Doanh nghiệp sân golf, nước giải khát cũng làm... đường?

Ngày càng có nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh hạ tầng
Ngày càng có nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh hạ tầng
(PLO) - Golf Long Thành và Nước giải khát Khánh An là hai trong số nhiều nhà đầu tư đang để mắt tới một số dự án đối tác công - tư (PPP) mà Bộ Giao thông Vận tải dự kiến sẽ triển khai trong năm nay.

Trao đổi với PLVN, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Nhật cho hay, nhu cầu vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông trong thời gian tới khá lớn trong khi ngân sách thì khá eo hẹp và chỉ đủ bố trí cho những dự án trong điểm quốc gia hoặc đối ứng các Dự án ODA. Vì thế, Bộ GTVT luôn  chào đón các nhà đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư có năng lực tài chính.

Theo ông Nhật, các doanh nghiệp có năng lực tài chính nhưng chưa có kinh nghiệm trong xây dựng, kinh doanh hạ tầng vẫn có thể liên danh với các nhà đầu tư khác có kinh nghiệm trong lĩnh vực này để thực hiện dự án.

Hàng không, đường sắt “thưa vắng”

Thưa Thứ trưởng, năm 2016 Bộ GTVT  sẽ triển khai lựa chọn nhà đầu tư cho hơn 20 dự án PPP, với tổng đầu tư gần 40.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong danh sách các dự án dự kiến triển khai năm nay, phần lớn vẫn là các dự án đường bộ, trong khi lĩnh vực hàng không, đường sắt, đường thủy nội địa... không thấy đề cập sâu?

- Thực tế trong lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa thì hệ thống bến, cảng đều đã và đang được tư nhân đầu tư rất nhiều (theo thống kê chưa đầy đủ thì đã có khoảng 157.600 tỷ đồng đầu tư cho hệ thống cảng biển và khoảng 18.997 tỷ đồng đầu tư cho hệ thống cảng sông), và thực tế cho thấy, hình thức phù hợp nhất để đầu tư hệ thống cảng biển và cảng sông là hình thức tư nhân tự đầu tư, không phải theo hình thức PPP nên không thống kê. 

Riêng đối với đường sắt và hàng không, do đặc thù vốn đầu tư rất lớn, không thể hoàn vốn thông qua thu phí nên cần phải có vốn góp của Nhà nước hoặc đầu tư theo hình thức BLT (tức là Nhà nước đầu tư, cho doanh nghiệp thuê lại). Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách rất hạn hẹp như hiện nay thì việc đầu tư các dự án này là rất khó khăn. Do đó, trong năm 2016 chúng tôi đang tập trung cho một số dự án khả thi theo hình thức BOT như đã đề cập trong danh mục mà phóng viên đã nêu. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đang nghiên cứu các cơ chế, chính sách để có thể triển khai các dự án đường sắt, hàng không trong thời gian tới.   

Trong số các dự án dự kiến triển khai năm nay, có thể thấy có khá nhiều nhà đầu tư quen thuộc, uy tín trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh hạ tầng nhưng cũng có một số nhà đầu tư là các doanh nghiệp kinh doanh sân golf hay nước giải khát có ý định tham gia đầu tư, xây dựng đường cao tốc?

- Đầu tiên, xin khẳng định đây mới chỉ là các doanh nghiệp quan tâm đến dự án chứ chưa phải là nhà đầu tư thực hiện dự án. Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án phải tuân thủ theo các trình tự và quy định của pháp luật. Các nhà đầu tư được lựa chọn phải đảm bảo đủ năng lực tài chính, năng lực kinh nghiệm theo đúng quy định trong Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. 

Ngoài ra, theo quan điểm của chúng tôi, điều quan trọng nhất của nhà đầu tư là năng lực về tài chính. Các doanh nghiệp có năng lực tài chính nhưng chưa có kinh nghiệm trong việc xây dựng, kinh doanh hạ tầng thì vẫn có thể liên danh với các nhà đầu tư khác có năng lực kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh hạ tầng để thực hiện dự án. Chúng tôi đều kêu gọi và khuyến khích tất cả các doanh nghiệp có năng lực tài chính tham gia đầu tư.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật


PMU “giành giật” việc làm?

