Bỏ chấp thuận tuyến: Nhiều Sở GTVT “bỏ phiếu” thuận cho Bộ trưởng Thăng

Dư luận cho rằng, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đánh công văn hỏi việc mua “lốt” xe vào Bến Mỹ Đình là “coi thường”, “thách đố” cấp trên?
Dư luận cho rằng, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đánh công văn hỏi việc mua “lốt” xe vào Bến Mỹ Đình là “coi thường”, “thách đố” cấp trên?
(PLO) - Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) từng giải trình với Bộ trưởng Đinh La Thăng: "Bỏ chấp thuận tuyến, các sở còn nhiều băn khoăn”. Nhưng trả lời PLVN, những địa phương có hoạt động kinh doanh vận tải phát triển đều đồng thanh ủng hộ quan điểm bỏ chấp thuận tuyến của vị “Tư lệnh” ngành.
Các sở nói gì về chuyện mua, bán “lốt” xe?
Ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Vận tải, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hải Phòng cho biết, chủ trương bỏ chấp thuận tuyến của Bộ trưởng Thăng là hợp lý, đúng đắn. Hiện các cơ quan nhà nước đang trong quá trình thực hiện giảm bớt thủ tục hành chính, việc bỏ thủ tục chấp thuận tuyến trong ngành GTVT sẽ giảm nguy cơ làm phát sinh tiêu cực. 
Cũng theo vị này, quy hoạch luồng tuyến đã được công bố, việc chuyển sang hình thức đấu thầu khai thác tuyến sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vận tải, đảm bảo tính công khai trong quản lý, công bằng cho doanh nghiệp. 
“Mục đích  bỏ chấp thuận tuyến là tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh lành mạnh, xóa bỏ cơ chế xin - cho... Điều quan trọng nhất là nâng cao chất lượng dịch vụ mà không bị xáo trộn”, Trưởng phòng Hiếu khẳng định. 
Tuy nhiên theo ông Hiếu, nếu muốn thực hiện bỏ chấp thuận tuyến thì cơ quan nhà nước phải sửa Thông tư 63, bởi văn bản này vẫn đang quy định về chấp thuận tuyến, đồng thời chưa bổ sung quy định về luồng tuyến.
Theo ghi nhận của PLVN, hiện mỗi ngày ở Hải Phòng có khoảng 800 đầu xe đi, lượng đầu xe đến cũng tương tự. Trong đó, tuyến Hà Nội - Hải Phòng chiếm số lượng lớn hơn cả. Trước thắc mắc về tình trạng một số xe đăng ký hợp đồng du lịch, không được vào bến nhưng vẫn đón trả khách ở những địa điểm gần bến, ông Hiếu thừa nhận tình trạng này khá phổ biến. 
Ông cho biết, phù hiệu xe vào các bến đón trả khách khác với phù hiệu xe hợp đồng du lịch. Xe khách du lịch chỉ được hợp đồng chạy xe với những người đi du lịch. Để thực hiện việc này, chủ xe hợp tác với khách du lịch thỏa thuận bằng văn bản hợp đồng trước khi xe chạy. Việc những xe hợp đồng du lịch đón trả khách như xe các tuyến cố định là trái quy định. 
Ngoài ra, ông Hiếu cho biết thẩm quyền kiểm tra xe “dù” thuộc Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông. “Nếu bỏ chấp thuận tuyến, các đơn vị thanh, kiểm tra giao thông chắc chắn sẽ phải tăng cường kiểm tra các xe du lịch này để tránh xáo trộn thị trường xe khách”, ông Hiếu nhận định.
Liên quan đến việc Bộ trưởng Thăng cho rằng có nghe phản ánh “chạy” một “lốt” xe vào Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội), các đơn vị vận tải phải mất 500- 600 triệu đồng “lót tay”, ông Hiếu cho biết tại các bến xe lớn như ở Hà Nội, thông tin mà Bộ trưởng nghe được là hoàn toàn có thể có. “Xe tuyến Hải Phòng - Hà Nội không chạy Bến Mỹ Đình nên chúng tôi không nắm được nhiều thông tin. Tuy nhiên, theo cảm quan của tôi, những vấn đề tiêu cực như Bộ trưởng nêu hoàn toàn có thể xảy ra”, ông Hiếu cho biết.
Vai trò quản lý nhà nước vẫn đảm bảo 
Liên quan vấn đề này, ông Nghiêm Văn Hải, Giám đốc Sở GTVT Lạng Sơn cho biết thêm, việc Bộ trưởng Thăng chỉ đạo bỏ chấp thuận tuyến, các doanh nghiệp vận tải Lạng Sơn vui mừng ra mặt vì nó sẽ giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các chủ thể kinh doanh vận tải. 
Theo ông Hải, Lạng Sơn có ba bến xe; là địa phương nằm ở cửa khẩu, nhiều du khách đến tham quan, mua sắm nên lưu lượng vận tải hành khách ở các nơi lên Lạng Sơn là khá lớn. “Chúng tôi đồng thuận với Bộ trưởng về việc bỏ chấp thuận tuyến, điều này giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện để doanh nghiệp vận tải tự chủ, đỡ tốn thời gian qua nhiều cửa mà dịch vụ vẫn đảm bảo chất lượng”, ông  Giám đốc Sở nói không một chút băn khoăn. 
Trước câu hỏi nếu bỏ chấp thuận tuyến, vai trò quản lý nhà nước của các Sở GTVT sẽ bị hạn chế, từ đó nảy sinh phức tạp, đặc biệt là nạn “xe dù”, ông Hải cho biết, vai trò quản lý nhà nước của các sở sẽ vẫn được duy trì, bởi lẽ việc quy hoạch phân luồng tuyến được các sở nắm và quản lý ở tầng vĩ mô. 
Khi đã có danh sách các đơn vị được chạy tuyến cố định hay du lịch thì Sở GTVT sẽ tăng cường quản lý nhà nước bằng cách siết chặt công tác thanh tra giao thông. Trách nhiệm của cơ quan Thanh tra sẽ lớn hơn, nặng hơn để quản lý việc xe khách vận tải có thực hiện đúng quy định hay không. 
“Từ tháng 9 đến nay, công việc thanh, kiểm tra các loại xe “dù”, xe du lịch nhưng đón trả khách bừa bãi đã được chúng tôi liên tục kiểm tra tại các tuyến đường nên tình trạng kinh doanh xe khách trái phép được giảm thiểu. Cá nhân tôi cho rằng, không có chuyện bỏ chấp thuận tuyến sẽ giảm vai trò quản lý nhà nước của các sở”, vẫn lời ông Hải.

