Nhà đầu tư "bài vở", nhận dự án giao thông rồi... để đó

Trên công trường Dự án La Sơn - Túy Loan
Trên công trường Dự án La Sơn - Túy Loan
(PLO) - Mặt bằng đã bàn giao gần 90% nhưng các gói thầu mới triển khai 20%. Bộ Giao thông Vận tải “sốt ruột” triệu tập giao ban để thúc tiến độ thì lãnh đạo cao nhất của nhà đầu tư… không xuất hiện.
Nhận dự án rồi để đó?
Đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan (đi qua Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng) là dự án BT  (xây dựng - chuyển giao) về giao thông vào loại lớn nhất hiện nay (gần 12 ngàn tỷ đồng). 
Dự án được thực hiện bởi nhà đầu tư  Cty TNHH đầu tư  BT Cam Lộ - Túy Loan, gồm một liên danh 7 doanh nghiệp: Cty TNHH một thành viên Tổng đội Thanh niên xung phong Trường Sơn, Tổng Cty Xây dựng số 1, Cienco 8, Tổng Cty Xây dựng Trường Sơn, Cty TNHH MTV đầu tư xây dựng Vạn Tường, Cty CP tập đoàn Trường Thịnh và Cty TNHH tập đoàn Sơn Hải. 
Theo kế hoạch, cuối năm 2016 tuyến này sẽ phải hoàn thành nhưng đến nay tiến độ thi công vẫn rất chậm (sản lượng mới đạt khoảng 20%) trong khi mặt bằng cho dự án đã bàn giao khoảng 86%. 
Được biết, để có được mặt bằng như vừa nêu, Bộ GTVT và các địa phương có tuyến đường đi qua đã phải mất rất nhiều thời gian để tháo gỡ; ngoài ra, các vấn đề nan giải như thủ tục pháp lý, nguồn vốn vay ưu đãi của nước ngoài… cũng đã được giải quyết. 
Thế nhưng, kết quả mà các nhà đầu tư, nhà thầu thực hiện được trên hiện trường chưa thực sự tương xứng với những nỗ lực, thuận lợi vừa nêu. 
Theo đó, trong một cuộc họp kiểm điểm tiến độ cách đây không lâu, đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền của dự án này (Ban Quản lý dự án (PMU) đường Hồ Chí Minh) cho biết, năng lực tài chính của nhà thầu và một số mũi thi công còn yếu, không đáp ứng kịp thời việc triển khai đồng loạt, liên tục dù thời tiết vào thời điểm đó khá thuận lợi. 
Vì thế, Bộ GTVT từng cảnh báo các chủ thể tham gia dự án này rằng: “Đây không phải là chỗ để các nhà đầu tư, nhà thầu giữ việc, nhận dự án rồi để đó…”. 
PMU đường Hồ Chí Minh “bài vở” qua loa 
Được biết, sau nhiều đợt kiểm tra, thị sát hiện trường, tiến độ đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan vẫn không có nhiều chuyển biến. 
Sốt ruột trước thực tế trên, hôm 22/11 vừa rồi, Bộ GTVT đã triệu tập các bên liên quan đến để kiểm điểm tiến độ dự án do đích thân Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chủ trì cùng với sự có mặt của đầy đủ các vụ, cục chức năng thuộc Bộ GTVT, nhưng một số thành phần (lãnh đạo cao nhất của nhà đầu tư, các đơn vị thi công và Ban Quản lý dự án) đáng ra phải có mặt thì đều vắng mặt. 
Không những thế, hầu hết các đơn vị tư vấn thiết kế kỹ thuật cũng bỏ họp. Còn đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với dự án này thì bị lãnh đạo Bộ phê bình thiếu chủ động và còn sơ sài trong việc chuẩn bị “bài vở” cho cuộc họp bàn về dự án quan trọng nói trên. 
“Để công tác họp kiểm điểm tiến độ dự án đạt được hiệu quả, yêu cầu PMU đường Hồ Chí Minh chuẩn bị nội dung họp phải đầy đủ, giải quyết được các vấn đề liên quan…”, Thứ trưởng Trường đặc biệt lưu ý.
Tại cuộc cuộc giao ban, những vấn đề còn tồn tại như thủ tục bổ sung nhà đầu tư, việc góp vốn chủ sở hữu và các vấn đề kỹ thuật pháp sinh... cũng được đưa ra mổ xẻ. 
Tuy nhiên, do cuộc họp thiếu vắng những người có thẩm quyền cao nhất từ phía nhà đầu tư, nhà thầu xây lắp và tư vấn nên việc lĩnh hội và xử lý các vướng mắc này rất có thể sẽ không nhanh chóng như mong muốn của Bộ GTVT? 
Theo chỉ đạo của ông Trường, trong thời gian tới, PMU đường Hồ Chí Minh, nhà đầu tư, tư vấn giám sát và các đơn vị thi công phải khẩn trương lập lại tiến độ tổng thể và tiến độ chi tiết của từng gói thầu nhằm đảm bảo hoàn thành cơ bản các hạng mục chính trong tháng 6/2016, kết thúc dự án trong năm 2016. 
Vì thế, Bộ GTVT tuyên bố nếu đơn vị nào không đáp ứng hoặc chậm tiến độ trên 5% thì phải điều chuyển, bổ sung mũi thi công.
Trao đổi với PLVN, hôm qua (26/11) ông Phan Quang Hiển - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) nói: “Giá trị của dự án này gần như được chia đều cho các nhà đầu tư, nhưng qua kiểm tra trên tuyến chỉ có Tổng Cty Xây dựng Trường Sơn và Cty TNHH tập đoàn Sơn Hải có “phong độ” thi công tương đối ổn định, các đơn vị còn lại triển khai hết sức lẹt đẹt, không đảm bảo yêu cầu đề ra”.
Ngoài những vướng mắc chủ quan từ phía nhà đầu tư, dự án hiện còn khoảng 8km (phía Đà Nẵng) mặt bằng đang trong tình trạng “xôi đỗ” nên ít nhiều cản trở việc thi công. 
“Đây là dự án được triển khai trên tuyến mới, vì thế mặt bằng cần phải bàn giao toàn bộ mới làm được, nhưng thực tế đoạn qua Đà Nẵng đang vướng khá nhiều mồ mả của một số hộ gia đình. Nếu địa phương không vận động được người dân ủng hộ dự án và sớm di dời mồ mả xong trước tết Nguyên đán sắp tới thì mục tiêu “về đích” vào cuối năm 2016 của dự án e khó đạt được”, ông Hiển nói.  
“Đây là dự án có tầm đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh, thành Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng cũng như cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung.  Tuyến có điểm đầu là đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn  - Túy Loan; điểm giao giữa QL1 và tỉnh lộ 14B (Thừa Thiên Huế) và điểm cuối ở Km 79-800 (điểm đầu dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi) tại Hòa Vang, Đà Nẵng. Sau khi hoàn thành, công trình sẽ hoàn thiện một phần tuyến chính của đường Hồ Chí Minh, kết nối với tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và hòa nhập vào tuyến đường xuyên Á.”

