Báo động du khách nước ngoài gây tai nạn chết người

Cảnh sát giao thông xử lý người nước ngoài vi phạm giao thông
Cảnh sát giao thông xử lý người nước ngoài vi phạm giao thông
(PLO) - Nhiều năm nay trên các địa bàn tỉnh, thành phố (TP) thu hút du lịch đã xảy ra nhiều vụ tai nạn gây chết người hoặc thương vong nghiêm trọng đều liên quan tới người nước ngoài vi phạm giao thông. Các cơ quan chức năng đang phải “mạnh tay” siết chặt kiểm soát để ngăn ngừa những diễn biến ngày càng phức tạp. 

Tai nạn thương tâm

Cách đây không lâu, ở địa bàn xã Yên Sơn (Quốc Oai, Hà Nội), người dân “hoảng hồn” phát hiện một người đàn ông ngoại quốc tử vong trên vỉa hè, cùng chiếc xe máy có dấu hiệu bị hư hỏng; được biết đoạn đường xảy ra vụ việc đang thi công và đã được đặt biển cảnh báo.

Cũng khoảng thời gian này, tại tỉnh Quảng Ninh, một nữ du khách người Ba Lan đã tử nạn khi va chạm với chiếc xe máy của đồng hương chạy cùng chiều, cô ngã xuống đường và bị xe tải chạy cùng chiều cán phải.

Ở Sài Gòn, lại có nhiều trường hợp như một người đàn ông quốc tịch Singapore, do uống rượu say lại tự mình chạy xe trên đường va vào gốc cây; một người Hàn Quốc không làm chủ tốc độ, lại gặp phải khúc cua nên đâm vào dải phân cách trồng cây xanh; cả hai trường hợp đều tử vong tại chỗ.

Thời gian gần đây, trên các địa bàn thu hút du lịch như Hà Nội, TP HCM, Nha Trang, Vũng Tàu, Mũi Né… đã xảy ra nhiều vụ tai nạn gây chết người hoặc thương vong nghiêm trọng do người nước ngoài gây ra.

Qua thống kê, hầu hết các vụ tai nạn giao thông xảy ra do người điều khiển phương tiện giao thông là người ngoại quốc đến du lịch, đầu tư, đào tạo ngoại ngữ nhưng không có giấy phép lái xe mô tô, xe máy theo quy định. Đa số các phương tiện giao thông được người nước ngoài thuê của các khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở lưu trú, các trung tâm đào tạo ngoại ngữ, hướng dẫn viên du lịch. 

Nguyên nhân gây tai nạn là do người nước ngoài khi đến Việt Nam, họ không am hiểu địa hình, đường sá, Luật Giao thông đường bộ của Việt Nam; ví như điều khiển xe không có bằng lái, lưu thông không đúng phần đường, chuyển hướng không đúng quy định, không giữ khoảng cách an toàn, không chú ý quan sát, đi vào đường cấm, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ…

Trong đó có nhiều trường hợp thường xuyên đi về khuya, không tránh khỏi có tình trạng sử dụng rượu, bia hoặc các chất kích thích, lạc tay lái tự gây tai nạn. Ở trung tâm các TP, nơi tập trung khá đông du khách đến làm việc, tham quan… chủ yếu các trường hợp người nước ngoài vi phạm vào các lỗi dừng, đỗ ô tô không đúng nơi quy định.

Tuy nhiên, nhóm người này thường được Cảnh sát giao thông (CSGT) “ưu ái” cho đi bởi vì… bất đồng ngôn ngữ. Không hiểu ngôn ngữ, không hiểu luật, hay biết nhưng vờ không biết là những “chiêu” phổ biến mà nhiều người nước ngoài hay sử dụng để đối phó với CSGT khi bị tuýt còi.

Lực lượng CSGT ở các địa phương, tỉnh, TP rất vất vả khi người nước ngoài từ chối hợp tác, né tránh trách nhiệm; khiến nhiều vụ việc phải kéo dài hoặc bỏ dở. Nhiều người gây khó dễ cho công tác xử lý tai nạn như được mời đến làm việc thì không đến, không sử dụng tiếng Anh mà dùng tiếng bản địa, từ chối ký biên bản vì không hiểu tiếng Việt…, nhiều trường hợp CSGT buộc phải nhờ đến các đại sứ quán hỗ trợ. 

Phối hợp “mạnh tay” xử lý

Theo quy định, đối với người nước ngoài đến Việt Nam mà điều khiển phương tiện lưu thông trên đường phải có giấy phép lái xe quốc tế và tuân thủ chấp hành Luật Giao thông đường bộ Việt Nam. Các trường hợp vi phạm cũng bị xử lý bình thường như các công dân Việt Nam. Đối với các trường hợp người nước ngoài thuê xe máy thì chủ xe cũng phải chịu trách nhiệm vì lỗi giao xe cho người không đủ điều kiện sử dụng. 

