Sẽ kiểm toán toàn bộ dự án BOT An Sương - An Lạc

BOT An Sương - An Lạc
BOT An Sương - An Lạc
(PLVN) - Nhiều tài xế gần hai tháng nay vẫn phản đối BOT An Sương - An Lạc (quận Bình Tân, TP HCM) vì cho rằng trạm hoạt động quá hạn. Thanh tra Chính phủ đã xác định trạm “hết thời hạn thu phí từ tháng 1/2017”.

Nhân viên Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng - IDICO (chủ đầu tư) giải thích, hợp đồng với Bộ GTVT đã hết hạn nhưng đơn vị ký thêm nhiều phụ lục với TP HCM như: Cầu vượt Tỉnh lộ 10, cầu vượt Hương lộ 2, cầu vượt Ngã 4 Gò Mây... Thông qua việc thực hiện các hợp đồng này, thời gian thu phí được điều chỉnh đến năm 2033.

Hầu hết tài xế đưa ra lý lẽ không đi trên cầu vượt, hợp đồng với TP HCM “có vấn đề” vì giai đoạn một của dự án quy mô lớn nhưng vốn ít hơn, thời hạn thu phí kéo dài đến 2033 là quá lâu trong khi vốn bỏ ra làm cầu đường ít, lượng xe qua lại đông... Họ tổ chức thành đoàn, các ôtô đến trạm thu phí chia nhau vào các cửa rồi dừng xe không mua vé, tranh luận với nhân viên IDICO. Các ôtô phía sau ùn ứ, kẹt xe ở hai chiều đường nên trạm thường xuyên phải xả.

Quận Bình Tân phải huy động nhiều lực lượng túc trực để điều tiết giao thông, giữ trật tự suốt thời gian dài. Đỉnh điểm là hôm 24/1, các tài xế phản ứng khiến kẹt xe nghiêm trọng cả hai hướng. Lực lượng chức năng phải điều nhiều xe cẩu đến kéo các ôtô phản đối đi, giải toả hiện trường.

Trong văn bản vừa gửi Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM và các cơ quan chức năng, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết trong năm nay Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toán toàn bộ dự án BOT An Sương - An Lạc. Giá trị quyết toán sẽ được điều chỉnh theo kết quả của kiểm toán, từ đó tính toán lại thời gian thu phí phù hợp. Sở cũng khẳng định việc bổ sung các hạng mục công trình cầu vượt vào dự án là đầy đủ tính pháp lý.

Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1 (đoạn An Sương - An Lạc) được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2000 theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Công trình được giao cho IDICO thực hiện, có chiều dài toàn tuyến 13,6 km, rộng 36,2 m (gồm tám làn xe), tổng vốn đầu tư hơn 831 tỷ đồng và được đưa vào sử dụng cuối năm 2004. Chủ đầu tư bắt đầu thu phí hoàn vốn qua trạm BOT An Sương - An Lạc (trạm chính) và năm trạm phụ từ ngày 2/1/2005, thời hạn 145 tháng.

Đến năm 2010, dự án được Bộ GTVT chuyển giao cho UBND TP HCM quản lý. Cuối năm đó Thủ tướng cho phép thành phố đầu tư bổ sung hai cầu vượt tại nút giao Tỉnh lộ 10 - Quốc lộ 1 và Tỉnh lộ 10B - Quốc lộ 1 vào dự án BOT An Sương - An Lạc.

Đến năm 2017, Thủ tướng đồng ý cho UBND TP HCM quyết định theo thẩm quyền việc điều chỉnh, bổ sung hạng mục công trình cầu vượt tại nút giao Hương lộ 2 - Tây Lân - Quốc lộ 1 và nút giao Lê Trọng Tấn - Nguyễn Thị Tú - Quốc lộ 1 (Gò Mây) vào dự án BOT An Sương - An Lạc.

