Đầu tư xây dựng trên cao tốc Bắc – Nam: Cần khắc phục khiếm khuyết của BOT

Một đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông
Một đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông
(PLO) -Thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 chiều qua (8/11), các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều nhất trí về chủ trương đầu tư nhưng cho rằng phải công khai, minh bạch các vấn đề liên quan đến dự án, khắc phục những khiếm khuyết của các dự án BOT trước đây đã được Uỷ ban Thường vụ QH chỉ ra khi giám sát về hình thức đầu tư này.

Đầu tư là cần thiết

Theo Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của QH cơ bản tán thành với sự cần thiết đầu tư Dự án như lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và cho rằng đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của đất nước, kết nối trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế TP HCM, đi qua 32 tỉnh, thành phố và các vùng kinh tế - xã hội của cả nước và đặc biệt là kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Về hình thức đầu tư, theo Tờ trình của Chính phủ, có 11 dự án thành phần được đầu tư trong giai đoạn 2017 - 2020, trong đó, có 8 dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (hợp đồng BOT). Đối với 3 dự án thành phần còn lại, áp dụng hình thức hoàn toàn bằng vốn nhà nước sau đó tổ chức thu giá sử dụng dịch vụ đối với các dự án này. Tổng vốn đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 của Dự án khoảng 118.716 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện Dự án khoảng 55.000 tỷ đồng. 

Cho ý kiến tại phiên họp, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM) đồng tình với việc cần sớm có chủ trương xây dựng một số đoạn đường cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược trong nhiệm vụ kinh tế - chính trị xã hội; nâng cấp kết cấu hạ tầng đồng bộ, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia; góp phần phát triển du lịch với chiến lược là ngành kinh tế mũi nhọn, khắc phục một số hạn chế trong ngành giao thông hiện nay.

ĐB Nguyễn Hồng Thái (Phú Thọ) cũng cho rằng xây dựng được đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông là sự đầu tư có hiệu quả cho sự phát triển đất nước, ngoài ra còn là nền tảng tốt để hình thành thế trận phòng thủ trên cả nước. 

Khắc phục những khiếm khuyết của BOT

Tuy nhiên, ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng cần công khai minh bạch và phải có giải trình kỹ về các dự án thành phần được thực hiện theo hình thức BOT trong dự án. Theo ĐB Xuyền, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải khi giải trình về dự án cho rằng đã tính rất kỹ, chi ly về kết cấu, kỹ thuật, hệ số thu hàng năm... nhưng con số thực tiễn là bao nhiêu thì phải công khai để đảm bảo tính công khai, minh bạch, tránh lợi ích nhóm, tránh sai phạm.

“Quy hoạch có rồi thì công khai về dự toán kinh phí, đấu thầu, thời gian dự kiến thu phí, thời gian đặt trạm thu phí để dân biết. Tất cả những khiếm khuyết của các dự án trước đây đã được Ủy ban Thường vụ QH chỉ ra khi giám sát phải quán triệt để cố gắng hạn chế thấp nhất thiếu sót của dự án này”, ĐB đề nghị. ĐB Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng phải đảm bảo không tồn tại những nhược điểm của một số dự án BOT trước đây. 

ĐB Xuyền và ĐB Thái đều nhất trí cho rằng phải xem xét đầu tư công vào những đoạn khó thu hút vốn nhà nước, Nhà nước buộc phải đầu tư, còn những đoạn có khả năng thu hồi vốn, đúng yêu cầu đặt ra đối với PPP là sau này không ảnh hưởng đến đi lại thì nên thu hút đầu tư. Trong khi đó, ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) đề xuất dùng chính sách huy động nguồn lực trong dân bao gồm ngoại tệ, vàng… với lãi suất khoảng 5-6%, tức vẫn thấp hơn phương án đi vay ngoài, để huy động. “Vay nước ngoài có thể kèm theo nhiều điều kiện, có thể là để cho người nước ngoài làm. Còn nếu huy động được trong dân thì dân được hưởng, như vậy hơn là vay nước ngoài”, ĐB hiến kế. 

Theo ĐB Giàng A Chu (Yên Bái), “chúng ta nên lựa chọn khoảng 30% Nhà nước đầu tư, còn khoảng 70 % xã hội hóa”. Đoạn đường nào huy động xã hội hóa (theo hình thức BOT) thì Nhà nước cần khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng vốn ưu đãi, từ đó việc bán vé qua trạm không cao và Chính phủ phải điều tiết vấn đề này để người dân trả tiền đi đường ở mức chấp nhận được.

Đọc thêm

Bài học từ buýt nhanh BRT

Ảnh minh họa
(PLVN) - Thông tin tuyến buýt nhanh BRT của Hà Nội sẽ chấm dứt hoạt động, chính thức được đưa ra mới đây, khi đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) làm việc với UBND TP Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ 2009 - 2023.

Xe tải va chạm xe khách, 23 người thương vong

Hiện trường vụ tai nạn giao thông khiến 1 người chết, 22 người bị thương.
(PLVN) - Chiều 13/4, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Kon Tum cho biết, trên tuyến đường Quốc lộ 24 đoạn qua địa bàn huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum vừa xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe tải và xe khách khiến một người chết, 22 người bị thương.

Thông xe tuyến đường kết nối cầu vượt sông Cầu, kết nối vùng Hà Nội - Bắc Giang

Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng thông xe kỹ thuật tuyến đường.
Dự án được thông xe kỹ thuật đóng vai trò chiến lược để hình thành mạng lưới giao thông liên kết TP Hà Nội với tỉnh Bắc Giang và các tỉnh lân cận, hoàn thiện đường Vành đai 4 qua địa phận tỉnh Bắc Giang; kết nối các khu, cụm công nghiệp của tỉnh Bắc Giang với các khu công nghiệp tại TP Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc...

Nghiên cứu cung cấp giấy chứng nhận đăng kiểm điện tử

Bộ GTVT đồng ý với đề xuất nghiên cứu cung cấp hồ sơ, giấy chứng nhận đăng kiểm phương tiện dưới dạng điện tử. (Ảnh minh họa)
(PLVN) - Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT) vừa kiến nghị Bộ GTVT cho phép lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án "Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CĐS) trong quản lý và điều hành công tác đăng kiểm của Cục Đăng kiểm giai đoạn đến 2026".