Boeing 737 MAX, từ 'cỗ máy đào tiền' đến nỗi sợ của thế giới

Máy bay Boeing 737 MAX
Máy bay Boeing 737 MAX
(PLVN) - Giới lập pháp Mỹ sau cuộc gặp với các quan chức trong ngành hàng không cho hay các máy bay Boeing 737 MAX 8 và 9 sẽ phải ngừng khai thác ít nhất là hết tháng 4/2019 hoặc thậm chí lâu hơn, đến khi phần mềm cập nhật được thử nghiệm và lắp đặt trên tất cả các máy bay đang bị nghi vấn...

Sáng 10/3, một máy bay của hãng hàng không Ethiopian Airlines đã bị rơi tại một cánh đồng ở ngoại ô thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, khiến toàn bộ 149 hành khách và tám phi hành đoàn trên máy bay thiệt mạng. Các nạn nhân đến từ 35 nước trên thế giới. Trong số đó, có những người là người thân của nhau như trường hợp một gia đình sáu người Canada cùng tử nạn. Một cặp vợ chồng người Italia tên Valeria Patrizia Li Vigni và Sebastiano Tusa cũng nằm trong số những người không may mắn. 

Tai nạn kinh hoàng

Máy bay Boeing 737 MAX rơi chỉ sáu phút sau khi cất cánh từ sân bay Addis Ababa để thực hiện hành trình tới Nairobi, Kenya. Một nguồn tin đã xem lại giao tiếp giữa phi hành đoàn trên chuyến bay xấu số cho biết, chỉ một phút sau khi máy bay cất cánh, cơ trưởng trên chuyến bay Yared Getachew đã báo cáo về trục trặc trong việc điều khiển chuyến bay.

Theo nguồn tin này, trước khi máy bay rơi, các phi công trên máy bay đã gặp khó khăn trong việc điều khiển hệ thống ngăn chặn hiện tượng tròng trành tự động (MCAS), hệ thống được thiết kế để tự động hướng mũi máy bay xuống dưới nếu máy bay có nguy cơ bị tròng trành. 

Bằng giọng hoảng loạn, cơ trưởng đã đề nghị được quay trở lại sân bay gần như ngay sau khi máy bay cất cánh vì máy bay đã tăng độ cao với tốc độ bất thường. Trong vòng ba phút sau khi máy bay cất cánh, hạ tầng ở sân bay đã được chuẩn bị sẵn sàng để máy bay tiếp đất. Tuy nhiên, chuyến bay mang số hiệu 302 đã leo lên độ cao bất thường và biến mất khỏi radar tại khu vực hạn chế quân sự. 

Toàn bộ quãng thời gian kể từ khi máy bay cất cánh cho đến khi nó bị rơi chỉ sáu phút. Các nhân viên kiểm soát không lưu cho biết đã nhìn thấy máy bay dao động lên xuống hàng trăm mét trước khi bị rơi. Giám đốc điều hành của hãng hàng không Ethiopian Airlines Tebolde GebreMariam cho biết, cơ trưởng của chuyến bay là một phi công có kinh nghiệm với hơn 8.000 giờ bay.

Ngoài tổn thất nặng nề, vụ việc còn gây sốc bởi đây là vụ tai nạn thứ hai xảy ra với dòng máy bay 737 MAX của hãng sản xuất máy bay hàng đầu thế giới Boeing. Trước đó, hôm 29/10/2018, chuyến bay mang số hiệu JT 610 khai thác cùng dòng máy bay của hãng hàng không Lion Air của Indonesia cũng đã rơi xuống biển, khiến tổng cộng 189 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Máy bay của Indonesia cũng bị rơi chỉ 13 phút sau khi máy bay cất cánh. 

Cả hai máy bay bị rơi đều là máy bay mới được bàn giao và đưa vào sử dụng. Các phi công trên chuyến bay mang số hiệu 610 của Lion Air cũng gặp khó khăn trong việc kiểm soát máy bay do MCAS liên tục đẩy mũi máy bay chúi xuống phía dưới sau khi máy bay cất cánh.

Những điểm tương đồng có thể thấy rõ giữa hai vụ tai nạn đã gây chấn động trong ngành công nghiệp hàng không. Ngay sau vụ việc, nhiều nước trên thế giới cấm máy bay 737 MAX bay qua không phận. Một số hãng hàng không ở các nước không có lệnh cấm nhưng cũng đã tự nguyện dừng khai thác đối với dòng máy bay trên như một biện pháp phòng ngừa. Nhiều hành khách sợ hãi không dám đi lại bằng dòng máy bay mới. 

