'Nếu e ngại kiện thì muôn đời tài xế chịu cảnh nơm nớp lo lắng'

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam
(PLO) - Xung quanh vấn đề “độ vênh” kết quả đo tốc độ của thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) do Tổng cục Đường bộ quản lý và máy đo tốc độ của lực lượng Cảnh sát Giao thông, chỉ có tài xế là chịu thiệt. Kết quả của cả hai thiết bị trên đều được cơ quan nhà nước dùng làm căn cứ xử phạt, xử lý vi phạm doanh nghiệp vận tải. Mỗi cơ quan đều có những lý lẽ riêng khiến tài xế chịu cảnh “phạt chồng phạt”. Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam trao đổi về vấn đề này.

Cả hai thiết bị đều có cơ sở pháp lý

Thực tế khi bị “phạt nguội”, nhiều DN, tài xế đem kết quả tốc độ do “hộp đen” ghi lại để thanh minh, khiếu nại thì phía lực lượng CSGT trả lời chỉ căn cứ vào kết quả thiết bị đo tốc độ của lực lượng CSGT để xử lý. Quan điểm của ông thế nào?

- Ngành Công an trả lời như thế là chưa thỏa đáng. Thiết bị “hộp đen” đã đưa vào Luật Giao thông đường bộ từ năm 2008, bắt buộc các xe vận tải phải lắp đặt. 

Trong quá trình xây dựng Luật Giao thông đường bộ, tôi là thành viên ban soạn thảo và tích cực đấu tranh để đưa thiết bị “hộp đen” vào luật. Thiết bị này giúp quản trị DN, cung cấp dữ liệu cho các cơ quan chức năng quản lý. Những DN làm ăn chân chính rất coi trọng việc lắp đặt “hộp đen”.

Mặt khác, Nghị định 86 của Chính phủ quy định về lắp đặt “hộp đen”, trong các thông số của “hộp đen” ghi nhận, truyền tải về cơ quan quản lý có thông số tốc độ. Vậy thì kết quả này có tính pháp lý.

Còn việc CSGT có thiết bị đo tốc độ thuộc của ngành Công an, có thể có những văn bản pháp lý quy định. Theo tôi, kết quả của cả hai đều có tính pháp lý. Vấn đề ở chỗ có sự chênh lệch kết quả thì cách giải quyết thế nào. 

Trường hợp này tòa án là cơ quan có quyền phán xét, chứ ngành Giao thông không thể nói thiết bị của ngành Công an sai hay ngược lại. Tôi đã có văn bản hướng dẫn các DN khi gặp tình huống trên nếu không hòa giải được thì khởi kiện hành chính.

Nhưng thưa ông, rất nhiều DN e ngại việc khi khởi kiện cơ quan nhà nước?

- Đó là thói quen e ngại, tập quán của DN nước ta, còn văn minh trên thế giới là cứ khởi kiện nếu cảm thấy bị xử lý không đúng. Còn nếu cứ e ngại kiện thì muôn đời tài xế chịu cảnh nơm nớp lo lắng.

Nhà sản xuất thiết bị cũng phải chịu trách nhiệm

Theo ông, cần giải pháp nào để thống nhất về quản lý, xử lý vi phạm liên quan đến tốc độ?

- Quan điểm của tôi là trách nhiệm nhà sản xuất hai thiết bị “hộp đen” và máy đo tốc độ. Nếu ra tòa bị phán xét thì nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm. Nếu cơ quan chức năng xác định thiết bị nào kém, không đạt thì nhà sản xuất phải bồi hoàn các phí tổn ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính.

Viện Đo lường Quốc gia (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Bộ KH&CN) đã trả lời “hộp đen” có chức năng đo nhưng chức năng này không chính xác. Còn thiết bị máy đo tốc độ của CSGT thuộc danh mục kiểm định thường xuyên. Ý kiến của ông thế nào?