Quá trình triển khai các dự án PPP, Bộ GTVT sẽ giao cho các Ban Quản lý dự án (PMU) thuộc Bộ làm cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Có dư luận cho rằng, các PMU trong thời gian tới sẽ khan hiếm việc làm (do hầu hết các dự án lớn sử dụng ngân sách mà các PMU làm đại diện chủ đầu tư đang gần hết...) dẫn đến việc cạnh tranh khá gay gắt để “giành” việc (quản lý dự án). Vậy, có hay không tình trạng này và tiêu chí để Bộ GTVT phân bổ và giao quyền quản lý các dự án PPP cho các PMU là gì?

- Do nguồn vốn ngân sách trong thời gian qua cũng như trong các năm tới dành cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông rất hạn hẹp, theo đó, nguồn vốn đầu tư chỉ tập trung để đầu tư một số ít dự án trọng điểm, quan trọng của quốc gia và dùng để đối ứng cho các dự án vay vốn ODA nên các PMU cũng có những khó khăn nhất định. Vì thế, bên cạnh việc quản lý các dự án do Bộ GTVT quyết định đầu tư, Bộ cũng đã cho phép các PMU quản lý các dự án do các địa phương hoặc tư nhân đầu tư.

Về thông tin “các PMU cạnh tranh gay gắt để giành việc”, chúng tôi khẳng định là không có sự tranh giành giữa các PMU trong việc giao, nhận nhiệm vụ quản lý các dự án PPP cũng như các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Các PMU là đại diện cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền (là Bộ GTVT) và được Bộ GTVT giao thực hiện một số nhiệm vụ trong việc quản lý các dự án đầu tư theo hình thức PPP. 

Cụ thể, việc giao nhiệm vụ được dựa trên cơ sở khối lượng công việc đang thực hiện, năng lực quản lý của các PMU cũng như quy mô, tính chất kỹ thuật của dự án, rồi số lượng và chất lượng nguồn nhân lực của các PMU. Trước khi giao nhiệm vụ, Bộ GTVT sẽ xem xét, cân đối để đảm bảo phát huy tối đa năng lực, kinh nghiệm của các PMU, đảm bảo các dự án được triển khai đúng tiến độ và chất lượng.

Cảm ơn Thứ trưởng!

Sức hút đường bộ 

“Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Golf Long Thành  đang “chen chân” cùng với 8 doanh nghiệp và liên danh khác để giành quyền đầu tư Dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, có tổng mức đầu tư hơn 6.600 tỷ đồng (giai đoạn 1). Còn Công ty CP Thương mại nước giải khát Khánh An cũng đăng ký tham gia đầu tư hai dự án quốc lộ ở phía Nam, với trị giá hơn 2.000 tỷ đồng”.

Đọc thêm

Bài học từ buýt nhanh BRT

Ảnh minh họa
(PLVN) - Thông tin tuyến buýt nhanh BRT của Hà Nội sẽ chấm dứt hoạt động, chính thức được đưa ra mới đây, khi đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) làm việc với UBND TP Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ 2009 - 2023.

Xe tải va chạm xe khách, 23 người thương vong

Hiện trường vụ tai nạn giao thông khiến 1 người chết, 22 người bị thương.
(PLVN) - Chiều 13/4, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Kon Tum cho biết, trên tuyến đường Quốc lộ 24 đoạn qua địa bàn huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum vừa xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe tải và xe khách khiến một người chết, 22 người bị thương.

Thông xe tuyến đường kết nối cầu vượt sông Cầu, kết nối vùng Hà Nội - Bắc Giang

Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng thông xe kỹ thuật tuyến đường.
Dự án được thông xe kỹ thuật đóng vai trò chiến lược để hình thành mạng lưới giao thông liên kết TP Hà Nội với tỉnh Bắc Giang và các tỉnh lân cận, hoàn thiện đường Vành đai 4 qua địa phận tỉnh Bắc Giang; kết nối các khu, cụm công nghiệp của tỉnh Bắc Giang với các khu công nghiệp tại TP Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc...

Nghiên cứu cung cấp giấy chứng nhận đăng kiểm điện tử

Bộ GTVT đồng ý với đề xuất nghiên cứu cung cấp hồ sơ, giấy chứng nhận đăng kiểm phương tiện dưới dạng điện tử. (Ảnh minh họa)
(PLVN) - Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT) vừa kiến nghị Bộ GTVT cho phép lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án "Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CĐS) trong quản lý và điều hành công tác đăng kiểm của Cục Đăng kiểm giai đoạn đến 2026".