Đường dây đánh bạc nghìn tỷ bị triệt phá: Người chơi “mếu” vì hàng loạt game bài khác “đột tử”

Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.
(PLO) - Sau chuyên án đường dây đánh bạc nghìn tỷ bị triệt phá, các sòng bạc trá hình (game bài) với số lượng người chơi lớn âm thầm đóng cửa hoặc rơi vào tình trạng bảo trì khiến người chơi hoang mang bởi những số tiền lớn vẫn còn “mắc kẹt” trong game.

Liên tục rơi vào tình trạng “bảo trì”

Ngày 14/3/2018 Báo PLVN có đăng tải bài viết “Đánh bạc online: Nỗi kinh hoàng của thứ ma túy không dược chất!” cũng như hàng loạt tờ báo lớn lên tiếng  phản ánh  việc đế “đế chế” cờ bạc online Rikvip bị triệt phá gây xôn xao dư luận. Thế nhưng hàng loạt sòng đánh bạc núp dưới danh nghĩa game bài đổi thưởng vẫn đang hoạt động như thách thức lực lượng chức năng, xem thường dư luận và chưa có dấu hiệu dừng lại. Thậm chí một số game mang tựa như: xeng.club, trum.club, hely.club… vẫn thu hút số lượng người chơi cực lớn, với số tiền cá cược lên hàng trăm triệu đồng mỗi ván.

Đến ngày 17/3/2018, Bộ Công an có thông tin chi tiết về kết quả điều tra ban đầu chuyên án đường dây đánh bạc xuyên quốc gia do Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương cầm đầu. Đây cũng là đường dây có liên quan tới nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an Nguyễn Thanh Hóa. Cùng với việc thông tin khởi tố 83 bị can, điều này dường như đã khiến hầu hết các trang  đánh bạc đổi thưởng tương tự liên tục rơi vào tình trạng “bảo trì”.

Cùng với sự biến mất của Rikvip, một loạt trang game bài online có quảng cáo đổi thưởng đã ngừng hoạt động hoặc khóa chức năng nạp thẻ. Một số website thu hút người chơi không kém Rikvip như Xengclub.vn, Hely.club, Bigo 69, Bonclub, sao club, Pay club… cách đây không lâu còn hoạt động mạnh mẽ nhưng khi PV tìm cách đăng nhập lại vào sau ngày 17/3/2018 thì đều báo lỗi, hoặc thông báo bảo trì game với lý do nâng cấp phiên bản, đồng loạt các đại lý  thông báo dừng thu mua, giao dịch. Các tính năng chuyển khoản, nạp thẻ... đều rơi vào tình trạng “đóng băng” ngừng hoạt động.

Cùng với việc dừng của các trang game bài online là một số tiền lớn bị đóng băng trong tài khoản game không thể rút ra. Một số người còn cho biết, trước khi trang web này bị lỗi, họ vẫn nạp tiền vào game nhưng số tiền đó “không cánh mà bay”, không được chuyển vào tài khoản. Người chơi lâm vào tình trạng hoang mang, lo lắng khi số tiền còn nằm trong game quá lớn có tài khoản vài chục cho đến cả trăm triệu đồng.

Bên cạnh việc lo lắng bị mất không số tiền trong game khi các cổng game này bảo trì, thì không ít người chơi còn băn khoăn rằng việc mình chơi đánh bạc online rồi đổi từ tiền ảo (tiền xu) sang tiền thật có vi phạm pháp luật Việt Nam không? Hàng loạt câu hỏi đặt ra nhưng dường như đều không nhận  được câu trả lời từ phía chủ các fanpage. Hoặc có trả lời thì người phụ trách fanpage dường như cũng chỉ biết trấn an người chơi bằng những lời hứa, cam kết sẽ trở lại vào thời gian sau. 