Sau vài ngày kiên quyết không áp dụng lệnh cấm bay với 737 MAX, ngày 13/3, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cho biết, những phát hiện từ hiện trường vụ tai nạn của máy bay Ethiopia và dữ liệu vệ tinh đã tinh chỉnh cho thấy có một số tương đồng giữa hai vụ việc, trong đó có chuyển động của hai máy bay gặp nạn và có khả năng vụ việc ở Ethiopia với vụ tai nạn ở Indonesia có chung một nguyên nhân. Với phát hiện này, Mỹ đã ban hành lệnh cấm khẩn cấp đối với máy bay 737 MAX 8 và MAX 9 cho đến khi có thông báo mới. 

Thế giới đồng loạt “tẩy chay”

Tại Mỹ, theo Hệ thống báo cáo an toàn hàng không - cơ sở dữ liệu về các sự cố do các phi công tự nguyện báo cáo được NASA duy trì, sau vụ tai nạn của hãng Lion Air, ít nhất bốn phi công Mỹ đã phàn nàn về hiện tượng máy bay sẽ đột ngột hạ cánh ngay sau khi cất cánh. Trong hai vụ việc, các phi công cho biết họ đã phải ngắt kết nối với chế độ bay tự động và điều chỉnh quỹ đạo của máy bay để chuyến bay được tiến hành bình thường.

Tính đến cuối tuần qua đã có hơn 50 nước áp dụng lệnh cấm không phận với Boeing 737 MAX. Dù tiếp tục khẳng định máy bay của  hãng an toàn nhưng Boeing đã lên tiếng ủng hộ quyết định của FAA. Ngày 14/3, Boeing thông báo đã dừng việc bàn giao các máy bay mới thuộc dòng máy bay bán chạy của hãng cho khách hàng.

Tuy nhiên, việc sản xuất các máy bay một lối đi này vẫn được tiến hành một cách bình thường tại nhà máy ở gần Seattle. “Chúng tôi sẽ tạm dừng việc giao 737 MAX cho đến khi chúng tôi tìm ra giải pháp”, một người phát ngôn của Boeing thông tin. Hãng hàng không Garuda của Indonesia đã“đánh tiếng” về khả năng hủy hợp đồng mua 20 chiếc Boeing 737 MAX sau hai vụ rơi máy bay.

Hãng hàng không Ethiopia trong tuần qua đã gửi các hộp đen của máy bay gặp nạn tới Cục Điều tra và Phân tích về An toàn Hàng không Dân dụng (BEA) của Pháp để các điều tra viên tìm hiểu, xác định nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn thảm khốc. Theo BEA, việc phân tích kỹ thuật với các thiết bị của máy bay của Ethiopia bắt đầu từ ngày 15/3 và sẽ phải mất vài ngày mới có thể đưa ra được những kết luận ban đầu.

Ủy ban an toàn quốc gia của Mỹ cũng cử một nhóm điều tra viên tới hỗ trợ việc điều tra. Hiện nay, Mỹ và Pháp là những nước có nhiều kinh nghiệm trong việc điều tra các sự cố liên quan đến các dòng máy bay Boeing và Airbus. Các chuyên gia hàng không cho biết, những thông tin từ các thiết bị ghi âm buồng lái và dữ liệu chuyến bay có thể giúp giải thích 90% các vụ tai nạn.

“Máy bay phản lực bán chạy nhất mọi thời đại” 

Máy bay 737 MAX là máy bay thế hệ 737 thứ hai của Boeing. So với các dòng 737 trước đó, máy bay này được thay đổi về cả động cơ lẫn thân máy bay. Động cơ của máy bay là động cơ CFM International LEAP-1B được cho là có hiệu suất nhiên liệu cao hơn 15% so với dòng động cơ CFM56 được sử dụng trên thế hệ máy bay cũ. Nhờ khả năng sử dụng nhiên liệu hiệu quả nên máy bay có thể bay liên tục tới 6.570 km. 

Theo đơn vị sản xuất, máy bay Boeing 737 MAX 8 có chiều dài 39,52 m; sải cánh 35,9 m; cao 12,3 m; tầm bay 6.510 km và tốc độ tối đa đạt 842 km/h. MAX 8 được đánh giá là có độ cách âm cực tốt, yên tĩnh hơn tới 40% so với những chiếc 737 khác, khiến hành khách ngồi trên máy bay có cảm giác như máy bay đang đứng im.