Mới đây, Tổng cục Du lịch (TCDL) vừa ban hành Văn bản số 1697/TCDL - LH gửi Sở Du lịch, Sở VHTT&DL các tỉnh, TP, các doanh nghiệp lữ hành quốc tế về việc đảm bảo an toàn cho người nước ngoài tham gia giao thông tại Việt Nam.

Văn bản đề nghị Sở Du lịch, Sở VHTT&DL các địa phương thông tin, tuyên truyền tới các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn để nắm được quy định pháp luật về các vấn đề liên quan; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động cung ứng dịch vụ cho thuê xe mô tô, xe máy tự lái, xử lý kịp thời các vi phạm; kiên quyết dừng hoạt động đối với các tổ chức, cá nhân không đảm bảo điều kiện an ninh, an toàn, chất lượng dịch vụ; phối hợp với các ban ngành liên quan tăng cường công tác quản lý, triển khai các biện pháp đồng bộ để đảm bảo an ninh, an toàn, chất lượng dịch vụ cho khách du lịch.

Đối với các doanh nghiệp lữ hành quốc tế, TCDL đề nghị tăng cường công tác giáo dục, nâng cao nhận thức cho khách du lịch nước ngoài trong việc chấp hành quy định của pháp luật về Luật Giao thông đường bộ; đồng thời cảnh báo cho du khách những điểm du lịch có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao, đoạn đường thường xảy ra sạt lở đất vào mùa mưa, sương mù vào mùa đông. 

Bên cạnh đó, các đơn vị cung ứng dịch vụ cho thuê xe mô tô, xe máy tự lái phải tiến hành rà soát, kiểm tra chất lượng dịch vụ và điều kiện đảm bảo an toàn của phương tiện; chủ động cung cấp thông tin cho các lực lượng chức năng địa phương liên quan đến việc người nước ngoài thuê mượn xe; phối hợp kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật Việt Nam khi có yêu cầu.

Theo đó, hầu hết các tỉnh, TP trên toàn quốc đều đã có những khuyến cáo đến các cơ quan chức năng, đại lý du lịch, cơ sở cho thuê xe tự lái, và các doanh nghiệp liên quan… tự kiểm tra, phối hợp và chấp hành theo quy định pháp luật.

Thiết nghĩ, đây là một động thái đáng quan tâm nhằm hạn chế xảy ra các tai nạn thương tâm cũng như liên đới trách nhiệm pháp lý khi tai nạn xảy ra. Tuy vậy, giao thông ở Việt Nam có những tính chất đặc thù khiến việc xử lý người nước ngoài vi phạm luật giao thông trở nên phức tạp hơn so với người Việt. Dù vậy, nếu đã xử lý cần phải mạnh tay, triệt để nêu gương; kèm theo tích cực tuyên truyền, phổ biến luật để người nước ngoài được tiếp cận, tuân thủ luật pháp một cách bài bản./.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Dồn sức thông xe hai dự án cao tốc Bắc - Nam trước 30/4

Thi công cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt. (Ảnh: Nhà thầu dự án cung cấp)
(PLVN) - Không chỉ thi công 3 ca, 4 kíp suốt ngày đêm, nhiều nhà thầu còn sẵn sàng tăng cường máy móc, nhân lực sang hỗ trợ nhà thầu khác đang gặp khó để nỗ lực đưa 2 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông vào hoạt động trước dịp 30/4.

Bài học từ buýt nhanh BRT

Ảnh minh họa
(PLVN) - Thông tin tuyến buýt nhanh BRT của Hà Nội sẽ chấm dứt hoạt động, chính thức được đưa ra mới đây, khi đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) làm việc với UBND TP Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ 2009 - 2023.

Xe tải va chạm xe khách, 23 người thương vong

Hiện trường vụ tai nạn giao thông khiến 1 người chết, 22 người bị thương.
(PLVN) - Chiều 13/4, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Kon Tum cho biết, trên tuyến đường Quốc lộ 24 đoạn qua địa bàn huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum vừa xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe tải và xe khách khiến một người chết, 22 người bị thương.

Thông xe tuyến đường kết nối cầu vượt sông Cầu, kết nối vùng Hà Nội - Bắc Giang

Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng thông xe kỹ thuật tuyến đường.
Dự án được thông xe kỹ thuật đóng vai trò chiến lược để hình thành mạng lưới giao thông liên kết TP Hà Nội với tỉnh Bắc Giang và các tỉnh lân cận, hoàn thiện đường Vành đai 4 qua địa phận tỉnh Bắc Giang; kết nối các khu, cụm công nghiệp của tỉnh Bắc Giang với các khu công nghiệp tại TP Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc...

Nghiên cứu cung cấp giấy chứng nhận đăng kiểm điện tử

Bộ GTVT đồng ý với đề xuất nghiên cứu cung cấp hồ sơ, giấy chứng nhận đăng kiểm phương tiện dưới dạng điện tử. (Ảnh minh họa)
(PLVN) - Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT) vừa kiến nghị Bộ GTVT cho phép lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án "Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CĐS) trong quản lý và điều hành công tác đăng kiểm của Cục Đăng kiểm giai đoạn đến 2026".