- Tôi không đồng tình với trả lời này, nhà sản xuất thiết bị “hộp đen” được kiểm định chất lượng hàng năm, theo chu kỳ. Tổng cục Đường bộ cấp phép sản xuất “hộp đen” nhưng cơ quan kiểm tra chất lượng là Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Theo quy định, trong quá trình hoạt động, nếu “hộp đen” có trục trặc thì người sử dụng phải báo với nhà sản xuất để được bảo hành, sửa chữa.

Trong các căn cứ xử lý vi phạm bằng hình thức tước phù hiệu, tạm đình chỉ tuyến khai thác của Tổng cục Đường bộ, có dựa vào thông số tốc độ của “hộp đen”. Nhưng Viện Đo lường Quốc gia trả lời kết quả tốc độ của “hộp đen” không chính xác. Theo ông, việc xử lý này có đúng pháp luật?

- Trước tiên cần nói rõ có quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm căn cứ vào thiết bị “hộp đen”, giao Tổng cục Đường bộ được quyền tạm tước quyền hành nghề từng xe vi phạm. Đó là căn cứ pháp lý. Còn đúng hay không, nên hay không nên, cần bàn tiếp.

Tuy nhiên, độ chính xác của “hộp đen” phải được thẩm định, nếu Viện Đo lường đã phát biểu chức năng đo của thiết bị này không chính xác, đề nghị Bộ GTVT phải xem xét có cần thiết tiếp tục hình thức xử phạt này không hoặc yêu cầu các nhà sản xuất nâng cao chất lượng của thiết bị “hộp đen” thì mới có tác dụng.

Về phía Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, theo tôi cần có tiếng nói chính thức. Thiết bị “hộp đen” được quy định trong Luật Giao thông đường bộ, nếu kết quả đo tốc độ không chính xác phải kiến nghị loại bỏ. Còn nếu chấp nhận thiết bị đó cần đưa ra quy chuẩn quản lý chung đồng bộ.

Ông có đề xuất gì về vấn đề này?

- Theo tôi, nên thống nhất một loại thiết bị để quản lý và xử phạt tốc độ. Các bộ, ngành nên tập trung lại, thống nhất lại một thiết bị. Theo tôi, nên tập trung nâng cấp thiết bị “hộp đen” vì ưu điểm của nó là theo dõi liên tục quá trình vận hành của phương tiện. Nếu được nâng cấp phục vụ công tác quản lý và xử lý vi phạm sẽ tránh tình trạng “phạt chồng phạt” như hiện nay.

Việc lực lượng CSGT xử phạt lỗi tốc độ là tức thời, theo cùng chuyến xe, trong một hành trình. Còn Tổng cục Đường bộ tích hợp thành hàng tháng, hàng quý và “phạt” theo hình thức tước phù hiệu, tạm đình chỉ khai thác tuyến. Dù khác nhau về hình thức nhưng bản chất đều là xử phạt, cùng một hành vi vi phạm bị xử lý hai lần phạt, như vậy là sai luật.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

ĐBQH nêu quan điểm về sự việc

Trao đổi về vấn đề trên với PLVN bên hành lang Quốc hội, Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Dương Minh Tuấn nêu quan điểm các ngành phải ngồi lại họp bàn, phân tích để đi đến thống nhất nên quản lý, xử lý tốc độ phương tiện theo thiết bị nào.

Còn ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong xử lý vi phạm trước tiên phải có cơ sở pháp lý rõ ràng, xác định rõ cơ quan nào được giao trách nhiệm. Cơ quan nhà nước chỉ được làm những điều pháp luật cho phép, khác với người dân được làm những gì pháp luật không cấm.

Ông Lộc nêu quan điểm mọi quy định đều phải trên căn cứ pháp luật. Luật cho phép thì Chính phủ mới ban hành Nghị định, các bộ ban hành thông tư. Thứ hai là thiết bị “hộp đen” phải đảm bảo chất lượng, đảm bảo độ chính xác để tránh oan sai. Ông Lộc cho biết sẽ trao đổi cụ thể với Bộ trưởng Giao thông, đề nghị Bộ Giao thông xem xét lại tính pháp lý và tính chính xác liên quan đến thiết bị “hộp đen”. 