Những người chơi, những kẻ mê muội vì cờ bạc giờ đây cũng chỉ biết lên mạng chửi bới, trách móc những kẻ quản lý game đã biến mất không dấu vết. Hoặc có những người vẫn mê muội lao vào vòng xoáy đỏ đen với các  game bài đổi thưởng khác đang còn “thoi thóp” như  Gowin và RoyVip…

Ước tính có khoảng 1.400 tỉ đồng “chảy” vào nhà mạng

Theo Bộ Công an có khoảng 1.400 tỉ đồng từ đường dây đánh bạc đã “chảy” vào túi các nhà mạng. Kết quả điều tra bước đầu xác định tổng số tiền đánh bạc nạp qua các cổng thanh toán là 9.583,2 tỉ đồng (342 tỉ đồng/tháng). Trong đó, tiền từ thẻ viễn thông và thẻ game là 9.296 tỉ đồng, chiếm 97%; tiền từ các ngân hàng là 168 tỉ đồng, chiếm 1,75%. Tiền tham gia đánh bạc qua các đại lý được giao dịch trực tiếp bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản qua ngân hàng, được xác định khoảng 5.631,5 tỉ đồng.

Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ còn làm rõ số tiền 9.583,2 tỉ đồng thu được qua các cổng thanh toán được phân chia cho các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán, doanh nghiệp phát hành thẻ game, nhóm đối tượng tổ chức và trả thưởng cho con bạc. Tiền chơi bạc từ thẻ cào chiếm 97% tổng lượng tiền chơi bạc qua các cổng trung gian thanh toán, các doanh nghiệp viễn thông (Viettel, Vinaphone, MobiFone) được hưởng từ 15,5-16,3%, ước tính 1.402 tỉ đồng.

Việc quản lý hoạt động phát hành và sử dụng thẻ cào viễn thông lỏng lẻo khiến các thẻ cào dễ dàng trở thành phương tiện thanh toán cho các dịch vụ ngoài viễn thông, tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng để xây dựng hệ thống thanh toán cho hoạt động đánh bạc trực tuyến.

Các cổng trung gian thanh toán đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tổ chức đánh bạc trực tuyến nhưng việc quản lý còn rất lỏng lẻo, khiến các doanh nghiệp trung gian thanh toán như VNPT EPAY, Ngân Lượng, Home Direct, Giải trí số dễ dàng cung cấp dịch vụ cho game bài Rikvip/Tip.club để con bạc tham gia đánh bạc trong thời gian dài. Tuy nhiên, do thiếu hành lang pháp lý chặt chẽ, hoạt động này không được Ngân hàng Nhà nước coi là hoạt động trung gian thanh toán để quản lý, trong khi Bộ Thông tin và Truyền thông không quản lý hoạt động thanh toán bằng thẻ cào.

Thậm chí đến này nhiều game bài đổi thưởng vẫn có thể sử dụng thẻ cào điện thoại để giao dịch, chơi bạc. Điều đó khiến dư luận đặt dấu hỏi lớn đối với công tác quản lý của các nhà mạng.

Đọc thêm

Gặp tổ công tác 141, hai thanh niên tự nguyện giao nộp... ma túy

Các tổ công tác 141-CATP tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố.
(PLVN) - Khi tổ công tác 141 thực hiện công tác tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố trên đường Lê Trọng Tấn - Hà Đông (Hà Nội), hai thanh niên tỏ ra lúng túng, lo sợ, tự giác giao nộp 01 túi nilon kích thước 01x01 cm bên trong chứa chất tinh thể màu trắng cho lực lượng chức năng. Tại chỗ, các đối tượng khai là ma túy đá.

Gia Lai: Giao xe máy cho con chưa đủ tuổi rồi gây tai nạn giao thông, người mẹ lãnh án

Bị cáo Rơ Mah Pil tại phiên tòa.
(PLVN) - Sáng 27/3, TAND huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã mở phiên tòa xét xử lưu động đối với bị cáo Rơ Mah Pil (38 tuổi, trú tại xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, Gia Lai, mẹ của Rơ Mah Tinh) về tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ" theo Điều 264 Bộ luật Hình sự.