Đọc thêm

Cục CSGT tăng cường xử lý vi phạm giao thông theo chuyên đề

Cục CSGT tăng cường xử lý vi phạm giao thông theo chuyên đề
(PLVN) - Trong năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024, lực lượng CSGT toàn quốc đã tập trung xử lý các hành vi là nguyên nhân gây TNGT. Trong đó vi phạm về nồng độ cồn 1.045.844 trường hợp, chiếm 20,21%; ma túy 4.522 trường hợp; đi sai làn đường, phần đường 102.878 trường hợp; tránh vượt không đúng quy định 15.261 trường hợp; quá tải 123.177 trường hợp...

Tổ chức chạy tàu 'Kết nối di sản miền Trung'

Tuyến đường sắt nối Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng sẽ qua đèo Hải Vân hi vọng sẽ đem đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách.
(PLVN) - Để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và du khách từ Huế đến Đà Nẵng và ngược lại, từ ngày 26/3/2024, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng tổ chức vận hành đoàn tàu trên khu đoạn Huế - Đà Nẵng và ngược lại theo hình thức kinh doanh vận tải kết hợp khai thác dịch vụ du lịch.

Con số đáng báo động

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Cả nước hiện có gần 1.900km đường cao tốc, nhưng do phân kỳ đầu tư nên trong giai đoạn 1, 5 dự án mới có 2 làn xe, gồm: Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan, Yên Bái - Lào Cai, Thái Nguyên - Chợ Mới, Hòa Lạc - Hòa Bình.