Về ý kiến BOT An Sương - An Lạc đã hết hạn thu phí từ tháng 1/2017, Sở cho là “chưa chính xác” bởi trong kết luận thanh tra về hợp đồng dự án đã ghi nhận thời gian thu phí theo hợp đồng ký với Bộ GTVT là 145 tháng, cùng phụ lục hợp đồng ký với UBND TP HCM từ năm 2010 là đến hết tháng 1/2033.

Khi Quốc lộ 1 đoạn An Sương - An Lạc được mở rộng, lượng xe liên tục tăng, gây áp lực giao thông rất lớn. Việc đầu tư, khai thác các cầu vượt bổ sung gắn liền trong tổng thể của dự án với mục tiêu giảm ùn tắc. Khi xây xong cầu vượt không còn tình trạng kẹt xe tại các nút giao, xe lưu thông thuận lợi, an toàn.

“Đó là hiệu quả xây dựng cầu vượt mang lại cho các phương tiện nên phải trả phí dù đi trên cầu hay đi dưới mặt đường bên cạnh cầu”, Sở GTVT lập luận. Mặt khác, cầu vượt nút giao nằm trong cùng mặt bằng dự án BOT An Sương - An lạc do nhà đầu tư quản lý, nếu tách riêng để thu phí thì phải giải phóng mặt bằng và đặt thêm trạm, dẫn đến thu phí hai lần làm chi phí đầu tư cao. Việc bổ sung cầu vượt nút giao vào dự án, thu phí hoàn vốn là phương án khả thi nên UBND TP HCM đã được Thủ tướng chấp thuận chủ trương.

Về sự chênh lệch chi phí đầu tư giai đoạn hai IDICO ký với TP, theo Sở GTVT là do thời điểm phê duyệt khác nhau nên bị trượt giá (tính từ năm 2003 đến 2011 trượt giá xây dựng khoảng 300%); công trình đầu tư bổ sung chủ yếu là cầu - suất đầu tư cao hơn so với đường.

Đối với các ý kiến cho rằng thu phí đến năm 2033 là quá lâu, Sở GTVT cho rằng thời gian thu phí được tính toán dựa trên nhiều thông số như chi phí đầu tư, doanh thu thu phí, lãi vay, chi phí bảo trì... được kiểm toán và các cơ quan chức năng chấp thuận. Chi phí đầu tư các cầu vượt bổ sung cũng như doanh thu thu phí đều được công khai. 

Đọc thêm

Bài học từ buýt nhanh BRT

Ảnh minh họa
(PLVN) - Thông tin tuyến buýt nhanh BRT của Hà Nội sẽ chấm dứt hoạt động, chính thức được đưa ra mới đây, khi đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) làm việc với UBND TP Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ 2009 - 2023.

Xe tải va chạm xe khách, 23 người thương vong

Hiện trường vụ tai nạn giao thông khiến 1 người chết, 22 người bị thương.
(PLVN) - Chiều 13/4, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Kon Tum cho biết, trên tuyến đường Quốc lộ 24 đoạn qua địa bàn huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum vừa xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe tải và xe khách khiến một người chết, 22 người bị thương.

Thông xe tuyến đường kết nối cầu vượt sông Cầu, kết nối vùng Hà Nội - Bắc Giang

Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng thông xe kỹ thuật tuyến đường.
Dự án được thông xe kỹ thuật đóng vai trò chiến lược để hình thành mạng lưới giao thông liên kết TP Hà Nội với tỉnh Bắc Giang và các tỉnh lân cận, hoàn thiện đường Vành đai 4 qua địa phận tỉnh Bắc Giang; kết nối các khu, cụm công nghiệp của tỉnh Bắc Giang với các khu công nghiệp tại TP Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc...

Nghiên cứu cung cấp giấy chứng nhận đăng kiểm điện tử

Bộ GTVT đồng ý với đề xuất nghiên cứu cung cấp hồ sơ, giấy chứng nhận đăng kiểm phương tiện dưới dạng điện tử. (Ảnh minh họa)
(PLVN) - Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT) vừa kiến nghị Bộ GTVT cho phép lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án "Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CĐS) trong quản lý và điều hành công tác đăng kiểm của Cục Đăng kiểm giai đoạn đến 2026".