Nữ “đại gia” mất 9 tỉ vì tung tiền làm “tín dụng đen”

Hình minh họa
Hình minh họa
(PLO) -Mới đây, TAND tỉnh Khánh Hòa đã quyết định trả hồ sơ cho VKSND cùng cấp yêu cầu cơ quan này điều tra làm rõ thêm một số tình tiết mới phát sinh trong vụ bị cáo Trương Thị Thúy Kiều (Dược sỹ, SN 1962, trú thôn Lập Định, Cam Hòa, huyện Cam Lâm) bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Theo hồ sơ, khoảng từ tháng 12/2010, Kiều quen biết và bắt đầu “làm ăn chung” với một phụ nữ “đại gia”. Hai bên có lập hai bản thỏa thuận về việc cho vay tiền. Theo đó, khi người nào đó có nhu cầu vay tiền thì Kiều giới thiệu gặp để “đại gia” giao tiền.

Mỗi người như vậy Kiều có trách nhiệm thu lãi và gốc về, được hưởng phần lãi suất là 1.000đồng/1 triệu/ngày rồi đưa số tiền gốc và lãi còn lại cho “đại gia” (4.000đồng/1 triệu/ngày). Việc làm ăn theo thỏa thuận trên kéo dài một thời gian mà không phát sinh mâu thuẫn gì.

Tuy nhiên trong khoảng thời gian từ ngày 29/8/2011 đến ngày 10/10/2011, Kiều đã dẫn 6 người đến vay của “đại gia” tổng số tiền 1,3 tỷ đồng, những người này đều trực tiếp nhận tiền, viết giấy vay với “đại gia” và được sự bảo lãnh của Kiều. Bên cạnh đó Kiều còn làm giả 50 hợp đồng cho vay để chiếm đoạt tiền của “đại gia” với số tiền 9.285.000.000 đồng. 

Cụ thể, ngày 29/8/2011, bà Đặng Thị Tuyết Nhung ở Cam Lâm có nhu cầu vay 30 triệu đồng để sửa nhà nên đã gặp Kiều đặt vấn đề vay tiền. Do làm ăn thua lỗ, đang kẹt tiền nên Kiều đã dẫn Nhung đi gặp “đại gia” để vay tiền nhưng nhờ Nhung vay luôn 200 triệu đồng và không cho “đại gia” biết. Bà Nhung chỉ lấy 30 triệu đồng, còn số tiền 170 triệu đồng đưa lại cho Kiều.

Việc bà Nhung viết giấy và mượn 200 triệu đồng là do Kiều năn nỉ và cam kết chịu trách nhiệm về khoản tiền vay của Nhung đối với “đại gia”. Khoảng 3 tháng sau bà Nhung đã đưa cho Kiều tổng cộng 42 triệu đồng (trong đó 30 triệu đồng tiền gốc và 12 triệu đồng tiền lãi) để trả cho chủ nợ, nhưng Kiều không đưa cho “đại gia” mà để chi tiêu cá nhân hết. 

Tương tự, ngày 12/9/2011, bà Lê Thị Hà ở Cam Lâm đã gặp Kiều đặt vấn đề vay số tiền 150 triệu đồng để đáo hạn ngân hàng. Kiều đã dẫn bà Hà đến gặp “đại gia”. Do tin tưởng Kiều nên “đại gia” đã cho bà Hà vay 150 triệu đồng và bà Hà viết giấy nhận nợ. 12 ngày sau bà Hà đã đưa 150 triệu đồng cho Kiều để trả, sau đó bà Hà đưa tiếp cho Kiều 5 triệu đồng tiền lãi. Nhưng Kiều chỉ đưa cho chủ nợ 5 triệu đồng tiền lãi, còn 150 triệu thì Kiều chiếm đoạt, sử dụng hết.

Một ví dụ khác, ngày 16/9/2011, chị Hoàng Thị Mỹ Hường ở Cam Lâm cần vay số tiền 300 triệu đồng để đáo hạn ngân hàng nên gặp nhờ một người gần nhà vay tiền, được giới thiệu đến gặp Kiều và được Kiều giới thiệu vay của “đại gia”. Vì đáo hạn không được nên 5 ngày sau chị Hường đã đưa 300 triệu đồng cho người quen nhờ đưa cho Kiều để trả cho Thủy. Nhưng khi nhận được  tiền, Kiều đã chiếm đoạt mà không trả cho chủ nợ. 

