"Khai tử" biển báo giao thông bất hợp lý ở Hà Nội

"Khai tử" biển báo giao thông bất hợp lý ở Hà Nội
(PLO) - Thời điểm này, các tỉnh, thành trên cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng đều đang tích cực triển khai công tác tháo bỏ các biển báo hạn chế tốc độ theo yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải.

Khách quan nhìn nhận, việc làm này được các lái xe và người tham gia giao thông (GT) hồ hởi đón nhận.

Tuy nhiên, ở nhiều khu vực từ lâu được mệnh danh là “điểm đen” GT thì công tác theo dõi, giám sát sau khi “khai tử” biển báo cần tiếp tục được thắt chặt, đặc biệt trong những ngày cận kề Tết Nguyên đán.

“Khai tử” biển báo bất hợp lý

Cần biết rằng, biển báo hiệu GT nằm trong hệ thống báo hiệu nhằm chỉ dẫn, báo lệnh hoặc điều khiển sự đi lại trên đường bộ để người tham gia GT thực hiện đúng luật lệ GT, đảm bảo an toàn, thuận lợi trong GT. 

Nhìn nhận khách quan, hiện ở các khu vực đô thị, đông dân cư như Hà Nội, hạ tầng GT đang và đã có sự nâng cấp, ổn định thì các biển hạn chế tốc độ cũng dần trở nên “lỗi thời”, không còn phù hợp nữa. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cũng cho rằng, ở các khu vực nguy hiểm, cần hạn chế tốc độ thì có thể thay thế biển báo giới hạn tốc độ xe bằng biển đi chậm.

Nhưng trên thực tế hiện có không ít biển báo đang xuống cấp, đặt sai vị trí... không đáp ứng được yêu cầu đảm bảo an toàn GT đối với người điều khiển phương tiện và tham gia GT.

Nắm bắt được bất cập này, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra “tối hậu thư” liên quan đến công tác chấn chỉnh các biển báo GT bất hợp lý trước ngày 30/1. Tính đến thời điểm này đang là hạn chót của việc thực hiện. 

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, sau chỉ đạo kiên quyết này, phần lớn biển hạn chế tốc độ dưới 40km/h gây bức xúc dư luận trên địa bàn Hà Nội cơ bản đã được tháo bỏ. Chẳng hạn, trên tuyến quốc lộ 5, đoạn qua Hà Nội, Hải Dương và Hưng Yên, trước đây việc xử phạt lỗi chạy quá tốc độ thường khiến không ít tài xế thắc mắc thì nay phần lớn biển hạn chế tốc độ dưới 40km/h bất hợp lý đã được tháo bỏ. 

Hay đơn cử như những biển trên đường dẫn lên cầu vượt và đường trên cao trong nội thành đã được đơn vị quản lý thay bằng biển “Đi chậm”. Trước động thái tích cực của ngành GT, không ít ý kiến đánh giá việc bỏ các biển “bẫy” tài xế thời gian tới sẽ góp phần giảm được ách tắc, ùn ứ trong thành phố. 

Đẩy mạnh công tác giám sát ở các “điểm đen” 

Trong khi công tác rà soát, xử lý các bất cập từ biển báo không phù hợp được thực hiện tích cực thì dường như ở một số khu vực, các biển báo GT bị bong tróc, biển bị che khuất, vạch sơn không thống nhất… lại đang bị bỏ quên. 

Chẳng hạn, ở khu vực quốc lộ 1 và cao tốc Bắc Thăng Long hiện vẫn tồn tại nhiều biển quảng cáo thương mại nằm trong hành lang an toàn GT đường bộ hoặc biển báo nhà hàng... đã làm ảnh hưởng đến tầm nhìn của người điều khiển phương tiện. 

Đây là yếu tố gây tai nạn GT nghiêm trọng. Hay như nhiều điểm biển báo thậm chí còn mất tác dụng, gây nguy hại với người điều khiển phương tiện đến nay vẫn chưa được xử lý khiến dư luận lo ngại. Chẳng hạn, biển hạn chế tốc độ 40km/h thuộc khu vực đê Bát Tràng; biển cấm xe có tải trọng lớn ở khu vực Phúc Đồng (Long Biên)…

Tuy nhiên, việc các cơ quan chức năng loại bỏ biển báo GT  cũng cần rà soát kỹ lưỡng và căn cứ trên đặc thù từng khu vực. Đặc biệt ở những “điểm đen” thường xuyên xảy ra va chạm, tai nạn, trái với việc nhổ bỏ biển báo GT, thiết nghĩ cần tăng cường trang bị thêm. 

