (49 tuổi, trú quận Sơn Trà) 4 năm 6 tháng tù; Nguyễn Quang Nam (29 tuổi, trú quận Cẩm Lệ) 4 năm tù cùng về tội Cố ý làm hư hỏng tài sản.