Hiện trường chiếc Boeing 737 MAX gặp nạn
 Hiện trường chiếc Boeing 737 MAX gặp nạn

Dòng máy bay này có sức chứa tới 210 người, bao gồm cả hành khách và hai phi công, bốn tiếp viên. Ghế ngồi trên máy bay cũng lớn hơn các dòng máy bay trước đó và có thể thay đổi vị trí ghế tùy theo số lượng người trên máy bay cho thuận tiện.

Sau các vụ tai nạn trên, Boeing cho biết sẽ triển khai việc cải tiến phần mềm trên toàn bộ các máy bay 737 MAX trong những tuần tới. Theo FAA, phần mềm sửa lỗi cho máy bay 737 MAX đã được Boeing bắt tay vào chế tạo từ sau vụ tai nạn hồi tháng 10 năm ngoái. Tuy nhiên, công việc này mất vài tháng để hoàn thành.

Giới lập pháp Mỹ sau cuộc gặp với các quan chức trong ngành hàng không cho hay các máy bay Boeing 737 MAX 8 và 9 sẽ phải ngừng khai thác ít nhất là hết tháng 4/2019 hoặc thậm chí lâu hơn, đến khi phần mềm cập nhật được thử nghiệm và lắp đặt trên tất cả các máy bay đang bị nghi vấn.

Theo Boeing, hơn 10.000 chiếc 737 đã được sản xuất, khiến nó trở thành máy bay phản lực bán chạy nhất mọi thời đại. Với dòng máy bay 737 MAX 8, theo thống kê của FAA, trước vụ tai nạn, có 74 chiếc đang đăng ký khai thác bay ở Mỹ và 387 chiếc được 59 hãng hàng không trên toàn thế giới sử dụng. Boeing cũng đã nhận được đơn đặt hàng 4.661 máy bay khác. Đây là dòng máy bay giúp hãng “hái ra tiền”, từng được kỳ vọng sẽ trở thành chiếc máy bay tiêu chuẩn trong nhiều thập kỷ tới. 

Với các con số như vậy, thiệt hại tài chính đối với Boeing nói riêng và cả ngành công nghiệp hàng không nói chung được cho là sẽ rất lớn. Thống kê cho thấy, cổ phiếu của Boeing đã giảm tới 11% chỉ trong ít ngày sau tai nạn ở Ethiopia, cuốn băng hơn 26 tỉ USD vốn hóa của hãng. Trong đó, chỉ trong một ngày 14/3, giá trị thị trường của Boeing đã mất 1%. Theo nhà sản xuất máy bay của Mỹ, mỗi tháng, hãng sản xuất được 52 chiếc máy bay, trong đó các máy bay MAX chiếm tỉ lệ lớn.

Đọc thêm

Bài học từ buýt nhanh BRT

Ảnh minh họa
(PLVN) - Thông tin tuyến buýt nhanh BRT của Hà Nội sẽ chấm dứt hoạt động, chính thức được đưa ra mới đây, khi đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) làm việc với UBND TP Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ 2009 - 2023.

Xe tải va chạm xe khách, 23 người thương vong

Hiện trường vụ tai nạn giao thông khiến 1 người chết, 22 người bị thương.
(PLVN) - Chiều 13/4, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Kon Tum cho biết, trên tuyến đường Quốc lộ 24 đoạn qua địa bàn huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum vừa xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe tải và xe khách khiến một người chết, 22 người bị thương.

Thông xe tuyến đường kết nối cầu vượt sông Cầu, kết nối vùng Hà Nội - Bắc Giang

Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng thông xe kỹ thuật tuyến đường.
Dự án được thông xe kỹ thuật đóng vai trò chiến lược để hình thành mạng lưới giao thông liên kết TP Hà Nội với tỉnh Bắc Giang và các tỉnh lân cận, hoàn thiện đường Vành đai 4 qua địa phận tỉnh Bắc Giang; kết nối các khu, cụm công nghiệp của tỉnh Bắc Giang với các khu công nghiệp tại TP Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc...

Nghiên cứu cung cấp giấy chứng nhận đăng kiểm điện tử

Bộ GTVT đồng ý với đề xuất nghiên cứu cung cấp hồ sơ, giấy chứng nhận đăng kiểm phương tiện dưới dạng điện tử. (Ảnh minh họa)
(PLVN) - Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT) vừa kiến nghị Bộ GTVT cho phép lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án "Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CĐS) trong quản lý và điều hành công tác đăng kiểm của Cục Đăng kiểm giai đoạn đến 2026".