Đọc thêm

Cục CSGT tăng cường xử lý vi phạm giao thông theo chuyên đề

Cục CSGT tăng cường xử lý vi phạm giao thông theo chuyên đề
(PLVN) - Trong năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024, lực lượng CSGT toàn quốc đã tập trung xử lý các hành vi là nguyên nhân gây TNGT. Trong đó vi phạm về nồng độ cồn 1.045.844 trường hợp, chiếm 20,21%; ma túy 4.522 trường hợp; đi sai làn đường, phần đường 102.878 trường hợp; tránh vượt không đúng quy định 15.261 trường hợp; quá tải 123.177 trường hợp...

Tổ chức chạy tàu 'Kết nối di sản miền Trung'

Tuyến đường sắt nối Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng sẽ qua đèo Hải Vân hi vọng sẽ đem đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách.
(PLVN) - Để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và du khách từ Huế đến Đà Nẵng và ngược lại, từ ngày 26/3/2024, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng tổ chức vận hành đoàn tàu trên khu đoạn Huế - Đà Nẵng và ngược lại theo hình thức kinh doanh vận tải kết hợp khai thác dịch vụ du lịch.

Con số đáng báo động

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Cả nước hiện có gần 1.900km đường cao tốc, nhưng do phân kỳ đầu tư nên trong giai đoạn 1, 5 dự án mới có 2 làn xe, gồm: Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan, Yên Bái - Lào Cai, Thái Nguyên - Chợ Mới, Hòa Lạc - Hòa Bình.