Theo cáo trạng, bị cáo Trương Thị Thúy Kiều đã chiếm đoạt số tiền hơn 9,3 tỉ của một người chuyên cho vay
Theo cáo trạng, bị cáo Trương Thị Thúy Kiều đã chiếm đoạt số tiền hơn 9,3 tỉ của một người chuyên cho vay 

Tại cơ quan điều tra, Kiều đã khai nhận toàn bộ nội dung trên và cho rằng do nợ nần nhiều nên khi những người vay đưa tiền để trả lại cho “đại gia”, Kiều đã chiếm đoạt với số tiền là 662 triệu đồng và 60 triệu đồng tiền gốc một người đưa cho Kiều để trả cho “đại gia” nhưng Kiều không trả mà tiêu xài cá nhân.

Tổng cộng Kiều đã lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt của “đại gia” với số tiền 722 triệu đồng, dùng để trả lãi các khoản vay riêng của mình trước đó, tiêu xài cá nhân hết và nói dối với “đại gia” rằng vẫn chưa đòi được những khoản nợ này.

Về hành vi lừa đảo, với 3 trường hợp do bị hại cung cấp, cho rằng Kiều đã dẫn người đến vay tiền và viết giấy nhận tiền gồm: Nguyễn Văn Thành, trú xã Suối Tân, huyện Cam Lâm vay 200 triệu đồng; Nguyễn Thị Tuyết Lan, trú thôn Vĩnh Bình, xã Cam Tân, Cam Lâm vay 250 triệu đồng; Nguyễn Văn Bình, trú thôn Dầu Sơn, xã Suối Tân, Cam Lâm vay 200 triệu đồng.

Theo Kiều khai nhận đã nhờ người vay rồi đưa tiền cho Kiều chiếm đoạt chứ không có người cần vay thật. Kiều không nhớ những người này là ai, ở đâu. Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng đã xác minh nhưng không có con người và địa chỉ như trong các giấy vay tiền với số tiền 650 triệu đồng như nêu trên.

Ngoài ra, Kiều khai trong khoảng thời gian từ ngày 29/8/2011 đến ngày 8/11/2011, do kẹt tiền đã làm giả 50 hợp đồng không có người vay mà do Kiều tự nghĩ ra, tự viết và nhờ người khác viết giúp (hiện không nhớ đã nhờ những ai, trong đó có một hợp đồng Kiều nhờ con trai là Nguyễn Bảo Trung viết giúp).

Kiều nhận tiền trực tiếp từ “đại gia” để đưa cho những người có tên trong 50 hợp đồng vay. Do tin tưởng nên nạn nhân không kiểm tra, gặp trực tiếp người cần vay mà đồng ý cho Kiều lấy với số tiền 8,6 tỉ đồng.

Cơ quan điều tra đã xác minh người và địa chỉ ghi trên 51 bản hợp đồng thì 40 trường hợp không có người thật, 10 trường hợp có người thật nhưng không vay, 1 trường hợp có vay và đã trả tiền nhưng Kiều cũng chiếm đoạt mà không đưa tiền trả cho chủ nợ. Như vậy, tổng cộng số tiền Kiều chiếm đoạt của “đại gia” trong vụ lừa đảo là gần 9,3 tỉ đồng.

Đọc thêm

Gặp tổ công tác 141, hai thanh niên tự nguyện giao nộp... ma túy

Các tổ công tác 141-CATP tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố.
(PLVN) - Khi tổ công tác 141 thực hiện công tác tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố trên đường Lê Trọng Tấn - Hà Đông (Hà Nội), hai thanh niên tỏ ra lúng túng, lo sợ, tự giác giao nộp 01 túi nilon kích thước 01x01 cm bên trong chứa chất tinh thể màu trắng cho lực lượng chức năng. Tại chỗ, các đối tượng khai là ma túy đá.

Gia Lai: Giao xe máy cho con chưa đủ tuổi rồi gây tai nạn giao thông, người mẹ lãnh án

Bị cáo Rơ Mah Pil tại phiên tòa.
(PLVN) - Sáng 27/3, TAND huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã mở phiên tòa xét xử lưu động đối với bị cáo Rơ Mah Pil (38 tuổi, trú tại xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, Gia Lai, mẹ của Rơ Mah Tinh) về tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ" theo Điều 264 Bộ luật Hình sự.