Ví dụ, tại xã Bích Hòa (huyện Thanh Oai) những người thường xuyên lưu thông qua đường 21B, không ai là không sởn tóc gáy khi nhắc đến “điểm đen” tai nạn GT tại đoạn đường giáp ranh giữa xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai và phường Phú Lãm, quận Hà Đông. 

Theo tìm hiểu, từ năm 2010 đến năm 2015, tại “điểm đen” này mỗi năm xảy ra hàng chục vụ tai nạn. Nguyên nhân gây tai nạn GT tại “điểm đen” này thường được xác định là do chủ quan của người điều khiển phương tiện, phóng nhanh, vượt ẩu, ý thức GT kém. 

Nhưng thực tế đã cho thấy, chính đoạn đường vắng vẻ, thiếu hệ thống chiếu sáng, biển cảnh báo dạng như “Đoạn đường thường xảy ra tai nạn” là nguyên nhân gián tiếp khiến va chạm GT xảy ra. Hoặc ở điểm giao cắt giữa quốc lộ 5 và đường sắt Hà Nội - Hải Phòng gần đây cũng thường xuyên xảy ra va chạm, tai nạn. Đáng nói, quanh khu vực này lại không hề xuất hiện biển cảnh báo nào.

Trở lại câu chuyện “khai tử” các biển báo GT thiếu hợp lý trên địa bàn Hà Nội, trong khi đợi chờ các ban ngành chức năng kiện toàn lại hệ thống biển báo, đèn tín hiệu và hạ tầng GT, thiết nghĩ, về phía mỗi tài xế, công dân khi tham gia GT cần tự chủ động trong việc điều chỉnh tốc độ sao cho phù hợp. Có như vậy mới có thể đảm bảo an toàn cho bản thân và những người cùng tham gia GT. 

Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, năm 2015 cả nước xảy ra 22.827 vụ tai nạn GT, làm chết 8.727 người, bị thương 21.069 người. Qua thống kê cho thấy, các lỗi vi phạm trật tự an toàn GT chủ yếu dẫn đến tai nạn GT là: đi không đúng làn đường, phần đường quy định chiếm tỉ lệ cao (26%), chạy quá tốc độ (9%), chuyển hướng không đúng quy định (9%). 

Tuyến đường thường xảy ra tai nạn giao thông chủ yếu vẫn là các tuyến quốc lộ (35%) và nội thị (31%). Đây là các tuyến đường có mật độ dân cư đông đúc, người và phương tiện tham gia GT đa dạng với mật độ cao, đặc điểm đường giao cắt nhiều, phương tiện lưu thông hỗn hợp dễ xảy ra va chạm.

Đọc thêm

Bài học từ buýt nhanh BRT

Ảnh minh họa
(PLVN) - Thông tin tuyến buýt nhanh BRT của Hà Nội sẽ chấm dứt hoạt động, chính thức được đưa ra mới đây, khi đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) làm việc với UBND TP Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ 2009 - 2023.

Xe tải va chạm xe khách, 23 người thương vong

Hiện trường vụ tai nạn giao thông khiến 1 người chết, 22 người bị thương.
(PLVN) - Chiều 13/4, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Kon Tum cho biết, trên tuyến đường Quốc lộ 24 đoạn qua địa bàn huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum vừa xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe tải và xe khách khiến một người chết, 22 người bị thương.

Thông xe tuyến đường kết nối cầu vượt sông Cầu, kết nối vùng Hà Nội - Bắc Giang

Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng thông xe kỹ thuật tuyến đường.
Dự án được thông xe kỹ thuật đóng vai trò chiến lược để hình thành mạng lưới giao thông liên kết TP Hà Nội với tỉnh Bắc Giang và các tỉnh lân cận, hoàn thiện đường Vành đai 4 qua địa phận tỉnh Bắc Giang; kết nối các khu, cụm công nghiệp của tỉnh Bắc Giang với các khu công nghiệp tại TP Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc...

Nghiên cứu cung cấp giấy chứng nhận đăng kiểm điện tử

Bộ GTVT đồng ý với đề xuất nghiên cứu cung cấp hồ sơ, giấy chứng nhận đăng kiểm phương tiện dưới dạng điện tử. (Ảnh minh họa)
(PLVN) - Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT) vừa kiến nghị Bộ GTVT cho phép lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án "Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CĐS) trong quản lý và điều hành công tác đăng kiểm của Cục Đăng kiểm giai đoạn đến 2026".