Bỏ ra 6.000 tỷ đồng để làm gì?

Một chuyên gia giao thông nhận định: Theo thống kê, hiện có khoảng hai triệu xe lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT). Theo giá thị trường, mỗi thiết bị thấp nhất cũng trên dưới ba triệu đồng. Chỉ cần nhẩm tính thì số tiền các doanh DN vận tải bỏ ra lắp đặt “hộp đen” cũng đã 6 nghìn tỷ đồng. Thế nhưng, khi kết quả tốc độ của thiết bị GSHT bị cho “không có giá trị”, không được cơ quan xử lý vi phạm xem xét thì “khác nào việc lắp đặt GSHT là vô nghĩa”. 

Trước đó, như PLVN đã có bài phản ánh, theo Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Minh Thành có trụ sở tại Hà Nội, chủ xe ô tô tải BKS 29C-47911, xe này ba lần bị PC67 Công an Hà Tĩnh “phạt nguội” và một lần “phạt nóng” về lỗi quá tốc độ đều tại điểm đo km469+800 QL1A thuộc thị trấn Xuân An, Nghi Xuân, Hà Tĩnh.

Giải trình với công ty, lái xe cho rằng không quá tốc độ, luôn để mắt đến công tơ mét trên xe. Còn theo kết quả “hộp đen” thì tài xế không chạy quá tốc độ. Sai số giữa “hộp đen” và máy bắn tốc độ của CSGT có khi lên tới 40%. 

Trả lời PLVN, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông – Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) cho rằng “hộp đen” không nằm trong danh mục thiết bị kĩ thuật nghiệp vụ dùng để phát hiện vi phạm hành chính, không nằm trong danh mục phương tiện của Thông tư 23 của Bộ Khoa học và Công nghệ mà chỉ được quy định trong Nghị định 86 của Bộ Giao thông Vận tải. Đây là thiết bị ngành, chỉ có giá trị cho ngành giao thông thực hiện quản lý xe chạy theo tuyến, điểm vào điểm ra, đảm bảo tài xế không chạy quá số giờ quy định. Ông Nhật cho rằng kết quả đo tốc độ của “hộp đen” không có giá trị để xử phạt.

Đọc thêm

Bài học từ buýt nhanh BRT

Ảnh minh họa
(PLVN) - Thông tin tuyến buýt nhanh BRT của Hà Nội sẽ chấm dứt hoạt động, chính thức được đưa ra mới đây, khi đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) làm việc với UBND TP Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ 2009 - 2023.

Xe tải va chạm xe khách, 23 người thương vong

Hiện trường vụ tai nạn giao thông khiến 1 người chết, 22 người bị thương.
(PLVN) - Chiều 13/4, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Kon Tum cho biết, trên tuyến đường Quốc lộ 24 đoạn qua địa bàn huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum vừa xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe tải và xe khách khiến một người chết, 22 người bị thương.

Thông xe tuyến đường kết nối cầu vượt sông Cầu, kết nối vùng Hà Nội - Bắc Giang

Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng thông xe kỹ thuật tuyến đường.
Dự án được thông xe kỹ thuật đóng vai trò chiến lược để hình thành mạng lưới giao thông liên kết TP Hà Nội với tỉnh Bắc Giang và các tỉnh lân cận, hoàn thiện đường Vành đai 4 qua địa phận tỉnh Bắc Giang; kết nối các khu, cụm công nghiệp của tỉnh Bắc Giang với các khu công nghiệp tại TP Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc...

Nghiên cứu cung cấp giấy chứng nhận đăng kiểm điện tử

Bộ GTVT đồng ý với đề xuất nghiên cứu cung cấp hồ sơ, giấy chứng nhận đăng kiểm phương tiện dưới dạng điện tử. (Ảnh minh họa)
(PLVN) - Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT) vừa kiến nghị Bộ GTVT cho phép lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án "Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CĐS) trong quản lý và điều hành công tác đăng kiểm của Cục Đăng kiểm giai đoạn đến 2026".